Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

CUỘC CHIẾN GIỮA CON NGƯỜI VÀ QUYỀN NĂNG SÓI

(Cảm nhận qua tiểu thuyết “Danh tiếng và bóng tối” của Lê Hoài Nam- NXB Phụ Nữ- tháng 9-2008)



“Danh tiếng và bóng tối”, tên của cuốn tiểu thuyết gợi cho ta một cặp phạm trù có vẻ mâu thuẫn. Qua tác phẩm, tác giả muốn đề cập đến mặt còn khuất lấp sau cái danh tiếng của những “danh nhân” văn nghệ thời nay đang hiện diện trên một vùng quê vốn có long mạch văn hiến. Câu chuyện được bắt đầu từ chuyện tình của một nữ nhà báo trẻ Phan Hài Lan. Trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng do mang trong mình phẩm chất của một trí thức con nhà nòi và với bản chất thánh thiện- cô đã đứng lên từ nỗi đau, chọn cho mình một hướng đi chắc chắn: sẽ viết những gì mình được thấy, được nghe. Nàng xác định hãy ở quê để viết, tránh mọi bon chen nơi đô hội, mong được đất quê, hồn quê giúp mình “vớt vát chút linh khí cho văn chương quê mình”. Hài Lan đã gặp được một tình yêu đẹp. Tình yêu ấy đã giúp cô nhìn rõ hơn ngọn nguồn những mất mát thiệt thòi mà mình phải gánh chịu. Chính tình yêu ấy đã chắp cánh cho những trang viết của cô.
Lê Hoài Nam đã dụng công diễn tả những thăng trầm của cuộc đời Phan Hài Lan và gia đình cô- một gia đình trí thức có dòng dõi khoa bảng. Nó để lại trong người đọc sự đồng cảm sâu sắc về một số phận trong buổi giao thời. Nếu khai thác kỹ những chìm nổi của gia đình cô cũng đã đủ để viết một tiểu thuyết dầy dặn. Nhưng Lê Hoài Nam không tập trung ở đó mà anh chỉ coi nó như một cái cớ rất quan trọng để xuất hiện các nhân vật tiếp theo với những số phận rất khác nhau. Những con người ở đây chia ra thành hai tuyến đối lập với đặc trưng tính cách khác nhau, đấu tranh với nhau. Đó là cuộc chiến giữa Thiện và Ác, giữa Con Người (với danh từ viết hoa) và lũ sói đội lốt người.
Đại diện cho Con Người ta thấy nổi lên nhân vật Lữ Nam Phương. Một Hội viên Hội Nhà văn làm Phó Chủ tịch ngành văn học nghệ thuật tỉnh. Từ một sỹ quan quân đội có năng khiếu văn học, chịu khó đọc và được đào tạo bài bản để trở thành cây bút chuyên nghiệp; Anh đã từng có nhiều tác phẩm giá trị được đón nhận và giành được nhiều giải thưởng văn chương. Với tính cách thẳng thắn nhưng cũng rất chân tình cùng với năng lực và tinh thần trách nhiệm cao- anh đã góp công sức không nhỏ cho với sự nghiệp văn học nghệ thuật của một vùng quê văn hiến. Tạp chí Tao Đàn do anh làm Tổng biên tập đã khẳng định được thương hiệu văn chương với cả nước. Anh phát hiện và bồi dưỡng những tài năng của quê hương mà không hề vụ lợi. Tác giả không khai thác nhiều về tâm lý của nhân vật này bởi vì nhân vật xuất hiện qua lời kể của Đinh Thành Tháp- người yêu của Phan Hài Lan- nhưng nhân vật lại nổi lên có cá tính mạnh mẽ. Chân tình với bạn bè nhưng anh cũng thẳng thắn đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực. Không ham hố quyền lực, anh sẵn sàng giúp đỡ tinh thần, vật chất cho những người có năng lực thực sự để họ trở thành những nhà văn, nhà thơ, những biên tập viên của các báo đài, nhà xuất bản. Anh là đại diện cho những văn sỹ vừa có tâm vừa có tài. Nam Phương đấu tranh để cố giành lấy sự công bằng cho văn nhân, đấu tranh để có một đời sống văn học lành mạnh và đấu tranh chống lại những tiêu cực ngay trong đội ngũ văn nghệ sỹ quê hương. Hệ luỵ cũng từ đó mà ra. Tin người, tin bạn viết mà anh không một chút hoài nghi phòng bị. Và anh đã phải chịu những ngón đòn đến bầm giập của bọn sói đội lốt người cũng mang danh văn sỹ nhưng bất tài kém đức. Từ vị trí Phó Chủ tịch ngành Văn học nghệ thuật của tỉnh, bởi những lý do hết sức vớ vẩn- anh bị khai trừ khỏi ngành đưa sang làm nhân viên của Hội những người tàn tật. Nhưng anh vẫn không nản: “Tôi chỉ còn một con đường duy nhất là gắng giữ cho ngòi bút viết được…”, thứ mà Lữ Nam Phương cần không phải là chiếc ghế quyền lực mà là cái bàn viết dẫu rằng cái cái bàn viết ấy được đặt ngay cạnh cổng cơ quan. Phẩm chất cao quý của người viết văn chân chính đã sáng lên chính ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.
Cùng với Lữ Nam Phương, nhân vật Đinh Thành Tháp cũng để lại sự cảm mến của người đọc bởi Tháp là người đọc nhiều, hiểu rộng, biết yêu và cũng rất bao dung. Tháp dám đấu tranh để bảo vệ lẽ phải. Anh cũng phải chịu số phận không hơn gì Nam Phương, buộc phải về hưu non. Các anh không đơn độc trong cuộc đời bởi bên cạnh các anh còn có nhiều văn sỹ khác như Trọng Thăng, Huy Thập, Phạm Ngọc Anh, Khôi Nguyên, An Thuỳ… Đó là những con người dám đấu tranh để bảo vệ văn nhân và những giá trị đích thực của văn học.
Tuyến nhân vật đối lập được tác giả khắc hoạ khá thành công với ngồn ngộn tư liệu về hành trạng bỉ ổi của chúng mà những người tử tế không bao giờ dám làm kể cả trong ý nghĩ. Và trớ trêu hơn đó là những hành động của những con người “danh tiếng” lãnh đạo ngành văn học nghệ thuật của một tỉnh. Đó là Quang Tà- nguyên trưởng ngành, là Trần Đắc Tun tân trưởng ngành, là Đỗ Lươn- uỷ viên chấp hành. Bộ ba Tà- Tun- Lươn với cái danh văn sĩ và cái ghế quyền lực đã tác oai tác quái phá tan long mạch văn hiến của cả một vùng quê. Dung nhan của bọn hắn được tác giả chấm phá vài nét: Trần Đắc Tun có tướng ngũ đoản, cái đầu hình củ ấu…miệng rộng, tai vểnh, da đen sắt, mắt màu đồng thau hay nhìn trộm… đang tập tọng làm thơ. Đỗ Lươn quần áo bảnh bao cười xoé loé, cặp mắt lươn híp lại, toé ra ánh nhìn ma quái. Và “cái mặt của Quang Tà giống cái mặt của con chó sói đến thế. Nó mang hình trụ, dài ngoẵng, cặp mắt rắn ráo ánh lên cái nhìn lạnh khô, ma quái. Cặp môi mỏng, khi cười phát ra tiếng khè khè nhẹ như gió thoảng…” , “từ một thằng bé bán nước rong kiêm móc túi ở ga tàu, bỗng chốc trở thành một công chức của Ty Văn hoá.” Tun từ một anh giáo viên hèn nhát, lấy cô vợ là con người nhà lãnh đạo mà lên chánh văn phòng huyện uỷ. Lươn thì học hành không đâu ra đâu chỉ giỏi nghe hơi nồi chõ lại chuyên nghiên cứu về văn học dân gian(!) Điểm chung nhất của bọn chúng là bất tài. Tà nhờ thành phần xuất thân cố nông được đi học bổ túc công nông rồi đi học đại học bên Nga, mà thực ra là đi buôn (thậm chí buôn cả vũ khí cho bọn lưu manh). Rồi về nước thuê người viết kịch để gán tên mình vào mà trở thành kịch tác gia kiêm đạo diễn. Lươn thì đạo văn, biến của người thành của mình, xưng danh nhà nghiên cứu. Tun chỉ quen bợ đỡ, tập tọng làm vài bài văn vần kiểu con cóc cũng huyếnh lên cái danh nhà thơ. Và cả ba đều tham vọng “sẽ trở thành danh nhân đất Việt, không sánh được với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thì cũng ngang cơ với Lương Thế Vinh, Văn Cao, Trần Huy Liệu!...” Cả ba đều giỏi một ngón nghề ăn cắp: từ việc ăn cắp triện của cơ quan công quyền vứt đi để hại người, ăn cắp văn, đến ăn cắp di sản và ăn cắp tiền... Khi bị phát hiện thì nhe nanh múa vuốt, hèn hạ dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để diệt đối thủ. Chúng là sói. Những con sói đội lốt người. Những con sói mang danh văn nghệ sĩ.
Có lẽ bản chất sói rõ nét nhất của bọn người này là từ trong bóng tối, chúng rình mò những sơ hở của đối thủ rồi nhảy xổ ra. Chúng cũng tụ tập thành bầy đàn, biết liên kết để tiêu diệt đối thủ. Nhưng khi chỉ còn bọn chúng với nhau thì lại xoay ra cắn xé nhau dữ dội. Người đọc vừa ngạc nhiên vừa thú vị cái chi tiết Tà bắt Tun phải chui qua háng. Còn Lươn luôn giở trò xỏ lá đối với Tà, với Tun. Tun vừa đạt được mục đích làm quan văn nghệ đã bới móc Tà là kền kền đội lốt công, chửi Đỗ Lươn là “thằng chó dái”. Văn sĩ đấy, nhà văn đấy, nhà thơ đấy! Liệu có hơn gì những tên xã hội đen?
Vậy bọn sói đội lốt văn nhân nghệ sĩ nửa mùa này hành động như vậy để nhằm mục đích gì? Tác giả đã lý giải thuyết phục qua việc diễn tả các hành động của chúng: đó là quyền lực. Quyền lực trong văn nghệ chỉ là hư danh nhưng chúng biết biến cái hư danh ấy thành tiền thật. Đó là một thứ quyền năng mà bọn chúng cần phải vươn tới. Chúng không chỉ có bộ sậu ba người mà cũng khá đông đảo những Hoàng Ngọc Truỳ, Nguyễn Lăng- hai tiến sĩ giấy; Kiều Chen- một sinh viên đại học báo chí có năng khiếu làm chính trị và một “nhà thơ” Hải Thế sẵn sàng biến mình thành sói khi được ăn… một khúc giò(!)
Tôi cứ băn khoăn về cái nhẽ tại sao có sự bất công đến thế, dã man đến thế ở ngay trong thời kỳ đổi mới này mà không được hoá giải. Nhưng hình như tác giả muốn cảnh tỉnh với chúng ta: ngày hôm nay hoàn toàn không có chuyện cổ tích. Trước nỗi oan khiên, trước cái vô lý mà mình đang bị truy chụp, những người chân chính đã cầu cứu đến người lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Nhân Vật Quyền Năng xuất hiện. Qua những dòng viết về tiểu sử nhân vật này và bộ sậu của ông ta là Tất Tuất, Văn Chĩnh… mà ngay những cái tên cũng đã gợi mở cho người đọc về nhân cách của các vị tai to mặt lớn này. Khi gặp Nam Phương “Nhân Vật Quyền Năng đã bị cuốn hút vào cái ma lực của văn chương thực sự”, những cái ấy đã giúp cho ông ta trở thành “vị lãnh đạo pha màu thi ca này rất hợp với khẩu vị với những nhà tổ chức…và ông ta được đánh giá là một cán bộ có năng lực toàn diện…trong vòng bảy tám năm gì đó, nhảy qua vài ba cương vị, để rồi ngồi vào cái ghế cao nhất tỉnh”… “Hiềm một nỗi cứ mỗi khi ông được thăng tiến thêm một chức thì tình yêu văn học của ông lại hạ nhiệt thêm một nấc…” Thì ra văn chương chỉ là công cụ để thăng tiến đối với ông ta!
Nhân Vật Quyền Năng là tượng trưng cho cả một thế lực, một cơ chế. Hình như nó đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại vô lý trong tác phẩm. Nó áp đặt ý đồ thô thiển buộc người viết phải tuân theo ngay cả trong ý nghĩ. Nhân vật này tuyên bố xanh rờn: “Cách nghĩ của các anh và của tôi như thế là chưa gặp nhau rồi” . Dưới các chiêu thức khác nhau, họ đã làm đảo lộn các giá trị văn hoá. Đến nỗi một nhân vật đã phải đau đớn thốt lên : “Xã hội diễn tiến kiểu này nhưng bên trong lại triệt tiêu sự tiến hoá và dinh dưỡng mầm loạn”. Và Quyền Năng sẵn sàng bao che cho những xấu xa, bao che cho tiêu cực và hơn nữa nó còn tiếp tay cho lũ sói. Khi bọn người sói này tru lên inh ỏi là Lữ Nam Phương đảo ngũ, Lữ Nam Phương công thần, không thể để ở trong hàng ngũ văn nghệ… thì Quyền Năng không hề giải thích mặc dù sự việc đã rõ như ban ngày. Đảo ngũ mà lên đến sĩ quan hàm thượng uý? Đảo ngũ mà được kết nạp Đảng? Ô hay! Nhân danh gì mà những kẻ trốn nghĩa vụ, những kẻ ăn cắp lại gào lên như vậy giữa thời Đổi mới khép lại quá khứ nhìn về tương lai. Thì ra lũ người sói, lũ mafia văn nghệ đã được Quyền Năng bật đèn xanh, đã được bộ sậu Quyền Năng bảo kê.
Sự bảo kê của bọn này như xã hội đen. Chúng ngầm đồng ý cho lũ người sói dùng đến chiêu hèn hạ nhất là đao búa. Đây là lời Tất Tuất: “Chẳng hiểu sao Quang Tà lại kéo được nhiều vây cánh đến thế, lại toàn những kẻ nhìn mặt đã biết là hạng bất hảo, đâm thuê chém mướn… Tôi nhận được thông tin khá chính xác là họ đã bàn nhau nếu đồng chí không chịu chuyển sang cơ quan khác là họ sẽ chơi luật rừng”. Thế là rõ. Có lẽ không cần phải bàn luận gì thêm.
Tôi rợn người bởi tiếng cười của Nhân Vật Quyền Năng: “Khạch khạch khạch! Khạch khạch”. Như tiếng gõ cửa của thần chết từ bóng tối hiện về. Nó xuất hiện cùng với tấm áo choàng đen. Tấm áo choàng làm nên bóng tối. Ở trong cái bóng tối của tấm áo choàng đen đó là lũ người sói. Không hiểu sao tôi cứ ám ảnh mãi cái âm thanh tiếng cười này. Và tự dưng ngộ ra một điều: lũ người sói lúc rình rập thì cười khè khè như gió thoảng. Lúc chúng tấn công con mồi thì tru lên man rợ bằng những mỹ từ lập trường quan điểm. Và chúng hể hả ngốn ngấu nhai nuốt và cắn xé. Mục đích của rình rập cắn xé ấy để trở thành quyền lực. Đắc đạo sói sẽ thành Nhân Vật Quyền Năng với cả 4 chữ viết hoa (để có thể tách riêng từng chữ). Không biết có phải là dụng ý của tác giả hay không. Tiếng cười ấy nếu coi là của con người thì nó khô khốc vô cảm. Còn nếu là của thú thì nó mới chỉ là tiếng của loài khỉ. Còn lại nó là tiếng gõ cửa của thần chết. Chắc chắn không thể là tiếng cười của con người chân chính!
Ai là người thắng! Tác giả không khẳng định. Nếu so sánh lực lương sau cuộc chiến thì cả hai bên đều có tổn thất. Như trong lời kể thì cánh Tà- Tun- Lươn- Tuất- Nhân Vật Quyền Năng chiếm giữ thế trên. Nhưng người đọc sẽ băn khoăn: Sao lại thế? Liệu có thể để như thế? Phải làm gì? Những câu hỏi ấy là thể hiện tính tích cực của tác phẩm và đó là sự chiến thắng của chính nghĩa của cái Thiện trước cái Ác. Tác giả lấy văn chương chân chính làm trọng và mục đích ấy đã đạt được nên không có lý giải gì thêm.
Bằng lối viết giản dị và chân thật, có thể khẳng định tác giả không hư cấu nhiều. Chính cái sự chân thực ấy làm nên sự hấp dẫn. Tôi đọc một hơi hết tác phẩm và bị cuốn hút bởi sự đậm đặc chi tiết sống động. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn bởi tác giả thật quá. Liệu có khỏi hệ luỵ gì không. Chắc chắn sẽ có những tiếng la ó nhân danh điều này, điều nọ của những người tự vơ vào nhận mình là người trong cuộc.
Thực lòng khi đọc “Danh tiếng và bóng tối” tôi cảm thấy hơi nặng nề và buồn vì tiếc cho một vùng quê văn hiến. Cách giải quyết của tác phẩm cũng còn hơi khiên cưỡng và cách giải quyết ấy lại để ở thì tương lai. Vì biết rằng không có chuyện cổ tích ở thời hiện tại và không nghi ngờ về tính chân thực của tác phẩm nên tôi cũng tự an ủi mình: Muốn xây một lâu đài vững chắc thì phải chuẩn bị nền móng cho vững chắc. Để có nền móng vững chắc buộc phải dọn dẹp đi những rác rưởi. Có những thứ rác rưởi mắt thường khó nhìn thấy, hoặc có thấy nhưng người ta tặc lưỡi: chẳng hề gì! Cứ xây, không sao! Nhưng toà lâu đài ấy liệu có bền vững? Người xây dựng liệu có an toàn? Việc làm của tác giả trong tác phẩm có lẽ đã làm được cái việc cảnh tỉnh cho những người xây dựng. Đó là việc làm tích cực và là việc làm dũng cảm.
Xin cảm ơn nhà văn Lê Hoài Nam.

Hải Hậu Nam Định- Đêm 04-10-2008
MAI TIẾN NGHỊ Đọc thêm!

MẶT TRỜI CHÓI LÓA

Y là người vô duyên! Điều này do chính mồm y nói ra. Dù rằng y đang là một hiệu trưởng trường Trung học cơ sở- cách nói văn hoa của các nhà cải cách giáo dục để chỉ trường cấp hai ngày xưa.
Cái sự vô duyên của y lại do người khác phát hiện ra và chỉ cho y một cách rất vô tình. Một hôm có một giáo viên của trường hỏi y: “Hôm nay anh có rửa xe không?”. Y tưởng tay giáo viên kia muốn mượn xe máy để đi đâu; vốn tính rộng rãi, y bảo : “Cần gì phải rửa! Đi đâu thì cứ lấy mà đi!” Tay giáo viên nói: “Mai em định dỡ cái bếp ra làm lại nhưng đang lo trời mưa. Hễ anh mà rửa xe thì em không làm nữa mà để hôm khác.”Y ngớ người ra. Rồi y bảo không. Nhưng buổi tối ngồi rỗi, thấy xe bẩn, y mang xe ra rửa. Sáng hôm sau thì trời mưa thật. Tay giáo viên kia nhăn nhó: “Anh đã bảo không mà lại cứ rửa … báo hại em.”
Mấy lần sau y thử lại: quả là đang nắng chang chang, hễ y rửa xe là trời lại mưa. Nói với vợ điều này, vợ y bảo: “ Vậy là anh vô duyên!”. Ngẫm ra y thấy mình vô duyên thật. Vô duyên ở hai nhẽ: Thứ nhất, mình cố cho sạch thì giời lại bắt mình phải chịu… bẩn. Thứ hai, mình chỉ biết được cái sự vô duyên của mình sau người khác…
Nhưng rồi y lại khoái cái sự vô duyên ấy. Y tuyên bố là y điều khiển được cả giời. Bằng chứng là nếu muốn có mưa là giời sẽ mưa. Cái điều mà y tuyên bố được khẳng định vài ba lần, hễ bể nước mưa của mọi người hết nước là y rửa xe. Thế là nhà nào nhà nấy nước mưa lại đầy bể…
Hôm y nói chuyện này với tôi, tôi bảo: “ Vậy ông có bắt giời đang mưa lại nắng lên được không”. Y nhìn lên giời, lát sau mặt lạnh đi: “Chịu !...”
Nhà tôi cạnh nhà y, lại cùng tuổi, nên có chuyện gì của y, tôi cũng biết. Và ngược lại. Gần đây y bị chuyển đi làm hiệu trưởng ở trường khác. Y buồn lắm. Tất nhiên tôi cũng buồn. Buồn thì…muốn viết. Vậy là tôi viết về y.

Học xong cấp ba, thi đỗ Đại học Kiến trúc, y đi bộ đội . Đánh Mỹ mấy năm, nhờ phúc ấm của tổ tiên, y lành lặn trở về với mấy cái bằng dũng sỹ và một cái khung xe đạp ( giá bây giờ có cho cũng chẳng ai thèm lấy ). Đến lúc giải ngũ lên trường xin vào học thì người ta bảo phải thi lại vào năm sau… Chán quá y về nằm khoèo ở nhà. Gặp ngay năm ấy tỉnh mở trường sư phạm hệ cấp hai. Thế là y xin vào thi. Đỗ ngay. Y theo nghiệp dạy học từ ngày ấy.
Nhờ học giỏi và cũng đã đi bộ đội về nên y được phân công về một trường trọng điểm của huyện. Dạy ở đó được mấy năm thì y được đề bạt làm hiệu trưởng một trường cạnh thị trấn quê hương yêu dấu của y. Cái thời y được đề bạt là cái thời mà chả ai muốn làm hiệu trưởng. Giáo viên đói ăn bỏ nghề chạy tứ tung. Lúc người ta gọi y lên giao việc, y đắn đo… rồi nghĩ: Làm thì làm. Đánh nhau chết còn chả sợ… Thế là y có cái mác hiệu trưởng từ đấy.
Là hiệu trưởng nhưng mà y nghèo nhất trường ( nghèo thật chứ chả phải nghèo giả như một số người thời bấy giờ) bởi vì lúc ấy ai nghèo mới là người cách mạng chân chính. Thực ra y có muốn không chân chính cũng chẳng được... Làm anh giáo trường làng, ngoài lương còm ra thì chả có gì nữa. Không thể bổ bán vào đâù học trò được. Bọn trẻ ngày ăn một bữa, đến trường ngồi xuống đất viết trên ghế. Lớp dột toang hoang. Bảo vệ che cửa lớp bằng mấy cành chà rào…Chưa tan học, chúng đã nhấp nhổm về nhà ngay để còn bèo cám lợn gà- những công việc mà bố mẹ đã dành sẵn cho trẻ con như là một tục lệ truyền kiếp…Giáo viên cũng chẳng hơn gì. Trống tan trường vừa điểm, họ đã có mặt ngoài chợ, tự hoá phép thần thông từ một giáo viên đạo mạo biến thành một thương nhân mẫn cán và không kém phần nanh nọc. Y không muốn chiềng mặt ra ngoài chợ. Và y lại có lắm tài lẻ như biết kẻ vẽ, có giọng hát hay, lại có chút năng khiếu viết lách. Tội gì không dùng! Thế là để tồn tại, y nhận ruộng khoán, rồi đi hát thuê cho đội văn nghệ xã, cắt khẩu hiệu thuê cho văn hoá xã và viết thuê các bài diễn văn cho lãnh đạo xã. Những cái thuê ấy mỗi vụ cũng cho y thu nhập thêm khoảng hai tạ thóc. Mọi người đều vỗ tay trước những sản phẩm làm thuê của y. Y có thu nhập thêm nhưng vẫn còn được cái vẻ đạo mạo của một nhà giáo trước con mắt của mọi người.
Ở xã thì chả mấy ngày lại không có hội nghị. Có lẽ lãnh đạo xã chủ yếu có hai nhiệm vụ là đi họp ở huyện và tổ chức họp ở xã. Và để thành hội nghị thì phải đủ các thành phần ban ngành đoàn thể, dĩ nhiên hiệu trưởng nhà trường bao giờ cũng phải có mặt. Cũng tiện cho y vừa phục vụ vừa họp: y đi sớm treo cái tít hội nghị lên, sau đó cùng đội văn nghệ nghêu ngao hát vài ba bài vừa cổ động vừa dẹp trật tự cho hội nghị. Chuẩn bị khai mạc thì y dúi cho lãnh đạo bài phát biểu đã được y viết từ đêm hôm trước. Rồi y nhẹ nhàng rời hội nghị về trường làm việc. Cũng chả ai để ý đến y vì nhiều hội nghị chẳng liên quan gì tới giáo dục, vả lại y đã nắm chắc nội dung và còn… chỉ thị cho hội nghị thông qua bài phát biểu viết cho lãnh đạo rồi …
Cái nghiệp viết diễn văn thuê cũng không phải là không vất vả. Trước đây các lãnh đạo xã thường nói vo, gặp gì nói nấy, chung chung thập toàn đại bổ. Thành thử nghe mãi cũng chán. Cử toạ ngồi dưới ngáp chảy cả nước mắt chờ cho lãnh đạo nói xong để đi ăn cơm. Lãnh đạo cũng chỉ ngừng nói khi tay cán bộ chăn nuôi HTX kiêm phụ trách hậu cần chạy đến ghé vào tai diễn giả : “ Báo cáo anh, xong rồi..”… Vì vậy y phải có trách nhiệm đổi mới các bài phát biểu ấy. Y tìm tòi nghiên cứu hàng đêm cho từng bài diễn văn để phù hợp với từng đối tượng, từng hội nghị. Chí ít cũng phải rõ được các nhiệm vụ của từng đoàn thể, của từng phong trào…Về mặt này thì cũng không phải lo lắm. Bởi trước một hội nghị bao giờ cũng có một cuộc họp trù bị để lãnh đạo duyệt báo cáo. Y cũng được triệu tập đến nghe. Y ghi chép cẩn thận rồi viết lời phán. Và sau đó thì nâng cốc cùng lãnh đạo . Nhưng láu cá hơn, bao giờ y cũng lồng tý giáo dục vào bài diễn văn, nên đến khi y cần cho nhà trường việc gì thì được ngay vì đã có chủ trương của lãnh đạo nói từ hôm ấy,…hội nghị ấy…
. Nhưng ngẫm cho cùng thì y vẫn thiệt. Vì rằng những bài hùng biện của y, qua mồm các lãnh đạo, cử toạ vỗ tay rầm rầm, lãnh đạo cấp trên về dự ngồi nghe gật sái cả cổ. Nhưng không có ai khen y, trừ ông bí thư, ông thường gặp riêng mình y, dúi cho y một bao thuốc Tam Đảo rồi bắt tay y lắc lấy lắc để : “Cậu đúng là nhà giáo …ưu tú, lần sau cứ thế…hẩy!”
Cũng nhờ cái nghiệp viết thuê mà y thoát được một tai nạn hiểm nghèo. Vào cái năm tám nhăm, tám sáu gì đó, trên hô hào phải thi nghiêm túc và giao cho các nhà trường tự coi, chấm thi tốt nghiệp. Y sướng quá! Phải thế chứ! Bởi vì ở giáo dục bệnh thành tích nặng lắm. Chính quyền cũng vậy: người ta bắt bằng mọi giá phải phổ cập nên thành thử chẳng có trẻ lưu ban bao giờ. Học cuối cấp hai rồi mà còn viết chữ như giun bò theo như kiểu thư pháp hiện nay, “Thầy giáo “ chúng viết thành “Thần gió”, bảng cửu chương thì “chín bảy sáu mốt”… Bọn ra trường bảo bọn đang học: “ Học làm đếch gì, chả ai dám bắt mày học lại đâu, thế nào mà chả lên lớp , chả tốt nghiệp…” Phụ huynh tự hào con mình mỗi năm lên một lớp, năm nào cũng có giấy khen…Năm ấy y tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thật sự. Kết quả: Năm mươi hai phần trăm học sinh trượt tốt nghiệp.
Dân tình ngao ngán. Có người đến tận nhà chửi y …Lãnh đạo xã cho gọi y lên làm kiểm điểm để xử lý kỷ luật. Trong hội nghị, y cãi : “ Kỳ thi vừa rồi không có học sinh nào trượt oan”. Ông bí thư chỉ tay vào mặt y: “ Thầy là loại người vô nhân đạo. Các xã khác con em người ta đỗ trăm phần trăm. Tại sao xã ta lại chỉ có bốn tám …Khẩu hiệu tất cả vì tương lai con em chúng ta thầy không nhớ à. Thầy… thầy… giết tương lai con em xã ta …”. Y lục được bài diễn văn y viết cho Bí thư phát biểu hôm 26-3 trước toàn thể đoàn viên học sinh nhà trường, đại thể yêu cầu phải học thật thi thật để có chất lượng thật. May sao đài truyền thanh còn giữ cuốn băng ghi lại ý kiến quý báu của đồng chí bí thư. Y mở cuốn băng. Tất cả đều cười… rồi giải tán…sau khi lĩnh tiêu chuẩn hội nghị!
Vụ ấy, y không việc gì nhưng cái nghiệp viết thuê diễn văn thì mất đứt. Người ta ngại y... Sau vụ ấy y thành ra người nổi tiếng. Từ một “ nhà giáo… ưu tú”, y trở thành một hung thần “giết tương lai con em xã ta”. Đến nỗi vài năm sau người ta định cho y về làm hiệu trưởng ở thị trấn quê hương yêu dấu của y thì lãnh đạo thị trấn chối đây đẩy: Họ không muốn có một hung thần “giết tương lai con em thị trấn ta”.

Nhưng qua cái kỳ thi lịch sử ấy thì mọi người đều tỉnh ra, tức thì tức thật nhưng lãnh đạo cũng băn khoăn, những con số báo cáo trước đây chỉ là những con số ma. Y cũng tỉnh ra và giáo viên cũng cũng tỉnh ra. Phụ huynh học sinh và cả bọn trẻ con cũng nhận ra một điều: mình cũng chẳng giỏi giang gì. Lựa gió phất cờ, hung thần “giết tương lai con em xã ta” bám riết lãnh đạo, dựa vào các ban ngành đoàn thể để đòi trường ra trường, lớp cho ra lớp. Y sục sạo dự giờ giáo viên, bắt các tổ trưởng phải tìm tòi nghiên cứu các chuyên đề giảng dạy. Bản thân y mượn sách vở tự học nội dung phương pháp tất cả các bộ môn. Y nói với giáo viên: “Tôi dự giờ mà tôi còn không hiểu thì bài giảng của các vị là… vứt”. Y phân công giáo viên tối đến về từng xóm kiểm tra hướng dẫn học sinh tự học; bản thân y cũng sùng sục đi kiểm tra…Cả trường thành guồng máy quay tít mù. Những giáo viên tâm huyết ra sức ủng hộ giúp đỡ y. Nhưng cũng có nhiều người oán: Đang tự dưng tự lành lại bị “hung thần” hành hạ. Có kẻ độc mồm còn bảo: y chết đi để mình đỡ khổ…
Còn nặng căn nặng quả nên y không chết, không ốm. Nhưng mỗi ngày người ta lại thấy y cao lên một ít, nhẹ đi một ít. Và sự thật là y chỉ còn chưa đầy năm mươi ký với chiều cao hơn mét bảy, hệt như một cây cau lênh khênh giữa giời nắng gió. Có cô giáo viên là vợ sếp, thân hình thon thả như cái chum nước muốn mượn tiếng chồng ra oai: “ Anh nhà tôi bảo…,” “ Nhà tôi anh ấy nói…”. Cây cau liền bảo cái chum: “ Chồng cô nói với cô chứ không phải nói với tôi. Chồng cô là sếp huyện, sếp tỉnh thì kệ chồng cô. Các cô là giáo viên nhà trường, là viên chức do tôi quản lý phải thực hiện các nền nếp và phải hoàn thành nhiệm vụ được phân công!”. Cô ta đành im re, không dám ho he đòi ưu tiên…mặc dù vẫn thụi ngầm y bằng cách về nỉ non với chồng kèm thêm sự hư cấu, phân tích về việc “hung thần” bắt làm nhiều để đến nỗi chúng em kém phần nhan sắc…Có sếp gọi điện cho y. Sau một hồi đấu khẩu không phân thắng bại, sếp tức quá bảo: “ Rồi anh sẽ biết tay tôi!”. Y cũng độp luôn : “ Tôi bắt tay anh rồi! Lạ gì! Nhũn như cá khoai ươn. Lạnh như tay ma!”
Cũng vì vậy mặc dù nổi danh vì mẫn cán và có năng lực nhưng y vẫn giữ nguyên chức hiệu trưởng suốt hai mấy năm ròng. Y không lên chức được nhưng nhà trường lại lên chất lượng– lên thật chứ không phải lên bằng báo cáo. Bởi vì chẳng mấy khi y nộp báo cáo, mà có nộp thì các báo cáo của y thường là trái khoáy và “không phù hợp với sự phát triển của phong trào giáo dục…” Từ vị trí yếu kém, nhà trường của y vươn lên trở thành đơn vị có chất lượng thi vào cấp Ba cao nhất nhì toàn huyện, có năm còn hơn “trung tâm chất lượng cao”. Dân chúng phấn khởi. Đoàn thể vui mừng. Học sinh háo hức. Con em các xã bạn ùn ùn kéo đến xin vào học trường của y…Học sinh đã ra trường có lần còn tặng nhà trường cả một bức ảnh to tướng chụp ngôi trường với lá cờ tung bay và dòng chữ “Trường THCS…. Một địa chỉ đáng tin cậy”. Vinh quang ngời ngời. Giáo viên nở mặt nở mày tự hào mình là giáo viên trường Xuất sắc. Từ một hung thần “giết tương lai con em xã ta” y lại thành một anh hùng…“đáng tin cậy”.
Nhưng y- người anh hùng “đáng tin cậy”của chúng ta vẫn chẳng được gì ngoài mấy lời khen suông và những cái bắt tay chặt hơn. Đã vậy y lại còn thiệt thòi hơn các bạn đồng cấp. Bởi vì y lại có bằng đại học. Bằng là bằng chuyên tu hàm thụ nhưng mà là bằng thật và học thật. Chả là sau cái vụ trở thành hung thần “giết tương lai con em xã ta” thì y quyết tâm đi học. Ngày ăn một bữa để học đại học. Thời đó người ta học thật, thi thật chứ chả phải lệ phí, thuế ngu như bây giờ. Khốn khổ cho y vì cái bằng: Sau mấy lần cải cách lương, cho đến lúc này thì y có thể tự hào mà công bố một định lý toán học là: Bằng cấp và lương là hai đại lượng tỷ lệ nghịch. Y chứng minh định lý ấy bằng phương pháp quy nạp không hoàn toàn mà mẫu thứ nhất chính là trường hợp của y…Trong một nhà trường định lý ấy luôn đúng với những anh bằng cấp cao, thâm niên cao và tinh thần làm việc cao.
*
* *

Năng lực và sự mẫn cán làm cho y nổi tiếng. Thành tích làm cho trường y nổi tiếng. Nhưng chỉ những anh mà người ta đầu tư tiền của, đầu tư sự ưu ái người ta mới đầu tư lời khen. Trường của y vượt ra khỏi cái quy luật ấy. Người ta khó chịu khi buộc phải công nhận thành tích một nhà trường không hề có được một sự đầu tư, ưu ái nào, hay nói một cách khác chỉ là vô danh tiểu tốt không nằm trong bộ nhớ của lãnh đạo, mà thành tích ấy lại được tạo dựng bởi một kẻ vừa vô duyên vừa ngang ngạnh. Thế rồi nhà trường của y bỗng trở thành nỗi thèm khát của nhiều người. Người ta có biết đâu để có những vinh quang ấy, y đã phải trả giá…và khi bàn tay của sếp bắt tay y chặt hơn thì có nghĩa là nó đang nắm lại chuẩn bị ra đòn. Y mơ hồ nhận thấy điều đó nhưng không biết nó đến từ hướng nào và bao giờ nó sẽ đến .
Phó hiệu trưởng nhà trường vốn được đào tạo từ nguồn sư phạm Mười cộng Hai. Cái thời bấy giờ thì đó là bằng cấp cao nhất của giáo viên cấp Hai. Sau hơn ba mươi năm công tác và quản lý thì bỗng có một ngày người ta phát hiện ra: chưa đủ chuẩn đào tạo. Kỳ lạ là cả tỉnh có tới gần hai trăm học cùng khoá, hiện còn đang dạy học cả và cũng non trăm người đang đảm nhiệm công tác quản lý thì người ta chỉ phát hiện ra một người. Và người ta gọi lên và cho về vườn mặc dù vị hiệu phó này luôn là Chiến sỹ thi đua và điều hành công việc cùng với y không chê vào đâu được. Thế là Ban Giám hiệu nhà trường còn một mình y độc diễn. Trường đông lớp, đông học sinh, một mình y tối tai tối mắt mà cũng không xuể hết việc…
Khoảng mười ngày sau khi một mình y độc diễn- Ông cán bộ tổ chức huyện lùn tịt, đầu hói như quả lê Tàu đến trường gặp y:
- Cậu chuẩn bị phương án đề nghị về việc bổ nhiệm hiệu phó đi nhá. Thế theo ý cậu là đề bạt tại chỗ hay đưa nơi khác về.
- Chỗ tôi đầy người. Việc gì phải đưa nơi khác về.
- Vậy cậu định đưa ai?
- Thì cứ theo danh sách nguồn đã thông qua bỏ phiếu tín nhiệm, đảng uỷ đã xác nhận mà năm ngoái đã gửi các anh…
- Là đứa nào nhỉ?
- Hai người. Người thứ nhất: Tổ trưởng Tự nhiên, tay này đáng lẽ phải lên lâu rồi! Còn người thứ hai: Tổ phó tổ Xã hội, tốt nghiệp đại học được bốn năm rồi…
- Đều là đảng viên chứ?
- Dĩ nhiên.
- Vậy cứ làm tờ trình đi nhé.
Ông ra về, nét mặt đăm chiêu như vừa đi trinh sát đồn địch, đang suy nghĩ phương án tác chiến…
Nhìn ông cán bộ tổ chức, không hiểu sao y lại có cảm giác mệt mỏi…Trước đây ông ta là đồng cấp với y. Lúc ấy, ông là hiệu trưởng trường bên, vợ là giáo viên kiêm nấu rượu. Ông chả biết làm gì thêm ngoài mấy cái cây cảnh… Một hôm lãnh đạo về kiểm tra nhà trường, buổi trưa sau khi chủ khách đã say sưa, ông mời các anh về nhà em nghỉ trưa để lấy sức khoẻ chiều làm việc tiếp. Lãnh đạo vào nhà ông, trầm trồ khen đôi cây thế đẹp. Ông nói người ta đã trả giá hai chục triệu…Mấy hôm sau đôi cây ấy đã toạ lạc vững vàng ở nhà lãnh đạo. Và… . ông bàn giao nhà trường để lên huyện làm tổ chức cán bộ. Chỗ của đôi cây nhà ông được thay vào bằng một đôi cây mới đẹp hơn do tay hiệu trưởng kế nhiệm mang tới. Hoá ra ông lãi to cả cây lẫn ghế! Trong một thời điểm người và cây cùng tịnh tiến song song…Hồi còn làm hiệu trưởng ông cũng gầy còm như y bây giờ. Thế mà lên huyện được mấy năm thì cơ thể ông trở nên hai khối tròn rõ rệt. Khối trên nhỏ được đỡ bằng khối dưới đồ sộ, trông như cái gì nhỉ? …. À! Y nghĩ ra: Con lật đật …
Ông Lật Đật vừa đi khỏi, y chột dạ. Nhưng y lại nghĩ: Chả thể nào khác được. Tập thể đã bàn, thông suốt từ trên xuống dưới. Thâm tâm y muốn có người phụ trách chuyên môn vững vàng để cùng y đưa nhà trường tiếp tục vươn lên.
Nhưng sự thể thì không như vậy. Hai hôm sau, một cú điện thoại gọi đến nhà y vào buổi tối: “ Mời anh đến… anh em mình giao lưu …” Đó là điện thoại của tay chủ tịch xã bên. Tay này maphia có tiếng, hắn kết nghĩa anh em với đủ mặt cán bộ chủ chốt từ huyện đến tỉnh. Cỡ tép riu như y thì chưa bao giờ hắn tỏ ra muốn giao lưu. Vậy lời mời này có ý gì đây? Y phải từ chối ngay với lý do bận. Tay kia ra sức vật nài và cuối cùng đành chịu.
Rồi cô tổng phụ trách với dáng vẻ bẽn lẽn khác hẳn ngày thường đến nhà y. Chiều hôm ấy y nghỉ ở nhà. Thấy lạ, không vòng vo, y hỏi luôn:
- Cô có việc gì? Sao buổi sáng không báo cáo ở trường ?
Cô ta khẽ khàng trình bày:
- Báo cáo anh! Em nghĩ… đây là… cơ hội ngàn năm có một…
Y nhìn vào nhà trong: Vợ y đi dạy học, chỉ mình y ở nhà … Cô ta lại bảo là cơ hội ngàn năm…
- Vâng. Đúng là cơ hội ngàn năm! Em vừa học xong đại học... Vì vậy đề nghị anh giúp đỡ tạo điều kiện để… đề bạt em…làm hiệu phó…
- Làm hiệu phó? Cô không đùa đấy chứ?
- Gớm chả nhẽ em lại dám nói đùa với anh! Mong anh chiếu cố...
Y từ tốn bảo:
- Thế này nhé: Đúng là hiện nay tôi đang rất vất vả vì không có hiệu phó. Nhưng mà có hai lý do để tôi từ chối đề nghị của cô: Một là căn cứ cơ sở dự nguồn đã được tín nhiệm. Mà dự nguồn là những ai thì cô và cả hội đồng đã được biết rồi đấy. Hai là: Về chuyên môn cô còn phải cố gắng nhiều! Cô thử nói hộ tôi: Trong nhà trường này chuyên môn cô hơn những ai, chỉ cần cô chỉ cho tôi lấy một hai người thì tôi sẽ đưa cô vào danh sách ngay.
Cô ta gượng gạo:
- Em cũng tự kiểm điểm thấy là mình còn non về chuyên môn, nhưng em sẽ cố gẵng vừa làm vừa học… lại được anh giúp đỡ…
Y nóng mặt, cố nhịn :
- Tôi cần người để làm việc chứ không cần người học việc. Mà tôi hỏi thật cô: bổ béo gì cái danh hiệu phó mà phải cố. Hiệu trưởng như tôi cũng chả có ăn hơn ai cái gì nữa là phó…
- Nhưng mà là cơ hội! Ối đứa còn dốt bằng vạn em vẫn làm hiệu phó ở các trường…
Y điên tiết :
- Ở đâu kệ họ! Ở trường này không giỏi chuyên môn thì nói ai nghe. Cô không lên được đâu. Cô về đi . Tập trung học tập cho giỏi chuyên môn cái đã! Rồi tính sau!
- Báo cáo! Các anh ở trên đã đồng ý…
- Trên là anh nào? Các anh ấy có ở trường đâu mà biết. Lên mà bảo với các anh ấy: Các anh không biết được năng lực chuyên môn của giáo viên nhà trường này bằng tôi được đâu! Tôi không bao giờ đồng ý chấp nhận cô làm hiệu phó.
“Các anh ở trên đã đồng ý”…Sao cô ta lại nói như vậy? Hỏi ra y được biết Lật Đật là anh em kết nghĩa với tay chủ tịch xã (người đã gọi điện đến cho y), tay chủ tịch xã lại có đứa con gái được em con ông chú của chồng cô tổng phụ trách nhà trường xếp vào học ở một trường trên Bộ… Y hú hồn, nếu mà đi giao lưu với tay chủ tịch xã kia thì không khéo nó cho vào bẫy: gài vài cô ca-ve bá vai bá cổ rồi chụp ảnh thì có mà chối đằng giời với tổ chức và với… sư tử Hà Đông ở nhà…
Những ngày tiếp sau; y tiếp khách đến mệt nhoài. Đầu tiên là ông thiếu tá ở huyện Công an đưa vợ đến. Sau một bài diễn thuyết khá dài về mối quan hệ khăng khít giữa hai ngành Giáo dục - Công an, mối thân tình giữa các lãnh đạo hai đơn vị và ảnh hưởng to lớn của mình trong ngành và trong huyện từ nhiều năm nay… Ông công an đặt vấn đề nếu nhận vợ ông về làm hiệu phó thì nhà trường sẽ có nhiều cái lợi – nhất là về mặt an ninh- bởi vì như ông nói “ Chúng tôi ăn cây táo phải rào cây táo”.
Y lộn tiết nghĩ: Thì các ông đang rào chúng tôi đấy thôi. Và chối phắt.
Bây giờ thì y mới nhận thấy giáo dục và các ngành quả là có liên quan mật thiết: Ông Bảo vệ thực vật, ông Thuế vụ, ông Quản lý Thị trường, ông Vật tư nông nghiệp, ông Văn hoá thông tin…đều đến gặp y để đề xuất đưa vợ các ông về làm hiệu phó…. Chẳng ngần ngại, y từ chối tuốt. Thì ra cái sự xã hội hoá Giáo dục đã ngấm vào máu thịt của cán bộ các ngành. Người ta nhìn giáo dục bằng con mắt như đã từng nhìn Thương nghiệp, Lương thực trong thời bao cấp. Họ tưởng đấy là mảnh đất màu mỡ. Lúc nhà trường mình khó khăn, chẳng có ma nào nhìn đến. Vừa mới làm nên ăn ra đã thấy lũ lượt nhòm ngó…Mà thời buổi này cũng lạ: toàn đàn ông đi chạy chức cho vợ…Tự nhiên y cảm thấy mình cao thêm được vài xăng ti mét…
Tờ trình đã lập và gửi lên huyện. Bận bù đầu. Hai tháng sau không có hồi âm. Y lên huyện :
- Đề nghị các anh cho làm thủ tục bổ nhiệm hiệu phó.
Ông Lật Đật gãi cái đầu hói bảo:
- Tay tổ trưởng tự nhiên đã bốn nhăm. Hơi nhiều tuổi. Không đề bạt được! Tay tổ phó xã hội thì còn non…
Y tức tốc chạy ngược về trường lấy cái công văn hướng dẫn công tác tổ chức cán bộ đưa lên. Lật Đật lại gãi đầu, không nhìn cái chỉ thị kia, ra ý biết rồi. Lần này thì ông ta ngập ngừng:
- Nhưng mà tay tổ trưởng kia nó hơi rỗ… Làm quản lý phải quan hệ ngoại giao. Ngoại hình như vậy không ổn.
Không chịu nổi nữa, y điên lên dồn cho một hơi:
- Các anh đừng có nhìn người mà đặt tiêu chuẩn. Tôi nói để các anh biết: Nó bị từ nhỏ; Ngành Giáo dục đã nhận thì nó phải có quyền như những người khác. Vậy cái tay hiệu phó trường A vừa ngọng líu ngọng lo vừa nói lắp …Tại sao vẫn đề bạt được?
Lật Đật xoa cái đầu hói:
- Ấy! Cậu đừng nóng! Uống nước đi đã. Ừ thì… Chúng tớ lưu ý giải quyết ngay!
Y đành ra về. Người ta đã hứa rồi. Chả có nhẽ gì cứ vật nài mãi.
Độ ba bốn ngày sau, Lật Đật điện xuống :
-Này, không thể được đâu, cái trường hợp thứ nhất í mà!
-???
-Vì cậu là dân toán. Thằng kia cũng toán. Chẳng nhẽ giám hiệu toàn dân toán?
- Ơ hay! Vừa tháng trước, các anh đề bạt ba tay dạy toán vào ban giám hiệu ở một trường đấy thôi .
- Ở đâu ?
- Ông làm tổ chức mà còn hỏi ngược. Trường B…….đấy chứ đâu!
- Ờ nhỉ !… Nhưng….Thôi được.
Bẵng đi đến hơn hai tháng nữa vẫn không thấy gì. Y lại đề nghị. Trên vẫn vững như thành đồng. Thấm thoắt đã sang tháng tư. Tính ra vai trò độc diễn của y đã được sáu tháng .
Tiếp tục đề nghị thì cấp trên bảo: thôi sắp hết năm học rồi. Nghỉ hè đã. Để sang năm học mới hãy tính.
Thực ra y không được nghỉ hè vì còn phải hoàn tất cả đống hồ sơ tổng kết năm học, rồi lại chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Trước đây có hai người thì y đỡ vất hơn. Còn bây giờ chỉ có một mình, y phải lo tất: cơ sở vật chất, tuyển sinh, phân công giáo viên, biên chế lớp, học chuyên môn và các cuộc họp ở huyện và xã…Y rạc người với những công việc và đủ loại báo cáo, đề án mà cấp trên hối thúc. Mà cấp trên của y thì ngoài giáo dục còn đủ các ban ngành đoàn thể, thành thử nhà trường là trung tâm thực hiện các công văn dồn xuống và là nơi phải có nghĩa vụ phát tán các loại báo cáo lên trên.
Đầu tháng Tám. Một hôm ngồi làm việc một mình tại nhà trường thì y được tiếp một khách quen. Tay này là chồng một giáo viên trong nhà trường, hắn làm ở chi nhánh điện nhưng lại là chỉ điểm cho các cấp lãnh đạo về cây cảnh và đồ cổ. Hắn thường le ve đi khắp mọi nhà để xem cây cảnh, xem đồ cổ và có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo về giá trị của những thứ đó. Sau đó lãnh đạo bố trí tranh thủ thời gian vàng ngọc tới thăm, khen…và chỉ vài ngày sau thì gia chủ phải có trách nhiệm vào một buổi tối nào đó (khi ngoài đường đã vãn người đi lại), chở những thứ đó đến nhà lãnh đạo cung kính “ kỷ niệm để anh thư dãn sau những giờ làm việc căng thẳng”… Nhà y không có cây cảnh, cũng chẳng có đồ cổ nên tay này đến trường. Vì là chồng của giáo viên đến chơi, nên y cũng cho là chuyện bình thường. Tay Chi nhánh Điện- Chỉ Điểm nhẹ nhàng:
- Vất vả quá anh nhỉ. Sao tình hình vẫn chưa có hiệu phó à?
- Thì thế mới khổ thân tôi! Năm nay có được nghỉ hè đâu! Chả biết vì lý do gì mà người ta không chịu bổ nhiệm cho. Chín tháng rồi…
- Thế… đã có dự kiến chưa ?
- Có từ lâu rồi! Các quy trình đã xong. Chỉ còn đợi dân chủ hoá bằng phiếu tín nhiệm.
- Ôi dào! Cần quái gì quy trình! Cần quái gì dân chủ! Chỉ cần chữ ký của Sếp Gộc là xong hết.
- Cái chú này nói lạ! Làm gì có chuyện đó …
- Vậy mà có đấy!
- Ở đâu thì tôi không biết. Chứ ở trường này, còn tôi thì nhất định không có chuyện đó.
- Đấy rồi anh xem….Mà em nói để anh biết nhá. Trên người ta không chấm cái trường hợp mà nhà trường này đề xuất đâu.
- Vì sao?
- Vì sinh con thứ ba …
- Nhưng nó sinh năm tám nhăm cơ mà. Con nó đã đi học đại học …
- Ấy vậy mà vẫn không được!
- Sao lại không được, sao ông X… sinh con thứ ba năm chín mươi vẫn vào thường vụ, vẫn lên….
Cuộc nói chuyện tưởng thế là xong. Y cũng chả nghĩ ngợi gì. Nhưng vài hôm sau Lật Đật gặp y:
- Này ông làm hiệu trưởng ở trường này bao nhiêu năm rồi?
- Các ông định đề bạt tôi hay sao mà hỏi số năm ở trường này? Lâu rồi! Hăm bốn năm.
Lật Đật mở cuốn sổ tìm tên y, ghi con số 24 vào đó và mạnh mẽ dứt khoát như một vị chỉ huy quân sự quyết định dứt điểm một mục tiêu trên bản đồ tác chiến, ông khoanh một vòng tròn quanh con số, cười : “ Cảm ơn.”
Y lạnh cả sống lưng!
*
* *

Ngày 17 tháng 8 lãnh đạo ký quyết định luân chuyển cán bộ quản lý theo đề nghị của Phòng Giáo dục trong tờ trình ngày 18 tháng 8 (? !)
Y là người được có tên đầu tiên trong danh sách! Ban Giám hiệu trường đã bị xoá sổ hoàn toàn! Và y ra đi khi vẫn chưa bổ nhiệm được Hiệu phó. Sau đó ít ngày, người ta đưa vợ tay Chi nhánh Điện- Chỉ điểm vào danh sách bầu cùng với nhiều cái tên khác. Không có tên những người trong dự nguồn .

Đảng uỷ, Uỷ ban, các đoàn thể và Nhà trường tổ chức các cuộc chia tay. Công lao của y, thành tích của y và năng lực của y được đánh giá cao trong các diễn văn trước khi nâng cốc… Y không cảm thấy xúc động lắm. Tự dưng y thấy mình lạc lõng…
Chỉ đến một buổi tối, một cụ già đến nhà y báo cáo cháu cụ là học sinh của nhà trường bỏ nhà đi hai ngày nay chưa về. Y nói: “Tôi đã chuyển đi làm hiệu trưởng ở trường khác đã được hơn hai chục ngày rồi!”. Cụ nhìn y.. rồi mếu máo : “Sao thầy lại đi… thầy đi thì lũ cháu chúng tôi hỏng hết… Bố mẹ chúng đi làm ăn xa…”
Vợ y an ủi: “Nhà tôi đi! Nhưng những người mới đến sẽ làm tốt hơn, cụ yên tâm…”
Y chạy vội vào nhà trong, gạt nước mắt.

Phụ huynh học sinh và người ngoài bảo nhau: “Ấy là do thầy làm tốt, nên cấp trên điều đi nơi khác xây dựng phong trào cho tốt như trường ta.” Y nghe thấy cũng không biết nên buồn hay vui. Một lần gặp nhau, Lật Đật hớn hở khoe: “Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ về thăm, khen huyện ta đi đầu làm trước khi có ý kiến của Bộ trưởng…”. Y thầm nghĩ : Vô duyên …
*
* *
Bây giờ thì y đã về trường mới công tác. Nơi công tác mới là một trường ven biển với bao khó khăn như nhà trường cũ của y cách đây mười năm. Hàng ngày y phải đi hơn mười cây số đến trường. Buổi sáng trên đường, mặt trời chiếu thẳng vào mặt. Y không bao giờ đeo kính râm. Vì theo y chả việc gì phải che đi hoặc bôi xám cái cửa sổ tâm hồn. Những ngày nắng, mặt đường và mặt trời tương phản đến nhức nhối: mặt đường nhựa thì đen sì dưới nắng gắt còn mặt trời thì trắng loá. Ngày mưa xuống nắng lên, mặt đường loáng nước phản chiếu ánh mặt trời. Những tia nắng phản xạ vào đúng mắt y: Mặt đường chói loá như mặt băng… Nhiều khi chói quá, y dừng xe, dụi mắt quay lại phía đằng sau: Chẳng thấy gì ngoài nhập nhoà xam xám…Phải một lúc sau thì sự vật mới hiện ra … Tất cả vẫn chuyển động. Chỉ có điều người đi cùng chiều với y hơi thưa thớt. Nhiều lần y chợt bật cười: “ Có lẽ tại mình vô duyên!”. Những lúc ấy y thoáng buồn, nhưng lại chợt thấy vui. Bởi kiểm lại dù thưa thớt nhưng chưa lần nào y hết bạn đồng hành.
Y tin rằng mọi sự trên đời sẽ khấm khá lên, người đi cùng chiều sẽ nhiều hơn và mai này vùng biển nơi y đang đi đến cũng sẽ khấm khá lên. Chắc chắn là như thế!
Hải Phúc- Tháng 10/2006
MAI TIẾN NGHỊ Đọc thêm!

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Thơ tặng Mai Tiến Nghị

Về Hải Hậu lạc vào văn lộ
Men say thơm gió biển mặn linh hồn
Xương cốt biển nén vào trang viết
Dốc tuột mình chưa cạn cơn đau.

Sóng văn vỗ trắng trên đầu...


16/5/2009
Nguyễn Thế Kiên Đọc thêm!

MÙA CUA RẬN

Chiều chạng vạng. Phía tây chỉ còn một chút màu vàng nhòe nhoẹt trên nền trời. Đã cuối thu. Trời se lạnh. Gió heo may đầu mùa thổi từng hơi đứt quãng. Cứ mỗi lần gió ngừng thổi người ta lại nghe thấy tiếng ầm ì của biển vọng về như những tiếng thở dài. Biển đang phát phiền vì đã qua những ngày hè náo nhiệt. Bây giờ biển chỉ còn lại một mình với sự vắng lặng buồn bã. Mặt trời đã đi về xứ sở của nó để nghỉ ngơi. Dòng sông nhỏ cũng đang cô đơn. Mặt sông tối lại tím sẫm. Bờ đê như một vạch ngang làm ranh giới giữa trời và nước. Trên bờ đê chỉ có một bóng người lầm lũi, vật vờ lòng khòng như một dấu hỏi nguệch ngoạc di chuyển trên cái dòng kẻ - vạch ngang ấy.

Con người đang lầm lũi bước trên đê trong không gian chạng vạng ấy là Trần Xuân Vọp. Anh vừa đi thả đó về. Vừa đi Vọp vừa nghĩ vừa trách cho thân phận của mình. Sao mà kiếp con người lại khổ đến thế. Sao mà cái kiếp mình lại khốn nạn đến thế. Vọp đi bộ đội về, vợ anh như sa mạc gặp mưa rào, cô ta đẻ cho anh liền một chặp năm đứa con: Hà, Ngao, Gion, Sò, Vạng. Vọp đặt tên cho con như vậy vì cả năm đều là con gái và cũng hợp với cái tên của mình. Anh quần quật: ngày làm ruộng, đào gion, đãi hến; đêm thả đó tra lờ… nhưng vẫn không đủ cho bảy miệng ăn. Đã thế chúng lại suốt ngày quàng quạc như một đàn vịt giời. Thì cũng đúng là vịt giời rồi còn gì. Một đàn vịt giời với một con vịt mái và năm con vịt con. Những than thở, bì bục, kêu ca và cả những đay nghiến về cái vô tích sự của người đàn ông duy nhất trong nhà không lo đủ những nhu cầu ngày một gia tăng, làm cho Vọp không chịu nổi. Có những lúc anh muốn phá bỏ tất cả. Nhưng không thể được. Chả nhẽ lại lao đầu xuống sông mà chết. Ông mà chết thì mẹ con lũ chúng mày chỉ có đứng đường!

Bất giác Vọp nhìn xuống sông. Mặt sông đang đen lại. Vọp có cảm giác nước sông đặc như thạch đen. Tự dưng anh thấy nó bí hiểm ghê rợn và chất chứa những chết chóc. Nhìn về cuối nguồn, nơi gần cửa biển, cách chỗ anh không xa có một vật đang trôi. Cái gì thế nhỉ? Anh chạy xuống bãi sông. Trong nhạt nhoà của trời nước, Vọp thấy vật đang trôi giống như là một con cua biển khổng lồ. Cái mu của nó nhô cao trên mặt nước, hai cái bơi chèo vật vờ. Con cua chết. Vọp dụi mắt… Không phải. Đó là chiếc thuyền nan nhỏ có mui. Nó đang trôi. Hình như không có người. Cứ như thế này, vài chục phút nữa nước ròng sẽ đưa nó ra biển. Chắc là thuyền của nhà nào bị tuột dây buộc.

Vọp chạy xuôi theo bờ đê đến ngang con thuyền. Đúng là thuyền không có người. Hay là mình bơi ra đưa nó vào để mai người ta đến chuộc. Biết đâu chẳng kiếm được mấy đồng bạc còm… Nghĩ là làm ngay. Anh cởi quần áo cuộn lại dúi vào một bụi cây sát chân đê. Trên người chỉ còn độc một cái quần đùi, anh chạy xuống sông. Được mấy bước, Vọp dừng lại: Trời tối thế này, có ma nào ở đây mà quần với áo, về lại phải giặt. Mà cái giống vải ngâm nước mặn cứ bở bùng bục, chả mấy hôm là rách. Hơn chả bõ hao. Anh lại chạy ngược lên, cởi luôn cái vật che thân cuối cùng nhét vào chỗ vừa giấu quần áo, rồi tồng ngồng lao xuống nước.

Vọp rùng mình khi chạm vào nước lạnh. Kệ! Làm việc gì mà chả vất vả. Kiếm thêm đồng đâu phải dễ. Anh nhoài người bơi nhanh về phía con thuyền. Vốn là dân sông nước, nên việc bơi đến thuyền là việc không khó đối với Vọp. Anh bám người vào đuôi thuyền ngay cạnh chỗ cái bơi chèo, nhún người định leo lên…

Vọp bỗng khựng lại, thả tay cho người rơi xuống. Hình như trên thuyền có người. Chết thật, không khéo người ta lại cho mình là ăn cắp. Phải chuồn nhanh kẻo bị trông thấy… Nhưng hình như không phải chỉ có một người… Mà họ đang làm gì nhỉ? Vậy là Vọp lại bám vào mạn thuyền, hơi nhô đầu nhìn vào trong khoang. Qua khoảng sáng nhờ nhờ của cửa khoang phía mui, anh thấy hai thân người trắng lốp đang quấn vào nhau. Tai ù đặc, Vọp lắc lắc đầu cho nước trong tai chảy ra. Bây giờ thì anh đã nghe thấy tiếng thở hổn hển, tiếng rừ rừ rên rỉ, thỉnh thoảng lại rít lên như tiếng mèo hen động dục…

Trong khoang thuyền, đôi A-đam, E-va không hề biết có người thứ ba đang chứng kiến. Người đàn bà nhoài lên ngồi trên bụng anh đàn ông. Vọp nhận ra điều này vì anh thấy một cặp vú thỗn thện đong đưa như nhảy nhót cùng với mái tóc xổ tung. Anh cảm thấy người mình nóng ran, căng cứng. Vọp tì sát người vào mạn thuyền và người anh cũng từng nhịp, từng nhịp hưởng ứng dư âm của cuộc tình trong khoang thuyền. Người đàn bà như lên cơn cuồng, hai tay chống, người lao đi, lao lại như thợ mộc đang bào gỗ. Khi mặt người đàn bà quay nghiêng, Vọp bỗng nhận ra người quen: tưởng ai, hoá là con mẹ cuối xóm. Con mẹ này mắt lúc nào cũng ướt rượt, người thì rừng rực... Đúng là cái đồ dửng mỡ…Tự dưng vợ chồng nhà nó kéo nhau ra thuyền mà đú đởn. Nhưng thằng chồng nó đen sì mà thằng này thì... Vọp nín thở. Tự dưng anh bật tiếng ho…







Trong khoang chợt lặng đi. Người đàn ông nằm dưới vùng dậy, lao về phía đuôi thuyền vồ lấy tay chèo. Không phải chồng nó, con mẹ này ngoại tình… Vọp thả người xuống nước choài đi. Nhưng cái mái chèo đã vung lên rồi chém gọn xuống nước. Mái chèo như một lưỡi đao lia sát bụng Vọp dọc theo thân người xuôi xuống và gặp phải chướng ngại vật duy nhất là cái của quý của anh vẫn còn đang cương cứng… Người Vọp tung lên khỏi mặt nước rồi rơi xuống, anh choáng váng và thấy phía dưới bụng lạnh tê, buốt nhói. Cố hết sức bơi về phía bờ, khi chân chạm lớp bùn thì anh thấy đầu mình như rỗng ra. Ngoái lại dòng sông, con thuyền đang lao nhanh, hai mái chèo thoăn thoắt. Con thuyền lại biến thành con cua khổng lồ biến mất trong đặc quánh của dòng sông. Cơn đau chỗ bụng dưới nhói lên, Vọp đưa tay xuống háng. Chết rồi. Trời đất, sông nước quay cuồng nhòa làm một, đặc quánh và đen kịt. Cơn đau lan toả như một mũi xiên từ dưới xuyên qua ruột, xuyên qua tim, qua phổi xiên lên đỉnh đầu. Cái đặc quánh và đen kịt đổ ập vào anh, đổ cứng lên đầu, đổ cứng lên khắp người, chẹn ngang cổ họng... Vọp ngất đi…

*

* *

Đã sang tháng tám âm lịch. Mùa cua rận bắt đầu. Sau cơn bão số bảy khủng khiếp, có lẽ ông trời muốn đền bù cho những người dân khốn khó ở vùng biển này những sự tai ách do ông gây ra, nên cua rận dạt vào nhiều vô kể. Những con cua biển trưởng thành ở cửa sông trong mùa sinh sản đi theo triều nước ròng ra biển. Trong bao la mênh mông của đại dương, những cuộc tình chớp nhoáng giữa những chàng cua biển lực lưỡng và những nàng cua cái đa tình đã diễn ra mặn nồng. Và kết quả là hàng triệu, hàng triệu những chú cua nhỏ như những con rận ra đời. Cua mẹ sinh ra những đứa con, nhiệm vụ vinh quang nhằm duy trì nòi giống đã hoàn thành, chúng không còn trách nhiệm gì với những sinh linh bé nhỏ ấy nữa mà phó mặc cho đại dương. Đại dương là nơi những con cua rận được sinh ra cũng là nơi thử thách nghiệt ngã. Ở đó bọn chúng phải vật vờ trôi dạt và chịu sự vùi lấp của hàng ngàn, hàng ngàn lớp sóng hung dữ. Tạo hoá là một sự thử thách nghiệt ngã giữa cái nhỏ nhoi với cái vô tận. Sự sống còn ấy không chỉ là sự đấu tranh tự sinh tồn mà là sự may mắn. Mỗi khi triều lên, những con cua rận lại bị hàng ngàn con sóng vật vào bãi cát. Những xác cua nhỏ li ti sau khi bị quăng quật đến bầm dập trở thành những hạt nhỏ đen đen táp đầy ngay mép nước. Và bãi biển có những vệt đen trải dài như những vệt máu khô trên mép của một con mãnh thú sau những hả hê ngốn ngấu của bữa tiệc thịt sống. Chỉ một số rất nhỏ, rất nhỏ sống sót là nhờ không bị quăng quật vào cát mà chỉ bị đẩy vào chỗ cũng toàn là nước. Sự may mắn ấy xảy ra ở cửa sông.

Những con cua rận may mắn ấy quý lắm. Đắt lắm. Người ta bắt nó bán cho những trại nuôi cua biển hàng hoá. Ở đấy chúng được nuôi dưỡng một cách cẩn thận để một ngày nào đó nằm chềnh ềnh trên cái đĩa của những bàn tiệc sang trọng. Chúng làm cho bàn tiệc sang trọng hơn bởi màu đỏ rực sau khi bị chọc mù hai mắt và bị luộc chín. Những cặp càng mập mạp chắc khoẻ của chúng kích thích thực khách. Màu đỏ của cua luộc làm cho những bộ mặt người đã đỏ vì rượu bia càng đỏ tía lên hăng hái.

Để bắt những con cua nhỏ tý xíu, người ta phải đi từ chạng vạng tối vào những ngày nước lên. Với công cụ mà người ta gọi là cái rỉu. Đó là một tấm lưới nhẹ và mau như màn tuyn, nó được căng bởi hai cây tre cỡ bằng cổ tay và dài đến hai sải. Gốc hai cây tre buộc vào với nhau, ngọn xoè ra như cái quạt. Độ mở của rỉu cố định bởi một thanh giằng ngang khoảng một mét ở phía gốc. Để tấm lưới có thể chùng xuống, ở vạt trên là những viên chì nặng được đính vào. Phần cuối của tấm lưới bị khâu lại ở phía gốc tre thành một cái túi dài gần ba mét mà người ta gọi là đáy rỉu. Khi nước lên, người ta dầm mình ngập đến cổ, dùng hết sức để ghìm cái rỉu và đẩy nó đi xiên xiên với dòng biển đổ vào sông trong khi cái đáy rỉu lại vật vờ trong nước như đuôi của một con trăn khổng lồ kéo ngửa người đun rỉu về phía sau. Những con cua bị tấm lưới đón lấy. Nước lên cùng với sự chuyển động về phía trước của người đun rỉu làm những chú cua bị đẩy vào trong đáy. Cứ vài giờ người ta lại lên bờ, đổ đáy ra, soi đèn pin buộc trên trán để nhặt từng con cua lẫn trong đám bợn rác. Những con cua nhỏ như con rận, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Vì vậy không thể bắt bằng tay. Người ta dùng lông gà tỷ mẩn, khẽ khàng gạt từng con cua vào cái chai đựng sẵn nước biển.

Cả đêm, cứ xuống biển, lên bờ như vậy, nếu hôm nào gặp may có thể bắt được hàng trăm con. Nhiều đêm thì về không. Do cua rận cũng chỉ mới xuất hiện nên không ai nắm được quy luật của giời đất. Những ngày rỉu được nhiều thì cả làng đều hỉ hả nhưng bọn thương lái tinh quái lại hạ giá mua nên thu nhập của người rỉu cua cũng chẳng được nhiều. Ngược lại, nhiều ngày chả được mấy, bù lại những hôm ấy sẽ bán được giá cao. Mỗi đêm cần mẫn chịu lạnh, chịu đói người ta cũng kiếm được khoảng dăm chục ngàn. Trong quy trình bắt cua rận thì khâu nhặt cua là lâu nhất. Lại còn phải phân biệt giữa cua rận với cua ghẹ. Cua rận thì bụng màu xám còn cua ghẹ bụng màu trắng. Bởi vì chúng chỉ là những chấm nhỏ tý xíu, cái đen cái trắng cũng khó rạch ròi. Vậy nên cánh đàn ông tuổi trung niên mắt kém chịu chết không đi rỉu được.



*

* *

Tôi không muốn các con tôi phải sống kiếp cua rận. Bọn chúng đều là gái. Phận gái mười hai bến nước. Mà lại những năm đứa, sáu mươi cái bến vô định. Biết đi đâu, về đâu. Tôi phải cố mà sống. Cố mà chịu đựng. Nhưng cái đêm định mệnh ấy đã đưa cuộc đời tôi, cuộc đời các con tôi sang một ngả rẽ. Đó là một ngả rẽ dường như không có đường đi. Tôi cứ bước mặc cho những chông gai và cả những lời cay nghiệt dành cho mình.

Khi tôi mở mắt thì bầu trời đêm vẫn đen đặc. Vạch ngang mờ mờ của con đê đã giúp tôi xác định được hướng phải tới. Nhưng không thể nào đứng lên được. Sự buốt nhói và bỏng rát như đang bị một cái móc vô hình móc vào hạ bộ kéo ghìm tôi xuống mặt đất. Cố gắng lắm cũng chỉ có thể ngồi lên và bằng chút hơi sức còn lại tôi lết đi như trong bài tập “lăn lê bò toài” ngày còn trong quân ngũ . Cứ mỗi lần chân đẩy lên thì một lần đầu như muốn vỡ tung bởi cái đau buốt từ dưới xiên lên tận màng tai. Lết được mươi mét đã mệt đến rũ người, tôi gục xuống. Bên tai ong ong. Trong cái ong ong đó hình như có tiếng gọi mơ hồ: Vọp ơi! Cố lên! Chả nhẽ lại chết ở đây sao? Đời mày đã qua bao nhiêu lần cận kề cái chết mà vẫn sống được. Phải sống! Hình ảnh năm đứa con nhập nhòe trong đầu. Tôi phải sống!...

Không biết phải đến bao lâu tôi mới lê được đến chân đê. Còn cái vạch ngang mặt đê đang hằn lên trời đêm lại cao đến khủng khiếp. Trên ấy là sự sống. Trên ấy là năm khuôn mặt nhem nhuốc đang ngáo nghến chờ đợi, năm đôi cánh tay gầy guộc của lũ con đang vẫy. Lên được trên ấy biết đâu sẽ có người đi qua trông thấy. Phải lên được cái vạch ngang ấy. Tôi túm từng bụi cây nhỏ để kéo người lên. Những cây cà gai đâm vào tay nhức buốt. Bờ cỏ ướt đẫm sương đêm trơn tuột. Lên được vài mét lại trượt xuống hàng mét. Mệt lắm rồi. Tai đã ù đặc. Thôi nào, cố lên Vọp ơi…

Lên được đến mặt đê thì người nóng ran, rồi lại thấy rét run, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Người ướt đẫm. Sương đêm hay mồ hôi? Cơn đau hình như đã hơi dịu đi. Nhưng sao lạnh quá thể. Trên người không có lấy mảnh vải. Cái lạnh ngấm vào tận gan ruột, nó làm cho cái buốt nhói phía dưới trở lại lan toả toàn thân. Không thể chịu được nữa. Đêm vẫn đặc quánh. Cái lạnh như sợi dây siết dần, siết dần… bó chặt chân tay. Nó siết lên thái dương, bóp chặt lấy hai mắt. Nó giật đổ tôi vật xuống…

Trong không gian lặng ngắt ấy, văng vẳng có tiếng chuông nhà thờ. Và rồi hình như có người đến bên tôi. Nhiều người. Họ đi lễ sớm. Ơn Chúa lòng lành…tôi đã gặp được họ.

Trong chập chờn nửa mê nửa tỉnh, thấp thoáng có bóng blu trắng, có tiếng chân bước vội… những tiếng thì thào như bị bịt miệng: “Nát hết rồi. Phải cắt…”, tiếng dao kéo lạch cạch…Và buốt nhói. Giữa mông lung, cảm giác buốt nhói ấy như là định mệnh…

Lúc đối mặt với cái chết thì tôi cố gắng để sống. Nhưng khi đã được cứu sống thì lại muốn chết bởi những tiếng xì xào đàm tiếu, những cái cười nửa miệng của mọi người và sự lạnh nhạt của vợ con. Cái vết thương dẫn đến sự triệt phá bản năng thằng đàn ông trong một tấm thân trần như nhộng giữa một đêm lạnh là nguyên nhân của sự khinh khiến ghẻ lạnh đó. Trong bệnh viện, giữa những kiếp người không hoàn thiện vì bệnh tật, mình như là một quái nhân lạc loài. Cũng là bệnh nhân, người ta rên rỉ, yêu sách với người thân, với bác sĩ; Còn tôi phải cố thu mình như một con vật lạ vừa bị bắt trong một cuộc đi săn còn xung quanh là một bọn người hiếu kỳ đứng xem và bàn tán, chỉ trỏ. Ngày vài lần đứa con gái mang cơm đến với vẻ mặt lạnh lùng và một câu cộc lốc: Bố ăn cơm đi! Vợ tôi chẳng thèm đến viện thăm tôi được lấy một lần.

Tôi căm ghét sự lạnh lùng ấy. Tôi không có tội. Nhưng có ai bảo mình có tội đâu. Họ chỉ cười. Tôi muốn thanh minh. Nhưng thanh minh với ai. Tôi muốn gào to lên: hãy cho tôi được nói. Chẳng ai cần tôi nói. Câu chuyện về tôi được thêu dệt một cách khủng khiếp. Còn khủng khiếp hơn cả chuyện một anh chàng léng phéng với vợ người ta, bị cắt cụt hai tai. Trong mắt họ, anh chàng đó bị cắt tai là đáng đời. Nhưng bị thủ tiêu mất cái công cụ của giống đực như tôi mới là sự trừng phạt đích đáng. Chắc họ đang nghĩ như vậy.

Không thể chịu nổi nữa. Tôi sẽ phải nói ra. Đúng! Chả nhẽ lại để mang tiếng với đời, mang tiếng xấu cho con. Mà chúng nó lại toàn là con gái. Sau này người ta sẽ nghĩ về gia đình mình như thế nào.

Nhưng biết nói thế nào đây. Tôi còn nhớ một bài học đau đời. Đó là những ngày chiến tranh khốc liệt. Tiểu đoàn chúng tôi bị địch bao vây suốt cả tháng trời. Hết gạo, hết muối. Chỉ còn… ớt bột. Chúng tôi sống và chiến đấu bằng năng lượng của củ chuối rừng. Nhưng ăn củ chuối luộc không muối thì thấy nó vừa chát vừa nhạt nhẽo khủng khiếp. Sang đến bữa thứ hai, thứ ba thì không thể nào chịu được nữa. Đưa miếng củ chuối luộc lên miệng là nôn thốc nôn tháo. Vậy là đói. Đói cơm, đói muối đến nỗi người rũ rượi như người nghiện. Anh nào anh ấy trông đều béo ra do phù thũng. Anh nuôi có sáng kiến lấy ớt thay muối. Cái cay thay cái mặn. Vậy mà lại được. Chúng tôi đã có thể tọng được món củ chuối vào bụng để thay cơm. Ai ngờ chỉ vài hôm sau cả đơn vị đều sinh ra táo bón. Ra rừng ngồi hàng tiếng đồng hồ, rặn đỏ cả mặt, hậu môn rát như phải bỏng. Đâm ra có mót quá cũng cố nhịn vì sợ. Sợ mất thời gian và sợ đau…

Một hôm tôi ra rừng chọn chỗ kín ngồi rặn. Có lẽ cũng phải đến gần tiếng đồng hồ mà vẫn không đạt được cái mục đích đại tiện. Hai chân đã tê cứng. Bỗng nghe có tiếng chân bước, tiếng vạch lá. Khéo gặp phải biệt kích. Hoảng quá. Tôi nấp vào một bụi rậm. Không phải biệt kích mà là đồng đội, cấp trên của mình. Đó là Đại đội trưởng. Đến gần chỗ tôi nấp thì anh dừng lại. Chết thật, hay là thủ trưởng tưởng rằng tôi làm điều gì phi pháp, hay là thủ trưởng để ý theo dõi tôi, nghi ngờ tôi liên lạc với gián điệp. Tôi nín thở. Thủ trưởng ngó quanh ngó quất rồi lấy từ trong túi áo ngực ra một gói giấy nhỏ bọc ni lông. Quan sát một lần nữa, chắc chắn là không có người, anh ta mở cái gói. Tôi nghển cổ nhìn: đó là một gói muối. Những hạt muối to gần bằng hạt ngô. Tôi nuốt nước bọt, nước bọt nhạt phèo và tanh tanh. Đại đội trưởng lấy ra một hạt đặt vào đầu lưỡi của mình, mím miệng và nhắm mắt lại chắc là để tận hưởng vị mặn mòi đang lan dần trong cơ thể. Tôi cũng nhắm mắt để tưởng tượng đến cái mặn. Nhưng không được. Cổ họng tôi khô khốc và chợt thấy miệng bỏng rát. Lại nhớ đến thằng bạn cùng tiểu đội vừa mới “đi” hôm kia, nó bị thương nặng quá, mất máu nhiều. Trước khi chết nó còn thều thào xin muối. Lúc đó tôi thấy mọi người đều khóc vì thương nó. Đại đội trưởng cũng khóc… Chao ôi! Thế mà bây giờ…

Tôi kể điều mình chứng kiến với trung đội trưởng. Và ngay tối hôm đó tôi được gọi lên ban chỉ huy đại đội. Trước mọi người tôi tường thuật lại sự việc một cách đầy đủ. Tất cả nghe và im lặng. Cuối cùng sự im lặng cũng bị phá vỡ bởi một câu hỏi rất đột ngột của Đại đội trưởng: “Đồng chí nói tôi như vậy, nhưng đồng chí lấy gì làm bằng chứng?”… Tôi bị ghép cho cái tội vu khống nói xấu làm giảm uy tín của lãnh đạo, tuyên truyền làm giảm sút ý chí chiến đấu của đơn vị. Từ đấy cho đến khi ra quân, mặc dù ra sức phấn đấu, chiến đấu dũng cảm, đã nhiều lần là Dũng sĩ, có huân chương tôi vẫn không được kết nạp vào Đảng…

Giá như tôi có cái mác Đảng viên thì biết đâu khi phục viên về quê chẳng được cất nhắc làm cán bộ. Và nếu như vậy thì việc gì phải đi đêm về hôm để đến nông nỗi này. Đúng là biết đã khó, nói cái điều mình biết càng khó hơn. Còn bây giờ biết nói thế nào đây?Nếu nói sự việc như nó đã từng xảy ra thì liệu có ai tin… Nếu nói ra thì phải nói tên người đàn bà- con người đồi bại trong đêm định mệnh ấy. Chồng nó vẫn sờ sờ, vẫn khoẻ mạnh. Bề ngoài vợ chồng nhà nó vẫn hạnh phúc. Thì ra người ta sẵn sàng lừa dối nhau, phản bội nhau để có được những thoả mãn xác thịt thoáng chốc cho riêng mình. Nếu mình nói ra chắc chắn gia đình đó sẽ tan vỡ. Những đứa con nhà nó sẽ bơ vơ. Thôi hãy khoan.

Nhưng không thể không nói. Và để giữ tiếng cho mình, tôi đã nói. Nhưng không nói cái tên người đàn bà ấy ra. Chẳng ai tin! Thậm chí có người cho rằng trong khi đang nằm viện tôi đã khéo léo bịa ra cái câu chuyện tưởng tượng. Họ cười vào mũi tôi. Họ càng tỏ ra khinh bỉ tôi hơn.

Vẻ lạnh nhạt của vợ con, những người mà tôi hằng yêu quý làm cho tôi nổi điên lên. Từ ngày tôi xuất viện về nhà, vợ tôi thường lảng tránh. Không trò chuyện, không ngủ chung và thậm chí không bao giờ ngồi ăn cơm chung. Cứ đến bữa, mọi người trong nhà đều phải ngồi đợi vợ tôi vào ăn cơm. Mâm cơm nguội ngơ nguội ngắt. Tôi bảo các con mời mẹ thì nàng ráo hoảnh nói trống không: “Cứ hốc đi. Kệ tao!”. Tôi bưng bát cơm mà trào nước mắt. Lũ con vừa ăn vừa nhìn bố rồi lấm lét nhìn mẹ… Cũng chỉ chịu đựng được mươi ngày như vậy. Và cuối cùng tôi phải nói với vợ tên cái người mà tôi đã chứng kiến cảnh hành lạc của họ khi bọn trẻ đi học hết.

Phẩm tiết đoan chính của người đàn bà mà tôi nói tên được khẳng định ngay sau khi tôi thổ lộ với vợ được khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Anh chồng cô ta tay cầm một sợi dây thừng hùng hổ sang nhà tôi. Không thèm nói gì, anh ta tròng ngay cái dây thừng vào cổ tôi giật tôi ngã chúi. Thay cho lời chào, hắn giáng vào mặt tôi một cú đấm đến đổ máu mũi. Thì ra bà vợ yêu quý của tôi nghe tôi nói xong liền chạy ngay sang nhà đối tượng để kiểm tra tính chính xác của câu chuyện. Anh chồng ngồi nghe thì tím tái mặt mày, cô vợ nước mắt ròng ròng bù lu bù loa bảo là cái đồ khốn nạn, đồ đểu, nó dám vu khống cho em. Tối hôm đó anh say rượu, em ở nhà với anh, nằm bên cạnh anh chứ có đi đâu đâu. Anh không nhớ à? Vu khống! Thằng khốn nạn nó vu khống. Bằng chứng đâu? Nó muốn đổ tiếng xấu cho người khác. Và để chứng minh sự trong sạch của mình, cô ta lịch bịch chạy xuống bếp lấy dây thừng để chuẩn bị tự tử… anh chồng cảm thấy vợ mình oan ức quá liền giật lấy cái dây thừng oan nghiệt hùng hổ sang trừng phạt kẻ đã dám vu khống phẩm tiết của vợ mình.

Đến bây giờ thì bài học ngày ở chiến trường lại được lặp lại một cách đầy đủ và có phần dữ dội hơn nhiều. Vụ việc ở chiến trường dù có nặng nề về mặt quyền lợi chính trị nhưng tôi vẫn còn là một người lính. Còn bây giờ cái án hủ hoá bị mất giống đã được khẳng định trước mặt vợ tôi. Sự trừng phạt của nàng dành cho tôi còn khủng khiếp hơn nhiều. Nàng khinh bỉ, ghẻ lạnh và coi tôi như một con vật. Tôi cô đơn giữa những người thân của mình. Các con tôi cũng không muốn gần tôi vì cái tiếng bố của chúng hủ hoá nên bị biến thành “công công”.

Nhưng có lẽ còn nhục nhã hơn, tôi- người đàn ông- một anh lính quèn, đã không thể chiến đấu với một khẩu súng đã cụt nòng. Đàn ông hủ hoá thì có nhiều, nhưng bị mang tiếng hủ hoá tới mức bị cắt cụt mất cái công cụ giống má thì có lẽ chỉ có mình tôi mà thôi. Đã có đủ điều kiện để vợ tôi có thể tung tẩy hẹn hò và vui vẻ với những người đàn ông khác bởi vì nàng mới chỉ hơn ba mươi tuổi. Nàng vẫn còn rừng rực như hầu hết những người đàn bà vùng này mang trong người mình cái ào ạt bản năng đến vô tận của biển cả. Đầu tiên nàng còn ngại tôi, ý tứ hơn đối với các cuộc hò hẹn. Nhưng nàng cho rằng xét cho cùng thì tôi đã phản bội. Điều này nàng có quyền trả thù. Còn nữa, nàng lại không thể tha thứ bởi vì sự tha thứ chỉ dành cho cái khả năng có thể hàn gắn hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không chỉ ngồi mà ngắm nhau rồi nói em yêu anh, anh yêu em, chúng ta yêu nhau… mà phải thể hiện bằng quan hệ xác thịt. Dù có lí tưởng hoá tình yêu đến mức nào thì cái điều ấy vẫn là muôn thuở không thể thiếu. Cái khả năng này mất hẳn ở tôi do tai nạn nọ nhưng nó lại tăng lên gấp nhiều lần ở nàng. Đó là lý do thứ hai mà nàng khẳng định sự tự do tuyệt đối của mình. Các cuộc hò hẹn của nàng công khai và thường xuyên, trước còn ở chỗ kín đáo, sau đưa về tận nhà, ngay trước mũi tôi. Tôi không thể chịu nổi nhưng hoàn toàn bất lực. Nhục nhã quá. Nhiều lúc muốn tự tử.

Nhưng tôi vẫn phải sống. Sống vì những đứa con. Chả lẽ để chúng đói khát, thất học. Vậy là tôi phải cố mà tồn tại. Hơn một năm nay, tôi ra đê, chỗ gần cửa sông, tá túc trong một túp lều chăn vịt. Làm được đồng nào gửi cho con đồng ấy. Còn tôi, tôi chỉ cần sống và đủ sức làm việc. Để khỏi chướng tai gai mắt, để khỏi phải nghe những lời đàm tiếu, để khỏi phải tiếp xúc với mọi người, để không phải nghe thấy tiếng dè bỉu “Vọp công công”.



*

* *

Đứa con gái nhỏ nhất của Vọp ngày nào cũng ra chỗ bến đò. Những người đi rỉu ngâm nước cả đêm, sáng ra họ đến đó để bán những con cua bắt được hồi đêm cho mấy tay thương lái từ Hải Phòng, Quảng Ninh về. Vọp dẫu đã có tuổi nhưng vẫn ngày ngày đi rỉu cua rận. Mắt kém thì dùng kính lão để soi. Con bé Vạng vì không phải đi học buổi sáng nên trên giường lăn xuống đất là lại chạy ngay ra bến đò, ở đấy nó được gặp bố và cầm tiền về cho mẹ. Trong lúc chờ đợi đến lượt mình đếm cua để bán, Vọp ôm chầm lấy con, hít hà cái mái tóc ẩm sương sớm của nó. Anh rơm rớm nước mắt khi con bé hỏi sao bố không về nhà mà ở. Bố phải ở ngoài này để bắt cua rận lấy tiền cho chị em các con ăn học chứ. Sao người ta vẫn ở nhà, vẫn đi bắt được cua. À, họ khác. Anh thường đánh trống lảng bằng cách hỏi thăm về chị em nó. Ngày nào cũng vậy, bán cua được đồng nào anh gom lại cùng với số tiền đào gion, bắt hến làm được ban ngày, chỉ giữ lại vài ngàn đong gạo, còn lại đưa cả cho con mang về cho mẹ nó. Nhờ giời, vụ cua này cũng khá. Vọp tin tưởng con mình sẽ đủ điều kiện để học hành. Tự dưng anh thấy đời đáng sống và mong muốn được nhìn đàn con trưởng thành. Tất cả những tai ách, khốn nạn anh đã phải trải qua chẳng có nghĩa lý gì.

Sáng nay, như mọi ngày, con bé Vạng ra bến đò từ rất sớm. Buổi tối qua nó thấy có một người đàn bà ngồi nói chuyện rất lâu với mẹ nó. Chả biết họ nói gì với nhau. Nó chỉ biết sau khi người ấy đi rồi thì mẹ ôm nó vào lòng rủ rỉ: Mai con ra bảo bố về. Con có thương bố không. Con thương lắm. Thế mẹ có thương bố không. Mẹ nó không trả lời nhưng nó thấy ngấn nước đầy trong mắt mẹ. Vậy là mẹ không còn giận bố nữa. Mừng quá, bé Vạng chỉ mong cho chóng sáng để ra đón bố, bảo bố về nhà với mẹ con nó.

Nhưng nó đã đợi bố cả tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy. Khi mọi người đã ra về hết, con bé đứng thui thủi một mình. Hay là bố ốm. Vậy là nó chạy đến cái lều ngoài cửa sông. Căn lều lạnh lẽo chẳng có gì ngoài cái chõng tre với cái chăn bộ đội gấp gọn ghẽ. Vậy bố đi đâu nhỉ. Nó nhìn xuống sông. Và nó chợt thấy dưới sông cách đó không xa, hai cái càng rỉu vật vờ. Một mái tóc ngắn xập xoà trong cơn nước ròng buổi sớm. Có người chết đuối. Con bé vừa chạy vừa hét… Cả làng đổ xô ra cửa sông.

Vọp chết. Vì qua nhiều ngày đi rỉu anh đã tìm ra quy luật, ở cửa sông lui vào trong một tý, cua rận nhiều hơn. Nhưng anh không ngờ lúc nước lên mạnh thì dòng chảy ở đây cũng mạnh hơn, nó đẩy anh vào một hủm cát non do xoáy nước ở đáy sông. Khi chân bước hụt không chạm đất, anh chới với. Cái đáy rỉu như là đuôi con trăn khổng lồ gặp nước xoáy cuốn quanh người anh, bó chặt chân tay. Anh chìm xuống trong tư thế bị trói đứng…

Người ta vớt Vọp lên, gỡ ba bốn vòng lưới của cái rỉu đang cuốn quanh người anh rồi đưa vào đặt trong căn lều nhỏ. Vì chết đuối nên người ta làm đám ma ngay tại chỗ. Mãi đến gần một giờ trưa mới mua được quan tài. Cái quan tài đóng vội còn ướt véc ni màu vàng. Lúc chuẩn bị nhập liệm, người ta cắt tấm lưới của cái rỉu lót vào trong quan tài để sau này khi bốc mộ khỏi sót xương. Cái tấm lưới rỉu rộng trùm cả ra bên ngoài thành áo quan. Tấm lưới còn ướt, véc ni quan tài cũng ướt, khi mọi người vơ tấm lưới cho vào trong quan thì những vết lưới đã in vào hai bên thành. Nhìn cái quan tài như được phủ một tấm lưới đen. Mấy ông ngao ngán nhìn tác phẩm không mong đợi, kết quả của sự vô tình. Một ông bảo: Chả sao, thế nào tý nữa hội Cựu chiến binh cũng phủ vải đỏ che đi, lo gì. Nhưng một người khác thở dài: Khổ, anh ấy có được sinh hoạt với Hội Cựu Chiến binh đâu mà được phủ vải đỏ. Ơ hay! Ngày xưa anh ấy cũng là bộ đội chiến trường cơ mà. Biết rồi! Nhưng mà sau cái vụ tội nợ kia, anh ấy cũng chẳng được mời đi sinh hoạt nữa rồi.

Trong hoàng hôn vàng úa, trên vạch ngang bờ đê, một dòng người cúi mặt lặng lẽ đi vào từ phía cửa sông. Một chiếc quan tài như bập bềnh trôi trên dòng sông người ấy. Giữa âm thanh não nề của kèn trống còn có cả tiếng gầm gào của biển ngoài xa vọng lại. Nước bắt đầu lên. Trời lạnh quá. Mùa cua rận năm nay chắc hết sớm.



Hải Phúc- Tháng 11 năm 2007

M.T.N Đọc thêm!