Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

TRÊN TRỜI ... DƯỚI ĐẤT... (kỳ cuối)

(Tiếp theo và hết)

Hai đứa nép vào nhau chả hiểu người ta đang bàn chuyện gì. Bây giờ chúng chỉ mong cho xe dừng lại để về với bố mẹ. Rồi chiếc xe cũng dừng lại. Hai chị em vội ra khỏi xe. Đây là đâu thế nhỉ? Bên phải chúng là một cái ao rộng mênh mông nhìn mù mịt những nước là nước, những con sóng đầu bạc trắng, to vật vã, cuồn cuộn đuổi nhau lao vào bờ… Còn bên trái san sát những nhà là nhà. Chúng nhìn vào nhà có gắn biển “Gió Lộng” ngay đấy: Bốn ông chễm chệ ngồi trước bàn ngồn ngộn thức ăn. Mấy cô đánh phấn tô môi như văn công nhưng lại mặc quần ngắn tũn hở đùi, áo cộc ngủn hở rốn, lại còn… Khiếp! Đàn bà mà dám ôm cổ đàn ông. Cái ông lúc nãy ngồi đằng trước hai tay bưng cốc lễ phép: Chúc mừng Thủ trưởng! Công trình này anh em mình vẫn thắng. Sinh dữ tử lành…
Mấy cái cốc chạm vào nhau canh cách, rồi tiếng ông a lô: Mà lại một đôi mới hay chứ. Gái gặp hai- trai gặp một! Nhẹ vía lắm! Sau công trình này ta còn thắng nhiều vụ nữa!
Nó giật mình vì tiếng cười ùng ục… ùng ục, người lớn vẫn bảo là cười như cá trê rúc mả, thì ra ông đầu trọc đang cười: Hay…hay! Sinh dữ tử lành. Gái hai, trai một…Nhẹ vía! Tuyệt! Hai thằng này nói đúng. Vậy thì mấy chục triệu đáng đếch gì. Bằng… bằng con tép. Coi như làm từ thiện…
Thủ trưởng sáng suốt! Há há… hố hố…ùng ục… Những cái mồm ngoác ra, những hàm răng nhọn hoắt, môi mép sủi bọt bia trắng xóa như bọt ở mõm con lợn sề nhà nó lúc động đực … Kinh quá!
Hai đứa bé đứng dúm vào nhau. Ở nhà nó mọi người đang khóc, còn ở đây người ta đang cười. Con em bấu vào tay con chị: Về thôi! Em ứ ở đây nữa đâu. Sợ lắm! Cả hai đứa muốn về ngay nhà với mẹ.
Lại nghe văng vẳng…
Hồn đang nhờ gửi tha hương
Gió trăng hiu hắt khói hương lạnh lùng
Hồn đang lúc vào sông ra bể
Kiếp mỏng manh… chiều xế, gió đông
Về đi… dông tố bão bùng...*


Thoắt một cái chúng lại ở trên ngọn cau trước nhà. Vậy mình đang ở trên trời. Trời còn cao bao nhiêu nữa nó không biết, nhưng nó biết chắc chắn mình không ở trên mặt đất như mọi người… Lạnh quá! Nó cần được mẹ ủ ấm. Nhưng không sao xuống được. Nó nhìn ra xa: Ở ngoài nghĩa địa, hai cái hòm gỗ đã được đưa xuống hai cái hố cạnh nhau. Mọi người đang lấp đất. Nó nghe rõ tiếng đất rơi đập vào nắp hòm lịch bịch, lịch bịch khô khốc. Hai đứa ôm nhau nức nở. Chúng gào lên: Mẹ ơi! Bố ơi! Ông ơi! Bà ơi!... Nhưng không ai nghe thấy. Chỉ có tiếng mẹ nó khàn khàn vọng lên: Ối giời cao đất dầy ơi! Sao ác thế.
*
* *

Cốc... cốc... cốc...
Hai đứa bé tuyệt vọng nhìn những cái tàu lá cau đang vật vã dưới chân chúng. Trong nhòe nhoẹt nước mắt, chúng muốn những tàu lá cau như những cái lược hãy cố vuốt chải mái tóc xổ tung rối bời của mẹ … Nhưng những tàu lá cau cứ vật vã liên hồi như những lưỡi liềm đầy răng cưa nhọn sắc đang cứa vào mái đầu của người mẹ tuyệt vọng … Mỗi lần chị em chúng gào lên “Mẹ ơi” thì lại càng bị đẩy ra xa hơn khỏi mái nhà thân thương. Giọt tiếng gọi “Mẹ ơi” vô thanh rơi xuống, lặn dần, lặn dần vào lòng đất thăm thẳm; thân thể vô hình nhẹ như sương từ từ loãng ra, càng lúc càng xa và dần dần tan biến vào vô tận…

(*) Theo “ Văn tế thập loại chúng sinh”

Đọc thêm!

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

TRÊN TRỜI... DƯỚI ĐẤT (Kỳ 3)


(Tiếp theo kỳ trước)
Chưa gặp bố thì hai đưa thấy một cái ô tô đậu ở ngay ngõ. Con bé Nhẫn giật tay chị: ui giời, xe đẹp quá. Đẹp thật! Hai đứa lại gần cái xe. Chúng sờ vào cái xe thấy mát lạnh, màu đen bóng như gương. Nhưng sao cái xe có in bóng mái nhà, cây cối và mọi người mà lại không thấy bóng của chúng đang đứng sát ngay đấy. Nó nhìn vào cái gương to như quyển sách gắn cạnh xe. Cũng không thấy mình trong gương. Lạ nhỉ. Nó thử lè lưỡi, nhăn mặt nhưng trong gương vẫn chỉ thấy cái cây và tường rào ngay đằng sau nó. Chả nhẽ trong xe lại có cái máy hút bóng người vào trong. Nó nhìn vào xe, bé Nhẫn đang ở trong đó. Sao bé lại vào được trong xe nhỉ? Cửa xe vẫn đóng cơ mà. Nó muốn vào để kéo bé Nhẫn ra. Tự dưng nó thấy mình đang ngồi ở trong xe. Bé Nhẫn bảo chị: Êm lắm. Nó thử nhún. Êm thật! Nhưng cái đệm ghế xe chẳng rung rinh tý nào. Nó chợt nhớ một lần có cái xe ô tô cũng đẹp như thế này đậu ở gần trường, mấy đứa chúng nó kéo đến xem. Thằng Tơn táy máy lấy phấn vẽ vào cửa xe. Người ta tóm được, cu cậu bị mấy cái bạt tai đau quá khóc toáng lên, cả bọn sợ xanh mặt chạy tán loạn… Ra thôi kẻo thấy mình trong xe, người ta đánh cho đấy- nó bảo cái Nhẫn. Nhưng con bé làm như không nghe thấy cứ hí hoáy sờ vào cái vành lái, sờ vào những cái đồng hồ. Mà sao lắm đồng hồ thế ?
Sầm! Tự nhiên hai đứa như bị đẩy về phía cuối xe. Thấy có bốn người đã ngồi trong xe. Họ vào xe lúc chúng đang mải nghịch. Bé Nhẫn sợ vội ôm lấy chị. Phải ra thôi! Cho cháu về với mẹ! Cháu lạy các ông cho chúng cháu về với mẹ! Hai đứa líu ríu khẩn cầu. Nhưng người ta không thèm nghe, cái xe lao vút đi. Định nhảy xuống. Nhỡ ra ngã xuống đường thì sao, cô giáo đã dặn đang ở trên xe phải đợi xe dừng hẳn mới được xuống, mà xe đang chạy nhanh lắm, cây cối bên đường chạy vùn vụt vùn vụt về phía sau. Đợi xe dừng lại đã.
Nhìn lên thấy ông lái xe ấn một cái nút, tiếng trống tiếng hát nổi lên “Cô ba tang tình cô bảy… cô tám cô chín cô mười hồng nhan…”. À biết rồi nó đã từng được xem ở ngoài chùa người ta cũng hát như vậy, còn có người nhảy múa theo nữa cơ.
Chợt nghe tiếng ông lái xe: Ta đi đâu thủ trưởng. Một ông béo lùn, đầu trọc, mặt bóng mỡ, mắt lim dim nửa nằm nửa ngồi ở ghế sau khoát tay: Ra bãi! Xả xui! Điện cho nó chuẩn bị. “Gió Lộng”chứ Thủ trưởng? Ừ! Ông ngồi bên cạnh ông đầu trọc liền rút từ cạp quần ra cái hộp bằng hai bao diêm bấm píp píp rồi ghé mồm vào, giọng eo éo a lố..a lô…
Đợi ông a lô làm việc với cái máy píp píp xong, người ngồi ghế trước cạnh ông lái xe ngoái đầu lại lễ phép nói với ông đầu trọc.
- Thủ trưởng hôm nay đi một chiêu tuyệt vời!
Ông này vẫn nửa nằm nửa ngồi, hé mắt nhìn lên, không nói gì. Ông a lô sau khi cất cái máy vào cạp quần miệng lại eo éo: Báo cáo chân tình với thủ trưởng khi nhà nó dọa làm đơn kiện em đã phát hoảng. Không khéo phen này thì tịt. Chúng em không ngờ thủ trưởng siêu cao thủ, chuyển bại thành thắng, làm cả nhà nó hoảng tam tinh lạy van rối rít. Em chịu thủ trưởng.
- ….
- Lúc nhà ấy dọa kiện, chúng em đã định xin tha nhưng nhìn sang thấy thủ trưởng lừ mắt. Em thôi luôn vì biết thủ trưởng đã có phương án… Lúc thủ trưởng phân tích cho nhà nó, bảo kiện cũng được nhưng mà đợi mai sẽ đề nghị pháp y về mổ xác… chắc gì hai đứa đã chết vì rơi xuống hố; thì em biết ngay là mình thắng…
- Thắng đếch gì. Mất toi mấy chục! Ông đầu trọc lên tiếng giọng cáu kỉnh.
Nó thấy ba ông kia đuỗn mặt im thin thít.
Hai đứa nép vào nhau chả hiểu người ta đang bàn chuyện gì. Bây giờ chúng chỉ mong cho xe dừng lại để về với bố mẹ.

(Còn nữa-Kỳ sau đăng tiếp) Đọc thêm!

TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT (Kỳ 2)


(Tiếp kỳ 1}
Nó chợt dừng lại…
Trên đầu giường có hai bát cơm, bên trên mỗi bát cơm là một quả trứng được kẹp bởi đôi đũa tre vót dở lưng chừng xù ra những sợi tre xoắn tít. Vài nén hương nghi ngút... khói hương ám vàng một góc cánh màn trắng giờ loang lổ những vệt bùn. Nó nhìn vào trong màn: sao lạ thế. Mình đang đứng ở đây, nó nhìn sang, con bé Nhẫn cũng đang đứng ở đây! Nằm trên giường lại là nó và bé Nhẫn? Thử véo vào mình một cái. Không đau! Sao thế nhỉ? Nó đưa tay véo em nó. Bé Nhẫn nhìn nó hỏi sao lại véo em, nhưng bé cũng không kêu đau. Vậy là nó lên giường véo một cái rõ mạnh vào đứa giống nó đang nằm. Cái hình hài ấy chẳng thấy động cựa gì. Nó véo vào đứa giống bé Nhẫn đang nằm bên cạnh. Cũng chẳng thấy động cựa. Lạ nhỉ! Tự dưng một đứa thành hai, một nằm trên giường, một đứng đây. Véo đứa nào cũng không thấy đau. Vậy đâu là mình? Con bé bắt đầu hoang mang, người lạnh toát.
Mẹ nó thỉnh thoảng lịm đi rồi lại choàng dậy vừa khóc vừa nấc, gọi thều thào như người mất hơi: Nhu ơi, Nhẫn ơi! Về với mẹ nào! Thì chúng con vẫn đứng đây mà. Nó nhìn con bé Nhẫn… hai đứa cùng đồng thanh gào to: Mẹ ơi! Chúng con đây! Gào mấy lần nhưng mẹ không nghe thấy hay sao mà vẫn khóc: Các con bỏ mẹ mà đi từ chiều qua, các con đang ở đâu… về với mẹ đi nào! Vậy ra mẹ nó khóc từ hôm qua, trách nào mà chả khản đặc giọng. Không biết tối hôm qua chị em nó có ngủ ở nhà không. Điều này thì chúng không nhớ nổi.
À phải rồi, chiều hôm qua khi đi học về, nhà vẫn khóa cửa, bố làm thợ xây tận trên Hà nội, mẹ đi làm đồng chắc tối mịt mới về. Vơ vẩn ngoài ngõ một lúc, nó rủ cái Nhẫn ra chơi ở khu vườn tít tận đằng sau nhà, ở đấy chúng nó đã làm một cái đền bằng mấy viên gạch. Hàng ngày hai chị em chơi trò cúng bái học theo người lớn. Hái mấy bông hoa dại bỏ vào cái trôn bát để làm cỗ rồi hai đứa xì sụp khấn vái. Vui lắm. Mấy hôm vừa rồi chưa ra đấy. Lần này bé Nhẫn còn để dành được một quả quýt, nó bảo để tý nữa giả đò làm quả bòng rồi chị em mình bày mâm ngũ quả.
Khi ra đến nơi thì cả hai đứa cùng sững lại. Trước mặt chúng là một cái hố rộng và đầy nước, đất cát được quật lên miệng hố làm thành cái bờ lổn nhổn cao thấp như những quả núi con con mà nó được xem trong ti vi. Cái gì thế này. Bé Nhẫn leo lên một đống đất. Đứng trên ấy nhìn xuống thấy sâu hun hút nước đen ngòm… Kinh quá.
Xuống ngay! Ngã đấy. Nó gào lên. Bé Nhẫn vội xoay người lại. Nhưng không kịp nữa rồi. Khối đất cát dưới chân đang tụt lở … Con bé nhoài người tay quờ quạng bấu vào bờ đất, hai chân chới với... Hai bàn tay tuột dần tuột dần, mười ngón tay vẽ vạch trên nền đất nhão. Đợi chị! Nó lao đến nắm lấy được một cánh tay của đứa em. Đất trơn quá. Nó cúi xuống mím môi cố níu lấy tay con bé. Bé Nhẫn nhìn lên chị cầu cứu, mặt nhợt nhạt thất thần, ánh mắt bạc đi vì hốt hoảng và tuyệt vọng, con bé cong mình để cố thoát khỏi cái miệng hố sâu hun hút, hai chân đạp hoảng loạn.
Nó nằm xoài trên bờ đất. Chới với một lúc rồi nó nắm được cả hai tay của bé Nhẫn. Được rồi. Cố lên! Nhưng làm thế nào kéo được em nó lên bây giờ? Chân bé Nhẫn đạp liên hồi vào bờ đất. Nó bặm môi nghĩ ra là phải nắm chặt lấy tay em và cố lùi dần. Chợt thấy đất dưới bụng nó đang chuyển động. Cả khối đất chỗ nó đang nằm nhào xuống hố…
Ùm! Khối đất chạm nước cùng cả hai chị em.
Đôi cánh tay của cái Nhẫn vẫn bám chặt lấy tay chị. Bốn cánh tay xoắn vào nhau, bốn cái cẳng chân ra sức quẫy đạp. Nhưng sao mà nước lạnh thế. Chả thấy đáy đâu. Nó thấy như đang lơ lửng trong đặc quánh… Mồm miệng như bị ai bịt chặt. Không thở được…Mẹ ơi!...
Ngực nó như bị vật gì đè xuống. Cái lạnh buốt xộc vào cơ thể, lan dần, lan dần lên đỉnh đầu. Rồi nó không nhớ gì nữa…

Hồn ơi… ư…ư… hồn ở nơi đâu
Nghe chuông nghe mõ mau mau mà về…

Bây giờ nó thấy mẹ nó đang khóc.
Hai đứa ra sức gào: Mẹ ơi! Chúng con đây! Mẹ nó vẫn không nghe thấy, vẫn khóc. Vậy là nó cũng khóc. Bé Nhẫn mếu máo nhìn chị rồi khóc theo. Chúng khóc to lắm nhưng mẹ không nhìn sang phía chúng, mặt vẫn quay vào hai cái đứa nằm không động đậy trên giường.
Nó đã đi xem mấy đám ma. Người ta cũng ngồi ở dưới đất để khóc cho một người nằm im ở trên giường, rồi có mấy người bỏ cái người nằm im ấy vào cái hòm gỗ rồi khênh đi. Sau đó không bao giờ thấy người ấy trở lại.
Vậy… nó chợt nhận ra: Chị em nó đã chết!
Sự sợ hãi ập đến. Nó không thể khóc được nữa. Con em thấy chị tự dưng bặt khóc thì ngơ ngác. Nó nhìn sang bé Nhẫn và cố làm cho bé Nhẫn hiểu là hai chị em nó đã chết. Nhưng con em không hiểu gì cứ chạy lại chỗ mẹ. Bé Nhẫn đến được gần mẹ nhưng tự nhiên chân nó khựng lại như bị ai đẩy ra. Muốn đến ôm lấy mẹ mà không được, bé Nhẫn khóc rống lên. Rồi ho, bé Nhẫn cong người vươn tay về phía mẹ, vừa ho vừa nức nở. Tiếng khóc bị chẹn bởi tiếng ho khục khục ở cổ họng như bị ho gà.
Thương quá, nó đến bên đưa tay vuốt ngực cho em nhưng cơn ho của bé Nhẫn vẫn không dứt. Nó định đến cầu cứu mẹ để mẹ dỗ em… Không được, nó cũng bị đẩy lùi lại. Nhưng sao lại không thể được. Chúng là con của mẹ cơ mà! Muốn lại gần mẹ để mẹ xoa đầu, để mẹ gọi là con cún… Càng muốn gần lại càng bị đẩy ra xa. Ai bắt chúng phải xa mẹ? Ai? Không trả lời được. Thất vọng, người nó rỗng rễnh, trống trải. Trời ơi! Lạnh quá!
Chị em đành ôm nhau ngồi im ở một góc nhà nhìn về phía mẹ.
Khói hương lởn vởn…
Cốc cốc… cốc… keng keng…keng
Hứ…ứ…ư…
Kìa… những kiếp tiểu sinh tấm bé
Tại đâu đành lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U… ơ… tiếng khóc, thiết tha nỗi lòng?*

Mọi người tụm năm tụm ba ở khắp cả trong nhà ngoài sân. Bên tai hai đứa ngập những tiếng khóc, tiếng thở dài và cả những tiếng chửi.
- Khổ thế! Sao giời lại bắt người ta khổ đến vậy. Mất một lúc cả hai đứa con…
- Giời nào. Tại cái lũ khốn kiếp làm ăn tắc trách. Tự dưng đào cái hố như cái bẫy. Chẳng rào rấp gì! Lũ trẻ không biết nên mới xảy ra cơ sự. Thế họ đào cái hố ấy làm gì nhỉ?
- Nó đào hố để giồng cột điện…
- Cột điện gì mà đào chân cột to như cái ao?
- Cột điện để bắc sang qua sông. Mà cũng phải to vì năm ngoái cũng chôn cột điện, đào hố toen hoẻn như cái thúng…thì cốt để ăn bớt xi măng, ăn cắp công của nhà nước mà. Vừa mới có tý gió cột cao thế đã đổ nhào. Đè chết một ông đang làm ruộng. Phải đền mấy chục triệu. ..
- Vậy đám này cũng phải đền chứ chả nhẽ! Làm ăn như cứt! Để chết hai mạng người.
- Thì đã đành. Phải bắt chúng nó đi tù. Bây giờ đã thấy đứa nào ló mặt đến đâu? Mả bố chúng nó. Đem mà chém chứ bỏ tù cũng chẳng bù được tội.
Một ông nhanh nhảu bảo: Đến rồi, đang làm việc với gia đình và Ủy ban. Bố nó đã về đâu mà làm việc? Về rồi! Dưng mà như người mất hồn đang vật vã ở nhà bên. Chỉ có các bác các chú bọn trẻ đang cù cưa với bọn công ty đào lỗ. Rồi mấy người vừa nói lục tục kéo nhau đi, chắc là sang nhà bên.
Nó nhìn con em. Đến bây giờ thì nó biết chắc chắn rằng mình đã chết. Vậy mình sẽ không bao giờ được gặp mẹ, không bao giờ được mẹ ôm vào lòng hít hà mùi tóc cháy xém khét lẹt mùi nắng của hai đứa nữa. Chúng sẽ không bao giờ còn được đến trường để chơi với cái Na, cái Lan, cái Hương, cái Nụ… chả còn bao giờ được cô giáo khen khi đọc một lèo cả bài học thuộc lòng. Và không bao giờ được ngồi ăn bữa cơm có cả nhà để bố gắp miếng cá nạc nhất sau khi đã gỡ hết xương bỏ vào bát cho chúng: ăn đi các con. Ăn cho chóng nhớn để học cho giỏi, sau này làm kỹ sư…
Nó chả thích làm kỹ sư. Nó thích được làm cô giáo hơn. Nhưng bây giờ thì chết rồi, mà đã chết rồi thì làm sao còn ăn được, làm sao nhớn lên được để làm cô giáo. Nghĩ đến đây nó mếu máo, con em thấy chị lại khóc thì khóc rống lên. Hai đứa ôm nhau mếu máo khóc trong tuyệt vọng. Bên tai chúng vẫn ong ong những tiếng khóc, tiếng nói, tiếng chửi ai oán của mọi người.
Bé Nhẫn nắm lấy tay chị bảo hay chị em mình sang với bố đi. Ừ nhỉ, mọi khi mỗi khi mẹ giận là hai chị em lại chạy đến chỗ bố. Lúc ấy mẹ bảo vậy ra bây giờ hai con cún về hết phe bố. Được rồi. Để ba bố con với nhau. Mẹ đi đây. Những lúc ấy chúng lại chạy ào ôm lấy mẹ. Mẹ còn giả vờ giận thêm một tý nữa bằng cách hẩy tay chúng ra rồi ngồi thụp xuống, mái tóc dài tự nhiên xổ tung. Hai đứa vít đầu mẹ xuống và tỷ mẩn nhổ từng sợi tóc sâu và vuốt vuốt suối tóc dài của mẹ… Lúc ấy bố cười ha hả khen hai cô con gái rượu của bố hết ý. Bây giờ cũng vậy. Chạy sang với bố thì mẹ cũng sẽ hết giận… mẹ sẽ ôm chúng vào lòng… chúng sẽ vuốt lại mái tóc đang rối bời của mẹ…
Hai chị em dắt nhau ra ngõ sang nhà bên với bố. Bỏ lại phía sau tiếng mõ chuông lốc cốc và giọng ê a:
Phù sinh hỡi kiếp phù sinh
Mỏng manh một cánh, lênh đênh cõi trần…


(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)
Lưu ý: Hình ảnh được lấy từ mạng chỉ có tính chất minh họa không liên quan đến bài viết.
Đọc thêm!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT (kỳ 1)

Thỉnh thoảng mình cũng viết truyện ngắn và được đăng cũng nhiều nhiều. Bắt đầu từ nay mình sẽ gửi tới bạn bè những truyện ngắn của mình. Gọi là truyện ngắn nhưng so với những bài trong blog thì nó dài gấp... mười lần. Vì vậy mỗi truyện mình sẽ đăng thành nhiều kỳ để bạn bè... đỡ mệt.
Hôm nay mình gửi tới các bạn truyện ngắn "Trên trời dưới đất". Truyện này sẽ đăng làm 4 kỳ. (Khoe thêm một tý: "Trên trời...dưới đất" đã được chọn là 1 trong 9 truyện ngắn hay nhất của Văn Nghệ Trẻ năm 2010)



Hai chị em nó đang lơ lửng dựa vào nhau trên ngọn cây cau trước nhà. Hôm kia, hôm kìa mọi người còn bảo với chúng đấy là trên trời. Trời còn cao bao nhiêu nữa nó không biết, nhưng nó biết chắc chắn mình không ở trên mặt đất như mọi người… Cái ngọn cây cau mà mọi ngày nó ngước lên nhìn và tự hỏi sao mình lại không thể lên trên đó. Nó muốn lên đó vì ở đấy có những tàu lá lúc nào cũng phơ phất như một lưỡi cưa cắt vào bầu trời màu xanh lơ. Chỉ có một điều lạ là lưỡi cưa ấy đang làm một việc vô ích: cưa trời thành những mẩu nhỏ, nhưng khi lưỡi cưa vừa đi qua thì lập tức trời lại liền như cũ. Giá mà những vết cắt kia không liền lại thì một mảng xanh lơ phải rụng xuống và trời bị thủng một chỗ, nhòm qua cái lỗ thủng ấy sẽ biết được trên trời có cái gì. Chắc là có nhiều thứ lạ!
Bây giờ thì những tàu lá cau đang đung đưa dưới chân chúng. Không khí trên này lạnh và ẩm… Nó thấy người mình nhẹ như sương nhưng không hề có cảm giác lạnh. Càng không hề có cảm giác tê buốt như lúc chiều qua khi rơi xuống cái hố…

Nhà nó đang có đông người ra vào. Còn đông hơn cả những lần có đám giỗ. Lần này có cả những chú công an và mấy bác cán bộ xã… Những chú công an thì nó ít khi gặp, bởi ở trường thì chỉ có các thầy cô giáo và các bạn, các chú công an không bao giờ đến trường để bắt trẻ con vì chúng nó đứa nào cũng ngoan. Nó biết điều ấy vì năm nay nó tám tuổi đã học lớp Ba còn em nó là bé Nhẫn sáu tuổi đang học lớp Một. Các bác cán bộ xã thỉnh thoảng cũng đến trường vào những dịp toàn trường tập trung cờ hoa rực rỡ. Theo lời cô giáo dặn, chúng nó phải vỗ tay nhiệt liệt đến rát đỏ lòng bàn tay để hoan hô những bài phát biểu dài dằng dặc của các bác. Bọn nó thích nghe hát hoặc nghe kể chuyện cổ tích hơn. Giá mà các bác ấy hát hoặc kể chuyện thì tốt quá. Nhưng họ lại chỉ nói những điều mà chúng nó chẳng hiểu gì. Nào là tương lai, nào là tiền phong, nào là lý tưởng... Nhiều khi còn gọi chúng nó là măng non. Măng non chắc như là cái măng tre. Nhiều lúc nó cứ tưởng mình là một cái măng tre. Trên đầu mình sẽ nhọn hoắt… Eo ôi, vậy thì xấu lắm. Soi gương thấy đầu vẫn tròn, chỉ cái đuôi tóc là hơi vổng lên, yên tâm là các bác ấy nói vậy cho vui thôi. Mẹ lại gọi chúng nó là những cún con. Nghe thích hơn, vì những con cún trong nhà trông ngộ lắm. Chúng suốt ngày vẫy tai, chạy nhảy và quay vòng tròn để đuổi bắt cái đuôi của chính mình… Mà sao người lại không có đuôi nhỉ?
Bé Nhẫn đứng cạnh nó bỗng hỏi: Chị Nhu ơi! Mẹ đâu? Không nghe thấy tiếng nhưng nó vẫn biết điều em nó hỏi. Nó bảo chị cũng không trông thấy mẹ. Tự nhiên nó phát hiện ra mình nói mà không nghe thấy tiếng nói của mình. Sao lại vậy nhỉ. Nhưng bé Nhẫn vẫn nghe thấy. Bé bảo chị ơi ta vào nhà xem mẹ có nhà không. Tài thật! Mới hôm qua cô giáo gọi lên đọc bài, nó đọc hơi nhỏ mà cô đã nhắc nhở ngay, bảo phải đọc to cho cả lớp cùng nghe. Vậy mà bây giờ không cần phải nghe thấy tiếng mà vẫn biết được đứa kia nói gì…
Hai chị em cùng nắm tay nhau. Lạ lắm cơ: chỉ hơi lắc nhẹ người là đã đến sát hiên nhà. Người đứng đầy ngoài sân, ngoài hiên; chúng cứ chen bừa mà đi nhưng chả đụng vào ai. Chẳng ai để ý đến bọn chúng. Trong nhà cũng đông nghẹt người. Bà nội, bà ngoại, cô dì khóc vật vã… mắt sưng mọng, mấy người vừa quệt nước mắt vừa dỗ dành an ủi. Người lớn cũng lạ! Cũng khóc tu tu chẳng khác gì trẻ con, cũng được dỗ dành mà vẫn chẳng chịu nín. Nhiều người ngày thường ít khi đến nhà nhưng hôm nay cũng có mặt. Đàn ông mắt đỏ hoe ngồi trầm ngâm trước cái điếu thuốc lào, đàn bà thì tụm năm tụm ba vừa thì thầm vừa sụt sịt…
Ngồi bệt trên nền nhà ngay cạnh chân giường mà chị em nó vẫn nằm hàng ngày, mẹ nó khóc không ra tiếng, tóc tai xõa xợi, đầu đập ình ịch vào thành giường, hai tay giơ lên trời rồi lại đập xuống đất. Chưa bao giờ thấy mẹ nó khóc như thế. Hay là ai đánh mẹ? Hay là nhà bị mất cái gì? Chúng muốn lại ôm lấy mẹ, bảo mẹ rằng chúng con đây, đừng khóc nữa kẻo chúng con sợ. Chắc mẹ sẽ nín ngay.
Nhưng lẫn trong tiếng khóc là tiếng ê a nhịp theo tiếng chuông tiếng mõ rời rạc não nề:
Hờ… ờ… Hồn xiêu.. phách lạc… biết đâu bây giờ
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hay là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là bãi cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ…
*
Nó chợt dừng lại…

(Kỳ sau đăng tiếp) Đọc thêm!

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

DỚ DẨN...


Chiều nay gặp ông bạn “đếch nói nữa…”. Thấy hắn vừa đi tay vừa vò lá trầu không, thỉnh thoảng lại đứng lại vén quần, trật đầu gối xoa xoa. Quái thằng này làm cái trò gì ấy nhỉ. Vậy là hỏi: “Đi đâu về?”
Hắn bảo: “Đi hỏi thăm đám ma”.
Ra vậy. Xoa trầu không vào đầu gối để tránh sài lạnh, vì hắn có bệnh khớp.
- Đám ma nào? Già hay trẻ?
- Đám ma ở xóm dưới. Còn trẻ.
- Sao mà chết?
Hắn tưng tửng:
- Chết vì tích cực Thi đua…
Mình ngớ người: Chuyện quái gở! Chết vì Thi đua? Mà Thi đua cái gì để đến nỗi chết khi còn tuổi trẻ?
Chắc mặt mình lúc ấy trông buồn cười lắm, hắn nhìn thấy mình nghệt mặt như vậy, đoán được mình đang thắc mắc, nên thủng thẳng:
- Thì tao nghe nói vậy cũng biết vậy!
- Ai nói? Nói như thế nào?
- Tay Trưởng ban Văn hóa, trưởng ban lễ tang đọc oang oang ở đám ma… chứ còn ai nói. Nó đọc như thế này: giữa lúc toàn Đảng toàn dân đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm… thì ông… từ trần. Chả phải ông ấy chết vì tích cực thi đua là gì?
Giời ạ! Mình thở phào. Đúng là đồ xỏ lá! Mình giải thích: đấy là mở đầu người ta nói cái bối cảnh. Bao giờ chả vậy… từ cấp xóm lên tận Trung ương lúc nào chả mở đầu bằng “Giữa lúc… đang tích cực thi đua…” Chứ đâu phải chết vì tích cực thi đua.
Hắn lý sự:
- Dưng mà ở đây đọc là “toàn dân” tức là trong đó trong đó có tao, có ông, có tất tật mọi người… có cả cái thằng chết hôm nay.
- Đúng!
- Vậy thằng ấy lúc chưa chết nó cũng đang tích cực thi đua lập thành tích như mọi người. Rồi lăn đùng ra chết. Vậy là chết do tích cực thi đua chứ còn gì nữa... Nước mình có ngày nào mà không có tích cực thi đua lập thành tích. Tất cả mọi người đều chết đang lúc tích cực thi đua…
Hớ rồi. Mày chết với ông! Mình hỏi xoáy:
- Thế người già, người ốm cũng tích cực thi đua à…
Hắn thản nhiên: Không tích cực mà được à. Bao giờ người ta chả nói "toàn dân…" có trừ ai đâu nào.
Mình cáu: “Cùn… Dớ dẩn! Chỉ được cái nói cùn…”
Hắn cãi: “Đầy đứa cùn bằng vạn í chứ, đầy cái còn cùn bằng vạn í chứ. Sao nó vẫn nói được?”
- Nó nói được nhưng tao với ông đếch nói được!
- Vì sao?- Hắn hỏi ngược lại mình.
Thằng này đểu thế. Hỏi xóc thế! Mình ngọng mồm. Bèn dàn hòa:
- Vậy thằng vừa chết tên là gì? Chết ung thư à?
- Nó tên là Chích- Xong- Xốc…Chết vì chích quá liều.
Nói xong hắn về thẳng. Lại vừa đi vừa vén quần, xoa xoa đầu gối…

Đọc thêm!

CHÈ ĐỖ THẢ SƯƠNG







Đã sang tháng tám âm lịch, thấy sương giăng giăng từ chập tối. Đến sáng vẫn sương ấy mờ mờ...
Trời đêm hơi lạnh và ẩm. Chuyển mùa đâm ra khó ngủ. Chơi vơi trong đêm, nhìn bóng đèn đường đỏ quạch nhòa nhòa trong sương.
Ngày còn bé, chả mấy khi để ý đến sương thu. Nhưng mong có sương để được ăn món chè đỗ đen thả sương mẹ nấu...

Tháng tám trời vẫn nắng. “Tháng tám nắng rám quả bòng”. Đi học về, con vục cái gáo dừa vào chum nước mưa, uống một hơi cho đã khát. Đã cơn khát, vội chạy vào nhà bưng bát cơm khoai ăn ngấu nghiến, mồ hôi chảy ròng ròng. Mẹ bảo số thằng này vất vả, đến ăn uống còn đổ mồ hôi!
Qua một ngày tất tả đi bộ mấy cây số đến trường, về nhà hùng hục thực hiện nghĩa vụ vớt bèo nấu cám lợn, tối lo hoàn thành các bài tập... Rồi cũng xong... thở phào. Ngủ một giấc cho tới sáng mà chẳng hề mộng mị. Tỉnh giấc bắt đầu một ngày với cái quy trình không thay đổi. Chẳng biết mùa thu, chẳng biết sương thu...

Chỉ đến một buổi sáng, khi tỉnh giấc mẹ bảo đi rửa mặt rồi mấy anh em ăn chè còn đi học. Nhìn ngoài sân thấy có cái rổ úp.
Ra lật cái rổ, một nồi chè đỗ đen. Mấy anh em cùng reo lên, tranh nhau bê vào. Anh cả được cái vinh dự ấy. Chỉ mươi bước chân mà rón rén. Lũ em căng thẳng nhìn theo, sợ thằng anh đánh đổ nồi chè. Mẹ múc chia đều cho mấy anh em mỗi đứa một bát con.
Nhận phần mình từ tay mẹ, mấy anh em giăng hàng trên hè đất ngồi ăn chè.
Thìa đầu tiên đưa lên môi cảm nhận vị ngọt thanh. Chao ôi, ngọt từ đầu lưỡi đến cổ họng. Muốn giữ mãi vị ngọt trong khoang miệng cho bõ thèm. Hàng mấy tháng mới được ăn chè, mới được thưởng thức vị ngọt, mới tìm lại được cái vị đậm đà tưởng đã quên.
Nhận được vị ngọt từ đầu lưỡi rồi mới nhìn vào bát chè đỗ đen. Lưng bát nước nâu huyền sóng sánh, hình như vị ngọt có được là nhờ cái màu nước nâu huyền ấy. Húp thêm vài thìa, nghiêng bát một tý thấy những hạt đỗ đen- không nhiều lắm. Những hạt đỗ ninh nhừ như những quả cật lợn tý hon đã bung lớp vỏ, khúc giữa có những vệt nhỏ xíu như vết khắc của người thợ kim hoàn khéo léo cắt lên ngang thân. Những hạt đỗ đen bùi tan trong miệng.
Ngọt bùi và mát...
Cái cảm giác mát ấy như thoang thoảng mùi tinh dầu chuối nhưng nhẹ hơn, êm ái hơn. Mát hơi lạnh lạnh. Chỉ hơi lạnh một tý thôi cũng đủ cho vị ngọt của nước trở nên thanh hơn, vị bùi của đỗ như ngậy hơn, hạt đỗ cũng như nhừ tơi trong miệng. Miếng chè trôi xuống thực quản nhưng cảm giác mát vẫn giữ được vị ngọt bùi của chè trên đầu lưỡi và cả trong miệng.
Cảm giác man mát ấy chầm chậm lan tỏa trong người, hình như có thể biết nó đang từ từ trôi dần, trôi dần đến từng xăng ty mét, tưởng như nguồn nước mát tưới dần vào trong cơ thể. Sảng khoái đến nao lòng.
Cái mát thanh ấy là bởi sương thu.
Trong đêm, lúc tôi học bài xong thì mẹ vẫn lụi hụi dưới bếp. Bây giờ mới hình dung lúc ấy mẹ vo đỗ đen rồi đổ nước vào nấu chè. Khi nồi chè sôi một lúc, mẹ vùi vào tro nóng. Lúc ấy bọn tôi đã đi ngủ. Mẹ ngồi bệt, đầu gục xuống vòng tay trên đầu gối, nhẫn nại chờ trong bóng đêm yên ả. Chờ khoảng một tiếng đồng hồ. Ướm chừng đậu nhừ, mẹ bắc ra đun sôi lại và thêm vào lưng bát nước lạnh. Mẹ bảo chè đang sôi khi đổ nước lạnh vào thì hạt đậu sẽ nhừ hơn. Và mẹ cho đường cát khuấy đều. Lúc ấy chỉ là đường cát nấu chế biến thủ công từ mía chứ làm gì có đường kính. Để cho vị ngọt thêm đằm, mẹ búng vào nồi chè vài hạt muối...
Nửa đêm sương thu xuống đầy. Mẹ đưa nồi chè ra sân, mở vung, rồi úp lại bằng cái rổ... Những hạt sương li ti mang cái lạnh, cái trong trẻo của đất trời và mang cả hương cau, hương chuối trong vườn... từng hạt, từng hạt lọt qua kẽ rổ ướp hương cho nồi chè mẹ nấu. Để sáng mai này chúng con có bát chè thơm ngậm những hạt sương thu.
Để rồi con có thói quen đợi sương thu mỗi khi tháng Tám.


Bây giờ thì khác rồi. Đỗ đen cho vào nồi áp suất. Đun mười năm phút là nhừ tơi. Cho đường kính, thêm vài giọt tinh dầu chuối, lấy nước đá tủ lạnh thả vào. Vậy là có chè đỗ đen. Cũng ngọt, cũng thơm và lạnh.
Nhưng mùi tinh dầu thơm xộc thẳng lên mũi vừa thô thiển vừa dị hợm. Vị ngọt sắc của đường kính thiếu đi cái thanh thanh nhẹ nhàng. Hạt đỗ nhừ tơi nhưng hình như kém đi cái vị bùi, không còn độ ngậy...
Và tôi sợ cái lạnh của nước đá trong bát chè. Nó làm hàm răng tôi tê buốt. Cái tê buốt lan tới tận đỉnh đầu.
Lại nhớ về ngày xưa, bưng bát chè đỗ thả sương từ tay mẹ nấu.
Ngoài kia, sương xuống dày. Ngọn đèn đường đỏ quạch nhòa hẳn trong sương lạnh.
Trên bàn thờ, tấm hình mẹ lãng đãng khói hương...
Đọc thêm!

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN


Năm 1975- Sau giải phóng… Hình như là giữa tháng 5 - mình không nhớ rõ. Bọn mình lúc ấy đang đóng quân ở chợ Quán Gò- Thăng Bình- Quảng Nam. Một hôm, lúc 13 giờ có lệnh tập trung gấp một số cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 31 về BTL Sư đoàn. Không biết có việc gì. Nhưng chắc là hệ trọng.
Bọn mình phải đi bộ gần năm cây số lên BTL Sư đoàn 2 (lúc ấy do Đại tá Nguyễn Chơn làm Sư trưởng) đóng ở một quả đồi thấp cách đường QL 1 gần cây số: căn cứ Tuần Dưỡng- nơi trước đấy ít ngày còn là trại Nỏ Thần của pháo binh đối phương. Lên đến nơi thấy kháo nhau: Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm.
Mình là lính trơn nhưng mừng không thể tả.
Mười lăm giờ, có ba chiếc u-oat từ ngoài quốc lộ rẽ vào. Bọn mình chắc là xe của QK về đón tiếp Đại Tướng nên vẫn ngồi trong hàng quân. Xe dừng lại cách chỗ bọn mình một quãng xa xa. Khi cửa xe bật mở, một người thâm thấp đội mũ cối nhanh nhẹn bước xuống trước, tiếp đến là một ông cao lênh khênh và cuối cùng là Tướng Đoàn Khuê- Chính ủy Quân khu 5 cùng vài người nữa cùng đi nhanh đến chỗ tập trung.
Khi đoàn người gần đến nơi chợt có tiếng hét: “Đại Tướng! Đại Tướng” Vậy là tất cả đứng hết cả dậy vỗ tay, bỏ cả hàng ngũ ùa đến vòng trong vòng ngoài, mồm hô Hoan hô Đại Tướng… ai cũng muốn được đến gần Vị chỉ huy tối cao của Quân Đội.
Đại Tướng tươi cười giơ tay xoay người theo cả bốn phía: “Chào các đồng chí cán bộ chiến sỹ Sư đoàn Hai Anh hùng”
Lính tráng cánh mình vỗ tay rầm rập
Rồi hàng quân được tập hợp lại. Đại Tướng đứng nói chuyện trước hàng quân. Đầu tiên Đại Tướng giới thiệu người cao lênh khênh là Thiếu Tướng Cao Văn Khánh, Chính ủy Đoàn Khuê.
Không có mi-cơ- rô loa máy phóng thanh nhưng bọn mình vẫn nghe đầy đủ lời Đại Tướng: Chiến thắng Công lao lớn nhất thuộc về Nhân dân, thuộc về những Chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh trong đó có Sư Đoàn 2 Anh hùng…
Lâu rồi mình nhưng vẫn nhớ giọng nói miền Trung thong thả mà ấm áp tạo cho mình một cảm xúc đặc biệt. Vinh dự lớn của đời mình được bắt tay Đại Tướng. Không phải vì được ưu ái hơn những người khác mà vì trước khi chia tay Đại Tướng đã đi dọc hàng quân bắt tay từng người. Bàn tay mềm và ấm. Từ cái bắt tay ấy mình nhận được một tình cảm nồng hậu thân thiết. Như thể người cha đối với con…

Hòa bình mấy năm. Thấy người nọ người kia kể công kể sá. Nhưng không thấy Đại Tướng lên tiếng gì. Rồi nghe Đại Tướng không còn là Bộ Trưởng Quốc Phòng mà chuyển sang việc khác… Buồn! Hỏi bạn bè đồng đội cũ ai cũng buồn.
Nghe Thế giới tôn vinh Đại tướng là một trong mười vị Tướng tài nhất trong lịch sử Quân sự thế giới mà mừng. Vì Đại tướng cũng được xếp ngang Xê-da,Na-pô-lê-ong, Trần Quốc Tuấn, Cu tu dop… Mình nghĩ Người cũng là bậc Thánh như Hưng Đạo Đại Vương.
Sử đã chép từ xưa Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo khi bị đau mà các bậc quân vương vẫn phải đến thỉnh giáo kế sách giữ nước, an dân để thấy ngày xưa các bậc đế vương biết trọng Hiền tài, biết tôn vinh người đi trước. Lịch sử cũng chứng minh ai nghe theo thì nước bền dân mạnh. Ai không nghe theo thì nghiệp Đế suy vong.
Vậy mà Đại Tướng của ta mới hôm nào đã phải đích thân có những kiến nghị để giữ gìn đất nước nhưng liệu đã có người nghe. Thậm chí có những kẻ còn dám buông lời không phải… Và bây giờ điều mà Đại tướng cảnh báo đang dần hiển hiện.
Buồn. Hỏi bạn bè đồng đội ai cũng buồn!

Hôm nay Đại Tướng của chúng ta đã tròn 100 tuổi. Tuổi trời cho một ngày cũng quý. Người đã được Trời ban Thiên tước!
Thiên tước trời ban cho Đại Tướng còn hơn tất cả những chức vị trần gian. Vì Thiên tước tuổi 100 ấy không dành cho người thường. Càng không bao giờ dành cho kẻ bon chen ham hố…
Thiên tước ấy là sự ghi nhận của Trời Đất Vũ trụ đối với một con người Chí cao Tâm sáng, Đức độ, Tài năng kiệt xuất… hết lòng vì Nước.
Thiên tước ấy là sự ghi nhận Trời Đất Vũ trụ đối với một tấm lòng Khoan hòa, Nhân hậu, Bao dung, Trí tuệ mẫn tiệp… tận hiếu với Dân.
Thiên tước ấy là sự ghi nhận của Trời Đất Vũ trụ đối với một con người có nếp sống thanh cao, không bon chen trần tục… Trí- Dũng- Liêm- Trung mọi nơi mọi lúc.
Và Thiên tước ấy là sự ghi nhận của Trời Đất Vũ trụ về sự biết ơn và tình cảm ước muốn của Nhân Dân mong Người Trường Thọ.
Con kính mừng Đại Tướng của Nhân Dân.
Đọc thêm!

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

THỦ ĐÔ CHÀO MỪNG...

Tối Chủ nhật… ông bạn “đếch nói nữa…” lò dò sang nhà mình. Sự lạ khi hắn sang chơi vào cái thời điểm ấy vì buổi tối hắn thường bị vợ cấm ra khỏi nhà.
Vừa vào đến cửa hắn đã bô bô:
- Thủ đô bây giờ vui thật!
À thì ra hắn đi Hà Nội về. Chắc là lên thăm con… Và sang đây là để khoe với mình về chuyện Thủ Đô.
- Thủ đô thì bao giờ chả vui mà phải khen.
- Không! Mấy chủ nhật trước có vui vậy đâu. Tớ vừa xuống xe, đáp xe buyt lên bờ hồ… gặp giời mưa… vậy mà thấy múa hát tưng bừng… Chỗ nào cũng múa hát… ngay ở chỗ bờ hồ cũng có đến bốn năm đám múa hát rộn ràng.
Điều này thì mình biết vì trên đài nói là múa hát mừng Tết Độc lập. Mình hỏi:
- Chắc là hay lắm nhỉ?
Hắn bảo: Được cái bổ mắt…
- Sao lại bổ mắt?
- Thì toàn bọn con gái mặc quần đùi, áo may ô khoe đùi trắng lôm lốp, vú vế thỗn thện như ấm tích, rốn sâu như cái chén… nhảy như choi choi mồm uốn éo ngợi ca…, ca ngợi… cuộc sống tươi đẹp vững vàng tiến lên thiên đường chủ nghĩa xã hội… Chả như đám gái quê nhà mình cẳng như cẳng cò, đen như chân trâu, người thẳng đuỗn như cá rô đực, mồm lúc nào cũng quàng quạc chửi chồng…
Mình phải vội bịt mồm hắn lại… đàn bà nó nghe thấy thì chết bây giờ!
Hắn trợn mắt thì thào:
- Dưng mà đếch có người xem. Chỗ nào đông được vài ba chục người. Còn lại diễn cho giời xem, đất xem. Thế mới lạ!
Mình trêu: Vậy mình ông ngắm thoải mái… sướng quá còn gì.
Hắn bảo: Đếch chịu được… Vì mấy cái loa inh tai nhức óc. Loa ở sân khấu, loa ở ngoài đường, loa ở trên xe, loa cầm tay… thi nhau hô trật tự… cứ như chửi nhau... Mấy lị đứng xem mà cũng run…
- Vì sao?
- Toàn thấy công an là công an, công an áo vàng, công an áo xanh, công an cơ động, người đeo băng đỏ nhan nhản. Dùi cui nhăm nhăm. Khiếp! Chả nhẽ có mấy đứa con gái mặc quần đùi mà phải huy động lực lượng bảo vệ cẩn thận thế. Lại có cả Công an cầm biển cấm chụp ảnh. Mà ở chỗ Bờ Hồ trái tim Thủ đô lại cấm chụp ảnh. Định giở điện thoại ra chụp nhưng lại sợ bị bắt…
- Mình làm gì nên tội mà sợ bị bắt?
- Thì bị bắt rồi sẽ có tội. Bao giờ mà chả thế. Vậy là mình chuồn…
Thật chả ra làm sao. Có vậy mà cũng kể! Hắn hình như thấy sự vô duyên của mình, còn cố vớt vát:
- Dưng mà tốn kém quá, lãng phí quá. Tớ cứ cho rằng mỗi đám hát í vậy cũng phải mất hàng trăm triệu… tiền sân khấu, buồm bạt, loa máy, diễn viên ăn uống tập luyện, công an bảo vệ, xe cộ đón đưa… Mươi đám như vậy tốn tiền tỷ chứ chả chơi… Mà lại đếch có ai xem. Rõ dớ dẩn. Trong khi đó mình ở quê làm bục mặt để đóng thuế cho nhà nước… Trên cứ hô hào tiết kiệm, tiết kiệm… thằng dân làm lấm mặt để các ông tiết kiệm kiểu ấy à…
Thằng này lại bắt đầu chuyển giọng tiêu cực đây. Mình phải giải thích:
- Thì đây là hoạt động chính trị để chào mừng…
Hắn ngắt lời:
- Chào mừng cái gì? Chào mừng lạm phát tăng vọt à, chào mừng giá cả leo thang lên giời à, chào mừng… Chợt hắn đưa tay bịt mồm: cái mồm, cái mồm… đếch nói nữa không lại bảo là… Thôi tao về!
Và hắn đứng dậy... Về!

Đọc thêm!

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

NGÀY XƯA... BÂY GIỜ...

Dạo này ông hàng xóm “đếch nói nữa…” ít sang nhà mình. Có lẽ hắn giận mình vì cái tội mình hay lý sự bằng giọng chính phủ khi tranh luận. Xét cho cùng rồi thắng thua cũng chẳng bao giờ ngã ngũ, nhiều lúc mất mặn mất nhạt. Rồi xa nhau. Tự dưng vì mấy chuyện vớ vẩn chẳng hệ trọng lắm đến mỗi người… nhưng lại tức anh ách… Cả hai cùng tức vì không thắng nổi nhau.
Chủ nhật thấy hắn le ve qua nhà. Mình vội mời hắn vào. Lưỡng lự một tý rồi hắn cũng bước vào nhà. Vừa đặt đít xuống ghế hắn đã hất hàm hỏi ngay:
- Có việc gì thế. Hôm nay tớ đếch muốn cãi nhau với ông đâu đấy.
Mình lúng túng mở đầu: hôm nay tớ đọc báo thấy nói từ cái vụ thảm họa kép mới thấy người Nhật có nếp sống quy củ, biết yêu thương nhau, hoạn nạn mà bình tĩnh vẫn kỷ cương… Trong khi đó người Việt ta thì hở ra là bon chen chụp giật, ghen ăn ghét ở, hối lộ, lạm phát kinh khủng…
Hắn hỏi ngay:
- Ông cũng nghĩ thế à?
- Thì các báo cũng nói, nhiều học giả cũng nói vậy!
Hắn trầm ngâm: Thế họ có nói nguyên nhân của những thói xấu ấy không?
Mình bảo: thì người ta nói như vậy tức là nói bản chất người Việt mình nó thế. Cái nước mình nó như thế!
Hắn trợn mắt:
- Ngu! Ngu hết chỗ nói. Tớ hỏi ông: ngày xưa... cái hồi chiến tranh ấy, có kỷ cương, có thương yêu nhau không?
- Có! Người nông thôn còn nhường nhà cửa cho người thành phố về sơ tán… Nhịn đói dành gạo đóng góp cho kháng chiến… hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ bộ đội…
Hắn chộp ngay lấy: Vậy những cái mà ông vừa nói là bản chất của người Việt ta đấy. Sao lại bảo không thương yêu nhau, nhà nào biết nhà ấy. Thua chưa. Một không nhá!
Ừ thằng cha này nói hay phết. Chừng như biết mình đuối lí. Hắn bồi thêm:
- Ngày xưa ông chạy chức hiệu trưởng hết bao nhiêu tiền?
- Đồ xỏ lá! Việc gì phải tiền nong. Người ta thấy mình làm được thì người ta đề bạt. Thế thôi. Ông mà lại thèm lèm nhèm…Quả thật mình cáu quá không chịu nổi khi nghe hắn hỏi vậy.
Tưởng rằng hắn tức khi bị chửi. Nhưng không. Hôm nay thằng này bình tĩnh gớm! Lạ thế. Hắn thong thả hỏi:
-Vậy bây giờ chạy cái chức lèm nhèm như ông hết cỡ bao nhiêu?
Mình bảo là không biết chính xác nhưng bọn mới lên nó nói cũng nhiều nhiều. Người ta ra giá cụ thể với đương sự cỡ dăm bảy chục…
Hắn thủng thẳng:
- Vậy những cái xấu mà các bậc học giả nhận xét từ đâu mà ra. Ông cũng biết rồi đấy. Thôi tớ đếch nói nữa không lại bảo là…
Và hắn đứng dậy phủi đít quần… Về!
Đọc thêm!

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

NHẬN ĐỊNH SÁNG SUỐT

Vài hôm không thấy ông bạn “Đếch nói nữa… không lại bảo là…” sang chơi, tự dưng thấy nhơ nhớ… nhưng nghĩ lại thấy ghen ghét vì hắn toàn nói chuyện tiêu cực. Tức anh ách! Mình mà không vững lập trường thì hỏng.
Hắn cũng nhớ mình hay sao ấy… vừa sáng ra đã thấy hắn mò sang nhà. Lần này thấy mặt mũi tươi tỉnh lắm.
Vừa thò mặt vào hắn đã bô bô:
- Phải nói là cấp trên sáng suốt! Ngẫm ra thấy các cụ trên nhận định sáng suốt thật!
Mình ngớ người. Từ trước tới giờ mới nghe được câu có tính chất xây dựng.
- Thì từ trước đến giờ ai dám bảo là cấp trên không sáng suốt? Chỉ có cái mồm ông be be như thằng điên. Vậy nhận định như thế nào mà hôm nay bảo sáng suốt?- mình hỏi lại.
- Ông có nhớ ông Phó Thủ tướng nói câu gì không?
- Cái thằng cha này vớ vẩn! Đến mấy ông Phó Thủ tướng, biết ông nào nói… biết ông ấy nói câu gì?
Hắn ngoác mồm cười:
- Ừ nhỉ! Tao thấy trên diễn đàn trước Quốc hội có ông nói “Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc… pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp”. Mấy hôm xem phim thấy đúng quá!
À ra mấy hôm vừa qua hắn ở nhà chúi mũi xem phim. Mình hỏi phim nào phim của ai? Hắn bảo: “Ông lạc hậu, chả chịu quan tâm đến văn hóa xã hội… phim của ta chứ phim của ai.”
Dớ dẩn thật. Phim là phim chứ sao lại liên quan đến lãnh đạo nói đúng, cấp trên sáng suốt… Hắn nói ngay:
- Đây nhé. Một tỉnh mà đủ mặt lãnh đạo to nhất từ Bí thư Tỉnh ủy đến anh Văn phòng dính tội: Bí thư tỉnh có vợ nhận tiền hối lộ, Chủ tịch thì có tiền bao vợ bé, chết còn để lại một đống vàng, Phó Chủ tịch thì chơi bời rượu chè bị mắc bẫy, Phó Chủ tịch khác cửa quyền ăn hối lộ, Chánh- Phó văn phòng cũng hối lộ lừa đảo… Toàn bộ những ông ấy mà bị cách chức thì đúng là bầu không kịp. Vậy cho nên tớ mới nói lãnh đạo sáng suốt.
Mình bảo cái tay này vô lí ầm ầm, văn học nghệ thuật người ta có thể hư cấu điển hình hóa như vậy để tôn vinh hình tượng ông Chủ tịch tỉnh mới trong phim. Chứ làm gì có cái tỉnh nào như thế.
Hắn vặn lại:
- Thế có nghĩa là hư cấu… tức là không thể có chuyện đó chứ gì?
Mình khẳng định: là không có tỉnh nào mà nát đến như vậy.
Hắn tưng tửng:
- Vậy thì cũng đếch có ông Chủ tịch tỉnh nào có đạo đức tốt như ông Chủ tịch mới trong phim.
Tay này cùn. Đã thế dồn cho hắn một trận:
- Tại sao lại bảo không có Chủ tịch nào có đạo đức tốt như trong phim?
Hắn ngồi im. Tưởng hắn thua rồi. Mình khoái quá. Nhưng hắn lại tưng tửng:
- Tớ có thể minh chứng cho ông bằng hai nhẽ. Nhẽ thứ nhất: Cái ông viết kịch bản phim khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình nói là nguyên mẫu Chủ tịch tỉnh tốt là lấy ở tất cả các tỉnh, tìm ở mỗi ông được một tí tốt để ghép lại thành cái ông Chủ tịch tốt. Như vậy là ngoài đời không thể có vị Chủ tịch tốt như trong phim. Đúng không nào.
Mình không chấp nhận cái nhẽ này. Định phản bác thì hắn nói luôn:
- Nhẽ thứ hai… Có một ông Chủ tịch vài năm trước bị báo chí khui ra vụ ông này vít cổ một cô bưng bê trong cửa hàng rồi giở trò bờm xơm, bị cô này cho một cái tát. Tức quá ông ta bắt chủ cửa hàng đuổi việc con bé.
- Thì cái ông ấy là ông chủ tịch xấu…
- Không đâu! Năm sau ông này được tuyên dương là tấm gương học tập đạo đức … là điển hình của cả nước. Như vậy ông ấy là một ông tốt nhất trong các ông rồi. Tốt nhất mà còn như vậy thì các ông khác thì sao…?
- Giời ơi… tôi lạy bố! Cứ lí sự kiểu này thì có ngày cả bố, cả tôi vào tù. Thôi bố xéo ngay, xéo ngay cho tôi nhờ! Mình phải đuổi thẳng thừng như vậy chứ không thì oan gia.
Hắn phủi đít đứng dậy. Nhưng còn cố nói thêm:
- Vậy tao mới bảo là cấp trên nhận định sáng suốt!
Rồi hắn về thật. Đến cửa mồm vẫn còn lẩm bẩm: “Cái loại người gì, cái kiểu ở đâu… mình nói thì được, còn người khác nói lại cứ bịt mồm người ta…” Đọc thêm!