Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

THEO VOI HÍT BÃ MÍA...

Số cái ông bạn “Đếch nói nữa không lại bảo…” là cái số chó chết. Mai hắn tổ chức cưới con. Hôm nay bão đang về.
Dĩ nhiên là hắn có mời mình ăn cỗ. Nhưng mai cơ! Sáng nay thấy mưa to gió lớn nên mình sang xem tình hình bên nhà hắn chuẩn bị thế nào. Và cũng là để chia sẻ với hắn theo kiểu chia…buồn.
Đến ngõ nhà hắn đã thấy tan hoang… Rạp đổ, buồm bạt thủng lung tung, bàn ghế chỏng chơ… Chả là quê mình có lệ tiếp khách từ một ngày trước ngày cưới, nên buồm bạt đã giương lên từ chiều qua.

Hắn ngồi thu lu ở cái ghế giữa nhà, mặt méo như hình bình hành. Thấy mình sang cái mặt hắn méo thêm tý nữa... thành cái hình thoi…
Hắn bảo:
- Ông sang đấy à. Mẹ nó! Giời đất như cái con củ…cải. Tớ đã cẩn thận chọn ngày mà vẫn bị…
Mình bảo: Đứa nào chọn ngày cho ông mà lại chọn ngay vào hai ngày thiên lao hắc đạo, nguyên vũ hắc đạo…
Hắn ngắt lời:
- Tớ đếch duy tâm. Chẳng hắc đạo hắc điếc gì! Tớ chỉ tin vào lãnh đạo.
- Đã đành! Chả tin vào lãnh đạo thì tin ai? Nhưng cưới con thì phải xem ngày...
Hắn giải thích:
- Lãnh đạo thường chọn ngày tốt để làm việc nhớn…
- Mai là ngày cưới con ông, có thấy lãnh đạo làm việc gì nhớn đâu nào?
Hắn trợn mắt:
- Sao ông chẳng chịu xem báo chí đài đóm gì cả. Ngày một tháng mười Lào Cai kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Làm to lắm!
Thằng này dở hơi! Mình cãi lại:
- Thì ngày tái lập tỉnh người ta, người ta kỷ niệm.
Hắn đỏ mặt:
- Đã đếch biết lại cứ cãi cố, Lao Cai tái lập tỉnh vào ngày 10 tháng 10… Bây giờ đổi sang 1 tháng 10. Ai nào dám cả gan thay đổi lịch sử? Chuyện như vậy phải được Trung ương… có khi phải Bộ Chính trị phê duyệt chứ chuyện bỡn à. Mà Trung ương… đã phê duyệt phải là ngày tốt.
Nghe cũng có lý. Nhưng mình cũng thấy là lạ. À nhớ rồi! Vậy là mình bảo hắn:
- Nói thế nào ấy chứ. Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long cũng vào ngày 1 tháng 10 năm ngoái. Tốt đâu mà tốt! Lũ lụt miền Trung chết bao nhiêu là người… ở Hà Nội cũng mấy người thăng thiên không kịp ngáp vì nổ xe pháo hoa…
Hắn ớ ra:
- Ô vậy ra dương lịch nó có chu kỳ đúng phết. Vậy ngày 1 tháng 10 đếch phải ngày tốt. Dưng sao ngày như vậy mà các lãnh đạo cứ thích nhỉ?...

Hắn đần mặt, ngồi ngẫm nghĩ một tý rồi vỗ đùi:
- Thôi chết tao rồi! Chết tao rồi… Sao tao ngu thế không nhớ ra. Đấy là ngày Quốc khánh Tàu…
Mình chả hiểu ra sao. Quốc khánh Tàu thì liên quan gì…
Hắn thấy mình đần mặt thì bảo:
- Tao đã ngu, mày cũng ngu cho nốt! Vậy mà không hiểu ra à. Nó là thế này… Dưng mà… Đếch nói nữa kẻo lại bảo là…! Khốn nạn! Theo voi hít bã mía nó khổ thế đấy, chó chết thế đấy!
Rồi hắn quay vào nhà trong giọng hách dịch:
- Chúng mày đâu! Tập trung ra dọn dẹp sắp xếp lại. Để tan hoang thế này mà coi được à!

(Ảnh mạng, không liên quan đến bài viết)
... Đọc thêm!

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI? (Kỳ 4)


Kỳ 4/
Lũ giặc Ân kéo quân vào đánh nước ta như vào chỗ không người. Chúng đã biết đến sự hèn kém của vua quan Văn Lang nên càng huyênh hoang tàn ác. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc đốt phá. Đi theo bọn lính là một bọn dân phu, hễ cướp bóc được cái gì là bọn dân phu lại lặc lè tha về đất Bắc. Cái gì không chở được thì chúng đốt phá tan hoang. Giặc túm cẳng con đỏ ném vào lửa cháy. Gặp đàn ông, chúng giết hại không chút tiếc thương. Thấy đàn bà, chúng thay nhau hãm hiếp… tiếng kêu khóc ai oán dậy giời dậy đất: “ Ơi vua! Ơi quan! Sao để dân đen khốn khổ thế này”

Giời lửa đỏ nung hầm hập, đất loang máu chảy thành sông…

Chợt nghe có quân ta sắp tới gần, tướng giặc vội tập hợp quân sĩ nghênh chiến. Rồi cơ ngũ chỉnh tề, tướng giặc lên ngựa khua đao, lính tráng giương cung tên sắp sẵn. Tướng giặc hét vang: “Chuẩn bị! Hãy đánh cho bọn man di Văn Lang biết oai của nước nhớn!”
Cả đám nhao nhao:
- Đả… Đả… Đánh cho bọn man di biết thế nào là oai nước nhớn!
- Đả… Đả… Đánh cho bọn man di biết thế nào là oai nước nhớn!
Muộn thấy giặc. Chàng ghìm ngựa sắt chờ cho trai tráng theo kịp. Tướng giặc tưởng quân ta sợ hãi. Hắn vung tay. Lũ giặc ngoác mồm hô “Đả! Đả…” rồi ào ào xông lên.

Muộn vỗ vào lưng ngựa sắt. Ngựa hí vang giời. Hai vó trước tung lên trên không, hai vó sau dậm lún đất… Miệng ngựa phun luồng lửa hừng hực…

Lửa thiêu đám giặc Ân đứng đầu cháy đen như lũ kiến bị rang.

Muộn vung gậy sắt, lia một phát… Gió cuộn vù vù. Lũ giặc đứng giữa phọt óc chết như ngả rạ.

Quân ta ào ạt xông lên.
Ngựa sắt tung vó phun ngàn luồng lửa, Muộn vung gậy lia thêm phát nữa lũ giặc chết thêm một đám. Trai tráng lại hò reo…

Giặc vẫn còn đông lắm. Phía sau tướng giặc vẫn đốc thúc quân sĩ của nó xông lên.

Muộn lại vung gậy. Nhát lia gậy này làm một đám giặc nữa chết không kịp ngáp.

Nhưng gậy va xuống đất… gẫy làm ba… cát bắn tung tóe!

Giặc thấy vậy lại hò la lao tới.

Nghiến răng! Trợn mắt! Muộn thuận tay nhổ ngay bụi tre bờ bên cạnh vung mạnh. Giặc lại lăn ra từng đám. Nhiều cái đập làm búi tre xơ tướp. Chàng lại nhổ bụi tre khác. Cứ vậy. Cứ vậy. Văn Lang đâu có thiếu tre.

Lửa từ mồm ngựa vẫn phun ra, đám giặc ngã xuống đứa bị cháy thiêu, đứa ngắc ngoải bị trai tráng xông lên đập chết.
Tướng giặc hoảng quá vội vàng bỏ chạy. Lính tráng của chúng cũng vội vã chạy cho xa khỏi tầm lửa phun, ngoài tầm vung tre của Muộn. Quân ta ầm ầm đuổi theo.

Đến sát biên giới. Muộn dừng ngựa lại, và ra hiệu để mọi người dừng lại.

Lũ giặc thấy ta không đuổi nữa. Chúng dừng lại thở.

Chợt thấy Muộn nhảy xuống ngựa và tất cả quân Văn Lang đều quay lưng lại.

Bọn giặc tưởng bên Văn Lang núng thế định tháo lui. Chúng hò hét xông lên.

Muộn thong thả quay người. Chàng cúi xuống vén khố, chổng mông về đất giặc.

Bọn giặc ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Chợt nghe “ủm ùm” một tiếng như sấm. Tướng quân nhà Ân lăn quay chết tốt. Còn sót đứa nào thì sợ mất mật, mặt mũi ngác ngơ vừa chạy vừa chém nhau loạn xạ.

Thì ra chàng Muộn ăn cơm cà nên nóng ruột, bụng sôi sùng sục tức khí đầy hơi, lại thêm bực mình vì gậy sắt bị gẫy. Bèn xả một phát rắm cho đã đời vào đất giặc. Lũ giặc không chịu nổi cái khí ấy, lăn ra mà chết. Đứa còn sống cũng ra rồ ra dại tự chém giết lẫn nhau… **

Bên ta cả cười. Thong thả kéo nhau về mừng thắng trận. Đât nước đã sạch bóng giặc ngoài.


**(Chi tiết này trong sử sách chỉ nói rằng bỗng dưng “quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả”.)

Kỳ sau đăng tiếp

... Đọc thêm!

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (kỳ 3)


Kỳ 3/
Lão quan cùng tên lính hầu thấy Muộn vươn vai vài phát mà nhớn nhanh như vậy thì hoảng, cả hai chạy một mạch cả ngày lẫn đêm về gặp vua. Vua hỏi:
- Chúng mày có tìm được người không.
Lão quan ấp úng thưa:
- Tìm được một thằng bé lên ba…
Vua chửi:
- Mày là đồ ăn hại! Thằng bé lên ba thì đâu chả có, bé thì làm được cái gì?
Quan thưa:
- Dưng mà lạ lắm: nó vươn vai hai phát mà đã gần bằng người nhớn. Nó vươn phát nữa thì còn to hơn cả vua…
Vua giận lắm chửi:
- Đứa nào to được hơn tao. Tao chém đứt đầu ngay.
Quan vội thưa lại:
- Nó vươn vai vài phát nữa thì còn hơn cả vua nước Ân ấy chứ.
Vua ta nghe thế thì không giận nữa. Vì thằng quan còn dám nói thằng bé ấy to hơn cả cái đứa to hơn mình. Bèn hỏi lại:
- Thật không?
- Thật!
Vua cho là sự lạ. Còn hỏi thêm: “Thế nó nói gì?” Lão quan kể lại rành mạch Muộn yêu cầu những gì những gì… Tên lính đứng bên cạnh xác nhận bằng cách gật đầu.
Vua bảo:
- Những thứ ấy có thể bắt thợ cả nước về cùng chung làm. Chỉ sợ nó nói khoác. Để tao đến tận nơi xem có đúng vậy không đã.
Rồi vua bắt người nhà đi tìm thợ cả nước và hô mọi người đóng góp sắt đồng để chuẩn bị làm các thứ theo lời của thằng bé. Rồi vua cùng lão quan xuống làng Gióng.
Vua xuống đến nhà Muộn đúng lúc bữa trưa. Thấy bà mẹ đang ngồi lặng lẽ nhìn con ăn cơm. Muộn ta lấy bát yêu vục vào cái nồi mười hai, lấy tay nhón cà muối, mỗi bát cơm to như vậy chỉ và hai phát là hết. Chả mấy chốc nồi mười hai cơm đã hết veo mà mồm vẫn còn thòm thèm chưa đã.
Vua hỏi:
- Sao mày ăn khỏe thế? Dễ đến bằng mười người…
Muộn bảo:
- Ăn vậy mới nhớn được.
Vua lại bảo:
- Mày thử nhớn tao xem nào!
Muộn không nói gì đứng lên vươn vai. Tự nhiên nhớn lên, đầu chạm xà nhà.
Vua cả kinh. Lại bảo tiếp:
- Còn nhớn được nữa không?
Muộn bảo:
- Còn! Dưng mà nhớn nữa thì đói lắm. Mẹ tao hết gạo rồi…
Người làng thấy bảo có vua về thì sang xem. Người ta túm đông túm đỏ trong nhà ngoài sân để xem vua. Và cùng vua xem Muộn ăn cơm, xem chàng ta vươn vai nhớn dậy. Ai cũng lè lưỡi sợ cho cái tài ăn khỏe của Muộn. Họ lại càng xót xa hơn khi mẹ Muộn đã nghèo lại còn phải nhịn cơm cho con ăn. Mọi người xì xào bàn bạc với nhau rồi cùng tản mát ai về nhà nấy.
Đến lúc bấy giờ vua mới tin vội tất tả về gọi các quan đốc thúc mọi người nổi lửa đốt lò rèn ngựa sắt, đúc gậy đồng, đóng áo sắt…Hàng muôn người tấp nập thổi bễ, quai búa, trăm cái lò cháy rừng rực, hàng núi sắt đồng đưa vào lò. Ròng rã suốt bảy ngày đêm búa đe chí chát.

Ngày thứ chín thì các thứ đã được đưa đến nhà Muộn. Ngựa đặt trên bánh xe do hai thớt voi kéo, còn gậy thì to hơn cột nhà phải mấy chục người khiêng lặc lè. Muộn ra xem, rồi chàng ta giơ tay khẽ đập một phát vào lưng ngựa. Cả một khối sắt to đùng sụp xuống tan tành. Muộn sầm mặt không nói gì.

Vua quan chưng hửng xấu hổ chỉ thiếu nước chui xuống đất.

Vua lập tức bắt tên quan trông coi việc rèn ngựa đem chém đầu vì tội hắn ăn bớt sắt, lơ là để thợ làm ăn gian dối. Rồi giao cho quan khác trông gương mà làm ăn cho cẩn thận. Viên quan được giao run bần bật nhận lệnh, không dám lơ là, không dám ăn bớt sắt đồng, đốc thúc thợ thuyền ra sức làm cho xong. Chín ngày sau thì ngựa sắt được sáu thớt voi kéo về làng Gióng.
Đoàn voi kéo ngựa sắt về đến nhà Muộn thì thấy dân làng tấp nập đội cơm, mang cà muối đến nhà chàng Muộn. Nhà giầu đội nồi ba mươi, nhà nghèo thì chỉ bưng cái niêu đất; bọn trẻ tay bê bịch cà muối gói bằng lá dong. Người ta lấy những cái nong to để ra giữa sân rồi trút cơm vào đấy. Dồn dịch tất cả quật thành bảy nong đầy tú ụ. Rồi trút cà vào những cái nong: được ba nong đầy. Muộn vòng tay cảm tạ xóm làng rồi ngồi xuống ăn cơm. Chưa đầy nửa khắc thì bảy nong cơm với ba nong cà hết nhẵn.
Ăn xong. Muộn khà một tiếng rồi bê hẳn cái chum nước mưa làm một hơi hết cạn sạch. Lúc bấy giờ mới bảo: No! Rồi vươn vai ba phát. Người cao đến bốn mươi thước*. Lừng lững như trái núi. Bắp chân bắp tay cuồn cuộn, ngực vồng thành múi. Khuôn mặt vuông vức, mỗi bước đi đất rung dưới chân, dáng điệu hiên ngang lẫm liệt, tiếng nói vang như sấm động:
- Đưa ngựa vào đây.
Sáu thớt voi kéo con ngựa sắt vào sân. Muộn vuốt vuốt đầu ngựa rồi ghé mồm thổi bảy hơi vào tai ngựa. Ngựa sắt chớp chớp mắt, vẫy tai. Muộn đập vào lưng ngựa một phát. Con ngựa như giật mình… tung vó. Chỗ chân ngựa hóa thành những cái ao nhỏ.
Vua và mọi người cả kinh.
Muộn mặc áo sắt đội mũ sắt rồi cúi xuống cầm cây gậy sắt. Cây gậy hơn năm chục người khiêng lặc lè mà Muộn cầm lên nhẹ nhàng như thể cái que. Người ta nhìn thấy chàng Muộn nhăn trán nhíu mày. Sao thế nhỉ? Cũng chỉ một thoáng qua… rồi mọi người thấy Muộn lắc nhẹ cánh tay, cây gậy đã xoay tít như chong chóng. Gió cuộn vù vù tiếng rít như tiếng sấm. Vua quan thất kinh mặt xanh nhợt nhạt, râu bay, tóc dựng… Dân làng mặt mũi hả hê, cánh đàn bà xuýt xoa bàn tán: “Ui giời! Mạnh thế! Khỏe thế!” Cánh đàn ông trai tráng trong làng lúc này cũng kẻ gậy người dao, mình trần khố dây xếp thành hàng đều chằn chặn đằng sau ngựa sắt. Tất cả vòng tay, mặt hướng về chàng Muộn rồi cùng hô: “Xin cho chúng tao cùng đi đánh giặc”. Muộn gật đầu ưng thuận. Tiếng hò reo của cánh đàn ông dậy giời dậy đất.
Bà mẹ già hom hem gầy guộc đứng tựa cửa nhìn con!
Muộn đặt gậy xuống đất, bước đến trước mặt mẹ, chàng quỳ xuống vòng tay cúi đầu:
- Chào Mẹ! Con đi…
Rồi chàng đứng lên, vòng tay vẫn giữ nguyên, cúi đầu hướng về phía dân làng:
- Chào tất cả bà con… Cảm ơn tất cả bà con. Muộn này còn mẹ già xin được bà con trông nom đùm bọc…
Đoạn cầm lấy cây gậy, Muộn nhảy lên ngựa sắt. Ngựa hí vang giời. Đoàn quân do Muộn dẫn đầu rần rần lên đường. Đi đến đâu nghe giời rung đất chuyển rùng rùng đến đấy.

Vua, quan, tướng, lính hầu rực rỡ áo mũ… cả bọn cụp mặt, đứng dạt về một bên nhường chỗ cho đoàn quân mình trần, khố bện.

Mẹ già vẫn tựa cửa, nước mắt chảy ròng ròng nhìn con đi. Dân làng bịn rịn giơ tay vẫy chào đưa tiễn.

Phía đồng xa… đoàn quân khuất dần sau bụi đỏ…

(Kỳ sau đăng tiếp)

*một thước bằng khoảng 40 cm

... Đọc thêm!

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (kỳ 2)


Kỳ 2/
Tuy vua quan Văn Lang đã thần phục, khom lưng quỳ gối cung phụng đủ điều nhưng vua nước Ân vẫn chưa vừa ý. Dã tâm của hắn muốn chiếm trọn Văn Lang để bành trướng cả vùng. Vì vậy vua Ân tập trung mấy mươi vạn quân ở biên giới chuẩn bị thôn tính nước ta.
Đến bấy giờ vua quan Văn Lang mới cuống lên. Vua triệu tất cả các quan tướng lại để bàn kế chống giặc.
Vua bảo:
- Triều đình ta đã chịu nhún hết mức, nhục như con chó rồi mà nhà Ân nó cũng chẳng vừa lòng. Nó cứ đánh nước ta. Bây giờ chúng mày tính thế nào?
Các Tướng thưa rằng:
- Quân nó thì đông gấp trăm lần quân ta. Ta mà chống lại thì chắc chắn ta sẽ thua, ta sẽ bị giết hết chỉ sau vài ngày...Bây giờ chỉ có dân mới có thể chống...
Vua tức quá chửi:
- Tao nuôi chúng mày cốt để khi có giặc xâm lược thì đánh giặc giữ nước, chúng mày lại bảo rằng hễ đánh thì thua. Vậy chúng mày là cái quân ăn hại à. Thật là cái lũ cơm toi… đuổi chức hết đi cho rồi.
Chửi xong lại quay sang các quan:
- Chúng mày tính kế thế nào?
Các quan bèn thưa:
- Dân tình cũng ngao ngán lắm rồi. Họ chẳng theo ta đâu.
- Sao vậy!
Các quan đành phải nói thật:
- Họ bảo rằng họ nghèo đói chẳng có sức mà đánh đấm. Vả lại trước đây người ta muốn nói thì bị triều đình bắt bớ chém giết. Nên bây giờ họ bảo: kệ, đứa nào khom lưng qùy gối cho đứa ấy chết.
Vua lại tức:
- Đem mà chém hết đứa nào nói như vậy! Dám bảo ai khom lưng quỳ gối?
Các quan lại thưa:
- Nếu chém hết thì lấy người đâu mà đánh giặc ạ!
Vua bảo:
- Chúng mày phải đi mà đánh!
Lập tức các quan run như rẽ, mặt xanh như tàu lá. Thế rồi người thì lấy lý do già yếu, kẻ thì thở than cảnh nhà khó khăn, đứa thì kêu rằng mình đang bệnh tật. Ngược hẳn với trước đấy mấy hôm người nào cũng bảo là khỏe mạnh sung sức khôn ngoan tuyệt vời xin làm quan mươi mười lăm năm nữa để tiếp tục vì dân vì nước… bây giờ các quan nhất loạt xin bỏ chức…
Vua hoảng quá chửi toáng lên, các quan tướng cũng chửi nhau loạn xị. Cả triều đình như cái chợ vỡ. Lúc thường mũ áo xênh xang thì thân mật lắm. Đến khi có giặc thì mới xoay ra quặc nhau. Quan đổ cho tướng là hèn, tướng đổ cho quan là ngu… thật chả ra làm sao.
Vặc nhau một hồi lâu. Chợt có một vị quan lên tiếng:
- Thôi không phải cãi nhau nữa! Dân nó nói vậy nhưng bụng vẫn yêu nước yêu làng. Quan tướng không đánh được giặc thì quan tướng phải tìm được người đánh giặc. Vậy tất cả quan tướng hãy chia nhau về các làng quê, kẻ chợ… đi rao tìm đứa có tài ra đánh giặc. Chả hơn còn đứng đấy mà cãi nhau. Giặc nó đến nơi cho mỗi đứa một nhát thì xong đời.
Vua nghe nhời ấy, cho là phải, liền bắt tất cả quan tướng đi rao. Các quan tướng mỗi người một thằng lính hầu, một cái loa… thất thểu về các làng rao rằng:
- Loa loa… loa…
Chiềng làng chiềng nước…
Giặc chó Ân xâm lược
Ác độc đến không cùng
Máu dân chảy ngập sông
Thây người chất thành núi

Ai là người tài giỏi
Ra cứu nước cứu dân
Dẹp tan lũ giặc Ân
Vua ta xin có thưởng…
. Loa.. loa…

Cậu bé Muộn đang nằm mút ngón tay, nghe thấy tiếng loa thì rút ngón tay ra khỏi miệng, xua ruồi bu trên mặt, chân đập xuống chõng thình thịch. Thổ Thần lại hóa thành con nhặng bay đến đậu vào vành tai:
- Bây giờ nói được rồi đấy!
- Nằm mà nói à? Muộn thì thào hỏi.
Thổ thần bảo:
- Nằm mà nói thì ai nghe! Phải ngồi dậy chứ.
Vậy là Muộn ta ngồi thẳng dậy, mồm gọi: “Mẹ ơi!”
Bà mẹ đang lúi húi nghe thấy tiếng gọi, chạy lên nhà thấy thằng con đang ngồi trên chõng. Lạ quá. Ba năm nằm ngửa tơ hơ mà nay thì ngồi chễm chệ… Chưa kịp mừng thì đã nghe đứa con dõng dạc:
- Mẹ ra gọi cái đứa gọi loa vào đây!
Bà mẹ sững người, mồm lắp bắp:
- Sao lại gọi? Gọi vào làm gì?Quan đấy. Nó oai lắm đấy. Nhỡ ra nó đánh cho…
Cậu bé Muộn vẫn khăng khăng:
- Mẹ cứ ra gọi nó vào đây…
Bà lão lập cập chạy ra ngoài đường tìm gặp ông quan. Quan nhà ta cùng tên lính hầu đã mấy ngày rao mà chẳng có ai hỏi gì. Nay thấy bảo có người gọi thì mừng lắm. Vội theo bà lão vào nhà.
Quan nhìn quanh, chỉ thấy trên chõng là một thằng bé lên ba, áo khố chẳng có.
- Đâu! Đứa nào gọi tao? Quan hỏi.
- Tao gọi đấy! Thằng bé dõng dạc trả lời.
Quan tròn mắt, há hốc mồm: Thằng ranh con cởi truồng, chưa biết vắt mũi… Lại dám gọi…

Muộn ta vẫn dõng dạc:
- Mày về bảo với vua làm cho tao một con ngựa sắt cao gấp chục lần người nhớn và một cây gậy sắt năm chục người khiêng, một bộ áo bằng sắt và một mũ sắt to gấp hai chục người bình thường đem đến đây để tao đi đánh giặc.
Quan bình tĩnh giở lại. Bắt đầu lên giọng oai:
- Láo tôm láo cá! Ba cái tuổi ranh.Vẫn còn mút vú mẹ. Đánh đấm cái gì…
Cậu bé Muộn vẫn bảo:
- Mày không tin phải không. Đã thế tao chả thèm nói nữa. Xem đây này.
Nói xong bèn vươn vai một phát, người cao gấp rưỡi… trông đã bằng thằng lên năm. Cái chõng tre rung rinh…
Quan ngơ ngác… Muộn từ trên chõng nhảy xuống đất. Lại vươn vai phát nữa: cao bằng thằng trẻ con mười lăm tuổi.
Quan xanh mặt, vội kéo tên lính hầu chạy ra khỏi nhà. Muộn cười hê hê. Bà mẹ cũng cười rồi chạy vội vào trong nhà.
Muộn ngơ ngác: Sao mẹ lại chạy? Cúi xuống nhìn. Ối giời ơi! Thì ra mình chẳng khố áo gì. Truồng nồng nỗng. Ngượng quá!
Mẹ đưa ra cho mảnh khố. Cậu ta cuốn tạm vào người. Bụng hóp lại, Muộn kêu:
- Mẹ ơi! Đói…


(Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp)
Ảnh mạng có tính chất minh họa. Không liên quan nội dung bài viết

.. Đọc thêm!

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI? (truyện dài kỳ)

Truyền thuyết "Thánh Gióng" thì ai cũng biết rồi nhưng muốn kể lại cho vui. Dùng lối viết nôm, ít dùng từ Hán Việt nên có vẻ thô thô. Hư cấu hư véo thêm tí cho có mầu chuyện kể. Viết chưa xong nhưng vẫn thử đăng. Nếu độc giả hưởng ứng thì viết tiếp...
Ngày xửa ngày xưa…
Đời Hùng Vương thứ sáu. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Lúc bấy giờ, dân nước ta đang thuở sơ khai. Chữ Hán cũng chưa vào nước ta được bao nhiêu, đạo Khổng chưa ra đời, thế giới không bị ràng buộc bởi quân sư phụ… Người dân sống bởi cái tình là chính, còn cái lý cũng rất mực giản đơn: “Nói đúng cái thúng phải nghe”. Nói chuyện với nhau chả kể gì quan tước, vai trên vai dưới… gọi nhau vẫn “mày tao” như dân nước ngoài thời hiện đại.
(Sở dĩ phải giải thích như vậy để mọi người đừng trách người kể chuyện hay nói bậy nói bạ mà không theo phép tắc.)


Kỳ 1/ Ở làng Gióng thuộc bộ Vũ Ninh có một đôi vợ chồng đã già, sống lương thiện mà vẫn chưa có con nối dõi. Hai ông bà rất lấy làm buồn phiền.

Giời thấy vậy thì thương. Nhân có một tướng nhà giời mắc lỗi, Giời bèn trừng phạt bằng cách cho xuống trần đầu thai nhà ấy để sau này lập công chuộc tội.

Người vợ già một hôm ra vườn cà thấy có dấu chân to bằng mười dấu chân người thường. Lạ quá! Sao lại có người to thế? Bà ta bèn cho chân mình vào ướm thử.
Khi đặt bàn chân mình vào cái dấu chân to đùng kia chợt thấy trong người rạo rực, lòng xuân lai láng như thuở còn mười tám đôi mươi.

Bà ta vội vàng về nhà, thấy ông chồng già đang ngồi ngoài sân cởi trần, dạng chân đan rổ, khố dây lỏng lẻo vắt sang một bên, bà lão càng rạo rực bội phần… Vội lôi thốc ông chồng vào buồng, cởi bỏ xống áo của mình, giật cái khố dây của ông lão… rồi vòng tay ghì riết…
Lúc thỏa mãn cơn dục tình, buông tay ra thì ông lão đã ngoẹo cổ, sùi bọt mép…

Bà không dám khóc to. Bảo rằng ông bị phải gió. Làng xóm xót thương giúp đỡ chôn cất ông chồng chu đáo.

Cũng từ hôm ấy bà lão có thai. Chín tháng mười ngày vẫn không thấy đẻ. Mọi người bảo là chửa trâu. Rồi đến mười hai tháng thì bà đẻ được một con giai đặt tên là Muộn.

Muộn đẻ ra mà không biết khóc. Rồi ba tháng, năm tháng, mười tháng không biết cười… hơn năm giời cũng chẳng u ơ lấy một tiếng, mọi người bảo là câm. Suốt ngày chỉ nằm mút tay, chân khua loạn xạ.

Bà già mải đi làm, để thằng bé Muộn nằm một mình ở nhà. Mũi rãi nhoe nhoét, ruồi nhặng bu đầy mặt.

Lúc bấy giờ giặc Ân phương Bắc lăm le xâm lược nước ta. Vua Hùng hoảng sợ bèn gọi các tướng lại họp bàn. Nhưng khổ một nỗi các tướng (lúc bấy giờ gọi là Lạc tướng) toàn con ông cháu cha chỉ giỏi đội mũ đeo râu ra oai với thiên hạ, chứ nghe đến đánh trận thì mặt xanh như đít ngóe. Vả lại lúc đó tướng nhiều hơn quân. Tất cả các tướng đồng thanh rằng phải án binh bất động.

Vua lại gọi các quan (gọi là Lạc hầu) đến hiến kế, các quan thảy đều lo sợ nếu đánh giặc thì nhà cao cửa rộng của mình tan hoang, đất cát tiền bạc mất hết, việc mua quan bán tước bị đình hoãn… Vậy nên đồng lòng tâu vua xin hòa để giữ ghế, để tiếp tục tham nhũng sách nhiễu dân lành.

Vua nghe theo quan tướng, cho người đem lễ vật sang triều đình nhà Ân xin làm chư hầu để được phong vương. Bọn giặc Ân được thể càng lộng hành. Nó sang giả vờ thuê đất thuê rừng, lấn biển… đưa người của nó vào làm rồi bóc lột thẳng tay người Văn Lang. Nham hiểm hơn bọn giặc còn đưa người khai khoáng mỏ vàng, mỏ bạc… bọn này dụ dỗ con gái Văn Lang nhẹ dạ, giả vờ lấy làm vợ để đồng hóa người nước ta và dễ bề vơ vét của cải. Hàng đoàn người ngựa kìn kìn chở vàng về phương Bắc mà vẫn không hết của. Bọn giặc lại bí mật đào hầm chôn giấu vàng bạc rồi dụ dỗ mua các thiếu nữ đồng trinh chôn sống làm thần giữ của đợi đời sau con cháu sang lấy. Dân Văn Lang biết hết, họ đã trình báo lên các quan nhưng bọn quan tướng Văn Lang chỉ biết giương mắt ếch ra nhìn mà không dám ho he phản đối dù chỉ một nhời…


Dân tình vô cùng bực bội. Các bậc kỳ mục trong làng ngoài xã tập hợp từng đoàn phản đối. Vua nhà Ân bắt vua ta và các quan tướng phải thẳng tay bắt bớ đánh dẹp. Rồi còn bắt vua loan báo rằng việc chống giặc là việc của triều đình. Cấm chỉ dân đen manh động. Đứa nào làm trái thì bắt chém.

Đã vậy triều đình còn bắt dân nay phải mở lễ hội mừng vua, mai phải mở tế lễ các thánh thần phương Bắc. Dân lại phải bỏ việc đồng áng để tập trung rước sách rất là vất vả. Người già cũng chẳng được tha.


Bà mẹ cậu bé Muộn mặc dù đã già vẫn phải đi làm nghĩa vụ với vua, với vua Ân đất Bắc. Cậu bé Muộn thường bị bỏ đói. Muộn ta nằm một mình đập chân thình thịch xuống chõng tre, rồi tự dưng mở miệng u ơ hét váng cả nhà. Chợt có một con nhặng vo ve bay đến đậu vào mang tai bảo:
- Mày khôn hồn thì nằm im. Mày mà nói bây giờ là mày phải chết đấy!

Thì ra Muộn biết nói chứ không phải là câm như mọi người thường nghĩ. Còn con nhặng chính là Thổ thần.

Cậu bé Muộn đành thì thầm chỉ đủ cho con nhặng nghe thấy:
- Sao tao lại không được nói!
- Mày nằm ở đây không biết. Mấy người đòi chống giặc, nhà vua bắt hết rồi. Mày mà nói ra, vua nó sai người đến cho một nhát thì xuống âm phủ, rồi thì không có cơ hội lập công chuộc tội với giời đâu. Cứ nằm im đấy mà đợi.
- Vậy lúc nào mới được nói?
Thổ thần nói:
- Bao giờ tao bảo mới được nói.
Muộn lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Rồi lại hỏi:
- Vậy nhỡ giặc nó đánh ngay sang đây thì sao.
Thổ thần bảo:
- Từ thuở Lộc Tục Kinh Dương Vương đến nay, giữ được nước giữ được đất là nhờ dân. Nay bọn vua quan triều đình bảo để chúng nó lo. Có mà lo được cứt! Cái lũ hèn này chỉ giỏi bắt nạt dân lành.... Mày cứ nằm im đấy đã, để chúng nó biết thân. Rồi chúng nó sẽ trắng mắt ra. Lúc bấy giờ mình đứng dậy cũng chưa muộn. Nhớ nhá! Cứ nằm im. Tức mấy cũng không được nói.

Thổ thần dặn vậy rồi bay đi. Muộn ta lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Từ đấy giở đi không u ơ gì nữa. Mọi người vẫn bảo là câm.

Kỳ sau đăng tiếp...
(Ảnh mạng có tính chất minh họa. không liên quan đến nội dung bài viết) Đọc thêm!

MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN

U 60 thuốc lá đá thuốc lào. Cũng góp với phong trào xã hội hóa...ca múa hát. Hát Cựu Chiến binh í mà. Mấy hôm nay bận viết một cái chuyện dài dài một tý, chưa xong... Đành đưa bài hát lên cho nhà cửa đỡ trống trải... (Lưu ý một phát: giọng hát quê, múa cũng quê... múa hết đoạn một, quần suýt tụt, sợ lộ hàng, chạy vào xếch quần lên...rồi ra múa tiếp. Đùa vậy thôi, chả là cũng định học tập theo tin tức cải ngồng chính thống một tý teo. Mong các bác lượng thứ! Hi...Hi...


. Đọc thêm!

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

KIỂU CÙN NÔNG DÂN HẠNG... CHÍN


Có một lão vốn là nông dân… Một ngày đẹp giời tự dưng động cỡn xoay ra làm thơ. Đó là hôm đang cày ruộng thấy một bà đi chợ mặc áo vàng đi qua chỗ lão thì vén quần ngồi… đái. Lão liền tức cảnh sinh tình vọt ra mấy câu như sau:
Áo em nắng nhuộm vàng hoe
Cỏ mềm dưới gót sè sè vàng theo…
Làm xong tự thấy hay: Tượng thanh, tượng hình, sắc màu, nước nôi, đất giời… đủ cả. Ơ… Mình tài thật!... mà lại ngu quá đỗi: sao bây giờ mình mới phát hiện ra mình?
Vậy là bỏ trâu bỏ ruộng về nhà, làm thêm dăm bài nữa kiểu như vậy, suốt ngày ư ử ngâm nga ra chiều tâm đắc. Rồi để ra dáng thi sĩ, lão để tóc dài như đàn bà...thêm một tý râu ba chòm. Già khú đế, trông như ông cụ nhưng mỗi lần người ta gọi bằng cụ hay bằng ông thì giận lắm. Cứ bắt gọi bằng "anh" rồi lý sự vì… nhà thơ không có tuổi.
Thiên hạ người như lão cũng không hiếm. Nhiều tay cũng làm thơ và cũng thích được gọi là “anh”. Và trong thơ các hắn tất cả những người mang giới tính nữ đều được gọi là em tất… chả kể gì tuổi tác.
Chả biết thế nào mà đám vô công rồi nghề này lại tập hợp được với nhau. Đầu tiên chỉ mấy ông… dần dần nhiều người… nên lập thành hội thơ. Nhờ cái bài thơ vịnh người đàn bà đái nên đặt tên là “Hội thơ Cỏ xanh.” Nhưng lại thấy không ổn vì bài thơ ấy lại nói cỏ bị nhuộm vàng nên đổi thành “Hội thơ Miền Cỏ” cho nó mênh mông. Cũng có tôn chỉ mục đích hẳn hoi. Tôn cái lão để râu lên làm chủ tịch Hội và tất cả đều gọi ông ta là “Anh Nhớn”. Ông này lúc đầu giận lắm: vì chữ “Nhớn” nó quê quê; nhưng sau lại khoái trong hội gọi mình như thế. Thế là hay! Hay bởi chữ “Nhớn” nó mang phong vị thi ca, đậm đà hồn Việt. Gọi riết rồi thành quen. Thành thử trong hội gọi nhau là “anh”; các “anh” lại gọi Hội trưởng là “Anh Nhớn”. Rồi cũng có chấp hành, chấp hành có thường vụ. Đứng đầu các “anh” trong thường vụ là “anh Nhớn”.
Nhà thơ thì không có tuổi… nhưng dẫu không có tuổi thì cũng chẳng muôn năm được, vẫn cứ phải chết. Hội trưởng chết giữa lúc Hội đang đông. Vậy là đám đông ấy xúm vào tôn vinh lão ta thành thánh thơ, thành biểu tượng của Hội thơ. Anh nào mà xúc phạm Hội, xúc phạm “Anh Nhớn” thì thổ tả: án kỷ luật nhẹ thì treo bút bắt làm điếu đóm khi các anh khác ngồi ngâm vịnh, nặng thì khai trừ để về nhà tiếp tục… cày ruộng.
Để khẳng định vị trí và để tôn vinh hội của mình trong xã hội, các “anh” ra sức làm thơ ngắn thơ dài đủ cả, in phô tô phát như bươm bướm. Nhưng thiên hạ lắm điều. Có kẻ bảo “Ra cái đếch gì mấy thằng dở hơi, hâm hấp. Chỉ được cái “sĩ” hão.”
Người ta nói nhiều. Câu bất hủ ấy cuối cùng cũng đến tai các vị chấp hành “Miền Cỏ”
Sau một hồi tư duy suy ngẫm về cái câu ngợi ca không mấy hay ho trên thì Ban chấp hành đã họp mấy hội nghị để chấn chỉnh Hội. Phải làm sao cho đỡ hâm, đỡ dở hơi. Trước hết mỗi Hội viên phải không được dở hơi, không được hâm…
Nhưng không dở hơi, không hâm thì các hội viên tắc tỵ không làm được thơ. Không có thơ thì hội thơ để làm gì? Lại tư duy suy ngẫm… Thường vụ quyết định: Hâm một tý, dở hơi một tý cũng được nhưng phải có đạo đức trong sạch. Để khẳng định điều ấy thì trước tiên phải tự kiểm điểm, sau đó đưa ra Hội phê bình góp ý; cuối cùng là bỏ phiếu xem có đủ tư cách không. Nếu đủ tư cách thì phát cho một miếng bìa cứng như vỏ bao thuốc lá Vinataba trên có in chữ “Thẻ Hội viên Thơ Miền Cỏ” ép platic. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn thì phải phấn đấu tiếp để lần sau được phát.
Rắc rối chính là từ cái việc phát thẻ…
Gần nhà mình có hội viên của Hội thơ trên, đó là nhà thơ Xuân Đinh- đấy là bút danh của hắn, còn mọi người gọi hắn là Đinh Rỗ vì hắn sở hữu khuôn mặt sẹo đậu mùa như tổ ong bầu.
Hắn không được phát thẻ hội viên thơ đợt đầu. “Vì tội hay đánh vợ”. Trong cuộc họp sau phần kiểm điểm thì “Anh Nhì”- người kế vị “Anh Nhớn” đã kết luận như thế.
Thằng này tức quá về lôi vợ ra tẩn cho một trận. “Mẹ mày! Vì mày mà ông không được phát thẻ”

Con vợ Đinh Rỗ bị đánh đau, tức quá cãi, thằng chồng lộn tiêt càng đánh càng hăng… Rồi vợ Đinh cũng vùng chạy thoát được. Khi đã chạy cách nhà một khoảng cách khá xa, thị dừng lại thở: An toàn rồi! Dưng mà tức không chịu được. Giời ạ! Bà phải cho biết tay… Người đàn bà tả tơi vì bị đánh bắt đầu nhảy tưng tưng vừa đi vừa chửi:
- Cha tổ bố cái Hội khốn nạn… Cha tổ bố cái thằng nhớn… cha tiên nhân cái thằng bé… chúng mày rúc đầu vào đâu thì ra đây dỏng tai nghe bà chửi đơ…i. Chỉ vì cái thẻ đáng để xúc cứt gà, chúng mày xúi giục chồng bà về đánh bà thì mặt chúng mày chỉ như cái mặt l… Chồng bà nó đánh bà thì giời đánh thánh vật năm đời bảy đời tông ty bọt rãi chúng mày… những thằng kia nh…á…
Lúc này “anh Nhì” đang hân hoan về thắng lợi của cuộc chỉnh đốn Hội: Phen này uy tín của Hội ta lại cao vút lên tầm vũ trụ… Chợt nghe tiếng chửi. Anh Nhì vội chạy ra, thấy vợ Đinh đang vừa nhảy vừa vỗ háng bành bạch chửi cái Hội của lão, chửi “anh Nhớn” và chửi cả lão… Con mẹ này gớm thật. Phải phủ đầu cho nó kinh! Lão e hèm rồi lên giọng rõ oai:
- Này chị kia! Chị chửi ai?
Vợ Đinh sững lại khi thấy trước mặt là “Anh Nhì” đang đứng tấn, chân dạng, tay chống hông, nghênh mặt. Nhưng người đàn bà đang cơn hăng:
- Tao chửi chúng mày, chửi cái Hội chúng mày đớ…i…
Khí thế vợ Đinh Rỗ đang bừng bừng. “Anh Nhì” cũng chờn chờn. Nhưng thấy cần phải quên thân mình, sẵn sàng anh dũng hy sinh bảo toàn danh dự cho “Miền Cỏ”… quyết không để con mẹ này phỉ báng tục tằn làm ảnh hưởng uy tín của Hội, uy tín của “anh Nhớn”. Lão lấy hết sức bình sinh quát:

- Này tôi bảo cho mà biết: Chị chửi tôi cũng được. Nhưng mà không được chửi đến Hội thơ, chửi “Anh Nhớn”…
- Tao cứ chửi đấy! Chúng mày làm gì được tao? Vợ Đinh còn quát to hơn.
“Anh Nhì” lúng túng:
- Thì… Thì tôi không để yên cho chị.
Được thể vợ Đinh gào lên:
- Á à... Mày không để yên à… thử xem mày làm cái gì được bà… bà đây nông dân hạng chín rồi nhá… Đứa bằng nghìn bằng vạn mày bà cũng coi như không nhá…Bà mà lại sợ chúng mày à… Bà con làng xóm ơi nghe tôi chửi chúng nó đây này: bà ỉa mười tám bãi, bà đái hăm mốt lần vào cái “miền cỏ” nhá… Hội chúng mày ăn máu ăn rớt hàng tháng cho bà, thằng nhớn thằng bé cũng ra đây mà liếm… hàng ngày cho bà nhá …nhá…

(Ảnh mạng có tính chất minh họa. không liên quan đến nội dung bài viết)
...
Đọc thêm!

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

KHIẾP !


-Nghỉ một tý đã! Có đứa nó dọa!
-Ai dọa?
-... Ai biết... là ai!














... Đọc thêm!

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

KỂ CHUYỆN TRUNG THU (kỳ cuối)


(Tiếp theo và hết)
THI ĐUA:
Tiếng hai cái loa sắt uôm uôm vang lên cùng với tiếng ùng ùng của bốn cái loa thùng cao cỡ đầu người. Nhạc với chả nhẽo! Nghe cứ như đấm vào lỗ tai. Một giọng nam khàn khàn cất lên:
“Sạch làng sạch ngõ, từ trước ra sau
Chúng em thi đua…vệ sinh môi trường”
Ông bí thư xóm ba đang mải nhìn bọn trẻ cả xã đang múa theo nhịp tiếng nhạc, tiếng hát. Phải nói là thằng Thịnh nhà mình giỏi thật vì quân nhà ông múa đều lắm, bọn con gái uốn éo tay chân, cong đít ngửa đầu như múa chèo. Còn các xóm khác thì đơ đơ như khúc gỗ tay ngoáy ngoáy bắt chuồn chuồn, có lúc lại như người tập bơi. Trông chả ra múa cũng không ra thể dục. Nhưng ông ngẩn người, sao lại đi múa hát cái anh “Vệ sinh môi trường”? Ngẫm nghĩ một tí, liên hệ một tý rồi ông chợt phát hiện: thằng nào nghĩ ra cái bài hát múa này đúng là quân phản động… càng nghĩ sâu xa càng thấy phản động! Không còn cái gì để mà hát múa hay sao mà Trung Thu lại hát “dọn làng dọn ngõ”. Đầy cái cần phải ngợi ca: ca ngợi vừng dương sáng ngời, đồi núi trập trùng, biển rộng bao la, hải âu tung cánh, ca ngợi… hoặc cùng lắm thì cũng phải ca ngợi “Ông trăng tròn tròn, tròn như cái mâm con”. Thế này thì không được. Ông xăm xăm đến chỗ ban tổ chức… Phải hỏi tay Tổng phụ trách cho ra nhẽ.
Đến Ban tổ chức thì gặp một đám xúm đông xúm đỏ. Cãi nhau rồi! May chưa đánh nhau… Mà cuộc đấu khẩu lại đang xảy ra giữa thằng Thịnh với tay Tổng phụ trách. Thằng Thịnh mặt đỏ gay chửi: “Chấm cháp như cái con đầu b…” Tay Tổng phụ trách sấn lại túm cổ áo thằng Thịnh: “Mày bảo ai chấm như cái con đầu b…?”
Thấy ông đến, thằng Thịnh như vớ được cứu tinh liền giằng tay thằng kia ra rồi quay sang ông phân bua:
- Mẹ nó chứ! Cái trại của xóm 3 như vậy, cái cổng trại của xóm 3 mấy chục triệu hoành tráng như vậy mà nó chấm điểm thấp hơn trại của xóm 5. Nó lí sự của nó hài hòa màu sắc. Hài hòa cái gì? Hài hòa mấy cái đèn lồng Tàu đỏ như đít khỉ treo trước trại như “đèn lồng đỏ treo cao” trước cửa nhà thổ… Đẹp! Đẹp như mặt … con đĩ ế…
Tay Tổng phụ trách cũng ngảnh cổ phân tích:
- Về mặt mỹ thuật thì như thế… nhưng vấn đề cơ bản… vấn đề cơ bản là xóm 3 còn thiếu…
Cả đám đông, cả thằng Thịnh và cả ông bí thư xóm 3 nhất loạt đồng thanh: “Thiếu cái gì?” Hỏi xong thì ông Bí thư hói đầu cũng không ngờ cũng mình máu thế, nhập cuộc nhanh thế. Dưng mà đây là vấn đề màu cờ sắc áo! Phải hỏi cho ra nhẽ.
- Thiếu … Thiếu cái chủ đề…
Cả đám ngớ ra. Chủ đề là cái gì nhỉ?
Thằng Thịnh cũng ngớ người. À biết rồi:
- Tao còn lạ đếch gì cái chủ đề… có mấy câu vớ vẩn: đầu tiên mừng cái nọ mừng cái kia rồi thì “ Thi đua chăm ngoan học giỏi, cùng tiến bước lên Đoàn” Thiếu niên không lên Đoàn thì còn lên giời à! Văn chả ra văn, thơ chả ra thơ, khẩu hiệu chẳng ra khẩu hiệu. Mấy thằng phụ trách ngồi rỗi dái vô công rồi nghề rồi nghĩ vớ nghĩ vẩn. Năm nào chả giống năm nào…
Tay Tổng phụ trách chộp lấy cái câu của thằng Thịnh vừa nói để nâng quan điểm:
- Này tao bảo cho mày biết nhá. Mày chửi tao thì được chứ mày dám chửi cấp trên, mày bảo chủ đề là không ra cái gì nhá. Thế thì mày là đồ phản động nhá. Tao gọi an ninh đến gông cổ mày vào nhá. Chửi đi, chửi nữa đi…
Bỏ mẹ thật! Tình hình này gay! Lôi thôi nó lại bắt thằng Thịnh vào Công an như chơi. Ông Bí thư xóm Ba vội dàn hòa:
- Thôi thôi. Sai thì sửa. Thiếu thì làm thêm. Việc gì đao to búa lớn- Rồi ông quay sang quát thằng Thịnh như kiểu Bá Kiến quát Lý Cường: Thằng này! Có thôi ngay không! Anh em trong xã chứ đâu xa mà phải cãi nhau.
Thằng Thịnh lủi thủi về trại. Chắc là sợ! Đám đông cũng giải tán.

HẬU TRUNG THU:
Ông bí thư hói đầu đang hậm hực vì cái thằng Tổng phụ trách chơi đểu. Trại của xóm ông làm hết hàng chục triệu mà vẫn thua trại của thằng xóm 5. Đúng là cái loại cục bộ bản vị địa phương. Được rồi! Mày sẽ biết mặt ông. Từ nay mà lên xóm ông tán gái thì ông sẽ bảo thằng Thịnh cùng lũ đàn em nó đập chết.

Chợt thằng con nhà Quắc chạy tọt vào nhà: “Ông ơi cứu cháu với!” rồi nó chạy nấp sau ông Bí thư. Vợ Quắc cầm cái gậy tóc tai rũ rượi vừa lạch bạch chạy theo thằng con vừa chửi:
- Cha tổ bố nhà mày thằng giời đánh.. thằng mất dạy nhá. Mới tý tuổi đầu đã rượu chè. Giống thằng bố mày…
- Cái gì? Có việc gì mà ầm lên vậy? Ông bí thư quát.
Thằng con nhà Quắc bấu vào vạt áo sau của ông bí thư thò cổ ra trình bày:
- Con có uống rượu đâu! Mà mẹ con cứ chửi con…
Con vợ Quắc phát hiện “thằng giời đánh” đang nấp sau ông bí thư. “Á à! Mày cậy thế lãnh đạo, mày nấp sau lãnh đao. Bà cho mày biết nhá…” Vậy là chị ta vung gậy vụt tới tấp. Vụt bên trái nó lại thụt sang phải, vụt bên phải nó lại thò sang trái. Thành thử ông bí thư phải chịu trận. Ông bí thư oằn người sang trái sang phải nhưng vẫn hứng trọn nhát gậy phang của vợ Quắc. Con mẹ này đáo để thật! Không coi ai ra gì phỏng? Ông nén đau lấy hết sức bình sinh nghiêm giọng quát:
- Thôi ngay! Dạy con như thế à. Không nhớ khẩu hiệu toàn dân ra sức chăm sóc bảo vệ thiếu niên nhi đồng à? Vi phạm pháp luật à! Hỏng…
Vợ Quắc nghe ông Bí thư quát bằng khẩu hiệu mang tầm chiến lược, lại còn liên quan đến pháp luật… thì hoảng hồn thu gậy, đứng thở rồi phân bua:
- Cha tổ bố nhà nó ông ạ! Nó khốn nạn giống thằng bố nhà nó. Rượu chè bê tha. Ai đời chỉ có hơn hai chục đứa thiếu nhi đi cắm trại, mà lại toàn con gái…
- Con gái thì làm sao? Ông Bí thư cao giọng.
- Vâng… con gái thì không uống được rượu. Vậy mà có dăm sáu thằng ranh con uống hết hai bốn lít rượu! Có khiếp không cơ chứ. Không đánh chết thì để làm gì!
Thằng con vẫn cãi: “Chúng con có uống tý rượu nào mà cứ bảo uống.” Mẹ nó gầm lên, tay vung gậy ngoáy tít như Tôn Ngộ Không:
- Lại còn cãi… lại còn cãi! Bà đập chết bây giờ. Con mẹ Đễnh nó vừa bảo Trung thu vừa rồi xóm 3 đặt mua nhà nó hai bốn lít rượu mà uống hết nhẵn. Không chúng mày uống thì chó nó uống vào đấy à!...

(Ảnh mạng chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến bài viết)

... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

KỂ CHUYỆN TRUNG THU (kỳ 2)


(Tiếp theo)
DIỄU HÀNH:
Tùng tùng tùng… tà rùng tà rùng tà rùng… Chiều mười bốn cả xã vang lừng tiếng trống. Khắp các ngả đường từng đoàn trẻ con, người nhớn trống cờ rộn rã xếp hàng rồng rắn lên mây tấn về trường Trung học cơ sở để cắm trại.
Đoàn rước của xóm 3 xem ra rất chi hoành tráng. Cũng trống cũng cờ đàng hoàng do thằng Thịnh mượn được ở trường cấp 1. Ông bí thư chi bộ đầu hói, cổ quàng khăn đỏ, tay nhăm nhăm cái roi dẫn đầu. Cái roi của ông thỉnh thoảng lại khua lên dẹp đám đông cản đường, chốc chốc lại ông quay lại dứ dứ mấy đứa trong hàng vừa “mốt hai mốt” vừa trêu nhau. Thằng con nhà Quắc và mấy đứa con giai mồ hôi nhễ nhại, giang thẳng cánh nện chí tử vào mặt trống đeo ngang bụng. Thỉnh thoảng Thịnh chạy lại gào lên với đám đánh trống: “Đánh vừa vừa thôi! Đánh vừa vừa thôi chứ bục trống thì chết… Bục là ông bắt đền chết cha chúng mày”. Tiếp theo là bốn đứa con giai mặt nhăn nhó, vẹo vai vẹo sườn khiêng cái kiệu làm bằng gỗ dán giấy xanh đỏ lòe loẹt, buông thêm mấy dải vàng đỏ lòng thòng. Hàng thiếu nhi của xóm có hai mươi đứa toàn con gái. Bọn này đầu cúi gằm như xấu hổ, tay vung chùm tua rua giấy vàng, chân dậm nhịp bình bịch… theo tiếng còi “toét toe…toét, toét…toe toét” của hai đứa học sinh cấp ba cao kều. Đoàn diễu hành được hậu thuẫn bởi hai chục ông trung niên: sáu ông khiêng cái cổng trại bằng sắt trắng cũng dán giấy lòe loẹt, lại vài ông khiêng chậu cây cảnh, vài ông ôm lọ hoa, vài ông ôm chiếu, mấy ông vác loa thùng… trông như đám dân binh theo sau đoàn quân. Và cuối cùng là dăm cụ ông tay quặt ra sau lưng thủ con dao rựa hoặc cái búa đinh lom khom xoải chân bước cố cho kịp lũ trẻ đi nhanh như ma đuổi.
Ở nhà văn hóa xóm cũng nhộn nhịp khí thế. Ông xóm trưởng được giao nhiệm vụ chỉ huy hậu cần tay cầm cuốn sổ xăng xái đi lại như con thoi. Đến chỗ cánh đàn ông đang hì hục mài dao, ông nghiêm trang dặn dò như tư lệnh mặt trận dặn dò các sĩ quan chuẩn bị vào chiến dịch: “Này… bằng mọi giá phải đảm bảo khâu hãm tiết nhá! Cơ số phải khơ khớ đủ mỗi mâm một bát ô tô.” Ông đến chỗ các bà Hội Phụ nữ đang tíu tít rửa bát, nhóm bếp than: “Vấn đề cay cay chuẩn bị đến đâu rồi?” Bà Hội trưởng cung kính: “Rồi! Rồi ạ! Nhà Đễnh nó vừa mang đến rồi ạ”. Trưởng xóm gật gù hài lòng, tay đập đập cuốn sổ vào đầu, ông nghênh cổ ngóng tiếng loa ngoài xã. “Sao chưa thấy nhiệt liệt chào mừng chi đội xóm ba mình nhỉ”. Một bà ra điều hiểu biết: “Thằng Tổng phụ trách Đội là người xóm 5 nó ghen với xóm mình nên nó không hô nhiệt liệt chào mừng xóm ba đâu mà mong”.
Nghe vậy, xóm trưởng nghiến răng: “Mẹ thằng này! Mai ông vớ được thì ông đập chết. Sao nó nhiệt liệt xóm khác mà không nhiệt liệt xóm ta?” Kể ông tức cũng phải, cái sự “nhiệt liệt”không công bằng có thể làm mất khí thế quân của ông mấy ngày tập luyện và chuẩn bị.

DỰNG TRẠI:
Ông Bí thư cổ quàng khăn đỏ ngồi trên ghế đại biểu thỉnh thoảng lại vuốt vuốt cái đầu hói bóng, mãn nguyện nhìn xuống đám trẻ con cả xã đang hàng lối chỉnh tề nghe diễn văn khai mạc. Kỷ luật nghiêm có khác! Lũ trẻ xóm ông ngồi im thít trong đó các xóm khác chí chóe trêu nhau. Vậy là nhất về cái khoản xếp hàng.
Lại còn cái kiệu của mình nữa chứ: nó lộng lẫy nổi bật so với các xóm khác. Này nhé: bằng gỗ dổi nghiêm chỉnh, mái cong cánh phượng, cột trong cột ngoài chạm trổ tứ linh… lại còn chăng đèn kết hoa thả xúc xích giấy màu, dải đỏ vàng buông rủ. Chả như các xóm khác kiệu gì mà lấy cái ghế mây đặt lên cái bàn rồi dán giấy xanh đỏ… Thật chả ra làm sao! Ấy vậy mà có đứa còn nói đểu bảo rằng kiệu của xóm ông trông như cái long đình rước vong đám ma. Đúng là cái loại chưa thấm nhuần tiêu chuẩn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chả hiểu biết gì sất… Quả là ông có lấy mấy cái bức trướng đám ma làm dải lụa trang trí, nhưng đã lột chữ “Thiên thu vĩnh biệt” rồi thì ai biết. Nhẽ ra phải biểu dương tinh thần tiết kiệm là quốc sách hàng đầu ấy chứ lị...
Một cái đập vào vai làm ông giật nảy mình. Ngoái lại thấy thằng Thịnh vẻ mặt nghiêm trọng ghé vào tai: “Chú ra ngay giải quyết”. Vừa đi thằng Thịnh vừa bảo: “Các cụ đang cãi nhau”. Giời a! Mấy chục ông thì làm cả cái nhà còn được, thế mà làm có cái trại trẻ con cũng cãi nhau. Hai cái vỏ chăn căng lên là xong! Đến chỗ trại thấy ba bốn cụ người giơ dao rựa, người vung búa đinh chia thành hai phe đang gườm gườm thủ thế. Một cụ ngồi phệt xuống đất văng: “Đút con c… vào làm nữa”. Lại phải nịnh các cụ hãy vì tương lai con em xóm ta… mới vãn hồi hòa bình nhưng nghe chừng vẫn còn hậm hực.

(Còn nữa... ngày mai đăng tiếp)

(Ảnh mạng- chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến bài viết)
... Đọc thêm!

KỂ CHUYỆN TRUNG THU .

Nhân Tết Trung Thu, mình viết cái chuyện Trung Thu ở làng quê cho vui... Vừa viết vừa đăng nên không kịp sửa. Câu cú từ ngữ chắc nhộm nhoạm. Nhưng cứ đăng kẻo... hết Trung Thu. Bạn đọc thông cảm.
TẬP HỢP:
Ông bí thư chi bộ vuốt vuốt cái đầu hói, e hèm ba phát rồi trịnh trọng:
- Kính thưa… à quên… Thưa các cháu thiếu niên xóm ta… Thằng kia! Mày cười cái gì. Con nhà Quắc phải không? Ông bảo bố mày nó đập chết bây giờ. Ngồi im để tao nói tiếp… Thưa các cháu thiếu nhi! Từ ngày xửa ngày xưa Bác Hồ đã dành riêng rằm tháng tám cho trẻ con. Rằm tháng Tám là ngày gì các cháu biết không…
Khán giả ngồi nghe ông nói cỡ hơn hai chục đứa trẻ con mười hai mười ba tuổi. Giai có, gái có. Nhưng con gái đông hơn… Chúng ngồi lổm ngổm chẳng ra hàng ra lối gì ngay trước mặt diễn giả.
Một con bé nói vóng lên: Là Trung thu ạ! Mấy đứa khác cũng nhao nhao: Trung Thu ạ! Trung thu ạ …
Thằng con nhà Quắc lợi dụng lúc bọn con gái đang đua nhau hớt hóng nói đuôi thì tranh thủ đấm cho thằng ngồi đằng trước một quả vào vai. Thằng này khóc rống lên. Ông bí thư điên lắm. Thanh niên chết rấp vào chỗ chát, chỗ ghêm… chỗ nảo chỗ nào để đến nỗi bí thư chi bộ hơn sáu mươi phải sang phụ trách tập luyện thiếu nhi cho rằm tháng tám. Hôm nay đã mùng mười rồi… Đến là khó bảo cái lũ mất dạy. “ Thôi đứng lên tập đi… nói chuyện với chúng mày khó bỏ mẹ!”
- Tập cái gì ạ! Mấy đứa con gái hỏi.
Ông Bí thư vuốt cái đầu hói… Tập cái gì nhỉ? Nghĩ một tý. À một tiếng: Phải rồi! Ông dõng dạc:
- Tập cái như năm ngoái!
Đến lượt bọn trẻ ngớ ra:
- Cái năm ngoái là cái gì nhỉ.
Một đứa nhanh nhảu: Tập đi đều… mốt hay mốt… Đúng rồi mốt hai mốt.
- Vậy thì tập đi! Ông ra lệnh.
- Dưng mà không có trống, không có còi…
- Không hô mồm được à.
Lũ con giai nhổm lên chạy ra khỏi hàng. Ông trông thấy gọi giật lại: “Mấy thằng mất dạy kia chạy đi đâu?” Bọn con gái lại tranh nhau hóng hớt: chúng nó về đấy ông ạ! Ơ hay sao lại về? Vì không có trống! Chúng nó chỉ thích tập trung thiếu niên để đánh trống.
Lại còn thế nữa. Ừ nhỉ! Tập thiếu nhi phải có trống. Mấy cái trống năm ngoái chúng nó đánh khỏe quá bục hết rồi. Thôi phải vào nói khó với cánh thổi kèn đám ma để mượn. Nhưng đồ nghề làm ăn của người ta thì mượn sao được! Bí…
Vừa lúc ấy thấy thằng Thịnh phóng xe máy qua. Thằng này làm thợ mộc nhưng có máu văn nghệ. Có khả năng làm phụ trách được. Thử xem! Ông gọi, Thịnh dừng lại:
- Gì vậy chú?
- Mày xem giúp chú phụ trách cái bọn thiếu nhi chuẩn bị rằm tháng tám. Chúng nó không nghe tao, mà… tao cũng đếch biết gì để bảo chúng nó. Cơ màu này khéo xóm ta bét mất!
Thằng kia ngập ngừng: Dưng mà cháu bận!
- Bận cái chó gì! Tao lạ gì cái mặt mày… có mà bận đi ve gái.
- Cháu bận thật mà.
- Bận gì… đêm hôm thì bận gì?
Biết bí thư đang bí, Thịnh thủng thẳng:
- Hai mươi đã phải trả giường cho đám cưới, quan tài lại bán hết rồi, chưa đóng kịp… Nhỡ ra có đám cần.
Vậy ra thằng này gạ tiền. Thời buổi chó chết. Chẳng có thằng nào vì phong trào. Thằng nào cũng tiền. Tiền! Loạn hết rồi. Thôi cũng đành:
- Mày cứ giúp chú, tao giả công mỗi tối năm chục.
- Nhưng mà chưa có trống, cờ…
Ông bí thư ngần ngừ một tý: Thôi khoán cả cho mày. Hết bằng nào rồi… rồi tính sau.

HỌP BÀN:
Ông xóm trưởng giang thẳng cánh đập xuống mặt bàn ình ình, rướn cổ nói sùi cả bọt mép:
- Đề nghị trật tự. Trật tự! Thật không ra cái thể thống gì cả, chả ai nói ai nghe. Thưa bà con! Hôm nay tập trung cả xóm tại đây để chuẩn bị cho Trung thu rằm tháng tám. Hội đồng xóm đã họp và quán triệt mục đích xã hội hóa phong trào thiếu niên nhi đồng…
- Tôi có ý kiến! Một ông mặc quần đùi mặt đỏ phừng phừng giơ tay.
Tất cả nhao nhao: “Thì để cho xóm trưởng nói hết đã…”, “Đúng đấy! để người ta nói hết đã”
Ông mặc quần đùi không chịu:
- Lão ấy nói dài bỏ mẹ. Đến đếch lúc nào cho xong. Việc gì phải xã hội hóa xã hội hiếc. Cứ bổ vào đầu mẫu…
Lại nhao nhao: “Phải đấy! Phải đấy! Cứ bổ đầu mẫu là xong!”
Mấy bà ngồi góc dưới cãi lại:
- Bổ là bổ thế nào! Nhà không có trẻ con cũng phải chịu à! Tôi đề nghị nhà nào có trẻ con nhà ấy phải đóng góp.
Tự dưng thành hai phe. Phe bổ đầu mẫu lí sự tất cả vì tương lai con em chúng ta nên tất cả đều phải có nghĩa vụ. Cấy ruộng thì phải đóng góp. Còn phe kia bảo làm như vậy là không công bằng, ai ăn thì phải tiền đóng gạo góp. Hai phe cãi nhau ỏm tỏi. Ông xóm trưởng nghệt mặt đứng… không biết nghe bên nào. Đành gọi ông phó bí thư và ông xóm phó hội ý.
Cả xóm lặng im cố nghe ba ông thì thào. Hồi hộp chờ đợi như thể chờ kết quả thi hoa hậu. Khi ông xóm trưởng ngẩng đầu lên thì hàng trăm con mắt dồn vào chờ đợi dò hỏi.
Ông xóm trưởng trịnh trọng:
- Sau khi tham khảo ý kiến của cả xóm, hội đồng xóm đã đi đến nhất trí: các chi phí cho trại, cho làm kiệu, nói chung là các chi phí sẽ bổ đầu mẫu. Còn các cháu nào đi dự trại thì gia đình phải đóng góp theo tiêu chuẩn mỗi cháu bốn nhăm nghìn với một nắp phích gạo. Thế nhá. Bây giờ ta sang phần phân công.
Mọi người chưng hửng còn định bàn tiếp nữa. Nhưng xóm trưởng đã chuyển sang mục phân công rồi thì lại phải nghe. Nghe thì nghe nhưng vẫn ấm ức, vẫn xì xào…nên xóm trưởng vừa phân công vừa đấm mặt bàn để giữ trật tự.

(Mới viết được đến đây. Muộn rồi, mai viết tiếp...Bà con thông cảm!)

.... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

NHÀ VĂN LÊN PHỐ (kỳ cuối)


(Tiếp theo và hết)
Đoạn đường từ bến xe đến tòa soạn Thời Cuộc không phải là ngắn. Hắn cứ cắm cúi đi cho đến khi thấy bóng mình in trên mặt đường mới nhận ra thành phố đã lên đèn. Một mình lạc lõng giữa ồn ào xe cộ hắn bỗng thấy sợ. Giả sử có một cái xe mất tay lái... mình có bị làm sao... thì vợ con không biết, không ai biết... thì cũng chỉ như một kẻ ăn mày... Vô nghĩa, vô nghĩa hết! Tự nhiên thấy thèm người. Thèm có một người để tâm tình, chia sẻ... Nhưng ai có thể tâm tình chia sẻ. Mà đêm nay mình sẽ ngủ ở đâu. Lại vạ vật vỉa hè sao? Hắn lục túi tìm tờ giấy ghi số điện thoại của bạn bè. Trần Văn X... Điện thoại: 0483... Đây rồi. Sao mình vô tâm, anh ấy mấy lần hẹn nếu có dịp lên Hà Nội thì vào nhà chơi...
Hắn vào một dịch vụ điện thoại gọi đến nhà ông X.
Người nhà nghe máy rồi bảo ông X không có ở nhà. Hắn hỏi thêm thì mới biết ông đang nằm viện. Ung thư giai đoạn cuối. Vậy là hắn đến Bệnh viện. Ông X là nhà thơ. Sở dĩ hắn biết ông vì ông là người cùng quê, trước cùng sinh hoạt trong Hội Văn nghệ tỉnh sau chuyển lên Trung ương. Cả hắn và ông cùng là đệ tử Lưu Linh, cùng thích văn chương nên thân nhau. Hắn kính trọng ông là đương nhiên vì ông có thực tài và sống rất chân tình. Còn ông quý hắn bởi hắn thật thà và thương hắn bởi hắn nghèo. Thỉnh thoảng gặp nhau hay khi ông đến nhà chơi thường dúi cho hắn mấy chục. Chẳng nhiều nhặn gì vì ông không giàu, nhưng vợ chồng hắn rất cảm động. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. San sẻ cho nhau chút đỉnh là cho nhau niềm vui, động viên nhau tinh thần là chính để mà tồn tại. Có lẽ chỉ những nhà văn mới làm được như vậy.
Ông Nhà Thơ mừng đến rưng rưng khi được nhà văn xóm đến thăm. Khi một mình đối đầu với cái kết cục tất yếu của kiếp người thì người ta cảm thấy mọi sự chăm sóc thăm hỏi của đồng loại là thiêng liêng. Hắn cũng đọc được trong mắt ông sự cố gắng níu kéo đến tuyệt vọng. Hình như hắn đến làm ông có thêm nghị lực để hy vọng. Hắn biết điều ấy nên cố gắng làm cho ông vui và bảo rằng bệnh tật của ông chỉ là ốm xoàng, một trận cảm vặt. Tếu táo và trân trọng, hắn kể với ông cái việc phải lên thành phố. Nhà Thơ chăm chú nghe nhưng lộ vẻ mệt mỏi. Nhận thấy điều ấy, hắn hỏi ông: Anh mệt à. Bây giờ anh thèm cái gì nhất? Ông thều thào: Rượu! Nhưng chúng nó không cho uống... Mình cũng chả dám đòi... Mọi người trong nhà đang cuống lên chạy tiền thuốc cho mình mà mình lại đòi rượu nữa thì nhẫn tâm quá... Tưởng gì! Hắn hăng hái đi mua một chai rượu. Cẩn thận hắn rót rượu vào cái chén nhỏ. Nhà Thơ run run nâng cái chén, mắt nhìn sâu vào những giọt rượu trong vắt. Ông đưa chén rượu lên ngang mặt, tận hưởng mùi thơm quyến rũ và từ từ đưa chén chạm môi. Môi ông như được men rượu làm hồng lên. Mắt ông nhắm lại. Những giọt rượu được ông giữ lại trong miệng một tý để tận hưởng vị cay nồng rồi mới nuốt. Một tiếng khà nhè nhẹ nhưng hẫng. Hắn biết tiếng khà là thói quen của những người uống rượu. Có lẽ Nhà Thơ kìm tiếng khà ấy lại vì ông không muốn nó mang đi hương vị của những giọt rượu đang đọng trong cổ họng. Tuyệt vời! Hắn ngắm Nhà thơ uống rượu mà rưng rưng. Đời hắn cũng đã uống không phải là ít rượu. Nhưng hôm nay hắn mới tận mắt chứng kiến sự hoan lạc đến tột đỉnh của người uống rượu. Này chú! Ông nói, giọng trong hơn- Buồn cười thật đấy. Để kéo dài sự sống thêm mấy ngày, người ta bắt mình phải đoạn tuyệt với những cái gì mà mình thích. Thêm mấy ngày nhạt nhẽo vô vị ấy thì phỏng có ích gì. Còn khổ hơn cái chết. Vậy thì việc gì phải kìm hãm. Tuyệt thật! Chú cho tôi xin tý nữa. Hắn rót thêm một chén. Vẫn những động tác như vừa rồi, nhà thơ uống và khà. Lần này thì tiếng khà thoát ra thoải mái hơn. Mặt ông hồng lên. Cặp mắt linh hoạt như người không hề có bệnh. Phấn khởi vì những thay đổi đến bất ngờ ở Nhà Thơ, hắn hỏi: Anh còn nhớ câu thơ: Nếu ngày mai tôi chết... Vừa đọc được một câu hắn đã thấy mình hớ. Ai lại đi nói về cái sự chết chóc với người đang trọng bệnh. Nhưng Nhà Thơ nói ngay: Nhớ chứ! và ông đọc liền một hơi Nếu ngày mai tôi chết. Thì chẳng mong gì hơn. Âm thầm một giọt lệ, rỏ xuống những nguồn cơn.‘*’ Những nguồn cơn... Ông lẩm bẩm. Những nguồn cơn... Mày sướng nhất đấy em ạ! Tự nhiên ông thân mật xưng hô mày tao. Cái việc mà mày vừa nói chứng tỏ mày đã làm được việc mà không phải ai cũng làm được. Thứ nhất: cái thằng mà nó lấy cắp truyện của mày là người tri âm với mày rồi. Mày hỏi vì sao à? Để anh nói cho mà nghe. Trước hết là nó đã công nhận cái truyện của mày, nó thích cái truyện của mày. Thích quá, nó mới lấy cắp. Chả có ai lại đi lấy trộm cái mà mình không thích. Nó lại dám thay tên tác giả, thế tên nó vào tức là nó đã dám thừa nhận ý của mày trùng với ý của nó. Thứ hai: Thằng Thời Cuộc nó đăng truyện ấy lên là nó đã công nhận giá trị của truyện. Một cái truyện mà hai thằng báo to cùng công nhận, cùng đăng thì tuyệt quá rồi còn việc gì phải băn khoăn. Thứ ba: viết ra được nhiều người biết đến là tốt quá. Chính mày viết xong mày cũng chẳng quan tâm số phận của nó như thế nào sau khi gửi đi. Có người bảo mày mới biết cái vụ này. Đã có người đọc quan tâm đến mức ấy là hạnh phúc đấy em ạ!... Nhưng mà em tức lắm! Tức không chịu được vì nó dám thay tên tác giả! Vậy là mày lại háo danh rồi. Viết mà người ta đọc, người ta chiêm nghiệm, chia sẻ và đồng cảm với điều mình viết là được rồi. Cái tên nào thì cũng vậy thôi. Để người đọc người ta nhận thấy gì sau trang viết ấy mới là quan trọng. Viết để có cái danh thì chẳng để làm gì. Đấy mày xem. Có những người nổi danh nhà văn lớn nhưng có gì đáng để đời. Viết xong tung hô một thời rồi sau đó mấy ai nhớ đến. Mà cũng lạ. Viết văn cũng có nhà văn lớn, nhà văn bé, nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn nghiệp dư... Chả phải cũng phân chia đẳng cấp những người viết hay sao? Không có đẳng cấp nào hết. Chỉ có tác phẩm hay và tác phẩm không hay. Nhà văn lớn mà đẻ ra cái tác phẩm dở thì dù tung hô đến mấy cũng đáng vứt vào sọt rác. Đấy là chưa kể các ông ấy còn viết để công kênh cho mình. Nói thẳng là viết vì danh để rồi văn chương nhạt hoét, khoa trương cái này cái nọ, nhân danh cái này cái nọ... Em có cảm giác là nó xỏ lá em, làm cho em bị phạm quy trong cuộc thi truyện ngắn lần này. Quên đi! Hy vọng được giải thưởng ư? Nghiệm ra rằng những tác phẩm để đời chưa bao giờ được nhận bất cứ giải thưởng nào. Vì sao? Chắc mày thừa biết. Thế thì sao lại lao tâm khổ tứ vì nó. Tác phẩm đã được đăng, đã được công chúng chấp nhận thì bây giờ nó là của công chúng, không còn là của riêng mình nữa. Cái gì còn lại là của mình, mình phải đòi. Nhuận bút chẳng hạn, đó là công sức của mình, mình phải đòi. Thế thôi! Nói một hồi, nghe chừng nhọc. Ông ngồi im như tiếc nuối, như hờn dỗi. Hắn lại rót chén rượu đưa ông, rồi với bản tính tếu táo hắn đọc: "Nếu ngày mai tôi chết, thì chả mong gì hơn, đổ đầy quan tài rượu, rồi chôn đâu thì chôn"! Hay! Nhà thơ vùng dậy cười ha hả... Nét cười sảng khoái sáng bừng lên trên khuôn mặt u ám.
Đêm ấy hắn ở trong bệnh viện cùng với Nhà thơ.
*
* *

Hôm sau hắn lại đến Tòa soạn báo Thời cuộc. Cô Biên tập con cháu Tôn Ngộ Không đi ủng xỏ dây dẫn hắn xuống Phòng Tài vụ nhận tiền. Cô tài vụ bảo báo mới ra chưa có nhuận bút. Hắn khùng lên: vậy thì tôi sẽ kiện. Cô Biên tập vội vàng chạy đi vay tiền đưa cho hắn. Thôi anh cầm tạm. Bài của anh, chúng em đánh giá là bài hay nhất và trả nhuận bút mức cao nhất của báo. Chúng em sẽ làm theo yêu cầu của anh. Lần sau nếu có bài anh gửi trực tiếp cho em. Mong anh hợp tác. Hắn nghĩ cũng chẳng có thể hơn và có hơn cũng chẳng làm gì. Hắn cảm ơn và cầm tiền. Thôi đành vậy!
Đã định về ngay, nhưng vẫn băn khoăn... hắn ngược vào Bệnh viện để chào Nhà Thơ. Có cảm giác đây là lần gặp sau cùng. Bàn tay Nhà Thơ nắm lấy tay hắn như không muốn rời. Hắn mở số tiền vừa nhận cùng với số mang đi còn lại, lấy riêng ba trăm để trả cho vợ và tính toán vừa đủ đi xe về đến nhà; Số còn lại hắn đưa cho Nhà Thơ: Em có mấy đồng biếu anh để anh bồi dưỡng. Anh thông cảm. Nếu có điều kiện vợ chồng em lên thăm anh sau... Nhà Thơ bật khóc. Hắn cũng khóc rồi vội vã lau nước mắt để ra về vì sợ dùng dằng thêm tý nữa thì hắn cũng khó lòng về nhà trong ngày được.
*
* *
Khoảng một tuần lễ sau, vẫn ông bạn viết hôm nào lại mang tờ Thời Cuộc đến nhà hắn. Đây, báo nó đã đính chính rồi ông ạ. Đâu! Chỗ nào! Rà mãi, rà từng dòng đến trang bảy mới thấy một cái mẩu nhỏ xíu nằm dọc ở góc cuối. Hắn phấn khởi xem xong đưa cho vợ. Vợ hắn bảo: Lãi to rồi. Hắn ngơ ngác: Lãi cái gì? Vợ hắn thản nhiên: lãi được cái Đính chính! Chuyến đi của ông lãi được mỗi cái Đính chính. Hắn lấy thước ra đo cái lãi của mình: bề ngang đúng hai phân, bề dọc năm phân... Vợ hắn còn cẩn thận hơn, thị đếm từng chữ và hùng hồn công bố: vừa hai mốt chữ (!)
Buổi chiều, đứa cháu nhà bên chạy đến bảo chú sang nghe điện thoại. Lúc về hắn ngồi khóc. Vợ hắn đi làm về thấy hắn đần mặt, mi mắt mọng nước liền hỏi: sao có việc gì mà sụt sùi? Anh X mất rồi! Vợ hắn lặng người. Lúc nào? Anh ấy mất lúc trưa nay. Chị ấy mới điện cho biết. Vậy sao ông vẫn còn ngồi đây? Hắn không nói gì. Vợ hắn vào buồng lục sục một lúc rồi cầm cái gói tiền ba trăm đưa cho hắn: Mình đi Hà Nội luôn đi! Lên trên ấy cho có anh có em. Giá mà tôi cũng đi được... Vợ hắn rơm rớm nước mắt: Thôi cứ nói với chị ấy thông cảm cho tôi. Mình đi ngay đi...



‘*’ Thơ của Nguyễn Mạnh Chính

(Ảnh lấy trên mạng chỉ có tính chất minh họa- không liên quan đến bài viết)
... Đọc thêm!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

"TỰ THIẾN"



Tối nay mình vừa ở trường về, đã thấy ông bạn “Đếch nói nữa…” đợi ngay ngoài ngõ. Lại có chuyện gì nữa đây. Mình vội dừng xe, tắt máy… Ông bạn nắm lấy tay lái xe của mình, mồm hỏi dồn dập:
- Này tại sao lại “thiến” gọn cái bài truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”?
Tay này thính gớm! Chợt nhớ ra hắn có thằng cháu ngoại vừa vào học lớp 6. Mình giải thích ngay rằng nào là phải giảm tải để vừa sức học sinh nên phải cắt đi một số bài, nào là ở lớp 1 các cháu được nghe chuyện kể rồi, nào là… Hắn ngắt lời:
- Thôi được rồi! Cứ cho là ông đúng. Nhưng lớp một thì nó chỉ nghe chứ nó hiểu đếch gì. Vậy tôi hỏi ông tại làm sao mà người Việt mình đặt ra cái truyền thuyết con Rồng cháu Tiên?
Mình trả lời là dân tộc mình đặt ra như vậy để khẳng định mình là dòng giống cao quý.
- Được! Hắn gật gù- tôi hỏi ông tiếp: vậy khẳng định mình là giống dòng cao quý để được cái gì?
Thằng này lục vấn mình như trẻ con. Ông đếch thèm trả lời. Mày muốn nói gì thì nói. Mình gạt tay hắn và thong thả dắt xe vào nhà. Hắn vẫn chưa chịu buông tha:
- Không trả lời được phải không? Đây này tao nói cho mà nghe: Khẳng định con cháu giống dòng cao quý để muôn đời người Việt phải nhớ lấy điều này: đừng bao giờ chịu hèn kém, đừng bao giờ khom lưng quỳ gối, đừng bao giờ cam chịu làm nô lệ. Hiểu chưa?
Cái ấy thì ai chả biết! Sao hôm nay thằng cha này tinh tướng thế nhỉ. Cứ để im cho hắn nói cho hả… Thực lòng mình cũng không biết câu chuyện của hắn chạy đi đến đâu. Nhưng không nói cũng không được. Vậy mình phải “phản biện” một tý:
- Cứ suy luận kiểu của ông thì không học “con Rồng cháu Tiên” thì con cháu mình sau này sẵn sàng khom lưng quỳ gối à. Chỉ dớ dẩn!
- Tao lại vả vào mồm bây giờ! Nói như vậy là nói cùn. Nhưng tao lại nghĩ khác: Không cho học tức là khác nào bảo với mọi người là ngày xưa nói khoác chứ dân mình hèn kém, sẵn sàng nô lệ, thủ tiêu đấu tranh… trong cái lúc nước sôi lửa bỏng bạn vàng chiếm đất, chiếm đảo, lấn biển… Rồi mai ngày nó nuốt gọn chứ chả chơi… họa tai nhãn tiền.
Lại bắt đầu lên cơn. Mình bịt mồm hắn lại: “Con lạy bố! Người ta nghe thấy lại chết bây giờ.” Trái với mọi lần, hôm nay hắn càng hăng hơn:
- Chuyện bà Âu cơ đẻ ra một bọc 100 trứng, nở thành 100 người con. 50 theo Mẹ lên rừng, 50 theo Cha xuống biển… dựng nên nước Việt… Cho trẻ nó học thì nó mới hiểu chữ “Đồng Bào” cũng từ cái tích ấy mà ra. Nhờ cái chuyện Con Rồng cháu Tiên, nhờ cái chữ “Đồng Bào” mà từ mấy nghìn năm nay người Việt nghĩ mình chung một gốc để biết thương yêu nhau, sinh sống, phát triển và giữ yên bờ cõi. Người Việt ai mà không nhớ câu:
Khôn ngoan đá đẩm người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!
Hay là mấy ông Tiến sĩ thiến sót ở Bộ Dạy học cho đây là truyền thuyết nhảm nhí, chẳng hay bằng mấy truyện Tàu… Hay là nghe người ta muốn vứt luôn chữ “Đồng Bào” để rồi mất hết… Hay là muốn để cho vừa lòng ai… Hay là… Hay là…
Giời ơi! Phải chăng ta đang "tự thiến” để sau này tuyệt tự…
Ơ cái thằng này hôm nay lạ thế: nói rõ một lèo, giọng điệu cảm thán như thể nhà văn. Hay phết! Mình đang định khen hắn một câu thì thấy hắn trợn mắt:
- Mà giáo viên các ông cũng đếch ra gì. Không biết mở mồm mà kêu à?
Mình cũng chỉ vớt vát được mỗi nửa câu: “Thì có ai hỏi…” đã thấy hắn phủi đít đứng dậy… Về!

... Đọc thêm!

BẢY MƯƠI NGHÌN TỶ MÀ CHƯA CÓ... HỒN


23 giờ ngày 07-9-2011
Mình đóng máy chuẩn bị đi ngủ. Chợt có tiếng gõ cửa ầm ầm:
- Này còn thức không đấy! Có chuyện khẩn cấp!
Mở cửa. Lại ông bạn “Đếch nói nữa…”. Mà sao hôm trước đã bảo không thèm nói chuyện với mình nữa kẻo mình đưa lên blog rồi sợ người ta quy là phản động. Vậy hắn sang đây làm gì?
Hắn xông vào nhà… ngồi phịch xuống ghế, cái mặt trông nghênh nghênh. Mình lộn cả ruột, đêm hôm khuya khoắt mà còn đến quấy rầy. Phải cố nhịn để hỏi: “Có việc gì?”
Hắn vẫn nghênh mặt hỏi ngược lại mình:
- Không mở ti vi à?
- Mở làm gì?
Hắn tưng tửng:
- Mở mà xem ngài Bộ trưởng kính yêu của các ông!
Mình hoảng hồn: “Ông ấy làm sao?”
Hắn thong thả:
-Ông ấy chẳng làm sao! Đúng hơn thì phải nói là: ông ấy không ra làm sao!
Đến là khó chịu với cái kiểu nói mập mờ của hắn. Kệ ! Mình không nói gì. Rồi hắn sẽ phải nói. Ai còn lạ gì cái mồm ba toác…
Quả nhiên chưa đến nửa phút sau hắn đã bô bô:
- Lúc nãy Vê tê vê phỏng vấn ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo về đề án cải cách giáo dục, lão ấy nói dự án ấy hết 70 nghìn tỷ và đã triệu tập một số chuyên viên để thành lập Ban chuẩn bị đề án…
- Tưởng gì! Điều ấy thì ai mà chả biết. Đài nói suốt…
Hắn ngắt lời:
- Để im tao nói cho mà nghe: Trả lời câu hỏi của phóng viên: vậy Bộ xác định: Học để làm gì? Lấy đối tượng nào làm trung tâm của giáo dục? Mô hình trường lớp ra sao- 11 hay 12 năm? … thì ngài bộ trưởng ú ớ bảo sắp bàn(!)
- Sao lại sắp bàn?
Hắn vỗ đùi:
- Thì thế mới ng…! Thôi chết! Cái mồm! Cái mồm… Phóng viên hỏi vậy phần hồn của đề án đổi mới giáo dục là gì? Ngài bộ trưởng của các ông bảo đang triệu tập các bộ phận và đã lên lịch để… họp các bộ phận, chứ nay vẫn chưa xác định được hồn…
- Giời ạ! Chưa có hồn… chưa có ý tưởng… mà đã có dự án tới 70 nghìn tỷ.
Hắn lại vỗ đùi, lần này vỗ đến ba cái:
- Thì đấy! Một lão nông dân mù chữ cần làm một ngôi nhà thì lão ta dù có dốt tính toán đến mấy cũng phải nghĩ trong đầu nhà ấy mấy phòng, mấy tầng, cho bao nhiêu người ở, nhà xây ở đâu… Xong rồi phải nhờ người tính toán hộ xem kích cỡ thế nào, thiết kế ra sao. Cuối cùng mới tính cần bao nhiêu tiền để mà lo vay chạy.
Vậy mà ngài Tiến sĩ Bộ trưởng của các ông chưa có ý tưởng gì mà đã tính được dự án 70 nghìn tỷ. Đến cái lão mù chữ nó cũng chả liều đến thế!

Mình ngọng mồm. Tự nhiên xấu hổ quá!

... Đọc thêm!

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

NHÀ VĂN LÊN PHỐ (kỳ 4)


Tiếp theo kỳ trước.
Tay bảo vệ tòa soạn báo Thời Cuộc nghi ngại nhìn một hình nhân không ra già không ra trẻ, áo quần lếch thếch, đầu tóc bù xù, loẹt quẹt đôi dép lê mòn vẹt cả mũi. Nhà văn của chúng ta xông thẳng vào tòa soạn. Này ông kia đi đâu? Đi gặp Tổng Biên tập!... Đứng lại! Xuất trình giấy tờ!... Hắn làm như không nghe thấy, vẫn xăm xăm đi vào. Tay bảo vệ hoảng hốt chạy theo ngăn lại: Văn hóa công sở để đâu. Vào cơ quan phải xin phép chứ! Hắn quay mặt lại: Sao! Phải xin phép à! Vậy ăn cắp bài, đăng bài không xin phép tác giả là văn hóa gì? Phòng Tổng Biên tập ở đâu? Thấy đối tượng chắc cũng không phải tay vừa, ít nhất cũng là cấp cùn trở lên... tay Bảo vệ dàn hòa: Thì ông cứ vào đây tý đã. Hắn vào phòng thường trực ngồi đợi. Tay bảo vệ bỏ đi vào một hành lang tối. Nhìn vào hành lang tối mờ mờ như cái lỗ lươn, tự dưng hắn ngại ngại. Người ra vào nhiều nhưng không ai để ý đến hắn. Đợi mãi chẳng thấy ai bảo sao, tay bảo vệ cũng không thấy đâu. Quái thật! Lại có cái loại văn hóa bảo khách vào phòng rồi biến mất hút con mẹ hàng lươn. Chả nhẽ cứ ngồi mãi ở đây. Thấy một cô từ trong cái lỗ hun hút đi ra, hắn vội chạy theo: Xin lỗi.. cho tôi hỏi: Phòng Tổng Biên tập ở đâu. Cô này vẫn cắm đầu đi: tầng ba! Đúng là thời đại công nghiệp. Thông tin người ta chỉ cung cấp vừa đủ, không thừa thiếu chữ nào. Nhưng thôi, hãy cứ lên tầng ba. Hắn đoán cầu thang chắc ở cuối cái lỗ hành lang hun hút. Đúng thế thật.

Tầng hai... tầng ba... Hắn đi dọc hành lang tầng ba, ngửa cổ tìm phòng Tổng Biên tập. Đây rồi. Hắn gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Phải ba lần mới nghe thấy: đang bận, hãy chờ! Chờ đến hơn chục phút thì thấy cánh cửa mở. Một cô môi son má phấn bước ra: Xong rồi, ông vào đi... Hay thật! Chả biết xong cái gì mà thấy cô ta vừa lắc mông vừa chỉnh áo. Ông Tổng đầu hói tròn như quả bưởi đang chăm chú trên máy vi tính không ngẩng đầu lên miệng hỏi: Có việc gì? Hắn trình bày. Tổng Biên tập lơ đãng nghe rồi bảo: Ông xuống tầng hai làm việc với biên tập văn hóa văn nghệ của báo. Thế nhé!
Xuống tầng hai. Lại ngửa cổ vừa tìm vừa hỏi thăm Phòng Biên tập văn hóa văn nghệ. Rồi cũng tìm được. Tiếp hắn là một cô váy ngắn chân trần, đi bốt trắng. Hắn nhìn đôi bốt thầm nghĩ: Nắng vỡ giời, nóng chảy mỡ lại còn đi ủng. Mà sao đôi ủng này lắm lỗ xỏ dây thế. Để xỏ dây buộc ủng có khi phải mất hàng tiếng đồng hồ chứ chả chơi. Tự dưng hắn liên tưởng cô này là con cháu Tôn Ngộ Không. Ừ đúng là giống Tôn Ngộ Không thật vì mặt thì bự phấn trắng vẽ vời rất cẩn thận, còn cái tai, cái cổ thì vẫn nguyên bản nâu nâu tươi màu suy nghĩ. Cô biên tập khi đọc đơn kiện của hắn lộ rõ vẻ hốt hoảng. Sở dĩ hắn biết được điều ấy vì thấy vành tai của cô ta tía dần lên theo từng dòng chữ trong đơn mà cô ta đọc được. Nếu bị phản ứng thì hắn sẽ phản công bằng các chứng cứ đã sắp xếp theo tinh thần của công ước Bơn. Nhưng không đến mức đó. Cô ta sẽ sàng: Đúng là chúng tôi có lỗi vì quá tin vào người gửi bài. Xin khất anh sáng mai chúng tôi sẽ giải quyết vì còn phải xin ý kiến Tổng Biên tập. Hắn bảo: Tôi không đợi được đến sáng mai! Yêu cầu phải giải quyết ngay! Anh thông cảm vì chiều nay tài vụ đi vắng. Vả lại anh đi mấy trăm cây số lên đây cũng phải nghỉ ngơi tham quan Thủ đô chứ ai lại về ngay. Hắn nghĩ thầm: Tham quan cái con khỉ! Tiền đâu mà tham quan? Lại còn phải chỗ ăn, chỗ ngủ nữa chứ. Đếch làm việc kiểu cù nhầy này nữa. Ông kiện lên Bộ cho các người biết tay. Vậy là hắn hùng hục ra bến xe.
Ra bến xe lại vào quán nước lúc trưa. Chủ quán nhận ra hắn ngay, vội đon đả chào mời, cánh xe ôm cũng đến hóng chuyện. Nhưng bây giờ hắn chẳng còn bụng dạ nào để tếu táo được nữa. Làm một hơi hai cốc nước chè, hắn ra xe. Nghĩ đến đoạn đường mấy trăm cây số hắn ngán ngẩm. Tống liền hai cốc nước đâm ra mót đái, hắn phải đi giải quyết cái nhu cầu không thể trì hoãn... Thoải mái quá! Nhưng vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh thì bị một bà béo chặn lại: Tiền? Hắn hỏi lại: Tiền gì? Tiền đi tiểu chứ tiền gì. Mắt mù không nhìn quy định à. Hắn nhìn lên cái bảng sơn xanh. Thành phố hay thật. Đi đái cũng mất tiền. Hắn đưa cho bà Vệ Sinh một ngàn. Còn thiếu! Hắn ngạc nhiên: Ơ hay bảng giá quy định một ngàn, tôi trả một ngàn sao lại còn đòi nữa? Buổi trưa anh cũng vào đây chưa trả tiền. Bây giờ phải trả cho đủ! Hắn ớ ra nhưng bụng cũng phải công nhận là bà ta nói đúng. Nhưng hắn còn cố vớt vát: Buổi trưa tôi có vào đây đâu mà đòi? Gớm nhỉ! Lại còn chối. Người ngợm như hình nhân, đầu như tổ quạ, quắt queo như thằng nghiện thế kia giá có đi đâu một năm quay lại thì chỉ mù mới không nhận ra. Trả một ngàn nữa ngay kẻo không xong với tôi đâu!... Nhìn bà Vệ Sinh đẫy đà với cây chổi lăm lăm trong tay như Bát Giới cầm đinh ba thì hắn hơi hoảng. Mất thêm một ngàn nữa. Người thành phố sòng phẳng thật! Cái hay ho mình nói ra đằng mồm, người ta sướng, người ta trả công cho mình. Cái mình thải ra đằng đuôi, người ta phải dọn thì người ta bắt mình phải trả tiền. Đúng thôi! Vậy thì tại sao mình lại không thể đòi thằng Thời Cuộc phải sòng phẳng? Phải làm cho ra nhẽ chứ sao lại chịu về không. Quay lại! Vậy là hắn lại hừng hực khí thế đi bộ về tòa soạn báo Thời Cuộc.



(còn nữa- kỳ sau đăng tiếp)
(Ảnh mạng internet- chỉ có tính chất minh họa không liên quan đến bài viết) Đọc thêm!