Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI... (Chuyện xưa kể lại của Mai Tiến Nghị)

Truyện này đã đăng từ năm ngoái... nhưng hôm nay đăng lại một tí tì tị cho vui.
 
Truyền thuyết "Thánh Gióng" thì ai cũng biết rồi nhưng muốn kể lại cho vui. Dùng lối viết nôm, ít dùng từ Hán Việt nên có vẻ thô thô. Hư cấu hư véo thêm tí cho có mầu chuyện kể. 
Ngày xửa ngày xưa…
Đời Hùng Vương thứ sáu. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Lúc bấy giờ, dân nước ta đang thuở sơ khai. Chữ Hán cũng chưa vào nước ta được bao nhiêu, đạo Khổng chưa ra đời, thế giới không bị ràng buộc bởi quân sư phụ… Người dân sống bởi cái tình là chính, còn cái lý cũng rất mực giản đơn: “Nói đúng cái thúng phải nghe”. Nói chuyện với nhau chả kể gì quan tước, vai trên vai dưới… gọi nhau vẫn “mày tao” như dân nước ngoài thời hiện đại.
(Sở dĩ phải giải thích như vậy để mọi người đừng trách người kể chuyện hay nói bậy nói bạ mà không theo phép tắc.)


Kỳ 1/ Ở làng Gióng thuộc bộ Vũ Ninh có một đôi vợ chồng đã già, sống lương thiện mà vẫn chưa có con nối dõi. Hai ông bà rất lấy làm buồn phiền.

Giời thấy vậy thì thương. Nhân có một tướng nhà giời mắc lỗi, Giời bèn trừng phạt bằng cách cho xuống trần đầu thai nhà ấy để sau này lập công chuộc tội.

Người vợ già một hôm ra vườn cà thấy có dấu chân to bằng mười dấu chân người thường. Lạ quá! Sao lại có người to thế? Bà ta bèn cho chân mình vào ướm thử.
Khi đặt bàn chân mình vào cái dấu chân to đùng kia chợt thấy trong người rạo rực, lòng xuân lai láng như thuở còn mười tám đôi mươi.

Bà ta vội vàng về nhà, thấy ông chồng già đang ngồi ngoài sân cởi trần, dạng chân đan rổ, khố dây lỏng lẻo vắt sang một bên, bà lão càng rạo rực bội phần… Vội lôi thốc ông chồng vào buồng, cởi bỏ xống áo của mình, giật cái khố dây của ông lão… rồi vòng tay ghì riết…
Lúc thỏa mãn cơn dục tình, buông tay ra thì ông lão đã ngoẹo cổ, sùi bọt mép…

Bà không dám khóc to. Bảo rằng ông bị phải gió. Làng xóm xót thương giúp đỡ chôn cất ông chồng chu đáo.

Cũng từ hôm ấy bà lão có thai. Chín tháng mười ngày vẫn không thấy đẻ. Mọi người bảo là chửa trâu. Rồi đến mười hai tháng thì bà đẻ được một con giai đặt tên là Muộn.

Muộn đẻ ra mà không biết khóc. Rồi ba tháng, năm tháng, mười tháng không biết cười… hơn năm giời cũng chẳng u ơ lấy một tiếng, mọi người bảo là câm. Suốt ngày chỉ nằm mút tay, chân khua loạn xạ.

Bà già mải đi làm, để thằng bé Muộn nằm một mình ở nhà. Mũi rãi nhoe nhoét, ruồi nhặng bu đầy mặt.

Lúc bấy giờ giặc Ân phương Bắc lăm le xâm lược nước ta. Vua Hùng hoảng sợ bèn gọi các tướng lại họp bàn. Nhưng khổ một nỗi các tướng (lúc bấy giờ gọi là Lạc tướng) toàn con ông cháu cha chỉ giỏi đội mũ đeo râu ra oai với thiên hạ, chứ nghe đến đánh trận thì mặt xanh như đít ngóe. Vả lại lúc đó tướng nhiều hơn quân. Tất cả các tướng đồng thanh rằng phải án binh bất động.

Vua lại gọi các quan (gọi là Lạc hầu) đến hiến kế, các quan thảy đều lo sợ nếu đánh giặc thì nhà cao cửa rộng của mình tan hoang, đất cát tiền bạc mất hết, việc mua quan bán tước bị đình hoãn… Vậy nên đồng lòng tâu vua xin hòa để giữ ghế, để tiếp tục tham nhũng sách nhiễu dân lành.

Vua nghe theo quan tướng, cho người đem lễ vật sang triều đình nhà Ân xin làm chư hầu để được phong vương. Bọn giặc Ân được thể càng lộng hành. Nó sang giả vờ thuê đất thuê rừng, lấn biển… đưa người của nó vào làm rồi bóc lột thẳng tay người Văn Lang. Nham hiểm hơn bọn giặc còn đưa người khai khoáng mỏ vàng, mỏ bạc… bọn này dụ dỗ con gái Văn Lang nhẹ dạ, giả vờ lấy làm vợ để đồng hóa người nước ta và dễ bề vơ vét của cải. Hàng đoàn người ngựa kìn kìn chở vàng về phương Bắc mà vẫn không hết của. Bọn giặc lại bí mật đào hầm chôn giấu vàng bạc rồi dụ dỗ mua các thiếu nữ đồng trinh chôn sống làm thần giữ của đợi đời sau con cháu sang lấy. Dân Văn Lang biết hết, họ đã trình báo lên các quan nhưng bọn quan tướng Văn Lang chỉ biết giương mắt ếch ra nhìn mà không dám ho he phản đối dù chỉ một nhời…


Dân tình vô cùng bực bội. Các bậc kỳ mục trong làng ngoài xã tập hợp từng đoàn phản đối. Vua nhà Ân bắt vua ta và các quan tướng phải thẳng tay bắt bớ đánh dẹp. Rồi còn bắt vua loan báo rằng việc chống giặc là việc của triều đình. Cấm chỉ dân đen manh động. Đứa nào làm trái thì bắt chém.

Đã vậy triều đình còn bắt dân nay phải mở lễ hội mừng vua, mai phải mở tế lễ các thánh thần phương Bắc. Dân lại phải bỏ việc đồng áng để tập trung rước sách rất là vất vả. Người già cũng chẳng được tha.


Bà mẹ cậu bé Muộn mặc dù đã già vẫn phải đi làm nghĩa vụ với vua, với vua Ân đất Bắc. Cậu bé Muộn thường bị bỏ đói. Muộn ta nằm một mình đập chân thình thịch xuống chõng tre, rồi tự dưng mở miệng u ơ hét váng cả nhà. Chợt có một con nhặng vo ve bay đến đậu vào mang tai bảo:
- Mày khôn hồn thì nằm im. Mày mà nói bây giờ là mày phải chết đấy!

Thì ra Muộn biết nói chứ không phải là câm như mọi người thường nghĩ. Còn con nhặng chính là Thổ thần.

Cậu bé Muộn đành thì thầm chỉ đủ cho con nhặng nghe thấy:
- Sao tao lại không được nói!
- Mày nằm ở đây không biết. Mấy người đòi chống giặc, nhà vua bắt hết rồi. Mày mà nói ra, vua nó sai người đến cho một nhát thì xuống âm phủ, rồi thì không có cơ hội lập công chuộc tội với giời đâu. Cứ nằm im đấy mà đợi.
- Vậy lúc nào mới được nói?
Thổ thần nói:
- Bao giờ tao bảo mới được nói.
Muộn lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Rồi lại hỏi:
- Vậy nhỡ giặc nó đánh ngay sang đây thì sao.
Thổ thần bảo:
- Từ thuở Lộc Tục Kinh Dương Vương đến nay, giữ được nước giữ được đất là nhờ dân. Nay bọn vua quan triều đình bảo để chúng nó lo. Có mà lo được cứt! Cái lũ hèn này chỉ giỏi bắt nạt dân lành.... Mày cứ nằm im đấy đã, để chúng nó biết thân. Rồi chúng nó sẽ trắng mắt ra. Lúc bấy giờ mình đứng dậy cũng chưa muộn. Nhớ nhá! Cứ nằm im. Tức mấy cũng không được nói.

Thổ thần dặn vậy rồi bay đi. Muộn ta lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Từ đấy giở đi không u ơ gì nữa. Mọi người vẫn bảo là câm.





KỲ 2:

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI (kỳ 2)


Kỳ 2/
Tuy vua quan Văn Lang đã thần phục, khom lưng quỳ gối cung phụng đủ điều nhưng vua nước Ân vẫn chưa vừa ý. Dã tâm của hắn muốn chiếm trọn Văn Lang để bành trướng cả vùng. Vì vậy vua Ân tập trung mấy mươi vạn quân ở biên giới chuẩn bị thôn tính nước ta.
Đến bấy giờ vua quan Văn Lang mới cuống lên. Vua triệu tất cả các quan tướng lại để bàn kế chống giặc.
Vua bảo:
- Triều đình ta đã chịu nhún hết mức, nhục như con chó rồi mà nhà Ân nó cũng chẳng vừa lòng. Nó cứ đánh nước ta. Bây giờ chúng mày tính thế nào?
Các Tướng thưa rằng:
- Quân nó thì đông gấp trăm lần quân ta. Ta mà chống lại thì chắc chắn ta sẽ thua, ta sẽ bị giết hết chỉ sau vài ngày...Bây giờ chỉ có dân mới có thể chống...
Vua tức quá chửi:
- Tao nuôi chúng mày cốt để khi có giặc xâm lược thì đánh giặc giữ nước, chúng mày lại bảo rằng hễ đánh thì thua. Vậy chúng mày là cái quân ăn hại à. Thật là cái lũ cơm toi… đuổi chức hết đi cho rồi.
Chửi xong lại quay sang các quan:
- Chúng mày tính kế thế nào?
Các quan bèn thưa:
- Dân tình cũng ngao ngán lắm rồi. Họ chẳng theo ta đâu.
- Sao vậy!
Các quan đành phải nói thật:
- Họ bảo rằng họ nghèo đói chẳng có sức mà đánh đấm. Vả lại trước đây người ta muốn nói thì bị triều đình bắt bớ chém giết. Nên bây giờ họ bảo: kệ, đứa nào khom lưng qùy gối cho đứa ấy chết.
Vua lại tức:
- Đem mà chém hết đứa nào nói như vậy! Dám bảo ai khom lưng quỳ gối?
Các quan lại thưa:
- Nếu chém hết thì lấy người đâu mà đánh giặc ạ!
Vua bảo:
- Chúng mày phải đi mà đánh!
Lập tức các quan run như rẽ, mặt xanh như tàu lá. Thế rồi người thì lấy lý do già yếu, kẻ thì thở than cảnh nhà khó khăn, đứa thì kêu rằng mình đang bệnh tật. Ngược hẳn với trước đấy mấy hôm người nào cũng bảo là khỏe mạnh sung sức khôn ngoan tuyệt vời xin làm quan mươi mười lăm năm nữa để tiếp tục vì dân vì nước… bây giờ các quan nhất loạt xin bỏ chức…
Vua hoảng quá chửi toáng lên, các quan tướng cũng chửi nhau loạn xị. Cả triều đình như cái chợ vỡ. Lúc thường mũ áo xênh xang thì thân mật lắm. Đến khi có giặc thì mới xoay ra quặc nhau. Quan đổ cho tướng là hèn, tướng đổ cho quan là ngu… thật chả ra làm sao.
Vặc nhau một hồi lâu. Chợt có một vị quan lên tiếng:
- Thôi không phải cãi nhau nữa! Dân nó nói vậy nhưng bụng vẫn yêu nước yêu làng. Quan tướng không đánh được giặc thì quan tướng phải tìm được người đánh giặc. Vậy tất cả quan tướng hãy chia nhau về các làng quê, kẻ chợ… đi rao tìm đứa có tài ra đánh giặc. Chả hơn còn đứng đấy mà cãi nhau. Giặc nó đến nơi cho mỗi đứa một nhát thì xong đời.
Vua nghe nhời ấy, cho là phải, liền bắt tất cả quan tướng đi rao. Các quan tướng mỗi người một thằng lính hầu, một cái loa… thất thểu về các làng rao rằng:
- Loa loa… loa…
Chiềng làng chiềng nước…
Giặc chó Ân xâm lược
Ác độc đến không cùng
Máu dân chảy ngập sông
Thây người chất thành núi

Ai là người tài giỏi
Ra cứu nước cứu dân
Dẹp tan lũ giặc Ân
Vua ta xin có thưởng…
. Loa.. loa…

Cậu bé Muộn đang nằm mút ngón tay, nghe thấy tiếng loa thì rút ngón tay ra khỏi miệng, xua ruồi bu trên mặt, chân đập xuống chõng thình thịch. Thổ Thần lại hóa thành con nhặng bay đến đậu vào vành tai:
- Bây giờ nói được rồi đấy!
- Nằm mà nói à? Muộn thì thào hỏi.
Thổ thần bảo:
- Nằm mà nói thì ai nghe! Phải ngồi dậy chứ.
Vậy là Muộn ta ngồi thẳng dậy, mồm gọi: “Mẹ ơi!”
Bà mẹ đang lúi húi nghe thấy tiếng gọi, chạy lên nhà thấy thằng con đang ngồi trên chõng. Lạ quá. Ba năm nằm ngửa tơ hơ mà nay thì ngồi chễm chệ… Chưa kịp mừng thì đã nghe đứa con dõng dạc:
- Mẹ ra gọi cái đứa gọi loa vào đây!
Bà mẹ sững người, mồm lắp bắp:
- Sao lại gọi? Gọi vào làm gì?Quan đấy. Nó oai lắm đấy. Nhỡ ra nó đánh cho…
Cậu bé Muộn vẫn khăng khăng:
- Mẹ cứ ra gọi nó vào đây…
Bà lão lập cập chạy ra ngoài đường tìm gặp ông quan. Quan nhà ta cùng tên lính hầu đã mấy ngày rao mà chẳng có ai hỏi gì. Nay thấy bảo có người gọi thì mừng lắm. Vội theo bà lão vào nhà.
Quan nhìn quanh, chỉ thấy trên chõng là một thằng bé lên ba, áo khố chẳng có.
- Đâu! Đứa nào gọi tao? Quan hỏi.
- Tao gọi đấy! Thằng bé dõng dạc trả lời.
Quan tròn mắt, há hốc mồm: Thằng ranh con cởi truồng, chưa biết vắt mũi… Lại dám gọi…

Muộn ta vẫn dõng dạc:
- Mày về bảo với vua làm cho tao một con ngựa sắt cao gấp chục lần người nhớn và một cây gậy sắt năm chục người khiêng, một bộ áo bằng sắt và một mũ sắt to gấp hai chục người bình thường đem đến đây để tao đi đánh giặc.
Quan bình tĩnh giở lại. Bắt đầu lên giọng oai:
- Láo tôm láo cá! Ba cái tuổi ranh.Vẫn còn mút vú mẹ. Đánh đấm cái gì…
Cậu bé Muộn vẫn bảo:
- Mày không tin phải không. Đã thế tao chả thèm nói nữa. Xem đây này.
Nói xong bèn vươn vai một phát, người cao gấp rưỡi… trông đã bằng thằng lên năm. Cái chõng tre rung rinh…
Quan ngơ ngác… Muộn từ trên chõng nhảy xuống đất. Lại vươn vai phát nữa: cao bằng thằng trẻ con mười lăm tuổi.
Quan xanh mặt, vội kéo tên lính hầu chạy ra khỏi nhà. Muộn cười hê hê. Bà mẹ cũng cười rồi chạy vội vào trong nhà.
Muộn ngơ ngác: Sao mẹ lại chạy? Cúi xuống nhìn. Ối giời ơi! Thì ra mình chẳng khố áo gì. Truồng nồng nỗng. Ngượng quá!
Mẹ đưa ra cho mảnh khố. Cậu ta cuốn tạm vào người. Bụng hóp lại, Muộn kêu:
- Mẹ ơi! Đói…


Mình chỉ đăng lại hai kỳ vậy thôi... Nếu ai muốn xem tiếp thì xin mời vào mục "Chuyện xưa kể lại" trong blog này để xem cả truyện. 






Đọc thêm!

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

VẦNG TRĂNG NGOÀI CỬA- Nhạc: Mai Tiến Nghị- Lời thơ: Lưu Đình Hùng- hát: MTN

Được nhà thơ Lưu Đình Hùng đọc cho nghe bài thơ: "Vầng trăng ngoài cửa", mình thấy hay quá, ngẫu hứng hát lên. Được bạn bè bảo được, hay phết. Thế là hát bằng cái giọng U60... phải cố mà vẫn hụt hơi. Thôi thì đưa lên cho đỡ lạnh và để mọi người đỡ...buồn.
Giới thiệu luôn ở phần đầu là lồng tiếng nói của mình và Nguyễn Danh Khôi. Còn trong video là Lưu Đình Hùng (người đội mũ nồi kiểu Hmông) và Nguyễn Danh Khôi (người đội mũ tai cụp kiểu Nga ngố) cùng Lã Thanh An (đầu trần tóc bù xù)... Riêng mình thì không có mặt... chỉ có tiếng nói và tiếng... hét.



Đọc thêm!

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

NHÀ VĂN ĐI TRẠI



NHÀ VĂN ĐI TRẠI
                                                  Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Gừ...rừ..rừ... Gừ...rừ..rừ... Cái điện thoại di động rung lên từng chặp liên tục ở đầu giường. Chắc vợ gọi! Y cầm máy lên. Lại gừ...rừ... rừ... . Tin nhắn! Dễ đến nửa phút mới hết những gừ... rừ... rừ... Nửa đêm lại còn nhắn tin. Lục tìm mãi mới thấy cái kính. Kỷ lục: Mười hai tin nhắn. Mở máy, căng mắt đọc: Em nho... em so... anh ve đi. Điên tiết vì sự vớ vẩn của những con chữ. Người ta cho mình lên trại là để viết. Đã bế tắc, viết không ra vợ lại gọi về. Về bây giờ có mà ra mặt mo. Khác gì thằng đào ngũ, thằng thoái thác nhiệm vụ. Y bấm máy gọi lại. Vợ y bảo em nhớ anh lắm, em sợ lắm, trời đang mưa mà đằng cửa sau có cái gì nó đang đập thình thình. Y trấn an. Vợ y lại chuyển chủ đề: Vậy anh đang ngủ với ai? Y nhìn sang ông bạn nhà văn đang ngáy khò khò ở giường bên và kể tên người ngủ cùng phòng với mình không quên nhấn mạnh giới tính... Hay là anh về đi! Vợ y gợi ý. Y bảo không thể về được... Vậy thì em lên đấy! Lần này thì y trở thành người giới thiệu cho cái sự sinh hoạt đắt đỏ ở đất này. Vợ y im lặng. Đàn bà sẵn sàng phiêu lưu nhưng bao giờ cũng lưỡng lự về giá cả.
          Y nghĩ hay là mình về? Thực ra ở đây y cũng không thể viết được gì. Cứ ngồi vào bàn là y có cảm giác có người đang nhìn từ sau gáy. Và người ấy hỏi: sao liệu có viết được gì không? Trông như thằng dở hơi ấy cũng tập tọng văn chương, cũng dớ dênh trại viết! Cảm giác ấy tạo cho y thường trực nỗi bất an.
          Cũng vì để đỡ mấy chục bạc tiền vé xe nên y phải đi nhờ xe của một ông anh làm quản giáo của một trại giam cũng gần đây. Đáng lẽ phải xuống xe chỗ đoạn rẽ nhưng lúc ấy y lại đang gà gật ngủ. Lúc tỉnh dậy thì đã thấy cái cổng lù lù với chữ “Bộ công an- trại giam số...” với bức tường xám xịt chạy ngun ngút vào tận chân núi như thể một Vạn lí trường thành thu nhỏ. Ông anh bảo thôi vào đây nghỉ đã, rồi mai tao bố trí xe cho sang trại viết. Mà ở chỗ nào chả vậy, cũng là trại cả! Y bật cười: trại viết, trại giam đều là trại. Một cái ý hay phết! Phân tích ra có khối vấn đề. Một đằng là chỗ người ta lặng lẽ suy ngẫm, xóa trong ký ức quá khứ của mình để chuẩn bị bước vào cuộc sống bình thường; còn đằng kia là nơi viết ra những ngẫm nghĩ của con người bình thường cố kiếm tìm sự bất bình thường trong cuộc sống hoặc vẽ ra một tương lai mơ hồ nào đấy rồi phô phang với thiên hạ.
          Y ở trại giam đến gần một ngày đêm. Không thể xuống tận chỗ phạm nhân ở vì quy định không cho phép. Vả lại ban ngày họ phải đi lao động, lúc buổi tối là lúc y lại gà gật say. Ông anh biết tính y thích vui nên buổi tối kéo các bạn đồng nghiệp đến uống rượu với thằng em là nhà văn ở dưới quê lên. Giữa nơi tù túng thì những câu chuyện mà y bông phèng kể lại được mọi người trong mâm rượu há mồm nghe rồi cười nghiêng ngả. Câu chuyện thường bị dở dang vì có người đến báo cáo: tổ bốn có thằng đầu gấu đánh tuốt luốt mấy phạm già chậm chạp chưa kịp làm theo lời sai khiến, tổ chín có hai phạm đấm nhau đến sưng quai hàm chỉ vì một điếu thuốc lào... Y thấy sợ cho cái cách mà những kẻ không có quyền công dân tối thiểu đối xử với nhau theo luật rừng kẻ mạnh đè kẻ yếu. Trước đấy khi mới đến y đã để ý quan sát phạm đi làm về. Dòng người xếp hàng một, dáng đi nặng nề, tay thõng xuống chán chường, đầu cúi gục ủ rũ lầm lũi bước trong hoàng hôn sẫm tím ngằn ngặt bóng núi. Y hơi khép mi mắt: hiển hiện những dấu hỏi nối tiếp trôi như trên màn hình vi tính khi nhấn đều tay phím. Ừ cũng phải thôi! Đó là những dấu hỏi của số phận. Y mạnh dạn đến gần họ. Nhất loạt đều có chung một khuôn mặt mang sắc diện u ám cam chịu. Người nào cũng có vẻ hiền lành nhưng y lại gặp trong cái dáng điệu ủ rũ lành hiền là không ít cặp mắt sùm sụp lì lợm, con ngươi chợt đảo đi đảo lại rất nhanh thoáng lóe lên những tia nhìn tinh quái và bí hiểm... Những tia nhìn ấy vừa oán hận, vừa chứa chất sự ghen tị, sự khao khát trả thù lẫn khinh khỉnh nghi ngờ. Hình như họ đang chờ đợi. Chờ đợi những buổi chiều nhòe nhoẹt sáng tối và lặng lẽ đếm, đếm, đếm... đến lúc tự do chăng.
          Những ánh mắt ấy ám ảnh y!
          Trại viết đã khai mạc được một ngày thì y mới lù lù dẫn xác tới. Cái đầu húi cua ngó nghiêng, áo quần xệch xoạc nhàu nhĩ và đẫm mồ hôi, người y tỏa hương của mấy ngày không tắm. Y ngó vào hội trường, chả thấy ai. Nghe ồn ào ở mấy gian phòng phía đằng tây, đến nơi mới biết đấy là nhà ăn và y chợt nhớ là đã trưa. Lưỡng lự có nên vào hay không thì một người trong đó bước ra. Người đó nhìn y từ đầu đến chân, ánh mắt nghi ngại, nhăn trán nghĩ ngợi để cố nhớ đến một cái tên: Ông là Long? Lão ta còn biết tên mình cơ à! Có lẽ lúc điểm danh, Long là cái tên duy nhất thiếu nên người ta nhớ ra. Vâng- Y trả lời. Sao bây giờ mới đến. Đã cơm nước gì chưa, vào ăn cơm đi. Y ngượng ngùng vì cái ánh mắt của người đối diện. Hình như ông ta nghi ngờ bởi ánh mắt ấy nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hốc hác và dáng người quắt queo của y. Giá như quen biết một tý thì y đã bảo nhìn cái gì mà nhìn, tôi có phải là thằng tội phạm đâu. Nhưng ở đây lạ nước lạ cái... Tiếng ồn ào im bặt khi y bước vào. Tất cả mọi người có mặt trong phòng ăn đều đổ dồn ánh mắt vào người mới đến, y biết được điều đó vì mình cũng đưa mắt nhìn một lượt tất cả để may ra có gặp một người quen. Chả có khuôn mặt nào từng quen. Tất cả đều ngờ ngợ như đã gặp ở kiếp trước. Phải rồi, đó là những khuôn mặt chỉ to hơn cái cúc áo trên bìa sau của những cuốn sách mà y đã đọc, nó lấp ló trong bộ nhớ. Mà cũng đúng thôi. Mỗi tỉnh chỉ có một hai người dự trại... làm sao có thể quen được. Toàn là những người đã nổi tiếng.
          Một ý nghĩ len trong đầu: mình cũng là người nổi tiếng! Vậy thì việc gì phải rụt rè. Nhưng khi y ngồi xuống thì có cảm giác hàng trăm tia điện nhìn đang phóng vào người khiến đầu rân rân, chân tay mình mẩy cũng lẩn mẩn như mạt bò trên da. Và y giật mình bởi một cái đập vai. Cú đập khá mạnh đến mức làm y hoảng hốt đứng dậy:
          - Này liệu có biết viết không đấy? Viết được gì không đấy?
          Y nhìn vào mặt của người vừa hỏi. Đó là một lão vừa lùn vừa hói, khuôn mặt căng bóng. Cái mép nhếch lên cười khinh khỉnh. Nhưng cái mà y ngại nhất là đôi mắt. Nó hơi nheo nheo như hai cái dấu nón của chữ ô, trong đó con ngươi đảo đi đảo lại. Y cáu: Là cái đếch gì mà khinh nhau- Suýt nữa thì buột miệng phản ứng nhưng nhìn cái bộ ria và cái đầu hói thì y nghĩ: dù sao thì lão ta cũng hơn tuổi mình. Không thèm chấp.
          Y được xếp vào ở cùng phòng với ông nhà văn- người mà y gặp đầu tiên ở nhà ăn. Y làm quen hỏi ông ở tỉnh nào. Ông ta thủng thẳng bảo tớ ở Hà Nhì. Y ngớ ra làm gì có cái tỉnh Hà Nhì? Ông này phá lên cười bảo thằng ngố, tao ở Hà Tây. À phải rồi Hà Nội hai- cái tên mọi người vẫn gọi cho cái tỉnh vừa sáp nhập vào Thủ đô. Hỏi tuổi thì ông ta lắc đầu. Đừng có hỏi tuổi nhà thơ nhà văn nhá! Nhưng y đoán chắc ông này hơn y dăm bảy tuổi. Còn tên thì chả cần, chỉ nhìn đống sách trên bàn viết là y biết mặc dù trên bàn có rất nhiều sách. Lên trại viết là dịp để người ta tặng sách nhau vì đây là cái dịp người ta giải tỏa số sách đã in- nói trắng ra là sách ế vì bây giờ người viết thì nhiều mà người đọc thì có mấy. Trại viết có bao nhiêu người thì được tặng ngần ấy cuốn sách. Lật trang đầu thì biết ngay tên chủ nhân. Đơn giản vậy thôi. Những quyển sách ấy bao giờ cũng được hứa hẹn là sẽ đọc nhưng chắc chắn người ta không đọc ở đây mà dành để về nhà. Thực sự về nhà nó có được đọc hay không thì có trời mới biết.  
          Làm quen được một lúc thì ông bạn nhà văn cùng phòng bảo tớ đọc cho cậu nghe cuốn tiểu thuyết tớ sắp hoàn thành, hay lắm! Cậu nghe sẽ phải kinh ngạc… Và ông đọc luôn sau khi giới thiệu về xuất xứ của nó. Cả buổi chiều y chịu trận nằm nghe cái giọng đọc đều đều đến phát ngán. Chưa bao giờ y dám mơ mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. Sở trường của y là truyện ngắn. Những câu chuyện bông phèng ở cuộc sống xung quanh, y nhào nặn và gán cho nó một ý tưởng. Và y tự hào về những cái đó. Đến đây y mới thấy mình kém cỏi vì người ta còn có thể làm hơn thế.
          Và y lại nhớ về những ánh mắt đã ám ảnh mình. Câu hỏi gợn lên trong đầu: Này liệu có biết viết không đấy? Viết được gì không đấy? Tự dưng y có một liên hệ rất khập khiễng. Hay nhỉ. Gọi các nhà văn vào một chỗ gọi là trại. Dẫu không có đầu gấu, không có đánh nhau nhưng vẫn có đại ca, có kẻ hơn người kém. Không có lao động khổ sai chân tay thì lại có khổ sai trí óc. Nhưng có điều đây là tự nguyện. Sao lại tự nguyện vào cái chỗ dễ bị rẻ khinh nhất.
          Trong mấy ngày vừa rồi y chưa viết được gì.
          Y ra nhà vệ sinh. Lúc vào thấy cái điện thoại vẫn sáng. Lại tin nhắn. Cái máy hôm nay giở chứng hay sao mà lại hiện ngay dòng chữ: anh ve di o nha bi lam em chang biet lam sao co khi em phai ban lon... Khốn nạn! Sao lại có chuyện chồng vừa đi đã bí bách, đã tính chuyện... Y điên tiết định bấm máy tế cho vợ một trận nhưng chưa kịp thì cái máy đã gừ... rừ...rừ tin nhắn, y mở tiếp và thở phào: con can tien dong hoc phi, gan ba trieu.
          Tình hình này khéo phải về. Ở đây cũng chẳng viết được gì. Mà ở nhà lại cấn tiền đóng học cho con. Giá có bán lợn cũng không đủ, con lợn còn đang lớn. Bán bây giờ có bằng cho người ta. Cứ về rồi tính sau.
          Y nhớ đến khuôn mặt của hai đứa con. Khi còn bé chúng rất tự hào vì bố là nhà văn. (Thực ra y chưa được là Hội viên Hội nhà văn nhưng mọi người vẫn gọi là thế). Khi con gái y sang nhà đứa bạn chơi thấy con bé đang giã muối vừng, nó hỏi làm gì mà nhiều muối vừng thế? Con bé kia bảo làm muối vừng gửi lên cho bố đang ở tù. Con y bảo nhà tao cũng ăn muối vừng nhưng bố tao lại là nhà văn. Vì chuyện ấy mà nhà kia giận nhà y đến mấy năm. Người ta trách cứ, đẹp thì giữ lấy thân chứ lại còn xui con đi nói xấu người khác. Thực ra y có xui con đâu. Chỉ vì cái danh nhà văn của y được dân quê xứ u ti tì quốc thán phục coi như là sự hiện thân của tầng lớp trí thức cao sang, là người tài năng mà cả huyện cả tỉnh khó có ai bằng. Sự ngưỡng mộ ấy qua những câu chuyện vặt mà người ta nói với nhau được bọn trẻ nghe thấy và trở thành niềm hãnh diện. Nhưng đến khi học lên đại học thì các nhu cầu cho việc học hành luôn luôn trở nên bức bách cộng với những than thở không ngừng nghỉ của mẹ làm bọn trẻ nhận ra sự hãnh diện ấy chỉ là cái vỏ phù phiếm. Chúng hoài nghi và bắt đầu nhăn nhó mặc dù không dám nói ra mỗi khi ông bố bắt đầu ngồi vào bàn viết. Và đau đời vì cái sự nghèo nên y trấn an bằng cả một bài thơ khi con nhắn về xin tiền.
          “... Không có tiền đành gửi tép khô đi
          Và gửi thêm động viên con mấy chữ
          Tôi cắn bút gửi câu đang tư lự:
          Con cứ yên tâm bố bỏ viết văn rồi”
          Vậy mà bây giờ y ngồi nơi trại viết. Và bây giờ con lại đang cần tiền đóng học.
          Phải về thôi!
*
*   *
          Các nhà văn trên trại viết thường ngủ dậy rất muộn như một cái tật cố hữu vì đa phần họ đều thuộc họ nhà vạc, làm việc viết lách chủ yếu là vào ban đêm. Y thức dậy sớm và sửa soạn đồ đạc để ra về. Chẳng nhiều nhặn gì, mấy quyển sách, vài bộ quần áo... tống vào túi vải. Có hai trăm bạc tính toán chuẩn bị đủ tiền đi về nhưng lúc đi đã nhờ được xe nên vẫn còn nguyên. Y lấy một trăm cho vào túi áo ngực còn một trăm y bỏ tận dưới đáy túi. Một trăm là đủ tiền về. Y nhẩm tính: tám chục tiền xe, mười lăm nghìn xe ôm ra tới bến... sáng sớm mở hàng có thể rẻ hơn một tí thì cũng còn mấy nghìn... trưa sẽ làm cái bánh mì lót dạ.
          Xong xuôi y đánh thức ông nhà văn cùng phòng nhờ báo cáo hộ phụ trách trại là mình về. Ông này vừa ngáp vừa hỏi lý do. Y bảo ở lại cũng chẳng viết được gì mà ở nhà có nhiều việc. Ông Nhà văn tỏ vẻ thông cảm bảo đợi tý nữa hẵng về nhưng y vội vàng bảo đi ngay cho kịp chuyến xe. Ông nhà văn hờ hững bắt tay từ biệt và hắn vội vàng đi ngay như chạy trốn. Cũng là một cuộc chạy trốn! Chạy trốn cái sứ mệnh thiêng liêng mà y đã từng cho là nghiệp. Để mà lo cho cuộc sống thực tại. Vẫn biết hoài bão lớn mơ mộng nhiều nhưng thực tại khắc nghiệt quá. Con cái còn phải ăn phải học. Trách nhiệm cao cả cầm cán bút làm đòn xoay chế độ vĩ đại đến đâu không biết nhưng y biết chắc chắn là sẽ xoay cuộc đời của hai đứa con về cái nghiệp bán mặt cho đất bán lưng cho trời nếu mình cứ đi theo nghiệp văn chương.
          Y ngán ngẩm khi đến bến thì chuyến xe sớm đã chạy. Lại phải đợi gần ba tiếng đồng hồ nữa mới có chuyến xe tiếp theo. Làm gì đây cho hết thời gian. Định vào hàng uống nước. Nhưng nghĩ uống nước xoàng cũng mất hai nghìn, hỏng luôn cả bữa trưa. Đành dựa vào hàng rào bến xe chỗ bóng râm, treo cái túi bên cạnh.
          Một thằng đầu trọc quần áo xộc xệch đến bên, hắn cũng dựa vào hàng rào ngay sát cái túi. Y chột dạ vội vàng đứng chen vào giữa. Thằng này đành lảng ra một tý nhưng vẫn dựa hàng rào và nhìn y. Y nhìn lại. Quái thật! Thằng kia cũng có mí mắt hùm hụp, hai con ngươi đảo đi đảo lại. Sao cái nhìn bí hiểm khả nghi như vậy ở đâu cũng gặp?
          Thằng này nhìn y một thoáng như để định giá mặt hàng rồi ngửa cổ nhìn trời. Y cảnh giác nhìn theo. Chả có gì: mây vẫn trắng, trời vẫn xanh. Tự nhiên thằng này khép mắt, cong cặp môi mỏng uốn éo giọng miền Nam: Địp ơi ngày mai da chôống thành đô nhà xe dực dỡ ớ. Xin ăng đừng guêng bếng đò ngang dới con sông nhỏ chôống guê xưa em dò dõ moong ư...chờ.
          Y tròn mắt. Thằng cha này xuống sề vọng cổ hay phết! Tự dưng y buột miệng giả tiếng ghi ta hòa giọng: tằng... tằng...tằng... ta rá ta răng tằng tằng... Xin em đừng để dạ nghi ngờ... dẫu đèn đô thị ngọn xanh ngọn đỏ anh vẫn một lòng thương nhớ mảnh trăng khuya...
          Đến lượt thằng kia tròn mắt. Hắn cúi xuống gãi đùi, rồi gãi cái đầu trọc và nhìn y ngưỡng mộ. Tuyệt. Ông anh tuyệt thật đấy. Y không nói gì hất hàm ra hiệu bảo ca tiếp đi. Thằng kia lại khép mắt hát tiếp...
          Đàn mồm và ca xong ba câu vọng cổ thì y và thằng kia đã là đôi tri âm tri kỉ. Thằng kia bảo đệ bái phục huynh đấy. Huynh vừa ở trại ra à? Y ngớ người: Sao thằng này biết? Cứ như ma xó. Thì rõ ràng y vừa ở trại sáng tác ra thật còn gì. Y gật đầu. Thằng kia bảo chỉ có ở trại mới có người tài hoa như vậy... đệ cũng vừa ở trại ra. Vậy huynh đệ mình đồng cảnh ngộ. Huynh cứ đứng đây đợi đệ tí nhé! Và hắn mất hút trong biển người nơi bến xe.
          Y kiểm điểm trong trại viết của y làm gì có ai lại quái gở như cái thằng này. Thôi chết rồi. Thằng này ở trại giam mới ra. Kiếm chỗ khác đứng thôi. Dính với bọn này mệt lắm.     
          Nhưng y chẳng thể lảng đi đâu được vì thằng kia đã quay trở lại. Hắn kéo y vào một cái hàng nước gần đó. Huynh dùng gì? Bia nhá! Hay Bò húc... Y bảo cho tớ chén nước chè. Uống gì nước chè, xót ruột bỏ mẹ! Và hắn với tay lấy hai lon Bò húc giật nắp lốp bốp gọi cốc và đá. Cẩn thận rót ra hai cốc và bưng hai tay một cốc nước đang sủi bọt: mời đại ca uống cho mát. Y miễn cưỡng cầm cốc nước. Kể cũng buồn cười, gặp nhau giữa đường giữa chợ mà có vẻ quý hóa ra phết. Chà... ngọt quá, mát quá! Tỉnh cả người... Thằng kia thấy bộ dạng của y vậy thì khoái, hắn nhe răng cười. Đại ca đàn mồm chuẩn vậy chắc chơi ghi ta khá lắm nhẩy? Y bảo còn phải nói, tớ chơi được mấy loại đàn, riêng dòng ghi ta phím lõm thì cứ gọi là mê li...
          - Thằng này! Mày vừa làm gì ở đám đằng kia?
          Thằng kia giật nảy mình, y cũng giật mình quay lại. Một ông áo xanh mũ kê pi đeo băng đỏ đang đứng đối diện với hai người. Ông này túm lấy cổ áo thằng kia. Thằng này giằng ra: Ơ hay em có làm gì đâu. Từ nãy đến giờ em có làm gì đâu. Em với anh kia cùng ngồi đây uống nước. Không tin anh hỏi anh ấy xem.
          Tay bảo vệ nhìn sang phía y: Cũng mắt láo liên, tóc húi cua, áo quần xộc xệch... Khả nghi lắm. Bộ dạng của y đang phản bội chính y. Người giữ trật tự hất hàm: Đồng bọn hả? Đi! Đi vào trong này giải quyết.
          Y thanh minh. Nhưng không ăn thua. Người ta bảo cứ vào trong này đã rồi hẵng hay. Y đành phải theo vào phòng trực ban của bến xe. Cả một đám đông người tò mò kéo theo. Tự dưng tự lành mình lại trở thành đồng bọn của kẻ bất hảo. Thật chả ra làm sao. Nhục thật! Cũng may ở đây không gặp người quen.
          Vừa vào tớ phòng trực ban thì điện thoại gừ... rừ... rừ... trong túi quần. Y móc điện thoại ra định nghe. Nhưng tay bảo vệ giằng lấy. Anh ta nhìn cái tên người gọi rồi hỏi Xuân Phú CA là ai mà gọi cho anh? Ông ấy là nhà văn ở tỉnh này đấy- Y miễn cưỡng trả lời. Ông ấy quan hệ với anh như thế nào? Chúng tôi cùng dự trại. Trại gì? Trại viết văn. Vậy anh cũng là nhà văn? Y gật đầu.
Tay bảo vệ trả cho y cái điện thoại và bảo: xin lỗi nhá.
Bị bắt rất nhanh và được trả tự do cũng rất nhanh với những cái cớ rất vớ vẩn. Y cáu, định làm ầm lên. Nhưng nghĩ lại mình có làm to chuyện lên cũng chẳng giải quyết được gì. Y nghe điện thoại và trả lời mình đang ngoài bến xe. Biết đang ở bến xe rồi nhưng đứng ở chỗ nào mà chúng tớ không nhìn thấy. À tôi đang ở chỗ phòng trực ban. Chưa đầy phút sau một cái xe con trờ tới. Cửa xe bật mở, mấy người hối hả xuống xe. Y biết cái xe này là của ông đầu hói, người đã tặng cho hắn cái đập vai và câu hỏi có biết viết không đấy, có viết được gì không đấy. Ông ta là cán bộ có cỡ nhưng cũng thích văn chương, ông tự cầm lái chở ông nhà văn cùng phòng và một bà nhà thơ. Họ ào đến chỗ y đang đứng.
Ông bạn cùng phòng đến nắm lấy tay: Này đừng về nữa. Ở lại cho vui. Cả đời mới gặp nhau. Y trình bày việc mình phải về. Ông đầu hói vỗ vai hắn.
- Khó khăn lắm hả. Giá ở lại được với anh em thì tốt quá. Chị Hà ơi. Bàn với Long xem.
Nhà thơ nữ lấy trong túi xắc ra mấy cái bánh nếp: Chắc cậu chưa ăn gì. Ăn cho đỡ đói cái đã. Rồi chị lại đưa tay vào túi lấy một cái gói nhỏ đưa cho y: Anh em mỗi người một tí... cậu nhận lấy đi...
 Y cầm cái gói, hồn nhiên mở ra. Tiền. Có dễ đến ba bốn triệu. Y rưng rưng cúi mặt. Rồi y thong thả gói lại như cũ:
- Cảm ơn các anh các chị nhưng... nhưng tôi không thế nhận. Không phải tôi sĩ đâu! Làm gì có nhiều trại để được giúp đỡ liên tục thế này. Còn việc ở nhà tôi đã có kế hoạch rồi. Xin các anh các chị thông cảm nhận lại hộ. Dù sao tôi cũng không thể từ chối trách nhiệm chính của mình.
- Vậy cậu bỏ viết văn thật à.
Y mỉm cười: Thành nghiện rồi, khó bỏ lắm. Mà làm sao có thể chạy trốn khỏi những buồn vui của cuộc đời. Chỉ có điều phải sắp xếp lại.
Mấy người cũng không nài thêm. Vừa lúc ấy bến xe thông báo xe chuẩn bị xuất bến. Y bắt chặt tay mọi người tạm biệt. Cả ba người quàng vai y đến tận cửa xe.
Khi y bước lên xe thì ông nhà văn cùng phòng nháy mắt: cho gửi lời hỏi thăm đến bà xã. Này... khó khăn đến mấy cũng đừng bán lợn. Để mà nuôi nhé!
Y ngớ người sao lại nói chuyện lợn gà vào lúc này? Và chợt nhớ ra: Đồ quỷ già! Thì ra đêm qua lão đã xem tin nhắn của mình.
Xe chạy ra đến cửa bến, y chợt thấy nhấp nhô một cái đầu trọc bị kèm bởi hai cái mũ kê pi xanh. Người bị kèm nhìn y bằng cái nhìn với ánh mắt hấp háy, có lẽ do chói mặt trời vì thấy khuôn mặt hắn loang lổ ánh nắng, cặp môi mỏng hơi hé cười, gật gật...
                                                                  Tháng 6/2011
                                                                        MTN
Đọc thêm!

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

LƯỠNG TÍNH (truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

(Lâu rồi không đăng bài. Hôm nay đăng cái truyện ngắn... để đỡ trống blog. Mọi người thông cảm)
 
Hắn run lên khi nhìn thấy vợ bước ra từ cửa nhà ga sân bay. Tuyệt vời! Vợ hắn xinh đẹp và sang trọng đến ngỡ ngàng mà trong mơ hắn cũng không thể tưởng tượng ra. Nàng mặc chiếc áo bó sát người, cổ áo rộng thênh thang lấp ló khuôn ngực cao xẻ rãnh. Trời ơi! Lại còn chiếc váy ôm khít lấy cặp mông nở và cặp đùi đầy đặn. Mái tóc nàng cắt ngắn, khuôn mặt hồng hào, cặp mắt kẻ chì quyến rũ. Hắn cảm động, miệng mấp máy mà chẳng nói được gì. Vợ hắn cũng không nói gì. Nàng đưa cái va li to kệch có bánh xe cho hắn, rồi lục trong xắc lôi ra cái điện thoại di động, bấm píp píp… và nói bằng cái thứ tiếng mà hắn đoán đó là tiếng Tàu. Hắn lẽo đẽo kéo cái va li, đi theo vợ ra đường mà suýt vấp mấy lần vì mải nhìn cái gáy trắng ngần của vợ, lòng tự hỏi: Vợ mình đấy ư?... Rồi tự khẳng định: Đây là vợ mình. Đúng là vợ của mình! Mà sao lại đẹp thế! Thay đổi nhiều đến thế! Tự dưng hắn thấy cái sự thuỷ chung của hắn được bù đắp xứng đáng.
Vợ hắn đi Đài Loan đã được ba năm. Hôm qua nàng điện rằng nàng sẽ về phép mười lăm ngày thăm con trước khi gia hạn hợp đồng ở bên ấy thêm ba năm nữa… Số tiền mấy chục triệu vợ gửi về cũng chỉ vừa đủ trang trải tiền vay làm thủ tục xuất khẩu lao động và mua một cái xe máy Tàu để hắn hành nghề xe ôm. Chả biết lần này, vợ hắn có mang thêm được đồng nào không? Nếu chỉ có vậy thì vô lý quá. Hắn không được làm đàn ông hàng ba năm trời chỉ để đổi lấy mỗi một cái xe Tàu. Hắn phải làm đàn bà cũng từng ấy thời gian chỉ là để mong ngóng một người đàn bà đích thực của đời hắn. Mà bây giờ người ấy đã về. Về rồi lại đi. Sau đó mình sẽ sống thế nào nhỉ? Lại là ba năm nửa đàn ông nửa đàn bà nữa hay sao?

Khi vợ hắn ra đi, hắn đã khóc thầm. Chỉ khóc thầm. Bởi theo hắn, thằng đàn ông mà chảy nước mắt là hèn. Khóc vì thương vợ và khóc cho chính bản thân hắn. Hắn cũng nuôi nhiều tham vọng lắm chứ! Đi bộ đội về, hắn vào làm ở công ty nhà nước. Ngày ngày đi làm về vợ đã ngọt ngào chờ sẵn. Đứa con ra đời, hạnh phúc như được thăng hoa. Hết thời bao cấp, công ty phá sản. Thế là hắn lại trở về đúng cái vạch xuất phát bơ vơ không nghề ngỗng. Theo phong trào chung, nghe người ta, hắn dốc hết vốn liếng xây ao nuôi ba ba xuất khẩu. Được ít hôm thì mấy trăm con ba ba ngửa trắng bụng, nổi lềnh phềnh như quân sĩ của Thủy Tinh đại bại ở trận quyết chiến với Sơn Tinh. Tìm hiểu nguyên nhân, mãi hắn mới biết do vợ hắn hàng ngày giặt quần áo đã hồn nhiên xả nước xà phòng xuống ao. Từ đó, những ngọt ngào dần ít đi, và thay vào là những bẳn gắt thường xuyên trong căn nhà nhỏ của hắn. Hàng ngày vợ hắn kêu khổ và luôn luôn kể về những người đàn ông giàu có mà thị biết, coi đó như những tấm gương sáng cho hắn học tập. Thị bảo hắn không phải là đàn ông. Đàn ông thì phải nuôi được vợ con. Nhiều lúc không thể chịu được nữa, hắn cáu, hắn văng tục, hắn chẳng cần gì cả. Hắn cũng muốn như họ lắm chứ. Nhưng vốn liếng, nghề ngỗng không có, biết làm gì được? Vợ hắn được thể càng gào lên. Thị gán cho cái mặt hắn những danh từ không mấy mĩ miều. Hắn còn thua cả đàn bà. Nhục…
Rồi có phong trào xuất khẩu lao động. Hắn không có ba ba xuất khẩu sang Tàu thì xuất khẩu vợ sang Đài Loan làm Ô-sin. Hy vọng may ra có sự đổi đời. Nhưng chỉ vài ngày sau khi vợ đi thì hắn cảm thấy trống vắng. Đi về chỉ có hai bố con. Tuy không còn phải nghe những lời bẳn gắt chì chiết về cái tư cách đàn ông, nhưng mọi sự lo toan của đàn bà bây giờ thuộc về hắn vì thằng con mới ba tuổi. Làm được đồng nào, hắn dè sẻn mua sữa, mua thức ăn cho con, còn thì tích cóp để dành. Để khi vợ về thì ít ra thị cũng phải nể mặt hắn - cái mặt không đàn ông cũng chẳng đàn bà nhưng cũng không đến nỗi khốn nạn như thị đã từng gán cho nó những cái danh từ không mấy mĩ miều nọ. Hắn chỉ dám hút thuốc lào. Và chỉ khi nào mệt mỏi lắm mới dám uống dăm trăm bạc rượu nhắm với rau luộc. Hắn ép xác như vậy đã ba năm. Bởi ít ăn ít uống mà mặt hắn vêu vao, mắt lỗ đáo, cái mồm thì như rộng ra khoe toàn răng là răng do khuôn mặt teo tóp lại. Ba năm ấy thừa đủ biến hắn thành một người u ám không tuổi.
Nhưng hắn vẫn là đàn ông! Ban ngày thì hắn quên, nhưng hàng đêm bản năng giống má vẫn về hành hạ. Hắn chỉ dám làm thỏa mãn cái bản năng ấy bằng tưởng tượng về đàn bà. Hắn biết đấy là bệnh hoạn. Nhưng không thể làm khác vì sợ và hắn nghĩ dù sao thì cái việc đi xuất khẩu lao động của vợ hắn cũng là cực chẳng đã. Đàn bà phải xa chồng xa con, bơ vơ đất khách quê người chắc cũng chẳng sung sướng gì. Mà thị đi cũng vì kinh tế gia đình, muốn mở mặt mở mày với thiên hạ. Đáng lẽ người ra đi phải là hắn. Nhưng cái xứ sở ấy người ta chỉ cần đàn bà. Còn ở nhà, hắn buộc phải là mẹ của đứa con và làm người đàn bà của chính hắn.
Minh họa: Đào Quốc Huy.
Bây giờ vợ đã về! Và hắn sẽ không còn phải tiếp tục cái trò bệnh hoạn ấy nữa. Hắn thấy mình đã xứng đáng một cách tuyệt đối với người vợ yêu quý của mình. Nghĩ tới đây, hắn có cảm giác nhẹ nhõm.
Lúc hai vợ chồng đã ngồi lên tắc xi để về thành phố thì hắn lại ngỡ ngàng lần nữa bởi cái mùi nước hoa trên người nàng. Nó nồng nồng, ngầy ngậy quyến rũ. Hắn rụt rè ngồi sát người nàng, cảm nhận thấy thân thể mềm mại của vợ. Tự dưng thấy hồi hộp, tim đập dồn, máu bốc lên mặt như lần đầu tiên trong đời được ngồi gần nàng. Nhìn lên thấy người lái xe vẫn chăm chú phía trước, hắn đánh bạo ghé người hôn vào má vợ. Nàng né người tránh cái hôn, nhăn mặt: "Kinh quá!".

Đó là câu đầu tiên vợ hắn nói với hắn bằng tiếng Việt. Nó như một chậu nước lạnh dội xuống ngọn lửa yêu đang ngùn ngụt, làm cho hắn hẫng hụt. Và ngượng! Nhưng chỉ vài giây sau thì hắn lại tự trách mình quá vô ý, trong lúc chờ xe ra sân bay đón vợ, sốt ruột quá; hắn kéo đến ba bốn điếu thuốc lào. Gì mà mồm chả hôi! Nàng nói kinh cũng phải. Thế là từ lúc ấy hắn ngồi dịch ra, không dám thở mạnh, nghệt mặt im lặng với tâm trạng của người có lỗi.

Tối hôm ấy, sau khi đã đánh răng thật kỹ và kiêng hẳn thuốc lào, hắn còn mạnh dạn đầu tư mua hai gói kẹo Sing-gum Đai-bơ-min. Hắn kẽo kẹt nhai kẹo như một huấn luyện viên bóng đá đợi chờ giờ thi đấu. Yên tâm nghĩ rằng vợ sẽ không phải thốt ra cái tiếng: "Kinh quá!" như ở trên xe và với tâm trạng của một chú rể lần đầu động phòng, hắn chắc mẩm sẽ được thỏa mãn những chất chứa trong cả ngàn ngày xa cách.

Vợ hắn nằm ôm đứa con trong màn. Hắn rón rén leo lên giường và phấn chấn khi thấy vợ lồ lộ trong chiếc Itas màu hồng dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn ngủ. Thằng con đã ngủ say. Hắn nghiêng người quờ tay sang vợ, khẽ kéo tấm rốp từ phía dưới lên. Bàn tay hắn bắt gặp cái mịn màng mềm mại và mát rượi của cặp đùi đàn bà. Người hắn rân rân, cảm giác tê mê… Bất ngờ bàn tay vợ nắm lấy tay hắn. Hắn sung sướng tưởng rằng đó là cử chỉ âu yếm của vợ dành cho mình. Nhưng không. Cái bàn tay ấy nắm lấy tay hắn, hất nó ra khỏi cái địa chỉ đang thăm dò: "Thôi! Ngủ! Mệt lắm!".
Cái câu tiếng Việt thứ hai dành riêng cho hắn như là một mệnh lệnh. Hắn ngoan ngoãn nằm xuống tự trách mình: Vợ vừa đi cả mấy ngàn cây số về nhà, nàng kêu mệt cũng là phải. Thôi đành vậy! Nàng còn ở nhà hàng nửa tháng trời cơ mà. Vội gì! Hắn nằm im không dám cựa mình sợ vợ mất giấc ngủ. Tự dưng thấy tiếc cái kẹo cao su đã nhai. 

Ngày hôm sau, các quy trình trước khi đi ngủ dành cho bản thân hắn được lặp lại một cách đầy đủ và cẩn thận. Người hắn thơm nức mùi xà phòng gội đầu, miệng hắn thơm mùi Sing-gum Đai-bơ-min, tâm trạng đầy hứng khởi… Hắn đợi cho vợ kết thúc cuộc nói chuyện tiếng Tàu với cái máy điện thoại. Rồi nàng lên giường. Hắn dềnh dàng một tý, cố tình để cho vợ có cảm giác chờ đợi… Phải như vậy mới nồng nàn! Hắn nghĩ thế! Trong màn, vợ hắn nằm phía trong, thằng con nằm giữa. Phần giường phía ngoài dành cho hắn như là một sự cố ý. Hắn hơi sững lại khi mở màn. Nhưng rồi hắn bỏ qua cái phần giường trống ấy, nhổm người bò qua thằng con một cách cẩn thận để nó không thức giấc, rồi bò qua vợ. Hắn nằm kế bên nàng về phía trong. Người hắn rạo rực. Bên cạnh hắn là một cơ thể mềm mại. Hắn hít một hơi thật dài và đặt một nụ hôn lên cổ vợ. Lần này không có cái tiếng: "Kinh quá!" nhưng nàng vẫn né tránh cái hôn. Bàn tay hắn lần tìm. Vợ hắn hất tay hắn ra... Kệ! Hắn cho rằng hôm nay nàng không có lí do để từ chối. Người hắn căng cứng. Hắn trườn lên người vợ. Vợ hắn mím môi đẩy hắn xuống. Hắn lại trườn lên. Lại bị đẩy xuống…Hắn điên lên. Hắn là đàn ông! Hắn là chồng! Không có lí do gì để vợ từ chối chồng! Hắn lại trườn lên. Lần này lại bị đẩy nhưng hắn đã chủ động. Tất cả những cái đẩy của vợ chỉ làm cho hắn bị kích thích hơn. Hắn ghì chặt vợ xuống và hấp tấp lột phăng cái mảnh vải ở phần dưới của nàng. Bộ phận xung kích đã sẵn sàng cho việc đột nhập… Sự hưng phấn đã đến đỉnh điểm. Hắn nghiến răng cố ghìm…Nhưng không thể!…

Người hắn rã rời. Mọi ý chí tiêu tan. Thất vọng đến ê chề! Trong ánh đèn mờ mờ, hắn nhìn thấy trên nét mặt vợ một nụ cười nửa miệng. Hắn đọc được ý nghĩ của vợ qua cái cười đó: Sự ghẻ lạnh, khinh khỉnh, và còn có một cái gì khác nữa mà hắn không thể đọc ra nổi. Không hề có một dấu hiệu nào của sự cảm thông hay thương hại.

Nhạt cả người!

Hắn không phải là đàn ông!

Ra ngoài hiên ngồi hút thuốc lào, hắn thức cho đến sáng.

                            *
Những ngày sau tình hình vẫn không khá hơn. Hắn cảm thấy nhục nhã như một kẻ bại trận. Cái nụ cười nửa miệng trên khuôn mặt đanh lại của vợ ám ảnh hắn. Hắn bơ phờ vì mất ngủ liên tục. Ngày ngày hắn vẫn tiếp tục cái nghiệp xe ôm vì ngày ngày vẫn phải chi tiêu. Mà vợ hắn thì không đả động gì đến chuyện tiền nong. Khi hắn hỏi thì nàng trả lời gọn lỏn: "Không có!". Những lúc ngồi rỗi chờ khách, bọn đồng nghiệp xe ôm trêu: "Ma bắt hồn…" hắn chỉ biết cười gượng.       

Hàng đêm, bằng cách nhai một cái Sing-gum Đai-bơ-min, hắn kiên trì chờ đợi cuộc nói chuyện bằng tiếng Tàu của vợ với cái điện thoại kết thúc. Và hắn tràn trề hy vọng. Hắn vẫn khoẻ, vẫn là đàn ông. Hắn tin chắc như thế! Nhưng các cuộc tấn công đều thất bại thảm hại. Hắn cay đắng khi nhận thấy mình là thằng chả ra gì. Rồi hắn cố tìm căn nguyên của sự tồi tệ đó. Ừ! Dù ngang tàng mạnh mẽ thì đàn ông vẫn cần có sự ve vuốt, mơn trớn. Vậy ra... Hắn lờ mờ nhận thấy đây là một màn kịch mà đạo diễn và diễn viên chính là vợ hắn. Còn hắn chỉ là một con rối. Bởi nó được diễn nguyên vẹn hàng đêm lặp đi lặp lại. Hắn ngán ngẩm nhưng ngại nói ra và nếu có nói thì cũng không biết nói như thế nào.

Đến cái Sing-gum Đai-bơ-min thứ tám thì không thể chịu nổi nữa, hắn rít lên:

- Tôi nói cho cô biết! Cô đừng có giở trò mèo vờn chuột! Tôi không thể chịu nổi cái trò đểu cáng này được nữa...

Nói xong hắn mới biết mình hớ. Cứ tưởng cô ta sẽ đổ tại hắn bất lực, nhưng không! Cô ta bảo với hắn giọng nhẹ bẫng:

- Tôi không muốn. Thế thôi!

Hắn điên lên:

- Cô không muốn cũng phải muốn. Tôi là chồng. Cô là vợ…

- Này, tôi bảo cho anh biết, luật pháp quy định tôi với anh là vợ chồng, nhưng luật pháp không quy định tôi phải ngủ với anh. Tôi làm thế là đã tốt với anh lắm rồi đấy! Nếu anh còn tiếp tục như vậy thì tôi sẽ kiện lên Hội Phụ nữ vì tội anh sử dụng bạo lực trong quan hệ hôn nhân!

Hắn đờ người ra trước lí lẽ cứng cỏi mang đầy màu sắc pháp luật và dư thừa sức mạnh đoàn thể. Nhưng... ơ hay! Vậy vợ chồng là cái gì nhỉ? Hắn đã phải nuôi con, phải ép xác chờ đợi…

- Vậy thì còn đếch gì là chồng vợ. Ly hôn mẹ nó đi cho xong! - Hắn lẩm bẩm.

Không ngờ vợ hắn nghe thấy. Cô ta tưng tửng:

- Ly hôn thì ly hôn! Anh đừng có mà dọa. Anh viết đơn đi, tôi sẽ kí!

Đến nước này thì cũng chả cần! Hắn hùng hục lấy giấy bút ra ngồi viết đơn. Viết xong, hắn kí tên và chìa vào mặt vợ: "Kí đi!". Cô ta giở mặt ngay: "Tôi không kí!".

Hắn không tức vì cái sự giở mặt đó. Mà lại hả hê. Gớm! Cứ tưởng làm mình làm mẩy được mãi. Vậy là cô ta đã sợ! Mình đã thắng! Đúng là phải cứng mới được. Định vào giường, nhưng bụng lại nghĩ: Bây giờ mà vào thì nó lại coi thường. Thôi. Mai hẵng hay. Hắn vứt cái đơn lên bàn rồi ra hiên ngồi hút thuốc lào, chờ trời sáng. Khi thấy phía đông ửng hồng, hắn dong xe đi đón khách về chuyến xe sớm.

Ngày hôm ấy, may mắn hắn gặp được một khách hàng nhờ đi một chuyến xa. Buổi tối mới về đến nhà. Hắn đinh ninh tình hình hôm nay sẽ khác. Nàng đã sợ! Gia đình sẽ trở lại như ngày xưa. Hắn đã tưởng tượng ra cái cảnh vợ hắn thơm tho, chuẩn bị sẵn bữa cơm chiều. Cả nhà sẽ cùng ăn cơm. Trong bữa ăn, hắn sẽ quyết định: Vợ hắn từ nay sẽ ở nhà chăm sóc con cái. Chỉ mình hắn đi làm! Bởi hắn là đàn ông, là trụ cột của gia đình. Dù thu nhập có thấp một tý vẫn còn có vợ có chồng. Phải rồi! Người nước ngoài người ta cũng cần có người chăm sóc con họ. Còn con hắn sao lại phải xa mẹ, không được chăm sóc? Người phụ nữ phải được thiên chức làm vợ, làm mẹ. Hay hớm gì cái trò "lộn ngược": Đàn bà làm kinh tế, đàn ông bế con. Dù như vậy có nghèo tiền, nhưng còn gia đình, còn tình cảm. Thì đấy! Ba năm vừa qua đánh đổi được cái gì. Mọi sự đánh đổi đều là vô nghĩa. Nghĩ tới đây, hắn thấy lòng thanh thản.

Về đến nhà, trời đã chạng vạng. Cửa nhà mở toang, trong nhà tối om. Không thấy ai. Hắn bật đèn lên. Chợt hắn hoảng hốt thấy trong góc nhà thằng con ngồi co ro oặt cổ mắt nhắm nghiền. Bế vội con lên, thấy mặt thằng bé xám lại. Hai mắt nó sưng húp, chắc là do khóc nhiều. Những ngấn nước mắt, nước mũi dọc ngang lẫn bụi đất trên khuôn mặt. Sao thế này? Con ơi. Sao lại thế này? Hay là nó bị ốm! Sờ trán con thấy vẫn mát. Yên tâm thằng bé không bị ốm. Chắc là lả đói! Vội vàng lấy hộp sữa tươi vừa mua theo thói quen mỗi khi đi làm về, hắn đổ từng thìa sữa vào miệng con. Một lát sau con hắn mở mắt, nó khóc nấc lên: "Mẹ…Mẹ…".

Bây giờ thì hắn mới nhớ ra là hắn có vợ và thằng bé có mẹ. Hắn ôm chặt lấy con: "Mẹ đâu?". Thằng bé vẫn vừa khóc vừa nấc: "Mẹ…Mẹ đi…đi rồi!". Hắn khựng lại, như có ai đó vừa giáng vào mặt hắn một quả đấm thôi sơn tối tăm mặt mũi.

- Khốn nạn!

 Hắn gào lên và hắn nghe văng vẳng tiếng vọng lại từ  xa xăm:
- Kh…ốn…ốn…nạ…ạn…ạn…!         

                          *
Độ một tháng sau buổi tối "khốn nạn" ấy, một cái trát của toà án Tỉnh được gửi tới yêu cầu hắn phải lên hầu Tòa về việc vợ hắn từ nước ngoài đã gửi đơn về đòi ly hôn.

Hắn thấy người rỗng ra. Sụp xuống!

Rồi hắn ngẫm nghĩ và nghi ngờ... Hắn bảo một thằng bạn đồng nghiệp xe ôm cũng có vợ làm bên Đài Loan điện sang để tìm hiểu xem. Vài ngày sau vợ tay kia điện về bảo: Cô vợ yêu quý của hắn cặp bồ với một thằng từ ngày mới sang bên ấy, chúng sống với nhau như vợ chồng. Nó về phép là để làm thủ tục ly dị rồi sang kết hôn với thằng ấy. Nhưng lại sợ mang tiếng, nên nó mới bày trò cho hắn điên lên...

Thì ra thế. Cái sự khốn nạn đã được sắp đặt tính toán trước!

Hắn chằng cày không chịu hầu tòa: "Tôi không đồng ý ly hôn thì đã làm gì được!". Khi cái trát thứ  hai đòi, thì hắn buộc phải lên tỉnh để giải quyết. Bởi vì cái giấy này còn bảo nếu hắn không có mặt đúng hạn, tòa sẽ xử ly hôn vắng mặt. Đi thì đi! Phải làm cho ra nhẽ. Dứt khoát hắn không ly hôn! Cái lí do hắn không chịu ly hôn không phải vì hắn còn tiếc nuối. Có gì mà phải tiếc khi nó chẳng còn thèm đếm xỉa gì đến hắn. Nhưng hắn chả vạ gì mà lại đồng ý để cái con vợ hắn ung dung hú hí với thằng nước ngoài.        

Rồi hắn lên hầu tòa. Hắn quyết định không chịu ly hôn. Nhưng Tòa đã đưa ra cái đơn hắn đã viết, đã kí và kết luận: Như vậy là anh chị đã thuận tình ly hôn. Hắn chua chát nghĩ: Khốn nạn! Thì ra nó lừa mình. Trách nào hôm sau mình tìm mãi không thấy cái tờ đơn. Cứ tưởng thằng con đã đem gấp máy bay. Bây giờ thì nó đã bay từ Đài Loan về. Bút sa gà chết, biết sao được!

                           *
Vĩ thanh:          

Hắn ở tù đã được ba năm. Gần mười năm của một kiếp người lưỡng tính, hơn một ngàn đêm thương nhớ con, suy nghĩ, dằn vặt và sám hối. Hắn ở tù vì sau cái việc vợ bỏ, hắn trở nên chán chường và đã buông thả. Hắn tưởng vậy mới là đàn ông. Và hắn phải chịu hậu quả. Nhưng sự thiệt thòi nhất thuộc về đứa con trai bé bỏng của hắn. Hắn khóc và nói như vậy với tôi. Phải làm lại. Cuộc đời vẫn còn dài đối với hắn và mới chỉ là mở đầu với con hắn. Phải là người bố mạnh mẽ, phải là người mẹ dịu hiền trong mắt của đứa con trai. Tôi hiểu và tin vào những điều ấy. Bởi thấy hắn dẫu đang giàn giụa nước mắt nhưng khuôn mặt đã đầy sinh khí, không còn u ám thảm hại như ngày nào
    
                                                                                                  MTN

Đọc thêm!

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

SẴN SÀNG BẮN!" VÀ " Á ...LI BA BÀ..."

 

Tối qua mới vào được nhà. Cũng chả biết sẽ được mấy ngày vì người ta để hay chặn mình cũng đành chịu... Lại nhân sắp Tết Độc lập, vậy nên đưa lại cái bài kỳ này năm ngoái để đỡ lạnh nhà và cùng vui một tí.  Bạn đọc thông cảm...

 

SẴN SÀNG BẮN!" VÀ " Á ...LI BA BÀ..."


Quê mình tổ chức Tết Độc lập to lắm. Cả huyện nườm nượp kéo nhau về trung tâm để xem bóng chuyền, xem bơi chải, xem văn nghệ và xem đàn bà thổi kèn đồng…
Nhưng gay cấn nhất là cái anh bóng chuyền.
Mình cũng không máu bóng chuyền lắm. Dưng mà cũng le ve mỗi chỗ mỗi tý. Xem đánh bóng thì ít còn chủ yếu là xem… người xem.
Giời nóng cỡ ba chín bốn mươi độ, người ngồi như nêm cối trên khán đài…mồ hôi chảy ròng ròng; lại còn ầm ầm tiếng cổ động hú hét điếc cả tai.

Phía bên khán đài đối diện có hai đám đang ra sức cổ động cho hai đội. Một đám thì gân cổ hát vang: “Không cho chúng nó thoát…Hợp đồng thật hay là nắm thắng lợi ở tay…khẩu đội ta nhằm chúng nó: bắn!” Khiếp! Lôi cả bài “Sẵn sàng bắn” thời chống Mỹ ra cổ động mới ghê!
Còn đám kia thì có mấy thanh niên cởi trần giang thẳng cánh nện trống: Tùng… tùng… tùng. Một thằng đầu trọc giương cái trompet phồng mồm thổi ré lên: te te te te …tò te tí te tò te… cả đám gào lên “Á li ba bà…” chả biết vì cái cớ gì mà lại cổ động bằng cái bài “A li ba ba và bốn mươi tên cướp” trong khi dưới sân chỉ có mười hai cầu thủ mặt đỏ gay, anh cao thì cao vút còn anh lùn thì lùn tịt, lô nha lô nhô… mắm môi mắm lợi đập bóng uỳnh uỵch…

 

Ngồi bên phải mình là một lão cỡ hơn sáu mươi mắt hấp háy. Mình hỏi: “Ông cổ vũ đội nào?” “ Cổ vũ đội của xã tớ! Đội đỏ đấy!” và lão ta còn tự hào khoe: “Cái trống đang đánh bên kia là trống mượn của nhà thờ họ tớ đấy. Thằng con tớ là huấn luyện viên đang chỉ đạo đội bóng – Lão tự hào chỉ vào một thanh niên đang ngồi ôm một cái xô và một cái hộp xốp bán kem đang chồm chồm như cóc nhảy dưới sân - Xã tớ phải đầu tư hơn bốn chục triệu thuê ba thằng Thể công cao kều đấy- Năm trăm nghìn cho thằng thổi kèn ba trận… Oách không? Tất cả cho chiến thắng của xã mà!”. Còn bên trái mình là một tay đầu húi cua cỡ hai bốn hai nhăm ra sức gào lên “Á…li ba bà”. Vậy ra cả hai đang cổ động cho một đội.
Tay đầu húi cua đang “Á li ba bà” chợt dừng lại: “Thôi bỏ mẹ! Con vợ mình nó cũng máu quá. Mình đã bảo ở nhà với con thế mà nó đ.. chịu! Nó bê thằng bé ra bêu nắng. Giời ạ!” Theo hướng hắn nhìn, mình thấy một phụ nữ với đứa bé ngủ vắt trên vai trong khi mồm chị ta cũng đang “Á li ba bà”, chân nhảy tưng tưng…
Tinh thần thể thao cuồng nhiệt đến thế là cùng…
Lão già than thở “Khát nước quá.” Còn tay thanh niên thì bảo “Mót đái quá”. Mình muốn rộng chỗ nên bảo hắn “Thì đi mà đái, có ai cấm” Tay thanh niên bảo: “Đi cho mất chỗ à”
Nhưng rồi lão già không chịu được. Lão chen xuống phía dưới đến chỗ thằng con nói gì đấy. Chắc là xin nước uống. Nhưng thằng con lắc đầu quầy quậy. Lão tiu nghỉu lại chen lên về cạnh mình. Mình đoán thằng con không cho nên đành ôm mối hận khát nước mà về chỗ cũ nhưng chắc đã thấm nhuần tư tưởng "tất cả cho chiến thắng của xã ta" nên không nói gì. Giữa lúc ấy thì bên kia tiếng trống đang tùng tùng bỗng “ục” một cái rồi phẹt phẹt phẹt như tiếng gõ mẹt... lão già lẩm bẩm: “Thủng mẹ nó rồi”
“Khẩu đội ta nhằm chúng nó…Bắn!” “Te te te…phẹt phẹt phẹt… Á li ba bà” hai bên thi nhau hú hét rầm rĩ, dưới sân đàn ông đàn bà nhảy tưng tưng…

Nhưng mà… bên “Sắn sàng bắn” áo xanh: 16… còn bên “Á li ba bà” áo đỏ: 14. Đội đỏ bị thua điểm. Hai đội hội ý. Thằng con lão già hấp tấp mở hộp xốp bán kem lấy ra những chai nước lạnh, mở nắp cung kính đưa cho cầu thủ, rồi đưa khăn mặt ướt trong cái xô và hắn ta còn moi đâu ra cái quạt quạt lấy quạt để cho mấy anh cao kều.
Mình nhìn sang phải thấy lão già mím môi, mặt cau lại: “ Đ.mẹ đồ chó! Con với cái! Đẻ ra nuôi ba bốn mươi tuổi đầu mà nó cũng chưa quạt cho mình được phát nào! Nhìn nó cung phụng mấy thằng cầu thủ mà ngứa mắt.
Nào quạt à! Nào khăn lạnh à! Nào nước đá à! Thằng bố mày khát cháy họng mà mày cũng không cho. Mẹ tổ chúng mày. Mai không bịt đền ông cái trống thì ông đào mả thằng tổ chúng mày lên…”
 
Trận đấu lại tiếp tục. Bên áo xanh “Sẵn sàng bắn” đã 20 còn bên áo đỏ “Á li ba bà”vẫn 14. Bên “Á li ba bà” thua là cái chắc.
Dưới sân cô vợ tay đầu húi cua vẫn nhảy tưng tưng… Thằng cha này điên tiết dứ dứ nắm đấm về phía vợ: “Thua mẹ nó rồi! Mà cái con đàn bà lăng loàn kia… mày vẫn còn nhảy được à? À… phải rồi… Ông còn lạ đếch gì cái mặt mày. Xem xét gì! Cổ vũ gì! Có biết bên nào vào với bên nào…đến sân chỉ cốt để xem đùi, xem háng mấy thằng cầu thủ... rồi về nằm mơ… Thằng bé mà ốm thì ông đập chết”. Hắn vội vã chen xuống, chắc là để chuẩn bị trừng trị “cái con đàn bà lăng loàn”. 

Mình cũng không hứng thú với bóng bánh gì nữa. Thôi về! Lão già cũng đứng dậy đi theo sau. Hình như lão hậm hực lắm khi “Á li ba bà” thua trận vì nghe thấy tiếng chân lão dẫm bình bịch. Mình quay lại: Lão già nắm chặt hai tay, nói rít qua kẽ răng: “ Mẹ nó! Thể công thể kiếc mà đánh đấm như con đầu buồi! Đợi đấy! Sang năm ông bàn với Đảng ủy thuê hẳn mấy thằng tuyển Tàu về đánh cho quân “Sẵn sàng bắn” chúng mày biết mặt.”

Chen ra được đến bên ngoài sân thì mệt đứt hơi, khát khô cổ. Kiếm chỗ rợp ngồi nghỉ tí đã. Vẫn dội vào tai là tiếng ồn ào, tiếng hú hét "Nhằm chúng nó: Bắn!", tiếng "Á li ba bà" và tiếng đài phát thanh oang oang đưa tin “Đồng chí Đới Bỉnh Quốc sang thăm hữu nghị nước ta…” 


(Ảnh mạng minh hoạ không liên quan đến bài viết)


.... 

Đọc thêm!

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

VÀO ĐƯỢC NHÀ RỒI...

Hôm nay mở máy vào blog của mình, của các bạn cùng dòng spot. Thấy dễ dàng, hình như không bị chặn nữa. Mừng ơi là mừng. Vậy là lại có thể tiếp tục chia sẻ với bạn bè.



... Đọc thêm!

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

CÁI RÉT VÀ NỖI NHỚ...


Đang mùa hè nóng chảy mỡ lại nói chuyện rét thì chắc chỉ là cái anh hâm hâm. Ấy là bởi nóng ngoài, rét trong...  ta vẫn gọi là sốt rét. Vừa khi gặp bài thơ của Hoàng Vận (ông bạn già cùng quê) thấy hợp với tâm sự của chính mình. Vậy là phổ nhạc cho bài thơ của ông và hát chơi để đỡ buồn... Gửi bạn bè để mong mọi người thông cảm.
Gửi bài hát này lên là còn có nguyên nhân nữa:  hôm nay mình dự kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ thì thấy trong diễn văn có câu "các liệt sĩ thương binh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Ngay bên cạnh mình một ông bạn Cựu chiến binh hỏi ngay: sao lại chỉ kể hai cuộc kháng chiến vậy. Các Liệt sĩ thương binh đều đổ xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đã kể chống Pháp, chống Mỹ thì phải kể chống Tàu nữa chứ!
Chợt mình nhận ra đã từ lâu người ta không dám nhắc đến cuộc kháng chiến chống Trung quốc xâm lược.
Vậy ra người ta cố tình quên. Vì sợ? Để vừa lòng ai! Nhưng những người đã từng chiến đấu, những người đã ngã xuống không thể quên! Dân tộc này không thể quên !


.
... Đọc thêm!

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

CÁO LỖI NHÀ BỊ CHẶN

Từ hôm 04/6 nhà em tự dưng... biến mất. Rồi vào các nhà khác cùng họ spot cũng rứa. Đành phải ngậm ngùi mà tức... mãi hôm nay vượt tường lửa mới vào được... nhà mình. Nhưng không xem được ảnh và các trang bạn bè. Khổ nữa là: rất nhiều commen mà em chẳng thể trả lời.
Bạn bè gọi điện hỏi thăm em cũng chả biết tại sao.
Thôi thì các bác thông cảm cho nhà em.
Xin hẹn gặp các bác vào một ngày gần đây trên trang Cua Rận mới. Nhưng đến bây giờ em cũng chưa tìm được trang nào có thể thuận tiện sử dụng cho cả chủ nhà và khách đến thăm.

Đọc thêm!

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

HƠN CẢ CÁI CHẾT!


Ngạc nhiên chưa… chuyện hai người đàn bà phải trần truồng giữ đất!

          Thế giới  vẫn đã có chuyện khủng bố cực đoan đánh bom liều chết. Bùm... thế là hết!

Nhưng với Á đông ta thì cái việc người phụ nữ phải trần truồng giữa thanh thiên bạch nhật trước mọi người còn là sự đau đớn hơn cả cái chết…

          Ta vẫn tuyên truyền chính sách của bọn đế quốc tư bản là ngòi nổ cho những cuộc khủng bố liều chết…

          Vậy vì cái gì đã buộc hai người phụ nữ kia phải dấn thân đến mức hơn cái sự chết?



...(Có nhiều ảnh trên mạng. Nhưng mình chả dám đăng. Sợ xấu hổ...)
      Và còn một điều này mình cứ băn khoăn: Bức hình "Em bé bị bom na pan" và bức hình bà Lài  (Cần Thơ)... Cả hai bức hình nhân vật đều nuy (100%) cách nhau vừa tròn 40 năm (tính đến tháng). Sao lại có trùng hợp vậy nhỉ. Nếu tính ra nhân vật trong hình  40 năm trước thì bây giờ cũng tương đương  với tuổi của người trong hình mới chụp hôm vừa rồi.
  Họ cùng một thế hệ!
Đọc thêm!

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

"BẠN ĐỜI ƠI! HÃY TIN, HÃY YÊU VÀ HÃY... ĐỢI!"


Nghe tin Đảng và Nhà nước quan tâm đến nghiệp gõ đầu trẻ: cho các Nhà giáo được hưởng thâm niên từ tháng 5/2011. Úi giời ơi... mừng ơi là mừng!

          Các ông bà giáo nông thôn vốn bị bệnh viêm màng túi kinh niên bắt đầu ngồi tính cua trong lỗ. Từng tốp từng tốp các ông các bà giáo hấp háy mắt, mặt mũi rạng ngời phấn khởi thi nhau hí hoáy tính ra nào là mình sẽ được thêm bao nhiêu phần trăm… vậy thì thành tiền là bao nhiêu bao nhiêu…Sướng!

          Tháng 8 năm ấy… thấy im thít! Chắc nhà nước đang chuẩn bị tiền. Yên tâm đợi.

          Tháng Mười…vẫn năm ấy… lặng như tờ. À thì ra chưa có văn bản hướng dẫn. Yên tâm. Chả sao… chắc là sắp có!

          Tháng Mười hai…năm ấy… vưỡn chưa động tĩnh. Tự an ủi. Chả sao! Tết này truy lĩnh một cục, những mấy triệu bạc… chắc sẽ có cái tết kha khá.

          Tết Rồng giáng...“Mừng Đảng, mừng Xuân” và mừng hụt… vì vẫn chả thấy mặt ngang mũi dọc thằng thâm niên ở chỗ nào. Cái thằng này đến là giỏi trốn… Tự dưng các ông bà giáo thành ra những kẻ nói khoác vì mọi lời hứa với con cái đều thành hứa hão.

          Tháng Ba năm nay thấy bắt đầu triển khai. Phải thế chứ. Mười tháng rồi còn gì. Vậy là lại ngồi tính xem mình được bao nhiêu. Rồi tính cả phần truy lĩnh mười tháng thâm niên. Hỉ hả lắm.

          Nhưng Nhà nước rất cẩn thận. Quyết tâm phòng chống tham nhũng triệt để. Đề phòng cánh giáo viên khai gian năm công tác để hưởng nhiều phần trăm thâm niên… Cho nên yêu cầu phải xuất trình các quyết định từ khi bắt đầu ra trường dạy học.

          Khốn khổ cho những anh nhiều năm công tác thâm niên cao.  Biết lấy đâu ra quyết định tuyển dụng, quyết định hết tập sự bây giờ. Vì ngày xưa có anh nào được cầm những thứ ấy đâu. Tất cả đều được cấp trên quản lý theo chế độ “Mật”. Nếu có chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác thì hồ sơ được niêm phong đóng dấu bảo mật chuyển đi. Giá người ta có phê vào lý lịch là phản động thì đương sự cũng chả hề hay biết. Hồ sơ phải do cấp Phòng, Huyện quản lý vì ngày ấy Nghị quyết đã đề ra mỗi huyện phải là một pháo đài…

          Vậy là nhao nhao lên phòng lên huyện tìm hồ sơ. Bây giờ mới biết bọn mối mọt là kẻ thù trực tiếp. Và tiếc thay cái lệnh cấm pháo của Chính Phủ mãi đến năm 1994 mới ban hành. Vì trước đấy người ta  chỉ "bảo mật" mà có chịu "bảo quản" đâu… Nơi để hồ sơ của các cái gọi là “pháo đài” nhà dột, mối xông, cửa mở toang hoang để bọn trẻ con thoải mái đột nhập vào kiếm giấy cuộn pháo…

          Rồi cũng tạm xong! Đã sang tháng sáu…

          Hôm nay thấy hồ sơ đợi duyệt thâm niên vẫn nằm im thin thít trong góc phòng. Hỏi bao giờ mới duyệt? Cứ yên tâm. Chưa có lịch. Mà mỗi huyện hàng mấy nghìn cán bộ giáo viên. Duyệt, thẩm định, ra quyết định và… ký; Ba đầu sáu tay cũng phải dăm tháng nữa mới xong chứ tưởng bỡn…

          Ối giời ơi!

          Lại tiếp tục đợi!

          “Tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật” bao giờ cũng phải ghi câu ấy vào tự kiểm điểm cuối năm. Vậy nên chả dám ngẫm ngợi gì. Chỉ có cái cổ dài ra mỗi ngày…

          Chợt nhớ câu hát của bác Hoàng Vân: “Bạn đời ơi, hãy tin hãy yêu…”

          Chí lý! Hãy tin hãy yêu và hãy... đợi!



...
         
Đọc thêm!

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

TỔ TIÊN ĐÃ NHẮC NHỞ


“- Trận động đất, sóng thần dẫn đến thảm hoạ ĐHN ở Fukushima, Nhật Bản, cho thấy con người không thể tưởng tượng được hết mức độ và hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Tốt nhất là hãy từ các thảm hoạ nhỡn tiền rút ra bài học cho mình.

          Tôi nghĩ tổ tiên đã run rủi cho chúng ta bằng những điểm báo rất rõ ràng: Khi ta chuẩn bị triển khai đại dự án bauxite ở Tây Nguyên thì xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary; định làm đường sắt cao tốc thì xảy ra hàng loạt tai nạn tầu cao tốc ở Trung Quốc; định làm Điện hạt nhân thì xảy ra thảm họa Điện hạt nhân ở Nhật Bản. Chẳng lẽ những cảnh báo dồn dập như vậy chưa đủ hay sao?”

                                                (Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết )

Nguồn : Văn Nghệ Trẻ số 22 (282), ngày 27/5/2012

Đọc thêm!

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

NHẤT THẾ GIỚI...


- Này ông biết gì chưa? Tự hào thật…

          - Cái gì mà tự hào?

          - Dăm năm nữa nước ta sẽ có vài cái nhất thế giới! Bây giờ đã có một cái nhất rồi…

          - Làm đếch gì có chuyện ấy! Giá có nhất thì chỉ là nhất về tai nạn giao thông, nhất về lạm phát, nhất về các cái tên Vina phá sản… mà cũng lạ, cứ cái công ty nào có chữ Vina đằng trước là giám đốc rập rình đi nghỉ mát tại nhà… đá.

          - Ơ cái lão này! Người ta nói ngay lại bắt quày ra eo. Này nhá: Ta đã có Thủ đô rộng nhất thế giới… Trái tim to nhất thế giới còn gì.

          -Ừ nhỉ! Còn cái gì nữa…

          - Cấp trên bảo rằng đến năm 2020 ta sẽ có điện hạt nhân đứng thứ 15 của thế giới. Nhưng tớ đồ rằng lúc đó ta sẽ nhất thế giới…

          - Sao lại vậy được?

          - Ngay bây giờ, bắt đầu là Nhật, rồi Đức, Pháp, Tây Ban Nha… thế giới người ta đang dần bỏ hết điện hạt nhân rồi mà ta  đến lúc bấy giờ mới xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân. Lúc ấy ta không nhất thì còn ai vào đấy nữa.

          -Ừ nhỉ!

          Nhất thế giới!


...  
Đọc thêm!