Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

"QUÂN TỬ VU DỊCH" VÀ DÂN TỘC "KHIẾP"

 (Chuyện này mình đã đăng rồi... nhưng vừa có sự kiện các dân tộc ta giao lưu với dân Choang của Tàu trên VTV2 thì đăng lại cho vui)
          Trung đội mình có hai tay người dân tộc Tày Cao bằng tên là Hà Văn Tiết và Ma Văn Thắng. Các hắn rất ít chuyện trò với bọn mình nhưng được cái nết hiền lành chịu khó, anh em mang nặng thì sẵn sàng giúp đỡ, ốm đau thì cơm cháo tận tâm. Những khi chỉ mình hai hắn với nhau thì nói chuyện với nhau cả ngày không biết chán, líu lo như chim… nghe cũng vui vui.

 Đặc biệt Hà Văn Tiết còn biết tiếng Lào. Chả biết hắn học bao giờ. Hôm tiếp xúc với dân Lào ở binh trạm 32, chàng Tiết nhà ta còn hung hăng lên phiên dịch. Chả biết hắn dịch tiếng Việt ra tiếng Lào như thế nào, nhưng đến khi ông người Lào nói thì hắn dịch ra tiếng Việt như sau: “Ló bảo thế lày: Kính thưa thằng thủ tướng bộ đội‘*’ …” làm bọn mình cười vãi nước mắt nước mũi… Tiết không giận, cũng đứng nhe răng cười.

Còn Ma Văn Thắng thì cứ khăng khăng nói với mình: “Họ tao là họ Mai”. Mình bảo họ tao làm gì có thằng “ma” như mày. Một lần hắn hỏi mình: “Viết thư bằng bút bi đỏ có được không”. Mình bảo: “Được chứ sao không! Trông càng đẹp, tình cảm càng dạt dào…” Lạy giời! Vậy mà hắn viết thư cho vợ bằng mực đỏ thật. Hì hục gần buổi sáng thì viết xong thư cho vợ, đưa lên ngắm nghía rồi gọi mình đến: “Đẹp thật mày ạ! Trước tao không biết, cứ đi viết bằng mực xanh” Mình hoảng hồn vội bảo: “Tao nói đùa đấy”. Hắn đỏ mặt, xé ngay cái thư rồi hằm hằm bỏ đi.

Hôm sau hắn chửi mình: “Mày tưởng mày là người Kinh mà khôn à! Mày chê tao người dân tộc à! Tao nói cho mà biết nhá: Bác Hồ bảo Dân tộc anh hùng… chứ có bảo người Kinh chúng mày anh hùng đâu à!”

Mình xanh mặt, xin lỗi hắn rối rít. Nghe xong, hắn hì hì cười đắc ý lắm, còn móc thuốc rê cho hút.

Cả Tiết và Thắng đều rất thích văn nghệ. Mình được các hắn quý vì mình hát cũng tàm tạm và rất hay hát.

Những ngày giời mưa ở hậu cứ, hai tay Tiết và Thắng đứng ở hai đầu lán trung đội è è thổi kèn lá “giao duyên”. Buồn đến nẫu ruột mà không ai dám nói gì vì sợ các hắn giận.

Đánh nhau thì thôi, ở hậu cứ thì một tuần có một tối sinh hoạt văn nghệ Đại đội. Lính mấy chục người, quanh đi quẩn lại cũng mấy bài, hát đi hát lại. Chính trị viên Mạo, dân Bắc Ninh thì lần nào cũng chỉ có bài quan họ theo điệu “Gió đưa cây cải”. Sau thành quen, cánh mình cứ thấy Chính trị viên tham gia sinh hoạt thì đề nghị thủ trưởng hát bài “Gió đưa cây cải vào soong”.

 Còn tay Sửu người Nghệ An thì lần nào cũng khoe giọng bằng tiếng Tàu qua bài “Ra khơi nhờ tay lái vững”.

“Tá hải giang xing kháo tua sâu
Oản ù sâng tì quó thi thai dang
Uy li chứ xeng ủ mèo choàng
Càn cưa ming tâu chư mao trửa tung ti sư xẻng
Uy pu lì a lua ti quo thi hải giang
Cưa ming xỉn trung li pú khải cung sán tảng
Mao trửa tung ti sư xeng sừ púa lúa thi thai dang”.

Hắn hát nhiều đến nỗi… trong đại đội thằng nào còn sống đến hôm nay chắc cũng còn thuộc.

Lần nào mình cũng phải hát. Ít nhất là hai bài. Anh em thích lắm. Nhiều lúc mình cũng thấy râm ran, mũi phồng như cà chua…

Trong một lần, trái với thường lệ, anh em giới thiệu mình hát trước. Mình đứng lên cố tìm trong đầu xem còn bài nào mới thì hát chứ hát lại thì chán lắm. Nhớ mãi mới ra, mình hát điệu chèo “Quân tử vu dịch”, trước khi hát còn giới thiệu đây là đoạn Dương Lễ tiễn Châu Long trong vở chèo Lưu Bình Dương Lễ:

“Thiếp đâu dám quên tình đôi lứa
Tưởng những lúc mặn nồng hương lửa
Nhớ những lúc môi kề má tựa
Ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng
Gió lạnh đêm đông, lẻ loi cô phòng
Ngày xanh mòn mỏi, vào ngóng ra trông
Trăm năm chút nghĩ đèo bòng
Xa nhau ai có thấu lòng cho ai”

Cả Đại đội lặng nghe, nhìn Thắng thấy hắn rơm rớm mắt…

Tất cả vỗ tay rầm rầm khi mình hát xong, rồi gào lên: “Hay lắm! Hay lắm… hát lại, hát lại đi…”

Mình đang định hát lại thì Chính trị viên xua tay: “Thôi! Bây giờ người khác hát…”

Sửu ta lại lên: “Tá hải giang xing kháo tua sâu, oản u sâng…”(giữa đại dương lướt sóng chắc tay chèo lái)

Chính trị viên vỗ tay, rồi còn bảo: “Vỗ tay! Vỗ tay đi các đồng chí, hát hay lắm…” Nhưng lính nghe đến thuộc rồi nên chỉ vỗ tay vài cái chiếu lệ.

Sinh hoạt văn nghệ xong thấy có lệnh triệu tập cán bộ Trung đội lên hội ý gấp. Mình đã mắc võng ngủ thì thấy Trung đội trưởng lay dậy. Đành mắt nhắm mắt mở ra theo anh ta ra ngoài.

Trung đội trưởng hỏi:

- Tối nay cậu hát cái bài ấy là có ý đồ gì?

Mình ngớ người:

- Bài hát chèo, văn công với đài Hà Nội vẫn hát. Ý đồ gì đâu!

Trung đội trưởng bảo:

- Cậu phải cẩn thận đấy nhá! Phải xác định lại lập trường tư tưởng!

Mình chả hiểu tại sao lại “phải xác định lại lập trường tư tưởng.” Nhưng không dám hỏi thêm.

Ngày hôm sau cứ canh cánh lo. Đợi trưa vắng người, khều thằng liên lạc đại đội ra hỏi. Thằng này bảo:

- Tối qua Chính trị viên triệu tập họp Ban Chỉ huy vì chuyện của mày đấy.

- Chuyện tao làm sao?

- Mày ngu, … Chính trị viên bảo xem lại tư tưởng của mày, rất có thể đã dao động tư tưởng, để kẻ địch lợi dụng. Hát như thằng phản động “ngao ngán thay cảnh vợ xa chồng” làm mất ý chí chiến sĩ.

Mình vã mồ hôi hột.

Tay liên lạc còn bồi tiếp: “Ông ấy bảo cái bài hát “Quân tử mắc dịch” là bài hát phản động. Chiến sĩ phải hát như thằng Sửu mới hoành tráng, mới khí thế chói lọi! Ông ấy giao cho Trung đội theo dõi mày đấy. Cẩn thận nhá!”

Lại được nhắc “Phải cẩn thận”. Ối giời ơi!

Tuần sau, trước khi sinh hoạt văn nghệ, Ma Văn Thắng bảo mình:

- Tối nay mày lại hát cái bài… cái bài gì mà có “i hi hi” ‘**’ ấy nhá. Tao nghe hay lắm! Tao thích lắm!

Mình bảo:

- Không dám hát nữa đâu. Vì sợ cấp trên lại bảo dao động tư tưởng.

Thắng chửi luôn:

- Tư tưởng cái con củ cặc! Sợ đếch gì. Cứ hát nhá…

Mình lắc đầu: “Khiếp rồi”.

Thắng ta bĩu môi:

- Mày á… mày đếch phải dân tộc Kinh, mày là thằng dân tộc “Khiếp”.

Ôi vậy mình bị gán là thuộc dân tộc “Khiếp”

Tối Chủ nhật vừa rồi thấy VTV có mấy tỉnh Việt Bắc tập trung hát hò. Lại thấy có cả đoàn ca múa dân tộc Choang bên Tàu sang nhảy nhót. Ối giời ơi!

Vậy là lại nhớ thằng Sửu hát tiếng Tàu bài “Ra khơi nhờ tay lái vững” của Tàu. Và rợn người nhớ câu hát:

“Ta hải giang xing kháo tua sâu…”

Rồi lại nhớ đến cái câu Ma Văn Thắng gán cho riêng mình: “Mày là thằng dân tộc “Khiếp”

 Ấy cứ lan man lằng nhằng thế. Mà sao bên Tàu nó có cả dân tộc “Choang”…


*’   Thủ trưởng đại đội
‘**’ hát chèo thường ngân “i hi hi” giữa các tiếng.
Đọc thêm!

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

LẶNG IM KHÔNG BIẾT NÓI GÌ- ĐỨNG NGHIÊM NUỐT LỆ TIỄN NGƯỜI ĐI...

Từ Tây Bắc - Ông Giàng Seo Phả 79 tuổi (H. Mông)Cựu chiến binh Điện biên xưa  về Hà Nội vĩnh biệt Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Đọc thêm!

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

ĐÊM ẤY CÓ NGUYỆT THỰC ( Kỳ cuối)

(Tiếp theo và hết)


Mình và nàng sẽ đến tận cùng của tình yêu. Không việc gì phải băn khoăn đắn đo nữa… Nghĩa lập cập mở từng nút áo Sâm… Trăng nhễ nhại… bàn tay run run trên bầu ngực tròn căng. Không gian chỉ có ánh trăng và tiếng rì rào xào xạc của những lá cây trên ngọn tháp. Rồi anh cúi xuống gắn miệng vào bầu ngực trinh nữ, bàn tay tiếp tục lần tìm. Vòng tay của của người yêu lỏng dần, lỏng dần… Thoảng trong tiếng xạc xào là tiếng kêu khe khẽ: “Ui dà… Em… Em tội tình chi mà…mà ông Việt cộng xét… xét người… em…”
          Bàn tay đột ngột dừng lại. Nghĩa choáng váng. “Phản động!” Cấp trên nói đúng. Anh đã bị xúc phạm, bị mắc mưu kẻ địch. Người Nghĩa rỗng rễnh. Trời tối sẫm. Ngẩng đầu thấy trăng chỉ còn một mảnh đỏ quạch. Anh đẩy Sâm khỏi người mình và đứng dậy. Sâm hốt hoảng ngồi dậy miệng lắp bắp “Răng vậy anh? Răng vậy anh?”
          Vậy là rõ, chả cần bàn bạc chia sẻ những băn khoăn như dự định trước lúc gặp cô ta nữa! Nghĩa không ngoái đầu lại, lầm lũi bước. Trời tối đen. Nguyệt thực toàn phần. Bóng quả đất đã che kín mặt trăng…
          Nghĩa quyết định không gặp Sâm nữa. Những lần Sâm tới đơn vị thăm, Nghĩa đều tránh mặt nhờ vệ binh ngoài trạm gác bảo là anh đi công tác vắng. Nhưng trong lòng anh không thể vơi nỗi nhớ, không thể vơi nỗi khát thèm được nhìn mặt Sâm, đã có lần Nghĩa lén nhìn từ cửa sổ doanh trại. Thấy Sâm tần ngần gửi túi đồ đựng mấy thứ cho anh và thẫn thờ gạt nước mắt khi ra về, Nghĩa quặn lòng cố ghìm mình để không chạy ra cổng lúc ấy. Anh biết nếu chỉ cần một lần gặp lại thì không bao giờ anh có thể xa được Sâm. Nửa tháng sau, Nghĩa cầm quyết định xuất ngũ, lẳng lặng khoác ba lô về Bắc… sau khi đã viết một bức thư ngắn gửi lại cho Sâm với lời hứa sẽ trở lại...

          Và bây giờ anh đã trở lại sau ba sáu năm. Ngày ấy anh đã bỏ chạy vì một câu nói đùa. Phải, mãi sau này anh mới nhận ra đó là câu nói đùa. Bây giờ mà nói ra chuyện ấy thì không ai tin: sao lại có thể bỏ chạy khi tình yêu thăng hoa đến đỉnh điểm? Nhưng quả thật cái lý trí khô cứng phân định rạch ròi địch ta ngày ấy là nỗi ám ảnh thường trực biến thành nỗi sợ. Nỗi sợ đeo đẳng cả đời người để rồi thành nếp sống. Chuyện thực hiện lời hứa trong thư đã trở thành xa vời vì ngay ngày mới về nhà anh không dám nói chuyện ấy vì sợ bố mẹ không đồng ý, lấy vợ rồi có con lại sợ tan vỡ gia đình, công việc ổn định rồi thì lại sợ bị đánh giá vi phạm đạo đức… Những nỗi sợ suốt hơn ba chục năm trời chẳng buông tha anh luôn song hành cùng nỗi dằn vặt không thực hiện được lời hứa đối với Sâm. Đến bây giờ thì Nghĩa tự thấy mình vừa hèn nhát vừa ích kỷ… Nếu không bị lạc lõng vì sự ghẻ lạnh của người vợ trong lúc tham quan ở Đà Nẵng thì có lẽ đến hết đời anh cũng chẳng có cơ hội quay về mảnh đất này để gặp lại người xưa.
           Nhưng người bỏ về lúc này lại là Sâm. Nàng sợ gì cơ chứ? Phải rồi, nàng phải giữ hạnh phúc gia đình của mình. Nghĩa hào hển chạy theo cái bóng trắng với suối tóc bay ngang nhập nhòa trên cánh đồng đang đỏ sẫm dần bởi nguyệt thực. Khi trăng sáng trở lại thì không thấy Sâm đâu nữa.
          ……
          Tiếng chuông điện thoại réo, Nghĩa mắt nhắm mắt mở uể oải cầm lấy cái máy… Tiếng vợ chao chát làm anh tỉnh hẳn: “Đi với đứa nào đã thoải mái chưa? Có về không đấy? Bảy giờ rưỡi xe chạy. Nếu không kịp thì kệ ông đấy nhá!” Nghĩa chưa kịp trả lời thì có tiếng đàn ông trong máy “Trông cái mặt vậy mà cũng giữ chồng ra phết. Thôi chết! Khéo lão nghe thấy” rồi tiếng vợ anh: “Sợ gì! Có mà dám. Cái ngữ lão ấy thì tích sự gì…”. Nghĩa chán nản bỏ máy. Thôi… cũng phải về. Yên tâm vì tất cả đã an bài.
          Ông già một mắt đang lúi húi bên bếp. Thấy Nghĩa xuống giường, ông hất hàm hỏi:
          - Thằng Hai định về luôn hả?
          - Dạ! Cháu về luôn theo đoàn. Bảy rưỡi phải có mặt tại Đà Nẵng. Mà Út Sâm lấy chồng gần đây phải không chú! Cô ấy được mấy con rồi.
          Ông già nhướng con mắt còn lại ngạc nhiên:
          - Vậy tối qua mi không gặp nó hả?
          - Dạ có. Nhưng cô ấy chẳng nói gì.
          Ông già thở dài:
          - Nói chi được mà nói!
          Đoạn ông già thong thả lại gian giữa kéo tấm rèm bàn thờ. Trên đó bên cạnh tấm hình bà già là tấm hình Út Sâm. Hai bát hương đầy chân nhang quăn tít. Nghĩa sững sờ gặp lại khuôn mặt của nàng hồi đêm.
          - Nó tin mi, tin vào cái lá thơ. Rồi trông chờ. Lần lữa cả chục năm ròng. Không thấy mi trở lại, nản quá chừng à. Rồi nghe người ta vượt biên. Chết trên biển…
          Nghĩa lạnh người. Tối qua…Tối qua là mơ hay thật?
          Ông già cầm xuống từ trên bàn thờ một cái bọc ni lông. Ông bảo Nghĩa: Mi cầm lấy về làm kỷ niệm. Nghĩa run run mở bọc giấy. Một chiếc mũ cối. Chiếc mũ bị thủng một chỗ ở trên chóp, vải bọc mũ đã rách lỗ chỗ còn phần cốt đã mủn, động nhẹ là bở bùng bục. Nhưng dòng chữ trên mũ vẫn còn rõ ràng: Trần Trung Nghĩa E…F…QK5. Cái mũ cối anh đã tưởng mất trong trận lụt ngày xưa.
          Nghĩa ôm chiếc mũ vào ngực, gục đầu quỳ xuống trước bàn thờ... Từ con mắt còn lại và cả từ cái hố mắt hỏng đang giàn giụa nước mắt, ông già lẩm bẩm bằng cái giọng khàn khàn đứt quãng:
          - Phải chi …ngày đó… Thôi! Út à! Thằng Hai nó đã quay về… Siêu thoát nghe con…

Đọc thêm!

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

CHÈ ĐỖ THẢ SƯƠNG

Hôm nay 4-8 âm lịch- chẵn 5 năm mẹ mình mất...
Đọc lại bài viết từ 4 năm trước để nhớ về mẹ, nhớ về ngày xửa ngày xưa



Chè đỗ thả sương

          Đã sang tháng tám âm lịch, thấy sương giăng giăng từ chập tối. Đến sáng vẫn sương ấy mờ mờ...
          Trời đêm hơi lạnh và ẩm. Chuyển mùa đâm ra khó ngủ. Chơi vơi trong đêm, nhìn bóng đèn đường đỏ quạch nhòa nhòa trong sương.
          Ngày còn bé, chả mấy khi để ý đến sương thu. Nhưng mong có sương để được ăn món chè đỗ đen thả sương mẹ nấu...

          Tháng tám trời vẫn nắng. “Tháng tám nắng rám quả bòng”. Đi học về, con vục cái gáo dừa vào chum nước mưa, uống một hơi cho đã khát. Đã cơn khát, vội chạy vào nhà bưng bát cơm khoai ăn ngấu nghiến, mồ hôi chảy ròng ròng. Mẹ bảo số thằng này vất vả, đến ăn uống còn đổ mồ hôi!
          Qua một ngày tất tả đi bộ mấy cây số đến trường, về nhà hùng hục thực hiện nghĩa vụ vớt bèo nấu cám lợn, tối lo hoàn thành các bài tập... Rồi cũng xong... thở phào. Ngủ một giấc cho tới sáng mà chẳng hề mộng mị. Tỉnh giấc bắt đầu một ngày với cái quy trình không thay đổi. Chẳng biết mùa thu, chẳng biết sương thu...
          Chỉ đến một buổi sáng, khi tỉnh giấc mẹ bảo đi rửa mặt rồi mấy anh em ăn chè còn đi học. Nhìn ngoài sân thấy có cái rổ úp.
          Ra lật cái rổ, một nồi chè đỗ đen. Mấy anh em cùng reo lên, tranh nhau bê vào. Anh cả được cái vinh dự ấy. Chỉ mươi bước chân mà rón rén. Lũ em căng thẳng nhìn theo, sợ thằng anh đánh đổ nồi chè. Mẹ múc chia đều cho mấy anh em mỗi đứa một bát con.
          Nhận phần mình từ tay mẹ, mấy anh em giăng hàng trên hè đất ngồi ăn chè.
          Thìa đầu tiên đưa lên môi cảm nhận vị ngọt thanh. Chao ôi, ngọt từ đầu lưỡi đến cổ họng. Muốn giữ mãi vị ngọt trong khoang miệng cho bõ thèm. Hàng mấy tháng mới được ăn chè, mới được thưởng thức vị ngọt, mới tìm lại được cái vị đậm đà tưởng đã quên.
          Nhận được vị ngọt từ đầu lưỡi rồi mới nhìn vào bát chè đỗ đen. Lưng bát nước nâu huyền sóng sánh, hình như vị ngọt có được là nhờ cái màu nước nâu huyền ấy. Húp thêm vài thìa, nghiêng bát một tý thấy những hạt đỗ đen- không nhiều lắm. Những hạt đỗ ninh nhừ như những quả cật lợn tý hon đã bung lớp vỏ, khúc giữa có những vệt nhỏ xíu như vết khắc của người thợ kim hoàn khéo léo cắt lên ngang thân. Những hạt đỗ đen bùi tan trong miệng.
          Ngọt bùi và mát...
          Cái cảm giác mát ấy như thoang thoảng mùi tinh dầu chuối nhưng nhẹ hơn, êm ái hơn. Mát hơi lạnh lạnh. Chỉ hơi lạnh một tý thôi cũng đủ cho vị ngọt của nước trở nên thanh hơn, vị bùi của đỗ như ngậy hơn, hạt đỗ cũng như nhừ tơi trong miệng. Miếng chè trôi xuống thực quản nhưng cảm giác mát vẫn giữ được vị ngọt bùi của chè trên đầu lưỡi và cả trong miệng.
          Cảm giác man mát ấy chầm chậm lan tỏa trong người, hình như có thể biết nó đang từ từ trôi dần, trôi dần đến từng xăng ty mét, tưởng như nguồn nước mát tưới dần vào trong cơ thể. Sảng khoái đến nao lòng.
          Cái mát thanh ấy là bởi sương thu.
          Trong đêm, lúc tôi học bài xong thì mẹ vẫn lụi hụi dưới bếp. Bây giờ mới hình dung lúc ấy mẹ vo đỗ đen rồi đổ nước vào nấu chè. Khi nồi chè sôi một lúc, mẹ vùi vào tro nóng. Lúc ấy bọn tôi đã đi ngủ. Mẹ ngồi bệt, đầu gục xuống vòng tay trên đầu gối, nhẫn nại chờ trong bóng đêm yên ả. Chờ khoảng một tiếng đồng hồ. Ướm chừng đậu nhừ, mẹ bắc ra đun sôi lại và thêm vào lưng bát nước lạnh. Mẹ bảo chè đang sôi khi đổ nước lạnh vào thì hạt đậu sẽ nhừ hơn. Và mẹ cho đường cát khuấy đều. Lúc ấy chỉ là đường cát nấu chế biến thủ công từ mía chứ làm gì có đường kính. Để cho vị ngọt thêm đằm, mẹ búng vào nồi chè vài hạt muối...
          Nửa đêm sương thu xuống đầy. Mẹ đưa nồi chè ra sân, mở vung, rồi úp lại bằng cái rổ... Những hạt sương li ti mang cái lạnh, cái trong trẻo của đất trời và mang cả hương cau, hương chuối trong vườn... từng hạt, từng hạt lọt qua kẽ rổ ướp hương cho nồi chè mẹ nấu. Để sáng mai này chúng con có bát chè thơm ngậm những hạt sương thu.
          Để rồi con có thói quen đợi sương thu mỗi khi tháng Tám.

          Bây giờ thì khác rồi. Đỗ đen cho vào nồi áp suất. Đun mười năm phút là nhừ tơi. Cho đường kính, thêm vài giọt tinh dầu chuối, lấy nước đá tủ lạnh thả vào. Vậy là có chè đỗ đen. Cũng ngọt, cũng thơm và lạnh.
          Nhưng mùi tinh dầu thơm xộc thẳng lên mũi vừa thô thiển vừa dị hợm. Vị ngọt sắc của đường kính thiếu đi cái thanh thanh nhẹ nhàng. Hạt đỗ nhừ tơi nhưng hình như kém đi cái vị bùi, không còn độ ngậy...
          Và tôi sợ cái lạnh của nước đá trong bát chè. Nó làm hàm răng tôi tê buốt. Cái tê buốt lan tới tận đỉnh đầu.
          Lại nhớ về ngày xưa, bưng bát chè đỗ thả sương từ tay mẹ nấu.
          Ngoài kia, sương xuống dày. Ngọn đèn đường đỏ quạch nhòa hẳn trong sương lạnh.
          Trên bàn thờ, tấm hình mẹ lãng đãng khói hương...
                                Đêm ngày giỗ mẹ- tháng 8 năm Kỷ Sửu (2009)
                                                              

Đọc thêm!

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

LẠY BÀ BÌNH THƠ... LẠY ÔNG BIÊN TẬP...



Có bài thơ như sau:
Lá vàng theo gió heo may
Gió lùa vai áo khẽ lay mình rồi
Trời xanh mây trắng êm trôi
Thấy lòng xao xuyến nhuộm đời vào thu
                                  (Thu- tác giả Anh Giang….)
Đã có một lời bình bất hủ như sau:
Nét riêng trong bài thơ “Thu” của bà là vần cuối các câu thơ đều là thanh bằng: “may, rồi, trôi, thu” vang xa gợi cái khí trong trẻo êm dịu của mùa thu”
Bài bình này được in ở giữa tập thơ "Lối xưa" của Anh Giang do NXB Hội Nhà Văn ấn hành 2013.
Và cũng xin thưa lời bình này là của một GV đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn
Ba vái không hương lạy bà viết lời bình, lạy ông biên tập.
Lạy hồn! Thơ lục bát thì các vần cuối câu thơ chả nhẽ lại là thanh trắc(!)
Vậy cho nên... ai ơi... đừng mở mồm trách tại sao học sinh không chịu học văn!



(Ảnh lấy trên mạng)
Đọc thêm!

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

ĐÊM ẤY CÓ NGUYỆT THỰC (phần 2)



(Tiếp theo kỳ trước )


- Phải… chi… ngày… đó…
          Giọng nói khàn khàn gần như hụt hơi ngắt quãng trong tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt. Nghĩa nhìn sang, ông già ngồi ngoẹo đầu, con mắt còn lại đã nhắm, mắt kia vẫn là cái hố tối om rỉ nước. Buổi tối, chỉ với mấy con cá khô và một chai rượu, hai người lặng im ngồi đối ẩm. Lặng im vì khi nâng chén đầu tiên ông già đã rào trước: “Uống đi! Đừng hỏi gì, mất ngon. Rồi khắc biết”. Giờ ông già chắc đã say lắm rồi. Còn Nghĩa uống ít mà cũng thấy lơ mơ. Nhìn lên mái nhà và mọi thứ xung quanh thấy chung chiêng dưới ánh điện nhập nhoạng.
          Có tiếng bước chân và tiếng kẹt cửa. Nghĩa ngẩng lên nhìn về phía đó. Cánh cửa mở. Út Sâm! Phải rồi. Đúng là Út Sâm. Vẫn khuôn mặt thanh tú với nước da trắng mịn. Vẫn đôi mắt, khóe môi của ngày xưa. Nàng vẫn trẻ trung bất chấp thời gian.
          Sâm gật gật đầu vừa như chào Nghĩa vừa như bảo anh đi ra ngoài. Chắc nàng sợ kinh động đến giấc ngủ của ông già.
          Nghĩa đứng dậy và ra cửa. Trong ánh trăng sáng vằng vặc anh thấy Sâm đang đứng giữa sân. Vẫn dáng người thanh mảnh trong bộ bà ba lụa trắng, Sâm cười cười nhìn anh, tay nàng vẫy vẫy ra hiệu anh đi theo.
          Nghĩa quay người khép cửa, ngoảnh lại thì Sâm đã ra tới ngõ. Anh thong thả bước theo Sâm. Qua bờ tre đến khoảng ruộng mùa này đang khô hạn chỉ trơ những gốc rạ. Đất cứng dưới chân giầy, anh bước thập thõm như người ngủ mê.
          Bây giờ hạn trắng đồng nhưng ngày ấy sao nước to thế. Sau giải phóng mấy tháng thì có trận lụt ghê gớm. Nước mênh mang trên đồng chảy cuồn cuộn, đường ngõ ngập đến thắt lưng. Gió thông thốc vần vũ trên trời. Những mái nhà lợp tôn không lấy gì làm kiên cố của người dân miền Trung bị nước làm lung lay và gió phũ phàng xô đẩy đổ ụp hàng loạt. Bộ đội được lệnh giúp dân chống lụt. Suốt cả ngày Nghĩa và đồng đội dầm mình trên cánh đồng này để đưa dân ngoài gò thấp giữa đồng sơ tán vào xóm anh đang ở. Khi đa số dân đã vào vị trí an toàn thì bộ đội cũng gần kiệt sức. Người cuối cùng được Nghĩa đưa ra khỏi nơi nguy hiểm là một bà già cô đơn sống ở cuối gò. Anh cõng bà lội bì bõm trong nước lạnh hàng giờ. Rồi cũng đặt được bà cụ lên hiên nhà Út Sâm. Nhìn cô cùng bố mẹ xăng xái săn sóc bà cụ, Nghĩa thấy vui vui vì mình đã hoàn thành việc được giao. Mệt quá rồi! Nghĩa ngồi phệt xuống hiên nhà, người anh sũng nước. Có lẽ bây giờ mình sẽ đi thay quần áo, ngủ một giấc… Bà lão hấp háy cặp mắt nhăn nheo nhìn Nghĩa, miệng phều phào: “Phúc đức quá…Phúc đức quá. Thím thoát rồi. Chỉ tiếc… còn bao lúa… Hết lụt lấy chi sống…” Nghĩa nhìn ra ngõ, nước vẫn dâng, gió vẫn cuồn cuộn. Phải lấy bao lúa về cho cụ già. Vẫn còn kịp. Nếu nhanh vẫn còn kịp. Nghĩa lao ra khỏi nhà. Chợt nghe ầm một tiếng, anh tối sầm mặt mũi. Một cành mít to ngoài ngõ bị gió vặn đứt rơi đúng vào đầu. Cái mũ cối văng xuống nước, Nghĩa cũng đổ xuống nước, bất tỉnh.
          Khi Nghĩa tỉnh lại, anh bắt gặp một khuôn mặt đang cúi xuống, một đôi mắt đang lo lắng nhìn mình. Trong khóe mắt ấy lấp loáng những giọt nước mắt. Một bàn tay mát lạnh đặt trên trán. Sâm! Út Sâm. Nghĩa thì thào và cầm lấy cổ tay thiếu nữ đưa vào ngực mình, những ngón tay mềm chạm vào ngực mơn man. Cái cổ tay tròn kia vẫn ngoan ngoãn nằm nguyên trong tay anh làm Nghĩa mạnh dạn hơn, anh vươn tay kia choàng qua vai người con gái để kéo khuôn mặt thanh tú ấy gần hơn nữa. Ánh mắt vẫn đau đáu và nồng nàn nhìn vào mắt anh. Gần … rất gần. Lần đầu tiên trong đời môi anh chạm môi thiếu nữ…
          Trăng vẫn sáng, cả cánh đồng bây giờ nhuộm một màu vàng. Gió phóng khoáng trên cánh đồng nghe mát rượi. Nghĩa bước theo Sâm mà tự hỏi: Sao nàng vẫn trẻ còn mình thì già cỗi. Phải chăng nàng được sống vô tư còn anh thì trăm ngàn nỗi lo phải giải quyết để tồn tại. Tồn tại mà cũng khó lắm thay bởi những nỗi sợ liệu mình có khỏi dại khờ hoặc ích kỷ quá không, liệu mình có vi phạm điều cấm kị tôn thờ. Có những lúc anh tưởng mình không còn là mình. Suốt đời phải nhìn sắc mặt mọi người và sống cho dư luận để rồi sợ tất cả, làm hết thảy mọi việc để vừa lòng họ. Đến bây giờ nhìn lại thấy cái sự tồn tại ấy trở nên vô vị nhạt nhẽo. Còn tình yêu duy nhất trong đời thì mình lại không biết giữ.
          Cái dáng người đang thanh mảnh trong bộ bà ba trắng tinh khiết kia đang ở phía trước. Gió thổi mạnh làm mái tóc dài của nàng bay ngang nhuộm trăng lấp lóa, bộ bà ba trắng hất ngược về phía sau hiện rõ những nét cong mềm mại của cơ thể. Cả đời anh vẫn đi theo bóng dáng nàng. Để tiếc nuối… mặc dù hiện anh đang sống với người vợ thành đạt. Tiếc nuối… vì những tham vọng hãnh tiến của vợ. Tiếc nuối… vì nhiều khi mình là một người thừa. Ngay cả chuyến đi này anh cũng đi ké đoàn tham quan của cơ quan vợ. Để lấy lòng cấp trên, người ta còn mời thêm cả ông thủ trưởng cơ quan chủ quản. Vợ anh cặp kè với cấp trên trong suốt chuyến đi, còn anh thì tự dưng thừa ra như người độc thân lạc lõng. Các thành viên trong đoàn ngoài mặt thì ra vẻ tôn trọng phu quân của bà thủ trưởng cơ quan nhưng trong đầu ai biết họ nghĩ gì. Nhìn theo bóng thanh mảnh đang đằng trước tự dưng anh thấy sợ cái dáng người đẫy đà, sợ cái khuôn mặt căng no mỡ màng, sợ cái nhếch mép cười nửa miệng của người đàn bà đã từng gần gũi và đã từng có con với anh. Cả những đứa con cũng coi anh là một lão già gàn dở, suốt ngày chỉ biết ru rú sách vở, lúc nào cũng nơm nớp sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ không vừa lòng cấp trên, sợ không vừa lòng vợ con và bạn bè đến mức phải cố chỉn chu mọi nhẽ, đến mức chả bao giờ dám nói to. Chỉ có mẹ chúng, người phụ nữ thành đạt, biết thời biết thế vươn lên, có đủ điều kiện chiều chuộng cho chúng trở thành nổi bật trong đám bạn bè.
          Đằng trước, Sâm thỉnh thoảng ngoái lại như để biết chắc chắn Nghĩa vẫn đang đi theo. Cả hai đã lặng im đi một đoạn khá xa trên cánh đồng. Nghĩa chợt sững lại khi trước mặt là ngôi tháp Chăm cổ. Ngôi tháp đột ngột nhô lên như một trái núi nhỏ sau con đường sắt chắn ngang tựa con đê trên cánh đồng. Nghĩa đã hiểu: Sâm muốn đưa anh về cái chỗ mà hai đứa đã gặp nhau lần cuối cách đây ba sáu năm trời. Mà sao lại trùng hợp kỳ lạ. Đài thông báo hôm nay có nguyệt thực. Lần cuối hai đứa gặp nhau cũng vào đêm nguyệt thực.
          Phải rồi, hôm ấy có nguyệt thực. Hai đứa đã ngồi sát nhau trên đoạn tường đổ phía ngoài tháp cổ. Trăng rải trên thân tháp ánh vàng rực rỡ. Những phù điêu vũ nữ với cánh tay tròn đang múa được ánh sáng chiếu vào như mềm mại hơn, những bầu ngực tròn, những thân thể uốn éo, những đôi chân trần nhún nhảy… tất cả được ánh trăng viền lấy làm nó tròn căng đầy đặn… tất cả như muốn thoát ra khỏi những bức tường để được phô diễn những vũ điệu mê hồn.
           Nếp sống kỷ luật quân đội chỉ cho anh một tuần có một buổi tối được gặp Sâm vì bây giờ doanh trại đã hoàn thành, anh không tá túc ở nhà nàng nữa. Yêu nhau được mấy tháng, vậy mà nhiều lần Sâm hỏi yêu người ta từ khi nào, Nghĩa thú nhận mình đã yêu Sâm từ ngày đầu gặp mặt. Khi hỏi Sâm yêu anh từ khi nào thì nàng cười nhẹ: “Đã biết rồi, răng còn hỏi? Người chi kỳ dễ sợ…” nhưng nàng thường hay nhắc cái ngày Biểu đưa bức thư đến nhà thì anh biết kể từ hôm ấy nàng đã có cảm tình với mình. Thực ra từ hồi yêu nhau tới giờ Sâm nói rất ít. Chỉ có ánh mắt nồng nàn đăm đắm nhìn anh. Nhìn vào ánh mắt ấy Nghĩa biết người con gái này đã nguyện gắn bó suốt đời với anh. Nhưng tương lai tình yêu này sẽ đi đến đâu thì chính anh cũng không rõ. Nếu lấy Sâm thì Nghĩa sẽ phải đưa Sâm về miền Bắc. Liệu gia đình hai bên có chấp nhận không. Hôm nay anh sẽ nói với Sâm để cùng tìm cách…
           Còn nữa, hôm qua Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn gọi anh lên. Thủ trưởng bảo trước đây đồng chí được cấp trên đưa vào nguồn phát triển cán bộ. Nhưng qua theo dõi thấy đồng chí thời gian gần đây có biểu hiện mất lập trường. Đồng chí yêu một cô gái có tư tưởng phản động, con của một tên lính chế độ cũ. Rồi lại vì cô ta mà đánh đồng đội. Như vậy quan điểm địch ta rất mơ hồ. Thậm chí bao che cho kẻ thù, để mất tình đồng đội. Có hai hướng để đồng chí chọn lựa: hoặc là đi học trường quân chính đào tạo sỹ quan nhưng phải xác định lại lập trường, chấm dứt mọi quan hệ với cô gái kia và gia đình nó; hoặc là ra quân. Nghĩa đắn đo. Đây là tình yêu đầu đời của mình. Vả lại sống trong chế độ nào thì người ta phải theo chế độ ấy, huống chi Sâm chỉ là một nữ sinh… nàng viết thư theo yêu cầu của nhà trường. Cái chính là nàng đã thay đổi. Nàng dám yêu một anh lính Giải phóng, đó là một sự thay đổi lớn. Nhưng Nghĩa không thể cãi lại Thủ trưởng…và điều này anh sẽ để trong lòng mà không thể nói với Sâm…

          Sâm đã dừng lại ở chân tháp cổ. Nàng ngồi đúng vào cái nơi mà nàng và Nghĩa ngồi cách đây đã ba sáu năm. Trăng vẫn sáng nhưng nhìn lên đã thấy vầng trăng sậm đỏ và khuyết đi một tí. Bắt đầu nguyệt thực rồi, bóng quả đất sắp sửa đè lên mặt trăng. Nghĩa nhìn quanh nơi chân tháp, những bức phù điêu qua thời gian vẫn gần như nguyên vẹn, vẫn căng tròn mềm mại nhún nhảy như sắp bay lên, còn trên nóc tháp lở lói những cây bồ đề nhỏ cúi mình nhìn xuống hưởng ứng vũ điệu bằng tiếng xạc xào của tiếng lá khua theo gió. Anh ngồi xuống cạnh Sâm và nhận thấy từ nàng tỏa ra làn hơi mát lạnh dễ chịu. Nhưng lạ chưa, nàng đang dịch ra xa để không sát gần anh. Lần nữa, Nghĩa ngồi sát vào, nàng lại dịch ra. Thêm hai, ba lần như vậy… đến khi nàng không còn chỗ để ngồi dịch ra nữa vì đoạn tường vỡ đã hết thì nàng đứng xuống đất và nhìn vào mắt anh. Nghĩa nhìn thấy mắt nàng phản chiếu ánh trăng chợt lóe lên như giận dữ rồi đột ngột nhòa đi… hình như nàng đang khóc…
          Nghĩa lúng búng: “Sao vậy Sâm… Lại đây ngồi với anh”
          Sâm vẫn đứng yên. Nghĩa chợt hiểu. Nàng đang giận anh. Cũng phải thôi. Cũng chính nơi này anh đã làm nàng thất vọng. Chính nơi này anh đã trốn chạy tình yêu…
          Rồi Sâm đột ngột bỏ về.
          Nghĩa ngồi ngẩn người. Kỳ ghê! Kéo nhau ra đến tận đây rồi chẳng nói gì. Một đoàn tàu ầm ầm chạy qua. Khi toa cuối của đoàn tàu đi qua thì Nghĩa thấy Sâm đã đi được một đoạn khá xa.

          Anh xin lỗi! Tại anh! Tại anh hết. Cái giây phút ngọt ngào nhất, thăng hoa nhất anh đã bỏ lỡ. Hôm ấy,  tại nơi này Sâm đã trong vòng tay Nghĩa. Đầu nàng đã ngả vào ngực anh, khuôn mặt nàng đầy trăng, mắt nàng lấp lánh ánh trăng… Sâm say đắm nhìn vào khuôn mặt Nghĩa đang cúi xuống. Trăng dọi sáng vầng trán anh, gió thổi tóc Sâm mơn man bên má. Môi chạm môi. Họ hôn nhau say đắm. Nghĩa như mê đi trong vị ngọt ngào của đôi môi người yêu và cảm thấy vòng tay nàng siết lấy anh chặt hơn chặt hơn.
          Mình và nàng sẽ đến tận cùng của tình yêu. Không việc gì phải băn khoăn đắn đo nữa… Nghĩa lập cập mở từng nút áo Sâm… Trăng nhễ nhại… bàn tay run run trên bầu ngực tròn căng. Không gian chỉ có ánh trăng và tiếng rì rào xào xạc của những lá cây trên ngọn tháp. Rồi anh cúi xuống gắn miệng vào bầu ngực trinh nữ, bàn tay tiếp tục lần tìm. Vòng tay của của người yêu lỏng dần, lỏng dần… Thoảng trong tiếng xạc xào là tiếng kêu khe khẽ: “Ui dà… Em… Em tội tình chi mà…mà ông Việt cộng xét… xét người… em…”
        
(Còn nữa)
     * Dị òm: Xấu hổ quá (tiếng Quảng Nam)
Đọc thêm!

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

ĐÊM ẤY CÓ NGUYỆT THỰC- Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 263-18/7/2013 đăng truyện ngắn "Đêm ấy có nguyệt thực" của Mai Tiến Nghị. Xin được giới thiệu phần đầu của truyện ngắn ấy.



Ông già ngồi dựa vào bức tường tróc vôi nham nhở. Một con mắt đờ đẫn đùng đục trong ánh sáng đèn điện đỏ quạch, con mắt kia chỉ là một cái hố, hai mép da dính nhau và không ngừng rỉ nước… thỉnh thoảng ông già đưa tay lấy mép cái khăn mặt bông vắt vai chấm chấm vào cái hố mắt tối om nhoèn nước ấy…
          - Phải chi ngày đó…
          Nghĩa nghe câu nói này nhiều lần kể từ hồi chiều khi anh vừa bước đến đây. Chỉ vậy nhưng anh cứ xao lòng mỗi khi nghe thấy câu nói ấy. Nó vừa như một tiếng thở dài tiếc nuối của một thời quá vãng.
          Thời gian lặng lẽ trôi nhưng trôi rất nhanh. Thoáng một cái đã ba mươi sáu năm. Có những lúc Nghĩa cứ nghĩ mình vẫn còn trẻ. Nhưng khi ra đường nhiều người gọi bằng ông, anh đã giật mình. Lại nữa, đôi lúc cần nhớ đến một cái gì đó thì vắt óc cũng không thể nhớ ra… Vậy mình cũng đã già.
          - Phải chi ngày đó…
          Chả lẽ anh đã bỏ dở cuộc tham quan ở Đà Nẵng để về thăm lại nơi anh đã từng ở chỉ để nghe một câu tiếc nuối thẫn thờ đến vậy sao? Anh ngạc nhiên vì đã ba sáu năm qua mà ông già vẫn nhớ tên anh khi anh bước đến mảnh vườn xưa. Lúc ấy ông già tay cầm cái bát mẻ đang múc cám cho mấy con ngan vươn cổ khạp khạp đòi ăn. Nghe tiếng chó sủa nhanh nhách, ông già ngẩng lên, rồi nghiêng nghiêng khuôn mặt hom hem, cằm điểm mấy sợi râu lưa thưa… một mắt chăm chăm nhìn anh, giọng nói không chút ngạc nhiên:
          - Hai Nghĩa đó hả.  Ừ…Ừ… cũng già rồi. Đợi chút…
          Nhà vắng hoe. Bà già chắc đã mất. Còn người mà Nghĩa cần gặp chắc đã đi lấy chồng. Phải thôi. Ba mấy năm rồi. Chắc cũng già rồi.
          - Vô nhà nằm nghỉ. Tau nấu cơm. Tối con Út Sâm nó mới về…
          Út Sâm là là con gái cưng của ông già. Ngày Nghĩa đóng quân ở đây cô mới chỉ mười bảy tuổi. Trên cô có hai người anh nhưng đều chết lúc mới sinh. Thành thử cô là con độc nhất, đang học lớp mười một trường nữ sinh ở thị xã thì giải phóng… Giải phóng, đơn vị anh cắm chân tại xóm, vô tình tổ ba người của Nghĩa tá túc ở nhà ông một mắt này. Nghe đâu ông ta trước là lính Hải quân “quốc gia”, tham gia hải chiến Hoàng Sa, bị thương vào mắt… thành phế binh và đã hoàn dân từ giữa bảy tư.
          Sâm đẹp, khuôn mặt thanh tú, dáng người thanh thanh và nước da trắng hồng. Cô rất ít nói, thỉnh thoảng bọn Nghĩa có trêu thì Sâm cúi mặt rồi lúng búng: “Dị òm” * nghe tội tội. Nhưng đôi mắt cô như biết nói. Có nhiều khi đôi mắt ấy ngơ ngác đến tội nghiệp, có những lúc chăm chú, nhưng đa phần lạnh lùng. Nhìn cô Nghĩa cứ tưởng tượng đến một cái bình thủy tinh mỏng mảnh rất dễ vỡ. Có thể do đã quen thấy các cô gái ở đơn vị với nước da ngăm ngăm, thân hình chắc nịch, nói cười oang oang nên khi gặp Út Sâm thì Nghĩa có cảm tưởng như vậy. Rồi như có một lực hút, Nghĩa rất thích nhìn cô làm việc, thích nghe cô nói và nhất là thích nhìn đôi mắt của cô mặc dù ánh mắt ấy không khi nào hướng về phía anh trừ khi có việc gì thật cần anh giúp thì cô mới nhìn anh với ánh mắt thản nhiên đến lạnh lùng.
          Hình như Út Sâm không mặn mà với việc những người chiến thắng đến tá túc tại nhà mình. Nghĩa quan sát thấy cô có vẻ cảnh giác trước mọi cử chỉ hành động của bọn anh. Đã có lúc anh định chuyển đến nhà khác. Nhưng không được, vì cấp trên chỉ định ở nơi nào thì phải nguyên ở đấy để tiện liên hệ… nhất là trong thời điểm này khi vừa giải phóng, không ít đối tượng còn vương vấn với chế độ cũ đang muốn trỗi dậy, cả đơn vị lại đang san lấp mặt bằng để xây dựng doanh trại. Hai vợ chồng ông chủ nhà một mắt và cô con gái thường chụm đầu thì thầm trong khi cô con gái cảnh giác nhìn xung quanh. Kệ! Việc ai người ấy làm, bọn anh vẫn thực hiện chính sách dân vận bằng việc hàng ngày quét sân quét nhà, phát quang bụi rậm, gánh nước đổ đầy cái chum ở cạnh bếp…Nhưng những việc ấy các anh cũng chẳng mấy khi được làm vì Út Sâm đã làm trước cả rồi.
          Cho đến một hôm, Nghĩa đang kéo nước ở cái giếng cạnh ngõ thì Biểu đến chơi. Vốn cùng quê, lại cùng nhập ngũ nên Nghĩa tưởng hắn đến thăm mình. Vừa gặp nhau Biểu đã hỏi ngay:
          - Đây là nhà Huỳnh Thị  Sâm?
          Nghĩa bảo phải. Cái thằng quỷ này thính gớm. Vậy mà nó đã làm quen được với cô gái. Để xem thằng này giở trò gì. Biểu hất hàm bảo: “Đi vào nhà với tao!”
          Nghĩa theo Biểu vào nhà. Anh giới thiệu với ông bà chủ đây là Biểu người quen với cô Út. Vừa lúc ấy Út Sâm cùng bước vào. Cô ngơ ngác nhìn người lạ…
          - Không! Tôi không quen cô Sâm! Biểu nói ngay và móc trong túi áo ngực ra một tờ giấy- Tình cờ khi đánh nhau ở Tiên Phước tôi có được cái này. Hôm nay tôi đến để đáp ứng nguyện vọng của cô ấy.
          Hắn đưa tờ giấy cho ông bố và quay lại giật chiếc mũ cối Nghĩa đang đội rồi ấn cái mũ vào tay Út Sâm: “Quà của cô đây!”
          Út Sâm thất thần như bị thôi miên, cô lúng túng cầm lấy cái mũ cối. Rồi khuôn mặt hồng hào của cô tự nhiên trắng bệch và cả người đổ khuỵu xuống. Nghĩa vội chạy lại đỡ cô gái, bà mẹ cũng chạy đến cùng đỡ cô ngồi xuống sàn nhà. Ông bố xem xong tờ giấy thì ngồi bất động thả tay buông cho nó rơi xuống, con mắt còn lại mở trừng trừng như nhìn vào khoảng không vô định. Lặng im đến nghẹt thở, chỉ có tiếng “Cộc” khô và lạnh của cái mũ cối rơi xuống nền gạch.
          Nghĩa để bà mẹ ngồi cùng cô gái, anh đứng lên nhặt tờ giấy. Thì ra đấy là một bức thư. Thư của Út Sâm gửi một người lính Cộng hòa. Trong nét chữ mềm mại là những tình cảm lâm ly như giọng điệu cải lương và cuối thư là câu chúc anh người chiến sĩ tuyến đầu anh dũng chiến đấu, đặng diệt thật nhiều giặc Cộng, ngày về làm quà cho em gái hậu phương một chiếc nón cối…
          À thì ra vậy. Nhưng sao Biểu lại làm thế. Sự trả đũa để khẳng định vị thế của người chiến thắng ư! Không! Nó là trò đùa của sự kiêu ngạo?... Nghĩa cúi xuống chụp cái mũ và lao ra khỏi nhà. Anh đuổi kịp Biểu khi hắn vừa ra đến ngõ. Biểu quay lại và nhận trọn một cái tát vào mặt. Hắn đưa tay xoa má, không nói gì và quay người đi thẳng. Còn lại Nghĩa đứng như trời trồng, chợt thấy bàn tay mình bỏng rát... 

 “Dị òm” *: Xấu hổ quá (Tiếng địa phương QN)
Đọc thêm!

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

"ÔI VIỆT NAM XỨ SỞ LẠ LÙNG"



“Ôi Việt nam xứ sở lạ lùng” ‘*’
Nhà nước ưu tiên Bà mẹ Việt nam Anh hùng
Cộng 2 điểm nếu Mẹ thi vào Đại học
Mẹ móm mém cười.
Trắng tóc.
Phều phào:
Cám ơn Bộ Học!

Các Liệt sĩ 
nhìn nhau bối rối:
liệu ngày mai...
sẽ có thông tư Liệt sĩ đi thi cũng được điểm ưu  tiên?
Và khóc…
Ôi Việt Nam…xứ sở lạ lùng!

“*” Thơ Tố Hữu
Đọc thêm!

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

TRỨNG VỠ-truyện ngắn của Mai Tiến Nghị



 Lâu rồi không viết bài- nay đăng truyện ngắn "Trứng vỡ" để giữ nhà cho khỏi lạnh. (Truyện ngắn này đã được in trên báo tuần báo Văn Nghệ (HNV VN) số 23 (2782) thứ bảy 08-6-2013. Ở đây mình đưa bản thảo đầu tiên chưa có sửa chữa.... Minh hoạ của hoạ sỹ Lê Trí Dũng.)


Người ta bảo ồn ào như chợ vỡ cấm có sai. Một cái chợ đang đông bị vỡ bởi đám đánh nhau. Chợ quê hẻo lánh, nhiều người bán, ít người mua, thành thử các bà ngồi chợ chỉ để hóng hớt buôn chuyện. Hết chuyện thì ngồi ngáp vặt… Đám đánh nhau là thời sự tại chỗ để những hãng vô tuyến truyền mồm thi nhau bình luận trực tiếp. Hàng trăm cái cần cổ rướn lên, hàng trăm cái mồm cùng nhao nhao lên tiếng, cả chợ ào ào như sấm động chả ai nói ai nghe...
           Bắt đầu bằng cuộc đấu khẩu giữa một bên là bà sồn sồn bán trứng. Bà này béo núc ních, mắt kẻ chì, mặt trát phấn nham nhở, áo lụa tím thêu hoa hở nách… Đối thủ là con bé khoảng mười sáu mười bảy tuổi mặt câng câng, tóc tai bù xù nửa đen nửa vàng, người ngợm thẳng đuỗn như cá rô đực, áo xống lôi thôi nhàu nhĩ cộc ngủn ngoẳn hở rốn, quần bò trễ cạp, rách te tua lòi cả mông…
          - Cha tổ bố con giời đánh! Nhà mày đây à mà mày ám bà từ sáng đến giờ. Chẳng có chó nào đến mở hàng…
          - Nhà tôi chó ăn cướp rồi. Chợ của nhà bà đấy à. Tôi ngồi mặc tôi!
          - Cha tổ bố con đĩ kia, ngồi hở rốn trật mông chổng đít ra ngoài cho thằng tổ mày xem đớ…i.
          - Chị em nhà bà mới là con đĩ!
          - Á à… con này láo! Con mẹ mày đánh đĩ bên Tàu… mày ở nhà nứng non… để thiệt thân con tao…
          - Đĩ cũng chẳng bằng chị em nhà bà…tại chị em nhà bà, tại thằng con bà, tôi mới khốn nạn…
          Như chỉ đợi có vậy, bà béo lồng lên xông vào túm lấy mớ tóc nửa vàng nửa đen của con bé dúi lấy dúi để “đĩ này.. đĩ này…” Con bé cũng chả vừa, nó khuyềnh khoàng nắm lấy tay bà béo rồi gồng mình đẩy lại. Sức vóc loẻo khoẻo làm sao có thể địch lại được với cái cơ thể núc ních gần tạ… Nghe chừng sức đuối, con bé giở võ cùn… nó nhe răng cắn vào cánh tay để trần của bà ta. Bà này cố giằng ra, tay kia vẫn nắm tóc con bé, miệng la oai oải: Ối làng nước ! Cứu tôi!
          Cả chợ người ngồi người đứng xem đám đánh nhau như xem kịch. Chả có ai can.

          Chuyến xe khách gần trưa từ Hà Nội về bóp còi toe toe rồi ậm ạch dừng lại ở ngã ba gần chợ. Một người phụ nữ nhỏ thó thong thả  bước xuống xe. Đó là cô giáo Xuân nhà cũng ở xã này. Cô mới nghỉ hưu từ hơn năm nay, vừa rồi lên Thủ đô thăm con trai, bế cháu nội. Nhìn dáng gầy gò, nét mặt buồn buồn, không ai nghĩ đó là cô giáo.
Xuống xe, cô định về nhà ngay nhưng chợt nhớ ra mình đi đã cả tháng, phải tạt vào chợ mua mấy thứ cho những ngày ở nhà.
          Gần đến cổng chợ đã nghe ầm ầm. Cô Xuân dừng lại hỏi ông coi xe ngay đầu chợ mà mình đã quen: “Có gì mà ầm ầm như cháy nhà vậy bác?”
          - Đám đánh nhau í mà!
          - Ai đánh nhau với ai ạ?
          - Mẹ chồng con dâu! Cái con bé gì đang học cấp hai đã ễnh bụng rồi bỏ học đấy.
          Cô giáo dừng lại.
          Con bé Điệp! Chắc là con bé Điệp rồi. Vì chuyện động trời của chúng nó ai chả biết. Tưởng đã quên, tưởng đã xong… Sao lại đến nỗi này? Sao lại đánh nhau? Điệp ơi! Tại cô. Chỉ tại cô. Nhưng…
          Thôi mình chả vào chợ nữa. Về nhà rồi hẵng hay.  
         
*
*   *
          Con bé ấy tên là Hoàng Thị Xuân Điệp. Hơn năm trước Điệp mới học lớp chín do tôi dạy Toán và làm chủ nhiệm. Nhà nó ở mặt đường, ngày xưa cũng có cửa hàng buôn bán nhì nhằng. Nhưng bố nó có tật rượu. Rượu vào là chập mạch. Khách đến mua hàng, ông chủ mặt đỏ như mào gà chọi, mắt gườm gườm như chuẩn bị đánh nhau. Thành ra người ta ngại: Mình mua hàng trả tiền sòng phẳng chứ có xin không đâu mà nó nhìn mình như kẻ thù, chả mua chỗ này thì mua chỗ khác…Vậy là ế hàng, lỗ chỏng chơ, nợ nần chồng chất. Cùng đường mẹ nó phải đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan để kiếm tiền trả nợ và cũng cố kiếm lấy tí vốn liếng cho con mình học hành bằng chúng bằng bạn. Ông bố tuổi chưa đến bốn mươi, lại vắng vợ nên như ngựa đực sổng chuồng. Hắn lươn khươn đi tối ngày, mặc hai đứa con muốn làm gì thì làm. Lũ trẻ cơm nước bữa ăn bữa nhịn, áo quần nhàu nhĩ quăn như lò xo. Được cái con bé cũng ngoan, nó biết chăm sóc em trai đang học lớp hai, biết lo toan việc nhà và chịu khó học hành. Năm nào cũng được giấy khen. Bố nó càng yên tâm mà ngao du thỏa chí.
          Từ khi vắng mẹ, nhà cửa trống tuyềnh trống toàng. Con bé Điệp mặt lúc nào cũng cúi gằm, đi về lặng lẽ như cái bóng. Đến lớp nó thu mình vào một góc chả chơi với ai. Bạn bè trêu chọc thì ngồi gục đầu xuống bàn, lặng lẽ khóc. Nhìn con bé thấy tội nghiệp lắm. Vậy là tôi cố gắng tìm cách gần gũi nó bằng những lời động viên. Rồi nó cũng tươi tỉnh lại nhất là khi vào giờ Toán của tôi. Những lúc ấy trông nó xinh hẳn lên.
 Thỉnh thoảng nó đến nhà tôi hỏi bài, rồi nó xăng xái dọn nhà cửa, có đứa bé trong nhà mình thấy vui hẳn lên. Càng quý nó hơn khi đến bữa bảo nó ở lại ăn cơm với cô nhưng con bé dứt khoát xin phép về nhà vì còn phải lo cơm nước cho đứa em. Con bé ngoan thế… càng thương nó hơn. Bảo nó ngày nghỉ đưa cả em sang chơi với cô. Thằng bé được sang nhà cô thì khoái lắm. Chủ nhật nào nó cũng giục chị đến nhà cô, chị em chúng xăng xái cùng cô trồng rau, quét dọn nhà cửa và ăn những bữa cơm đạm bạc nhưng đầm ấm. Suốt ngày suốt bữa thằng bé ríu rít, con chị thỉnh thoảng lại lừ  thằng em… nhưng cũng rất vui. Còn tôi cũng vui lây niềm vui của con trẻ, khỏa lấp sự trống trải khi con trai vắng nhà
          Bẵng đi vài tháng, không thấy chị em cái Điệp đến nhà chơi. Mấy lần gặp Điệp ở lớp hỏi lý do, nhưng nó không nói gì và có ý lảng. Chắc là con bé bị các bạn trêu chọc là đến nhà nịnh cô giáo nên ngại… Vậy nên tôi cũng không hỏi nữa.
          Ấy vậy mà chỉ vài tháng ấy mà con bé thay đổi hẳn, y như trong chuyện cổ tích.
          Con bé Điệp phổng phao, ăn mặc diêm dúa áo thun cộc, quần bò trễ cạp… tóc nhuộm vàng hoe, nước hoa thơm nức, điện thoại di động dắt cạp quần… nổi bật trong đám học sinh cùng lứa. Bọn con gái nhìn Điệp với đôi mắt ngưỡng mộ và bắt đầu ao ước giá mà mẹ mình cũng đi làm Ô sin bên Tàu! Đám đầu gấu choai choai lượn lờ bám theo con Điệp để tán tỉnh. Thỉnh thoảng bọn chúng đột nhập vào nhà trường gây gổ đánh bọn học sinh nam để ra oai lấy lòng con bé. Chỉ cần cái Điệp phật ý với đứa nào trong trường, lập tức đứa ấy bị bọn mất dạy dằn mặt ngay bằng những cú đấm đến tóe máu mồm máu mũi… Đứa bị đánh không bao giờ dám  tố cáo, vì nếu tố cáo thì sau đó còn tệ hại hơn. Thành thử con Điệp như một nữ chúa tác oai tác quái trong đám học sinh nhà trường.
          Tôi gặp riêng bảo con bé con gái phải thùy mị nết na, em lớn rồi quan hệ phải giữ mình đúng mực, ăn mặc nên kín đáo đừng để người ta đánh giá nhà không có người bảo ban và đưa cho nó một chiếc áo sơ mi trắng mới tinh. Nó nhận cái áo lí nhí cảm ơn rồi ra về.
           Nhưng ngày hôm sau, Điệp vẫn áo thun cộc, quần trễ cạp hở rốn nghênh ngang đến trường. Trực tuần dọa không cho vào lớp cũng chả ăn thua. Cứ thử không cho vào lớp xem, nó sẵn sàng đi chơi cả ngày với bọn đầu gấu.
Thuyết phục, động viên không kết quả, tôi đến nhà nó để gặp bố nó xem sự thể thế nào. Ngay cửa là tấm biển: “Hớt tóc thanh nữ” đèn xanh đỏ nhấp nháy. À thì ra bố nó dạo này chuyển sang cắt tóc. Nhưng sao lại hớt tóc thanh nữ? Cũng mừng vì anh ta đã có việc làm, có điều kiện để chăm lo cho con bé. Tôi đề nghị bố cái Điệp quan tâm nhắc nhở đến cách ăn mặc quan hệ đúng mực. Ông bố ậm ừ miệng hứa nhưng thỉnh thoảng đảo mắt trông chừng cái máy điện thoại di động đang dắt cạp quần của con bé.
          Điệp vẫn đến trường đều đặn nhưng trong lớp ánh mắt nó đờ đẫn mơ màng tận đâu đâu, học hành sút kém đến thảm hại… Môn toán là môn nó học khá nhất nhưng bây giờ trong sổ điểm không có lấy được điểm năm.
          Giờ luyện tập Toán, bài rất dễ nên cả lớp hào hứng giơ tay. Nhưng tôi lại gọi Điệp lên bảng, cốt là để cho nó có được điểm tốt rồi từ đấy động viên nó chăm chỉ học hành. Tôi xuống từng bàn kiểm tra bài làm của học sinh, khi quay lên thì nó đang cúi người viết ở phần dưới bảng, cái áo thun cộc làm hở ra một mảng lưng. “Con bé này đến vô tâm”- tôi nghĩ vậy vội đứng chắn lấy cái mảng lưng hớ hênh ấy, miệng nhắc nhỏ:
          - Em viết bài sang cột bên cho các bạn dễ nhìn.
          Con bé không quay lại, chỏng lỏn:
          - Còn vài dòng nữa thôi!
          Ương bướng đến thế là cùng. Đành phải cố nhịn. Tôi lại bàn giáo viên nhìn xuống nhắc: các em xem lại bài vừa giải để cho nhận xét.
          Nhưng lạ quá, cả lớp im lặng. Bọn con trai hau háu mắt dòm lên, bọn con gái thì cúi gằm, vài đứa lấy tay che mặt. Quay lại. Giời ạ! Con bé cố tình không chịu chuyển sang cột bên mà đang ngồi xổm viết đến mép dưới bảng đen. Cái áo cộc hếch lên nửa lưng. Cái quần cạp trễ bị kéo tụt xuống phía dưới như sắp tuột hẳn ra, cái quần lót cũng bị kéo theo lòi hai bờ mông…
          Tôi cũng ngượng. Ngượng và xấu hổ. Và bực bởi cái ương bướng của con bé. Thuận tay đang cầm cái thước, tôi vụt mạnh vào mông nó:“Đã bảo rồi! Con gái gì mà vô ý vô tứ!” Con bé giật nảy mình vặn nghiêng người, đít cong lên, tay xoa mông trần một cách hớ hênh lộ liễu. Động tác như thể muốn khoe thêm, như khiêu khích… Mắt nó long lên:
          -Sao… cô dám?
          Rồi nó rướn thẳng người, cánh tay vung lên gạt mạnh tay tôi. Cái thước rơi xuống, một tiếng “cạch” khô và lạnh…
          Con bé phóng người ra khỏi lớp.
          Khi cái thước rơi xuống đất, chợt nhận ra sai lầm khủng khiếp mà mình đã phạm phải thì tôi run lên. Mình bất lực. Đúng! Cái thước vụt vào sự bất lực của chính mình. Bài toán gọi Điệp lên bảng là cho nó gỡ điểm. Bài toán ấy nó đã giải được, nhưng còn bài toán đặt ra cho chính tôi?
          Tối hôm đó tôi đến nhà con bé Điệp. Đến thực lòng xin lỗi gia đình để họ thông cảm và để bé Điệp yên tâm học hành… Thật ra hồi chiều bà Hiệu trưởng thông báo gia đình đã có đơn lên nhà trường vì tôi đã có hành vi “đánh” học sinh. Cũng không phải vì theo yêu cầu của bà Hiệu trưởng: việc đã đến nước này thì đồng chí làm sao phải dẹp yên để khỏi ảnh hưởng tới danh hiệu Tiên tiến Xuất sắc của nhà trường.
          Cái biển “Hớt tóc thanh nữ” vẫn nhấp nháy xanh đỏ trước cửa. Tôi vào nhà, không thấy Điệp đâu, chỉ có đứa em nó đang chúi mũi vào ti vi. Thằng bé ngỡ ngàng ngẩng đầu lên khi tôi cất tiếng và chạy à đến nắm tay tôi: A! Cô giáo, bố ơi... cô Xuân đến nhà ta chơi.
           Phải đợi đến dăm phút sau mới thây ông bố áo quần xộc xệch từ nhà dưới khệnh khạng lên cùng với một cô quần bò tóc tém mặt hoa da phấn, mắt môi lúng liếng. Hơn nữa cô ta còn sở hữu bộ ngực đồ sộ rung rinh rung rinh theo nhịp nhún nhảy của mỗi bước chân. Ông bố lừ mắt, thằng bé tiu nghỉu, nó vội rời tay tôi rồi lại về chỗ cũ chúi mũi vào cái ti vi.
          À! Thì ra vậy. “Cắt tóc thanh nữ” là cô này. Và tôi đã hiểu vì sao bé Điệp thay đổi.
          Cô cắt tóc thanh nữ nghênh mặt, chủ động kéo ghế ngồi vắt chéo chân trong khi vị phụ huynh lúng túng mời cô giáo ngồi.
          Mình đến làm việc với phụ huynh học sinh, cô này có vai trò gì mà ngồi đây? Cố giữ phép lịch sự, tôi nhắc khéo:
          - Xin lỗi cô, cho tôi được nói chuyện với phụ huynh của em Điệp.
          Nhưng cô này vẫn nghênh mặt làm như không nghe thấy. Thực ra cũng chẳng có gì phải giấu, kệ cô ta! Nghĩ vậy tôi vào câu chuyện ngay và chủ động xin lỗi vì hành động bột phát của mình lúc buổi sáng. Ông bố ậm ừ… chưa kịp nói gì thì cô cắt tóc thè cái lưỡi đỏ liếm cặp môi đỏ choét,  uốn éo:       
          - Chắc cô giáo thắc mắc về vai trò của tôi trong cuộc lói chuyện lày. Thứ nhất, lói để cô biết, tôi là người rất thương yêu cháu Điệp. Tình thương của tôi không thể kể siết. Có cháu biết đấy, tôi lo cho cháu cả từ giấc ngủ, luôn mồm động viên cháu. Đây cháu về đây rồi. Kẻo cô lại bảo tôi nói sai…
Quay lại, con bé Điệp cùng một thằng choai choai đang đứng ngay cạnh cửa ra vào. Hai đứa nắm tay nhau, nghểnh cổ nghe…
- Bố cháu từ khi đẻ cháu ra chưa bao giờ đánh cháu. Vậy mà cô dã man tàn bạo sâm phạm cơ thể cháu- Cô tóc tém lại liếm môi: Tôi hỏi cô, cháu Điệp lên bảng có làm được bài không? Có chứ gì. có cãi mắng vô lễ xúc phạm cô không? Không. có đánh nhau làm mất đoàn kết không? Không! Vậy cớ gì mà cô đánh ? Rõ ràng cô căm thù , cô ghét ! Thứ hai, tôi là một người dân, tôi rất chăm lo cho giáo dục. Tôi có trách nhiệm lên tiếng, không thể để tình trạng bạo hành trong nhà trường.
Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, người ta có quyền nói, mình không thể cãi lại được. Tôi đành phải thanh minh: thấy nó hớ hênh vậy nên xấu hổ mới có hành động bột phát chứ thực lòng tôi rất thương cháu.
Như chỉ đợi có thế, cô tóc tém nhổm người vươn cổ về tôi. Mặt giáp mặt, đến nỗi chỉ thấy cặp môi đỏ choét toác rộng, hàm răng trắng nhởn với hai cái răng khểnh như nanh sói. Tôi phải quay chỗ khác để tránh.
- Cô tưởng cái áo với vài quyển vở là thương à! Ai cần! Kia kìa… chỉ là giẻ lau. Bỏ ra vài đồng bọ là muốn áp đặt thế lào cũng được phải không? Ăn mặc đẹp như thế sao dám bảo là hớ hênh. Hớ hênh mà đầy đường, đầy trên ti vi. Cô lạc hậu cổ hủ lại bắt lớp trẻ lạc hậu như mình ư?
- Nhưng việc xảy ra trong lớp học…
Cô cắt tóc đanh mặt cướp lời:
- Vì vậy mà tội của cô càng to. Cô súc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của cháu trong lớp học trước bao nhiêu con người…
- Vâng! Tôi đã sai. Vậy nên tôi đến nhà để xin lỗi…
Cô thợ cắt tóc ngồi xuống đắc thắng:
 - Đánh con người ta rồi bây giờ ngồi nói xin lỗi suông sao? Đáng ra cô phải quỳ xuống để mà xin lỗi. Lếu cô không thành khẩn thì tôi quyết không tha. Tôi sẽ gửi đơn lên tận trung ương cho cô biết tay…
          Tự nhiên thấy nghẹn ứ cổ. Nước mắt trào ra. Chưa bao giờ tôi bị sỉ nhục đến như vậy. Trước mắt bây giờ chỉ còn thấy những cái bóng nhòa nhòa xuyệch xoạc ngả nghiêng. Và cái mồm đỏ choét, cái lưỡi cũng đỏ choét, hàm răng trắng nhởn có cái răng khểnh như nanh sói…         
          Hơn ba  mươi năm công tác, gần hai chục lần lên bục danh dự nhận bằng Chiến sỹ Thi đua. Tất cả vinh quang cộng lại không bù nổi một lần nhục nhã bị sỉ vả như tội đồ. Cay đắng!
Không thể thanh minh, chỉ biết cúi mặt tới trường. Những giờ lên lớp đối với tôi trở thành cực hình vì luôn bắt gặp tia nhìn đắc thắng của con Điệp và ánh mắt thờ ơ lạnh lùng của bọn trẻ. Cũng phải thôi! Mình là một tội đồ, mình không còn đủ tư cách rao giảng dạy dỗ.
          Đành xin nghỉ hưu trước tuổi. Vì cái chuyện lình xình với con bé Điệp mà tôi được chấp nhận ngay.


Nghỉ việc rồi nhưng sáng nào cũng vội vàng chuẩn bị cặp sách lên lớp. Nhưng chợt nhớ ra mình đã nghỉ dạy rồi. Tự dưng thấy buồn, thấm thía nỗi cay đắng của một nhà giáo mất nghề. Cồn cào thèm nghe tiếng ríu ran của bọn trẻ, thèm được thấy những ánh mắt long lanh ngày xưa …
          Càng buồn hơn vì không lâu sau khi tôi nghỉ hưu thì nghe tin con bé Điệp bỏ học. Tại mình mà nó bỏ học? Tôi dằn vặt nhiều lúc trong giấc mơ chập chờn lại hiện lên hình ảnh con bé mắt long lên giận dữ thẳng tay gạt cái thước…
          Nhưng không phải vì cái lý do đó. Vì chỉ mấy tháng sau thì bung ra chuyện nó đã có thai với một thằng tóc xanh đỏ rủ mành mành kiểu Hàn quốc, cháu gọi cô cắt tóc là dì ruột. Thằng này là dân chích choác và cũng chưa đầy mười tám tuổi. Con bé vừa biết yêu nên chỉ sợ thằng này ngãng ra, cô cắt tóc liền lợi dụng biến thành điều kiện với con bé Điệp để nó im thít trước quan hệ của cô ta với bố nó. Thằng cu này cũng chỉ nghĩ đơn giản là chơi bời cho biết đời. Nhưng đời cũng cho bố cái Điệp biết cách vung dao bầu bắt thằng này phải chịu trách nhiệm. Cu cậu sợ vãi linh hồn nên phải về thưa với mẹ, để chúng về ở với nhau chứ cả hai đứa đều chưa đủ tuổi kết hôn.     
          Rồi chuyện cái Điệp bỏ học lấy chồng trẻ con, bố nó tằng tịu với cô cắt tóc thanh nữ cũng không thể giấu được mãi. Mẹ nó lập tức cắt đứt viện trợ, làm thủ tục li dị và đã lấy ngay một chàng Đài Loan. Cô cắt tóc thanh nữ bà dì của chồng cái Điệp trở mặt. Căn nhà của gia đình nó phải chuyển sở hữu cho cô cắt tóc để trừ nợ(!) Bố cái Điệp và mọi người hiểu ra sự việc thì đã quá muộn! Hắn ngậm ngùi dẫn đứa con trai vào tận trong Nam làm ăn.
 Thỉnh thoảng tôi ra chợ, thấy cái Điệp bụng đã lùm lùm ngồi bán trứng vịt cùng một bà béo áo lụa thêu hoa trễ cổ hở nách. Hỏi ra thì biết đấy là mẹ chồng nó. Thôi cũng đành vậy! Con bé cúi mặt khi nhìn thấy cô giáo cũ. Còn tôi cũng phải nhìn chỗ khác mỗi khi đi qua… nhưng thấy có cái gì nghẹn nghẹn buốt buốt trong ngực.        
*
*    *
         
          Đã đi mấy bước, cô  Xuân chợt lưỡng lự rồi quay lại hỏi: 
          -  Đầy người ở chợ…Không ai can, để đánh nhau đến chết à?
          - Ai dám! Con này hung đồ lắm. Dại gì nhảy vào can, nhỡ nó cào cho một cái để đeo bệnh mà chết à.
          - ???…
          Ông coi xe nhận thấy vẻ mặt chăm chú của cô giáo bèn giải thích một hơi:
          - Thế cô không biết gì à? Cô đi vắng nên không biết cũng phải thôi. Tháng trước thằng chồng con bé này lăn đùng ra chết trong buồng, người thì bảo phạm phòng, người thì bảo xốc thuốc…chích quá liều. Rồi con này đi phá thai. Này, có khi con bé nhiễm si đa từ thằng chồng nên phải phá thai cũng nên. Rồi mẹ chồng đổ riệt tại con bé nên chồng nó mới chết và tống cổ ra khỏi nhà. Mà đuổi cũng chẳng ai nói gì được! Có cưới xin, đăng kí đăng kiếc gì đâu! Con này ở nhà thằng kia là ở nhờ… người ta thích đuổi lúc nào mà chả được…Vậy là cầu bơ cầu bất. Chả ai dám chứa. Chứa để lây si đa à! Ngày nào nó cũng đến ngồi ở chỗ nó ngồi trước đây để ám mụ kia. Vậy là đánh nhau…
          Không kịp nghe gì thêm, cô giáo tất tả đi như chạy vào chợ. Ông coi xe nói với theo: “Cẩn thận cô giáo nhá!”
          Đám đánh nhau đến hồi cao trào. Con Điệp như động kinh, tóc xù lông nhím, mắt long sòng sọc, hai tay nó vơ những quả trứng ở dưới sạp hàng của mẹ chồng: “này thì đĩ non”, “này thì đĩ già”… nó ném trứng tới tấp vào bà ta theo nhịp “này thì”, “này thì”. Bà này nhảy như choi choi, ật ưỡng di chuyển thân hình nặng nề tránh những quả trứng trong khi mồm vẫn quang quác: Cha tổ bố con đĩ non… nhưng không thể tránh kịp. Lòng trắng lòng đỏ trứng bầy nhầy trên quần áo, sền sệt rớt thành dòng trên tóc tai xõa xợi, nhòe nhoẹt trộn chì đen lẫn phấn trắng loang lổ khuôn mặt của bà béo. Cái áo tím hở nách bây giờ rách toạc từ cổ xuống bụng phơi cả rốn cũng bám đầy lòng trứng… những vệt lòng đỏ trứng hòa cùng màu áo sẫm lại như những vệt máu…
          Người xem đứng thành vòng trong vòng ngoài… chả ai can.
          - Thôi ngay! Một tiếng nói lạnh lùng làm con Điệp ngỡ ngàng. “Bốp!” Một cái tát. Con bé Điệp sững lại, như phản xạ tự nhiên đưa mu bàn tay xoa má. Mắt nó long lên rồi quay người định tấn công vào người vừa tát nó. Hai tay cầm những quả trứng vung lên…
          Nhưng người đang đứng trước mặt nó là cô Xuân. Cô đang nhìn nó với ánh mắt giận dữ, hai bàn tay xòe rộng. Cái Điệp khựng lại, mặt thất thần, hai cánh tay nó tự dưng thõng xuống, những ngón tay lỏng dần, lỏng dần… Quả trứng trên tay rơi xuống vỡ bụp ngay dưới chân. Con bé lùi lại, lùi lại…nó thụp xuống. Người ta nghe rõ cả tiếng chân giẫm lên vỏ trứng lạo sạo… Bỗng vỡ òa tiếng khóc nức nở.
          Cô giáo đứng lặng để yên cho con bé khóc. Hai vai gầy của nó từng chặp từng chặp rung lên theo tiếng nức nở. Cô cũng đang cố kìm những giọt nước mắt đang chực trào ra khi trước mặt là con bé Điệp mới hôm nào còn phổng phao tươi tắn mà bây giờ đầu tóc xác xơ, thân hình tiều tụy như lá héo…
          Chợt cô quay lại nhìn xuống nói bằng một giọng điềm tĩnh nhưng nghiêm khắc:
          - Đứng dậy! Không khóc nữa! Lau mặt đi! Về với cô…
          Con Điệp ngẩng lên ngỡ ngàng, tất cả mọi người cùng ngỡ ngàng.
          Cô giáo bảo với bà mẹ chồng con Điệp: Mai tôi sẽ đền số trứng vỡ cho bà!
          Cúi xuống, cô nắm tay con bé:
          - Đi nào! Về với cô!
          Rồi cô đi trước đầu ngẩng cao, cái Điệp líu ríu cúi mặt bước theo. Mọi người im lặng dãn ra mở thành một lối đi rộng dành cho hai cô cháu.

                                                            Hải Hậu – tháng 4 năm 2011
                                                                                   MTN
Đọc thêm!