Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

ÔNG "LẮM ĐIỀU"- Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị



- Dậy! Dậy ngay. Làm cái thằng đàn ông sức dài vai rộng mười sáu mười bảy tuổi rồi mà giấc này vẫn còn ngủ trương mắt lên. Lại còn mở cửa toang hoang, tháng củ mật này thì trộm nó khiêng cả người đi. Gớm! Nhà cửa không khác cái chuồng trâu… hôm nay hăm tám rồi… tết nhất đến nơi rồi, để như thế này mà coi được à. Rồi có ai đến… người ta cười vào mặt…
- Mặc xác tôi!
Thằng Hiếu lẩm bẩm thành tiếng và tung chăn ngồi dậy. Nó dụi mắt nhìn ra: lù lù chắn đầy khuôn cửa một cái bóng người lòng khòng, phần trên thì to sù được đỡ bằng hai cái cẳng khẳng khiu. Biết ngay mà! Lại lão Lắm Điều, hàng xóm cách nhà Hiếu ba ngõ. Ai khiến! Cứ như là bố người ta không bằng.
Người đàn ông có tên Lắm Điều có vẻ ngượng vì cái câu trả lời quá mức gọn gàng của thằng Hiếu. Lão lầm bầm: "Mất dạy" rồi biến mất sau khung cửa. Thằng Hiếu quần đùi áo may ô nhảy xuống đất chạy ra cửa ngóng theo thấy cái dáng lòng khòng của lão khuất sau rặng hóp. Ừ đấy! Mất dạy đấy! Làm gì được tôi.
Thằng Hiếu ghét lão Lắm Điều từ cách đây đến dăm sáu năm. Hồi ấy lão Nguyễn Văn Lắm là công an xóm, thỉnh thoảng có bắt được vài vụ trộm vặt và đám "hủ hóa" ngoài đê. Cái chuyện ăn cắp vặt buồng cau nải chuối thì mọi người chẳng quan tâm… nhưng những vụ "hủ hóa" trở thành đề tài thời sự của cả làng. Người ta xì xầm, bàn tán và nhìn lão Lắm như người anh hùng vì đã xả thân vì nền đạo đức. Lão vênh mặt tự hào, đi đâu cũng dò xét ra điều mẫn cán. Một lần lão đang lòng khòng với dáng điệu quan trọng như vậy thì đám trẻ do thằng Hiếu cầm đầu chạy đến:
- Bác Lắm ơi!
- Gì?
- Kia có đám "hủ hóa".
- Chỗ nào?
- Ngay trước cửa nhà kho, chỗ bờ ao…
Chỉ cần nghe đến đây thì cái dáng lòng khòng duỗi thẳng ra thành cái mũi tên lao đến hiện trường. Lão Lắm vừa chạy vừa ngoái lại chúm môi suỵt suỵt lũ trẻ đang rồng rắn đuổi theo: "Trật tự, trật tự, chúng mày nói to chúng nó nghe thấy mặc quần áo vào là hỏng. Không cho chúng nó thoát!". Đến đúng chỗ được chỉ điểm, vừa phì phò thở lão vừa nhìn quanh. Chả có gì, chỉ thấy dưới ao toàn là bèo, bờ ao toàn là cỏ, lão Lắm dậm chân tiếc rẻ:
- Chúng mày… chúng mày… ngu bỏ mẹ! Chẳng có nghiệp vụ gì cả. Cứ rầm rập, rầm rập. Nó chạy mất rồi!
- Nó vẫn còn đây! - Thằng Hiếu dõng dạc.
Lão Lắm vội hỏi: "Đâu?" và nhìn theo tay của thằng Hiếu. Trên một đám bèo tây gần giữa ao có hai con chão chàng đang "cõng" nhau. Điên người vì bị mắc lỡm, ông công an viên gầm lên: "Đồ mất dạy" và dang thẳng cánh tặng cho thằng chỉ điểm xỏ lá một cái tát.
Rồi sau đấy lão không làm công an xóm nữa. Chả biết có phải vì chuyện ấy không. Nhưng thằng Hiếu thì ghét lão Lắm đến cái mức trông thấy lão thì nó đưa tay lên xoa má rồi lỉnh mất và gần đây còn theo đuôi người ta gọi lão là Lắm Điều. Gọi thì gọi thế chứ nó cũng chả biết vì sao lại có cái tên ấy.
Biệt danh Lắm Điều được mấy người trong xóm gán cho lão từ cái chuyện bình bầu hộ nghèo. Sở dĩ phải bình bầu vì xã phân bổ chỉ tiêu cho mỗi xóm chỉ được có 5 hộ. Lão Lắm lý sự: "Phải theo tiêu chuẩn của Nhà nước mà đưa vào danh sách chứ sao lại có chỉ tiêu" thì được trả lời huyện giao chỉ tiêu cả xã có 50 hộ, xã chia đều cho mười xóm. Rồi các ông hội đồng xóm đưa danh sách lấy biểu quyết. Lão Lắm lại có ý kiến:
- Thôi thì trên ấn định xóm ta chỉ có bằng ấy hộ nghèo thì cũng đành. Bó đũa chọn cột cờ… ấy ấy nhầm… bó cột cờ chọn đũa. Tôi cũng đồng ý các hộ đã đưa vào danh sách, dưng mà tôi thấy còn một hộ nghèo nhất mà bà con ta quên.
- Hộ nào? Hộ nào? - Cả đám họp xóm nhao nhao.
Lão Lắm thủng thẳng:
- Hộ thằng Hiếu, con bé Vân chứ hộ nào. Bố mẹ nó chết cả. Nhà chỉ còn có hai anh em…
Lại nhao nhao: "Bố mẹ nó chết làm gì còn hộ gia đình mà xét hộ nghèo"; "Phải đấy! Hai anh em nó đã được bên nội, bên ngoại chia ra mỗi đằng nuôi một đứa rồi". Lại có người dè bỉu: "Chỉ được cái hớt hóng, nó đã đến tuổi người nhớn đâu mà bình bầu".
Lão Lắm rành rẽ:
- Đúng là trước đây nó đã được chia về hai họ nội ngoại. Dưng mà là họ xa. Ruộng nương của nhà nó người ta cấy, tiếng là người ta nuôi… dưng mà chúng nó cũng chẳng sung sướng gì. Thằng Hiếu mười lăm tuổi, con em mười một tuổi người ta chẳng cho đi học, lấy cớ thằng lớn đã tốt nghiệp cấp hai, đã đủ sức phải đi làm phụ hồ, còn con em thì phải ở nhà bế em cho mợ… Vậy hóa ra là ôsin không công, nên anh em nó trở về nhà cũ hơn năm nay. Ai chả biết. Thằng Hiếu nghỉ học cấy ruộng, làm phụ hồ nuôi em ăn học. Khổ thế còn gì. Đưa nhà nó vào diện hộ nghèo thì cũng có được cái gì hơn, cốt để khi ốm đau được khám chữa bệnh, con bé còn đi học được giảm học phí… Các vị có lý sự kiểu gì thì anh em chúng nó vẫn là khó khăn nhất. Tôi nói thế đấy, các vị bảo tôi hớt cũng được, lắm điều lắm nhời cũng được, nhưng nghĩ xem tôi nói có đúng không?
Cả xóm phá ra cười như vỡ chợ. "Đúng là ông Lắm Điều..."; "Từ mai gọi ông ấy là Lắm Điều".
Minh hoạ: Thành Chương.
Ông Trưởng xóm thấy tức anh ách vì danh sách đã chuẩn bị lại phải thay đổi, rồi cấp trên sẽ trách cứ là không sâu sát. Nhưng tức hơn vì năm hộ kia lại bị đưa ra mổ xẻ xem hộ nào nghèo hơn và nguyên nhân tại đâu mà nghèo. Hộ gia đình em ruột của trưởng xóm bị loại với lý do nào là lười lao động, suốt ngày say xỉn, nào là dù nghèo nhưng trưởng xóm lại giầu nhất xóm, chả nhẽ không cưu mang đùm bọc. Nói vậy chẳng hóa ra cạnh khoé ông và họ hàng nhà ông keo mo. Vậy là cả nhà, cả họ trưởng xóm đều ghét lão Lắm Điều.
Oái oăm là thằng Hiếu lại không ưa lão Lắm và lại kính trọng ông trưởng xóm. Không ưa lão Lắm vì cái tát ngày xưa và kính trọng ông trưởng xóm chẳng phải bởi "kẻ thù của kẻ thù là bạn ta" mà là vì nhà ông ta có đứa con gái. Con bé này tên là Quỳnh, hơn Hiếu hai tuổi. Con bé thân hình phốp pháp, ngực căng nây nẩy mà mắt thì ươn ướt. Mỗi lần trông thấy Hiếu thì cô nàng lại đong đưa mắt… làm thằng con trai mới lớn mặt đỏ như gấc, những mụn trứng cá đội căng lên như muốn nổ tung; đầu óc choáng váng mất thăng bằng, hai cẳng chân gầy ngẳng run run sắp khuỵu xuống như người say rượu.
Quỳnh thường sang nhà Hiếu khi cu cậu rảnh việc. Cô nàng ỡm ờ làm chàng Hiếu ngây thơ bị cuốn vào trong dòng xoáy của sự yêu ghét lúc chỉ có hai đứa:
- Đằng ấy đảm đang nhỉ. Cũng nuôi được cả gà cơ à?
- Có mấy con gà nhép lão Lắm đem cho con em gái hồi mới về í mà.
Con bé Quỳnh vênh mặt cong môi xì một tiếng:
- Úi giời… Lão ấy vẻ quan tâm thế chứ đểu phết. Hôm họp xóm, lão ấy phát biểu coi đằng ấy như ăn mày.
- ?
- Lão ấy bảo anh em nhà đằng ấy sống vất vơ vất vưởng phải đi làm ôsin cho nhà người ta, lại phải nhờ mọi người giúp mới được về nhà, mới lấy lại được ruộng. Nói vậy không có họ thì mình chết à.
- Thật á?
- Thật!
Hiếu đứng phắt lên:
- Để sang chửi lão Lắm Điều một trận.
Cái Quỳnh đưa tay dứ dứ vào trán thằng Hiếu:
- Khiếp! Người đâu mà nóng như lửa. Ghét thế không biết. Rồi lại đôi chối, rồi lại đổ tội cho người ta. Ứ nói nữa! Thôi về đây.
Hiếu nắm lấy tay Quỳnh kéo lại: "Đừng về". Con bé giằng ra: "Cứ về". Giằng giằng kéo kéo… tự nhiên đứa con gái ngã chúi vào người anh con trai mới lớn. Được cả khuôn ngực con gái mềm mềm áp vào ngực làm anh chàng Hiếu đần mặt sững người, chân tay như thừa ra. Đứa con gái nhìn thấy điệu bộ ấy thì cười khanh khách và bỏ chạy. Hiếu nhìn theo cái bím tóc trên lưng của Quỳnh dập dềnh theo nhịp bước chạy… tự nhiên thấy khát đến khô cả miệng.
Cú va chạm khác giới đầu đời, tiếng cười và mái tóc dập dềnh ám ảnh trong đầu chàng trai mới lớn. Thì ra Quỳnh đã yêu mình. Vậy là hàng ngày Hiếu tìm mọi cách để được gặp mặt Quỳnh. Lần nào cũng vậy, con bé vẫn nhấm nhẳng "Ghét thế!" làm Hiếu càng tin điều mình đang nghĩ. "Con gái nói ghét là yêu" - có bài hát đã nói như vậy. Và tin ở những điều Quỳnh đã kể. Càng tin Quỳnh càng ghét lão Lắm Điều.
Lão Lắm hình như không biết điều đó nên chả ngày nào là không qua nhà Hiếu. Lão như ma xó ập vào nhà làm anh chàng không kịp lỉnh, chỉ biết lấy tay xoa má… Bao giờ cũng vậy, chưa thấy người đã thấy tiếng lão oang oang: Nào là "Đã mua lúa giống chưa?", nào là "Sắp đến giỗ bố mày đấy, chuẩn bị được cái gì rồi?". Có lúc thì kể lể "Hôm nay tao gặp cô giáo chủ nhiệm của em mày, thấy cô ấy bảo dạo này con bé học hơi sút đấy, quan tâm nhắc nhở nó nhá". Hiếu giả bộ lặng im nghe nhưng mắt lại gườm gườm khó chịu. Bụng nó thầm nghĩ, mặc xác tôi. Lạ gì cái kiểu miệng nam mô tay một bồ dao găm của lão.
Có dễ đến nửa tháng nay không gặp Quỳnh, anh chàng Hiếu nhớ đến cháy ruột, cháy gan. Hay là Quỳnh ốm, hay là Quỳnh đi làm xa. Hiếu le ve gần nhà Quỳnh mà không dám vào. Chả có cớ gì để mà vào. Nhưng nhìn thấy mấy cái áo con gái vẫn giăng trên dây phơi trước cửa thì biết chắc Quỳnh vẫn ở nhà. Hôm qua lão Lắm Điều lại mò sang, lúc ấy Hiếu đang nằm dài trên giường.
- Này, dậy đi cuốc góc ruộng nhà mày đi. Tao đã bảo họ cày cho rồi đấy.
Hiếu vẫn nằm, xẵng giọng:
- Mặc xác tôi!
Làm như không nghe thấy, lão Lắm Điều vẫn tưng tửng:
- Năm nay lập xuân muộn. Ra giêng mới gieo mạ trên sân. Tranh thủ lấy ít bùn để đấy chứ chả nhẽ lúc người ta cưới, mình lại cởi quần mò xuống ao móc bùn…
- Ai cưới?
- Cái Quỳnh con trưởng xóm!
Hiếu nhỏm dậy. Chả nhẽ…
- Lấy ai?
- Lấy con ông phó chủ tịch xã. Thằng này mới đi Đài Loan về. Đám cưới ấy rồi to phải biết. Thấy bảo nhà xóm trưởng làm bảy chục mâm. Giết hai lợn tạ, đánh hết ao cá… Mời cả xóm, có khi mời cả nhà mày đấy. Chuẩn bị tiền mừng đi là vừa, nghe đâu mùng sáu tết là cưới… Ăn cỗ từ mùng năm…
Lão Lắm vừa nói vừa quày quả ra về. Đúng là chỉ giỏi buôn chuyện. Chắc là lão biết mình yêu cái Quỳnh nên kích đểu đây. Làm gì có chuyện ấy. Nhưng mà cái việc lão bảo đã cày ruộng thì chắc là đúng. Thôi, phải dậy đi cuốc góc.
Buộc cái cuốc vào khung xe đạp, Hiếu thập thõm đạp trên đường quốc lộ đi ra ruộng. Cái xe hôm nay giở chứng hay sao mà cứ thỉnh thoảng lại tuột xích. Nhiều lúc Hiếu phải dừng lại giữa đường ngồi sửa. Đang mải mê tra tra lắp lắp thì có tiếng còi xe máy. Ngẩng lên: một đôi trai gái đang phóng qua. Người con gái ép sát người ôm chặt chàng trai, còn chàng trai thì một tay lái xe, một tay đặt trên đùi người con gái. Chiếc xe đi qua, người con gái ngoái lại.  Hiếu không thể tin vào mắt mình: Quỳnh! Quỳnh đang đi trên chiếc xe ấy. Quỳnh cũng thấy vẻ mặt sững sờ của Hiếu, cô ta quay ngoắt đi, vòng tay ghì sát hơn người con trai ngồi trước.
Thật rồi! Vậy ra lão Lắm Điều nói thật!
Khốn nạn!
Suốt đêm Hiếu không ngủ được. Phải hỏi cho ra nhẽ chứ lại chịu à. Thế mà lúc nào nó cũng bảo "Ghét thế". Cứ tưởng là nó yêu mình. Nhưng mà… nó có hứa hẹn gì với mình đâu. Với lại nhà mình nghèo, bố mẹ lại mất sớm. Vậy ra trên đời này chả có ai có thể yêu thương mình.
Tự dưng thấy ghét lão Lắm. Tại sao lão nói cho mình biết cái tin ấy. Tại sao lại bảo mình phải đi cuốc góc. Nhưng lão ấy nói thật chứ có bịa đặt đâu. Phải trả thù con bé khốn nạn. Phải cho nhà ấy một đòn chí mạng trở tay không kịp.
Trả thù bằng cách nào bây giờ? Cái ao cá nhà trưởng xóm... tối nay tương xuống vài cút thuốc sâu... Phải rồi, cho cái Quỳnh, cho cả nhà nó hết huênh hoang. Hôm nay là hai tám, mai là hai chín. Rồi Tết… đầu năm đố mà mua được cá để làm cỗ…
                        *
Buổi chiều hôm ấy chàng trai thất tình ngồi dạng cẳng giữa nhà chế tạo vũ khí trả mối hận tình. Nó lấy cái lọ nhựa rỗng ngồi ngắm nghía. Cho một ít thuốc sâu vào và ném tòm xuống ao là xong. Nhưng xuống nước thì cái lọ sẽ dựng đứng lên. Vậy thì chả ăn thua. Làm thế nào nhỉ. À phải rồi: vặn chặt nắp lại, khoét một lỗ ở đáy rồi dựng ngược lọ và đổ thuốc vào theo cái lỗ ấy. Nhưng nút lại bằng cách nào. Bằng nilon thì không được. Bằng giấy xem nào... giấy rất lâu mủn. Nó phát hiện ra cách lấy giấy vệ sinh làm nút đáy. Khi rơi xuống ao cái lọ sẽ dựng đứng, gặp nước giấy vệ sinh sẽ tan rất nhanh… Nhưng phải cầm ngược. Tuyệt! Tiến hành thôi.
Vừa khoét được cái lỗ đáy thì Vân, em gái Hiếu về. Đi cùng với nó là  lão Lắm Điều. Không kịp xoa má, chàng Hiếu nhà ta ném ngay cái lọ vào gầm giường. Cái lọ lăn lông lốc trên nền đất kêu cồng cộc. Hình như vị khách không để ý. Lão ngó nghiêng khắp nhà, nhìn cuộn giấy vệ sinh rồi lại nhìn cái mảnh đít lọ vừa được khoét. Tự dưng Hiếu bực với em gái, tự tiện dẫn lão Lắm Điều vào nhà. Mà sao con bé lại quý lão thế không biết. Lúc nào cũng bác Lắm bảo thế này, bác Lắm bảo thế kia. Ừ... đợi đấy, thế nào cũng có ngày lão cho cái tát. Lúc ấy thì hối không kịp.
Lão Lắm Điều thản nhiên ngồi xuống ghế rồi ngoạc mồm chê:
- Bừa bãi quá! Làm gì mà bày giấy chùi đít ra giữa nhà thế hử? Có đem cất đi không. Giờ tao cùng anh em chúng mày dọn dẹp nhà để đón tết. Sáng nay tao đã bảo rồi mà, thằng Hiếu vẫn ngủ trương mắt. Thôi, cái Vân quét nhà đi. Moi kỹ trong gầm giường gầm bàn... Kia kìa, tao thấy cái lọ khoét lỗ đít trong gầm giường - Lão ngồi thụp xuống đất lấy chân phải khều cái lọ nhựa rồi cầm lên ngắm nghía - Khoét làm gì? Nếu làm cái phễu rót rượu thì phải cắt cả đáy chứ sao chỉ khoét mỗi lỗ. Mà anh em chúng mày có uống rượu đâu mà làm phễu.
Như mọi khi thì chắc thằng Hiếu sẽ bảo "Mặc xác tôi". Nhưng lần này thì nó ấp úng:
- Cháu để... để rót rượu cúng.
- Rượu cúng mà rót bằng cái đồ phế thải à - lão Lắm Điều để cái vỏ  nhựa xuống đất và dùng bàn chân to bè của lão giáng xuống rồi day day, tiếng nhựa vỡ kêu rạo rạo. Khi lão nhấc chân ra thì nó bẹp dí -  Cái Vân đem vứt ngay vào túi rác cho người ta chở đi bây giờ. Tý nữa sang nhà tao lấy cái phễu mới. Thôi, tao với thằng Hiếu dọn dẹp nhà dưới.
Vậy là tan cái công trình mình hì hục làm hàng nửa tiếng đồng hồ. Hiếu gãi đầu nhìn cái vỏ lọ nhựa mà tiếc, trong khi cái mồm lão Lắm Điều phát thanh liên tục không để ăn da non.
- Bẩn quá, bẩn quá... Ối giời ơi! Thuốc sâu thuốc bọ để thế này à. Dùng đến đâu mua đến đấy chứ sao lại có thuốc sâu dự trữ thế này... Nhỡ ra đứa nào nó lấy đổ vào ao chuôm nhà người ta có phải là tội chết không! Hại người mà hại chính mình. Năm ngoái đấy, ở xã bên có đứa vì thù vặt đổ thuốc sâu vào ao nhà người ta làm chết cả ao cá với mấy con lợn. May mà chưa chết người...
- Sao mà lợn lại bị chết hở bác? - Con bé Vân láu táu hỏi.
- Thì tại nhà ấy không biết, lấy nước ao nấu cám lợn.
Hiếu rướn người về phía lão Lắm Điều, hỏi với giọng căng thẳng xen lẫn hồi hộp:
- Thế... thế cái đứa đổ thuốc sâu có bị làm sao không?
Lão Lắm Điều nghênh mặt, nói một thôi:
- Bị bắt ngay! Gớm! Công an người ta nghiệp vụ cao lắm. Có mà chạy đằng giời. Tưởng thỏa cái thù vặt trẻ con mà chịu mấy năm tù với phải đền mấy chục triệu nhá. Tàn đời nhá. Cũng may không chết người. Nếu chết người thì tử hình là cái chắc. Ngu một tý là chết ngay, chết ngay đứ đừ - Lão Lắm Điều liếc nhìn thằng Hiếu rồi tiếp - Thôi để chai thuốc sâu tao mang về cất bên nhà tao. Bao giờ lúa có sâu thì đem về mà phun. Chưa gieo mạ đã lo thuốc sâu. Đúng là cái đồ dở hơi...
Vừa nói lão vừa nhìn vào Hiếu. Cậu chàng tái mặt: Cứ như ma xó... chả nhẽ lão này biết... Mà có khi lão biết thật, vì thấy khuôn mặt lão lạ lạ, cặp môi cong cong như đang nhếch lên bí hiểm…
Thôi cũng đành... Nhỡ ra... Con bé Vân sẽ ra sao nếu...nếu... Hiếu lạnh người không dám nghĩ tiếp.
 Vậy là tan tành kế hoạch trả mối hận tình.
                        *
- Dậy! Dậy ngay! Hăm chín Tết rồi đấy.
Lại tiếng lão Lắm Điều quát và tiếng đập cửa ầm ầm. Hiếu vội tung chăn co ro ra mở cửa. Ông hàng xóm đứng nghênh mặt tay ôm cái rá trong đó có hai cái bánh chưng còn nghi ngút khói. Hiếu cảm thấy hơi ấm sực lên.
Ông Lắm Điều vào nhà đặt hai cái bánh lên bàn thờ rồi quay sang thằng Hiếu:
- Tao đưa vài cái bánh sang để anh em chúng mày thắp hương cho bố mẹ.
Hiếu lí nhí cúi mặt:
- Con xin bác. Con cảm ơn hai bác.
- Vẽ... Ơn với huệ cái gì. Bây giờ tao định thế này: Trưa nay hai anh em mày sang nhà tao cúng tất niên cho vui. Trưa mai ba mươi, tao sang bên này tất niên với hai đứa. Giết một con gà nhá. Mà anh em chúng mày mát tay phết. Có bốn con gà nhép, hơn năm giời đã thành cả đàn hơn chục con. Tao tính vậy có được không? Có đồng ý không?
Hiếu nhìn người đối diện. Mắt nó ươn ướt: "Con đồng ý!".
Lão Lắm Điều lại mở máy:
- Chuẩn bị sang năm mới cái gì đáng cho qua thì cho qua hết! Không vấn vương gì nữa. Sang năm mới phải vui vẻ. Nhớ chưa. Thôi tao về! Rét thế này là đúng tiết. Năm nay thuận giời đây. À, mà tao đã lấy bùn đủ cho nhà mày gieo mạ sân rồi. Tý nữa sang nhá. Nhớ đóng cửa... tháng củ mật không cẩn thận thì trộm nó khiêng cả người đi ấy chứ lị




Đọc thêm!