Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

ĐÊM ẤY CÓ NGUYỆT THỰC ( Kỳ cuối)

(Tiếp theo và hết)


Mình và nàng sẽ đến tận cùng của tình yêu. Không việc gì phải băn khoăn đắn đo nữa… Nghĩa lập cập mở từng nút áo Sâm… Trăng nhễ nhại… bàn tay run run trên bầu ngực tròn căng. Không gian chỉ có ánh trăng và tiếng rì rào xào xạc của những lá cây trên ngọn tháp. Rồi anh cúi xuống gắn miệng vào bầu ngực trinh nữ, bàn tay tiếp tục lần tìm. Vòng tay của của người yêu lỏng dần, lỏng dần… Thoảng trong tiếng xạc xào là tiếng kêu khe khẽ: “Ui dà… Em… Em tội tình chi mà…mà ông Việt cộng xét… xét người… em…”
          Bàn tay đột ngột dừng lại. Nghĩa choáng váng. “Phản động!” Cấp trên nói đúng. Anh đã bị xúc phạm, bị mắc mưu kẻ địch. Người Nghĩa rỗng rễnh. Trời tối sẫm. Ngẩng đầu thấy trăng chỉ còn một mảnh đỏ quạch. Anh đẩy Sâm khỏi người mình và đứng dậy. Sâm hốt hoảng ngồi dậy miệng lắp bắp “Răng vậy anh? Răng vậy anh?”
          Vậy là rõ, chả cần bàn bạc chia sẻ những băn khoăn như dự định trước lúc gặp cô ta nữa! Nghĩa không ngoái đầu lại, lầm lũi bước. Trời tối đen. Nguyệt thực toàn phần. Bóng quả đất đã che kín mặt trăng…
          Nghĩa quyết định không gặp Sâm nữa. Những lần Sâm tới đơn vị thăm, Nghĩa đều tránh mặt nhờ vệ binh ngoài trạm gác bảo là anh đi công tác vắng. Nhưng trong lòng anh không thể vơi nỗi nhớ, không thể vơi nỗi khát thèm được nhìn mặt Sâm, đã có lần Nghĩa lén nhìn từ cửa sổ doanh trại. Thấy Sâm tần ngần gửi túi đồ đựng mấy thứ cho anh và thẫn thờ gạt nước mắt khi ra về, Nghĩa quặn lòng cố ghìm mình để không chạy ra cổng lúc ấy. Anh biết nếu chỉ cần một lần gặp lại thì không bao giờ anh có thể xa được Sâm. Nửa tháng sau, Nghĩa cầm quyết định xuất ngũ, lẳng lặng khoác ba lô về Bắc… sau khi đã viết một bức thư ngắn gửi lại cho Sâm với lời hứa sẽ trở lại...

          Và bây giờ anh đã trở lại sau ba sáu năm. Ngày ấy anh đã bỏ chạy vì một câu nói đùa. Phải, mãi sau này anh mới nhận ra đó là câu nói đùa. Bây giờ mà nói ra chuyện ấy thì không ai tin: sao lại có thể bỏ chạy khi tình yêu thăng hoa đến đỉnh điểm? Nhưng quả thật cái lý trí khô cứng phân định rạch ròi địch ta ngày ấy là nỗi ám ảnh thường trực biến thành nỗi sợ. Nỗi sợ đeo đẳng cả đời người để rồi thành nếp sống. Chuyện thực hiện lời hứa trong thư đã trở thành xa vời vì ngay ngày mới về nhà anh không dám nói chuyện ấy vì sợ bố mẹ không đồng ý, lấy vợ rồi có con lại sợ tan vỡ gia đình, công việc ổn định rồi thì lại sợ bị đánh giá vi phạm đạo đức… Những nỗi sợ suốt hơn ba chục năm trời chẳng buông tha anh luôn song hành cùng nỗi dằn vặt không thực hiện được lời hứa đối với Sâm. Đến bây giờ thì Nghĩa tự thấy mình vừa hèn nhát vừa ích kỷ… Nếu không bị lạc lõng vì sự ghẻ lạnh của người vợ trong lúc tham quan ở Đà Nẵng thì có lẽ đến hết đời anh cũng chẳng có cơ hội quay về mảnh đất này để gặp lại người xưa.
           Nhưng người bỏ về lúc này lại là Sâm. Nàng sợ gì cơ chứ? Phải rồi, nàng phải giữ hạnh phúc gia đình của mình. Nghĩa hào hển chạy theo cái bóng trắng với suối tóc bay ngang nhập nhòa trên cánh đồng đang đỏ sẫm dần bởi nguyệt thực. Khi trăng sáng trở lại thì không thấy Sâm đâu nữa.
          ……
          Tiếng chuông điện thoại réo, Nghĩa mắt nhắm mắt mở uể oải cầm lấy cái máy… Tiếng vợ chao chát làm anh tỉnh hẳn: “Đi với đứa nào đã thoải mái chưa? Có về không đấy? Bảy giờ rưỡi xe chạy. Nếu không kịp thì kệ ông đấy nhá!” Nghĩa chưa kịp trả lời thì có tiếng đàn ông trong máy “Trông cái mặt vậy mà cũng giữ chồng ra phết. Thôi chết! Khéo lão nghe thấy” rồi tiếng vợ anh: “Sợ gì! Có mà dám. Cái ngữ lão ấy thì tích sự gì…”. Nghĩa chán nản bỏ máy. Thôi… cũng phải về. Yên tâm vì tất cả đã an bài.
          Ông già một mắt đang lúi húi bên bếp. Thấy Nghĩa xuống giường, ông hất hàm hỏi:
          - Thằng Hai định về luôn hả?
          - Dạ! Cháu về luôn theo đoàn. Bảy rưỡi phải có mặt tại Đà Nẵng. Mà Út Sâm lấy chồng gần đây phải không chú! Cô ấy được mấy con rồi.
          Ông già nhướng con mắt còn lại ngạc nhiên:
          - Vậy tối qua mi không gặp nó hả?
          - Dạ có. Nhưng cô ấy chẳng nói gì.
          Ông già thở dài:
          - Nói chi được mà nói!
          Đoạn ông già thong thả lại gian giữa kéo tấm rèm bàn thờ. Trên đó bên cạnh tấm hình bà già là tấm hình Út Sâm. Hai bát hương đầy chân nhang quăn tít. Nghĩa sững sờ gặp lại khuôn mặt của nàng hồi đêm.
          - Nó tin mi, tin vào cái lá thơ. Rồi trông chờ. Lần lữa cả chục năm ròng. Không thấy mi trở lại, nản quá chừng à. Rồi nghe người ta vượt biên. Chết trên biển…
          Nghĩa lạnh người. Tối qua…Tối qua là mơ hay thật?
          Ông già cầm xuống từ trên bàn thờ một cái bọc ni lông. Ông bảo Nghĩa: Mi cầm lấy về làm kỷ niệm. Nghĩa run run mở bọc giấy. Một chiếc mũ cối. Chiếc mũ bị thủng một chỗ ở trên chóp, vải bọc mũ đã rách lỗ chỗ còn phần cốt đã mủn, động nhẹ là bở bùng bục. Nhưng dòng chữ trên mũ vẫn còn rõ ràng: Trần Trung Nghĩa E…F…QK5. Cái mũ cối anh đã tưởng mất trong trận lụt ngày xưa.
          Nghĩa ôm chiếc mũ vào ngực, gục đầu quỳ xuống trước bàn thờ... Từ con mắt còn lại và cả từ cái hố mắt hỏng đang giàn giụa nước mắt, ông già lẩm bẩm bằng cái giọng khàn khàn đứt quãng:
          - Phải chi …ngày đó… Thôi! Út à! Thằng Hai nó đã quay về… Siêu thoát nghe con…

Đọc thêm!

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

CHÈ ĐỖ THẢ SƯƠNG

Hôm nay 4-8 âm lịch- chẵn 5 năm mẹ mình mất...
Đọc lại bài viết từ 4 năm trước để nhớ về mẹ, nhớ về ngày xửa ngày xưa



Chè đỗ thả sương

          Đã sang tháng tám âm lịch, thấy sương giăng giăng từ chập tối. Đến sáng vẫn sương ấy mờ mờ...
          Trời đêm hơi lạnh và ẩm. Chuyển mùa đâm ra khó ngủ. Chơi vơi trong đêm, nhìn bóng đèn đường đỏ quạch nhòa nhòa trong sương.
          Ngày còn bé, chả mấy khi để ý đến sương thu. Nhưng mong có sương để được ăn món chè đỗ đen thả sương mẹ nấu...

          Tháng tám trời vẫn nắng. “Tháng tám nắng rám quả bòng”. Đi học về, con vục cái gáo dừa vào chum nước mưa, uống một hơi cho đã khát. Đã cơn khát, vội chạy vào nhà bưng bát cơm khoai ăn ngấu nghiến, mồ hôi chảy ròng ròng. Mẹ bảo số thằng này vất vả, đến ăn uống còn đổ mồ hôi!
          Qua một ngày tất tả đi bộ mấy cây số đến trường, về nhà hùng hục thực hiện nghĩa vụ vớt bèo nấu cám lợn, tối lo hoàn thành các bài tập... Rồi cũng xong... thở phào. Ngủ một giấc cho tới sáng mà chẳng hề mộng mị. Tỉnh giấc bắt đầu một ngày với cái quy trình không thay đổi. Chẳng biết mùa thu, chẳng biết sương thu...
          Chỉ đến một buổi sáng, khi tỉnh giấc mẹ bảo đi rửa mặt rồi mấy anh em ăn chè còn đi học. Nhìn ngoài sân thấy có cái rổ úp.
          Ra lật cái rổ, một nồi chè đỗ đen. Mấy anh em cùng reo lên, tranh nhau bê vào. Anh cả được cái vinh dự ấy. Chỉ mươi bước chân mà rón rén. Lũ em căng thẳng nhìn theo, sợ thằng anh đánh đổ nồi chè. Mẹ múc chia đều cho mấy anh em mỗi đứa một bát con.
          Nhận phần mình từ tay mẹ, mấy anh em giăng hàng trên hè đất ngồi ăn chè.
          Thìa đầu tiên đưa lên môi cảm nhận vị ngọt thanh. Chao ôi, ngọt từ đầu lưỡi đến cổ họng. Muốn giữ mãi vị ngọt trong khoang miệng cho bõ thèm. Hàng mấy tháng mới được ăn chè, mới được thưởng thức vị ngọt, mới tìm lại được cái vị đậm đà tưởng đã quên.
          Nhận được vị ngọt từ đầu lưỡi rồi mới nhìn vào bát chè đỗ đen. Lưng bát nước nâu huyền sóng sánh, hình như vị ngọt có được là nhờ cái màu nước nâu huyền ấy. Húp thêm vài thìa, nghiêng bát một tý thấy những hạt đỗ đen- không nhiều lắm. Những hạt đỗ ninh nhừ như những quả cật lợn tý hon đã bung lớp vỏ, khúc giữa có những vệt nhỏ xíu như vết khắc của người thợ kim hoàn khéo léo cắt lên ngang thân. Những hạt đỗ đen bùi tan trong miệng.
          Ngọt bùi và mát...
          Cái cảm giác mát ấy như thoang thoảng mùi tinh dầu chuối nhưng nhẹ hơn, êm ái hơn. Mát hơi lạnh lạnh. Chỉ hơi lạnh một tý thôi cũng đủ cho vị ngọt của nước trở nên thanh hơn, vị bùi của đỗ như ngậy hơn, hạt đỗ cũng như nhừ tơi trong miệng. Miếng chè trôi xuống thực quản nhưng cảm giác mát vẫn giữ được vị ngọt bùi của chè trên đầu lưỡi và cả trong miệng.
          Cảm giác man mát ấy chầm chậm lan tỏa trong người, hình như có thể biết nó đang từ từ trôi dần, trôi dần đến từng xăng ty mét, tưởng như nguồn nước mát tưới dần vào trong cơ thể. Sảng khoái đến nao lòng.
          Cái mát thanh ấy là bởi sương thu.
          Trong đêm, lúc tôi học bài xong thì mẹ vẫn lụi hụi dưới bếp. Bây giờ mới hình dung lúc ấy mẹ vo đỗ đen rồi đổ nước vào nấu chè. Khi nồi chè sôi một lúc, mẹ vùi vào tro nóng. Lúc ấy bọn tôi đã đi ngủ. Mẹ ngồi bệt, đầu gục xuống vòng tay trên đầu gối, nhẫn nại chờ trong bóng đêm yên ả. Chờ khoảng một tiếng đồng hồ. Ướm chừng đậu nhừ, mẹ bắc ra đun sôi lại và thêm vào lưng bát nước lạnh. Mẹ bảo chè đang sôi khi đổ nước lạnh vào thì hạt đậu sẽ nhừ hơn. Và mẹ cho đường cát khuấy đều. Lúc ấy chỉ là đường cát nấu chế biến thủ công từ mía chứ làm gì có đường kính. Để cho vị ngọt thêm đằm, mẹ búng vào nồi chè vài hạt muối...
          Nửa đêm sương thu xuống đầy. Mẹ đưa nồi chè ra sân, mở vung, rồi úp lại bằng cái rổ... Những hạt sương li ti mang cái lạnh, cái trong trẻo của đất trời và mang cả hương cau, hương chuối trong vườn... từng hạt, từng hạt lọt qua kẽ rổ ướp hương cho nồi chè mẹ nấu. Để sáng mai này chúng con có bát chè thơm ngậm những hạt sương thu.
          Để rồi con có thói quen đợi sương thu mỗi khi tháng Tám.

          Bây giờ thì khác rồi. Đỗ đen cho vào nồi áp suất. Đun mười năm phút là nhừ tơi. Cho đường kính, thêm vài giọt tinh dầu chuối, lấy nước đá tủ lạnh thả vào. Vậy là có chè đỗ đen. Cũng ngọt, cũng thơm và lạnh.
          Nhưng mùi tinh dầu thơm xộc thẳng lên mũi vừa thô thiển vừa dị hợm. Vị ngọt sắc của đường kính thiếu đi cái thanh thanh nhẹ nhàng. Hạt đỗ nhừ tơi nhưng hình như kém đi cái vị bùi, không còn độ ngậy...
          Và tôi sợ cái lạnh của nước đá trong bát chè. Nó làm hàm răng tôi tê buốt. Cái tê buốt lan tới tận đỉnh đầu.
          Lại nhớ về ngày xưa, bưng bát chè đỗ thả sương từ tay mẹ nấu.
          Ngoài kia, sương xuống dày. Ngọn đèn đường đỏ quạch nhòa hẳn trong sương lạnh.
          Trên bàn thờ, tấm hình mẹ lãng đãng khói hương...
                                Đêm ngày giỗ mẹ- tháng 8 năm Kỷ Sửu (2009)
                                                              

Đọc thêm!

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

LẠY BÀ BÌNH THƠ... LẠY ÔNG BIÊN TẬP...



Có bài thơ như sau:
Lá vàng theo gió heo may
Gió lùa vai áo khẽ lay mình rồi
Trời xanh mây trắng êm trôi
Thấy lòng xao xuyến nhuộm đời vào thu
                                  (Thu- tác giả Anh Giang….)
Đã có một lời bình bất hủ như sau:
Nét riêng trong bài thơ “Thu” của bà là vần cuối các câu thơ đều là thanh bằng: “may, rồi, trôi, thu” vang xa gợi cái khí trong trẻo êm dịu của mùa thu”
Bài bình này được in ở giữa tập thơ "Lối xưa" của Anh Giang do NXB Hội Nhà Văn ấn hành 2013.
Và cũng xin thưa lời bình này là của một GV đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn
Ba vái không hương lạy bà viết lời bình, lạy ông biên tập.
Lạy hồn! Thơ lục bát thì các vần cuối câu thơ chả nhẽ lại là thanh trắc(!)
Vậy cho nên... ai ơi... đừng mở mồm trách tại sao học sinh không chịu học văn!



(Ảnh lấy trên mạng)
Đọc thêm!