Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

VẤN VÍT CHỈ ĐIỀU (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)


Năm học mới đã bắt đầu được gần một tháng. Một buổi chiều, ông giáo Tình có khách. Một người đàn bà gày gò đội cái nón mê sùm sụp đi cái xe đạp cà tàng đến nhà ông. Đến đầu ngõ, người đàn bà xuống dắt xe rón rén đi vào. Bà loay hoay dựng cái xe vào bờ hè, bỏ cái nón xuống sân. Ông Tình ngạc nhiên:
- Ô kìa, chị Chanh! Sao bảo chị đi…
Người đàn bà nhìn ông giáo, miệng nửa như cười nửa như mếu:
- Chào thầy giáo. Đi đâu được nữa? Gần sáu mươi tuổi rồi còn gì.
Người mà ông Tình vừa gọi tên là một phụ nữ khó đoán tuổi với khuôn mặt gầy guộc và đôi mắt đùng đục mệt mỏi. Trong cái áo cánh bạc nhăn nhúm, chị co ro giữa ngày nóng nực. Trông tiều tuỵ quá. Còn đâu người thôn nữ xinh đẹp ngày xưa bao chàng trai thầm yêu trộm nhớ.
"Duyên phận ta phải chiều…này ai ơi chứ đôi chúng ta… duyên phận phải chiều…, ông  tơ hồng khéo xe mà vấn vít… cái sợi chỉ điều ai khéo xe săn...".
Bên tai ông Tình chợt vẳng lên tiếng hát ngọt ngào của chị ngày ấy. Giá mà chị không hơn tuổi. Giá mà chị không là chị họ. Giá mà ngày ấy chị đừng lấy anh Tổng ở xóm trên...
Chị bẽn lẽn:
- Người ta đồn ấy mà cậu. Tin làm gì!
Ông Tình không tin những lời đồn đại nhưng vẫn phải nghe. Tuần trước ông lên xóm trên có việc, thấy người ta kháo nhau: Vợ Công "rỗ" chửi nhau với chị Chanh. Chửi nhau to lắm. Vợ Công chửi chị Chanh vì tội lấy tiền của con nó. Rồi chị Chanh bỏ nhà đi, mặc cho chồng là anh Tổng đang nằm liệt giường chờ chết. Rồi nghe vợ Công "rỗ" bảo đi đâu thì đi chứ có về thì con mụ ấy cũng không có chỗ mà ở. Vì nhà đất là thừa kế hợp pháp của con nó. Vì  trước đây là tài sản của ông bà, ông bà truyền lại cho bác Tổng, con nó là con nuôi độc nhất của bác Tổng nên nó có quyền. Vài triệu bạc chẳng to, bà thí cho. Thí cho mà đi cho khuất mắt. Anh Tổng có làm sao thì vợ chồng nó sẽ lo tất. Không thèm đếm xỉa đến cái loại vô phúc ấy.
*
Anh Tổng có hai thằng em trai, ngoài Công "rỗ" còn thằng em út Tí "lác". Công "rỗ" học cùng lớp với Tình. Lúc còn học với nhau, chị Chanh học giỏi nhất lớp nên được thầy giáo phân công làm trưởng nhóm để kèm cặp "hai phần tử chậm tiến" là Tình và Công "rỗ". Nhà Công "rỗ" gần trường nhưng thằng này cứ bắt hai chị em phải lên nhà nó để học nhóm. Tình không hề thấy bận lòng mà còn thấy thích vì như vậy luôn được riêng cùng chị đi trên đoạn đường dài từ xóm dưới lên xóm trên nhà Công "rỗ".
Thằng Công "rỗ" nói với Tình rằng mẹ nó đã nhắm chị Chanh cho anh Tổng từ khi chị học nhóm ở nhà nó. Mẹ nó khen: "Con bé vừa giòn lại vừa ngoan. Mà cái dáng người ấy sau này mắn đẻ phải biết".        

Minh họa: Đỗ Dũng.
Mười tám tuổi chị Chanh lấy chồng. Trước hôm cưới chị nói với Tình là hai bác bảo đến tuổi rồi thì phải lấy chồng, chứ thời buổi loạn lạc này, nhỡ ra khôn ba năm dại một giờ. Vả lại chị cũng quý anh Tổng bởi anh hiền lành chăm chỉ. Và chị biết anh yêu chị thực lòng. Tình chả biết nói gì, chỉ thấy buồn mà chả biết vì cớ gì...
Cưới được bảy ngày, vừa quen hơi bén tiếng thì anh Tổng đi bộ đội. Chị ở nhà chăm sóc mẹ chồng và thằng em chồng nghịch ngợm. Bảy ngày hạnh phúc làm vợ, chị chỉ biết sự ngọt ngào của ái ân vài hôm trước khi anh đi vì trước đấy còn nhiều e thẹn đầu đời, vì còn phải giữ gìn ý tứ. Nhưng trong vài cái ngày nồng nàn ấy, thì sự cảm nhận cũng chẳng thật đủ đầy vì viễn cảnh chia ly đang đến. Đến khi anh đi rồi thì chị thấy hụt hẫng. Hàng đêm chị bần thần trước đèn viết thư cho anh. Và cũng hàng đêm chị trằn trọc nhớ cái mùi mồ hôi của anh và cả cái mùi thuốc lá anh thường hút. Tự nhiên nó trở thành mùi thơm quen.
Khi đi làm, thảng hoặc có người hút thuốc chị bỗng thấy cái mùi quen ấy của anh, nỗi nhớ cồn cào lại dậy lên hối thúc. Nhiều khi chị phải căng mình mà chống đỡ. Thà rằng chẳng biết cho xong. Và tỉnh táo hơn người nghiện, chị sợ cái mùi thuốc lá quyến rũ, nó rủ rê chèo kéo. Cách tốt nhất là lảng tránh. Thế là chị thui thủi đi về, tránh xa đàn ông, tránh xa cả những câu chuyện đùa tếu của đàn bà hàng ngày về cái "việc ấy" trong đời sống vợ chồng…
Rồi cả Tình, cả Công cũng vào bộ đội.
Cũng may mắn là chị được mẹ chồng hết sức thương yêu và thằng Tí "lác" cũng biết nghe lời chị. Đang học giở chừng thì nó kiên quyết bỏ học để ở nhà giúp đỡ chị. Đến tuổi mười tám thì nó cũng đòi đi bộ đội. Nhưng có hai lý do không cho nó đạt được nguyện vọng: Nhà đã có hai anh đi bộ đội và cái con mắt lác của nó. Vả lại, lúc đó đất nước cũng đã hết chiến tranh.
Anh Tổng trở về. Ai cũng mừng. Chị mừng đến bàng hoàng. Nhưng ngay cái đêm sum họp đầu tiên chị đã thất vọng ê chề vì anh không còn là đàn ông hoàn chỉnh theo đúng cái nghĩa vụ chồng với vợ. Chị khóc. Khóc thầm thôi. Bởi vì không ai lại dám phô ra cái nguyên nhân nghiệt ngã của sự bất hạnh đó. Anh Tổng cũng khóc, anh bảo: "Hay là chúng mình chia tay để em đi lấy chồng. Ở với anh, em sẽ không có hạnh phúc".
Chị nghĩ anh chẳng muốn như thế. Chẳng nhẽ chỉ vì không có cái "việc ấy" mà chị lại bỏ anh, bỏ người duy nhất mà chị yêu và chờ đợi. Và chị lặng im, chăm sóc anh nhiều hơn. Chị nuốt nước mắt vào trong, cố làm cho anh vui và giấu mọi người. Rồi sau đó ai cũng biết nhưng chẳng ai nói ra. Mọi người chỉ nhìn chị bằng ánh mắt nửa ái ngại, nửa cảm thông. Vậy là chị chỉ được có bảy ngày làm vợ, bảy năm chờ đợi và tiếp theo là cả cuộc đời còn lại phía trước: Chị sẽ là gì đúng nghĩa nhất? Mà chị còn trẻ lắm: mới hai nhăm tuổi.
Công "rỗ" cũng ra quân. Bà mẹ muốn có cháu nối dõi. Vì hết hy vọng nơi vợ chồng anh chị Tổng Chanh nên trách nhiệm vinh quang này được giao phó cho Công "rỗ". Hắn về được bảy ngày thì tổ chức lễ cưới. Vợ hắn người cùng làng vừa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Nhà chỉ có một buồng. Vợ chồng chị phải chuyển ra nhà ngoài nhường chỗ cho vợ chồng Công "rỗ".
Hàng đêm chị không ngủ được. Vắt tay lên trán, chị chong mắt nhìn chăm chăm lên trần màn: một khoảng trắng mờ nặng nề. Có lúc chị có cảm giác nó đang chuẩn bị đè sập xuống. Chị nghẹt thở. Rồi cố để ngủ đi được, chị đếm từng tiếng tạch tạch đều đều của cái đồng hồ. Chị sợ những tiếng cười rúc rích, những tiếng cọt kẹt, những tiếng rên rỉ ở buồng bên. Nó đánh thức những khát khao trong chị... Nhìn sang, anh Tổng đang co quắp ú ớ mê sảng. Tuyệt vọng. Chị muốn gào lên. Nhưng rồi cũng tĩnh tâm lại mà nghĩ: Anh cũng khổ lắm chứ, anh có lỗi gì đâu. Kéo cái chăn đắp cho anh mà chị trào nước mắt thương chồng và thương chính mình.
Cứ trong cái trạng thái thẳng căng tuyệt vọng như vậy, rồi cũng thành quen. Nhưng những cơn đau đầu xuất hiện hành hạ chị. Những cơn đau triền miên có khi làm chị mụ mị cả đầu óc. Chị đi khám nhưng chẳng có bệnh gì cả. Mấy bà cùng xóm bảo với chị: "Người đàn bà cứ mỗi lần đẻ là một lần thay máu. Còn trẻ mà không sinh nở gì nên nó mới như thế". Đành mặc kệ, chị sọm đi trông thấy.
Tóc bạc dần từng mảng. Chị trở thành bà già lúc nào không biết. Chị dồn tất cả vốn liếng của mình cùng mẹ chồng mua nhà mua đất cho vợ chồng Công "rỗ" ở riêng. Còn Tí "lác" cũng đã đến tuổi, chị lấy vợ cho hắn. Được cái cả hai vợ chồng hắn rất nghe lời chị và biết thương chị. Khi vợ hắn chửa, chị nói với cả hai vợ chồng Tí "lác": "Cứ đẻ đi, đẻ cả cho phần anh chị nữa. Chị sẽ nuôi cho".
Nhưng sự đời lại không chiều ý của chị. Tí "lác" ngã giàn giáo chết khi vợ hắn đang có thai đứa con đầu lòng. Vợ Tí gào thét, ngất lên ngất xuống. Chị cũng rũ rượi như người mất hồn vì cái sự ra đi đột ngột của đứa em trai chồng mà từ lâu chị đã coi như em ruột, người đã phải bỏ học nửa chừng để sẻ chia cùng chị những vất vả gia đình trong những năm tháng chiến tranh.
*
Những năm tháng buồn tẻ qua đi. Anh Tổng yếu dần. Tự dưng ở anh xuất hiện những cơn tâm thần và càng ngày càng dày hơn. Từ ngày xa con bé Hoài - con Tí "lác" - chị Chanh nhắc tên con bé thường xuyên và thường ngồi tính con bé Hoài năm nay mấy tuổi rồi, học đến lớp mấy…Hàng năm chỉ có mình chị làm giỗ cho Tí "lác". Những lúc ấy chị vừa khóc vừa khấn: "Tí ơi, em có khôn thiêng thì phù hộ cho con bé Hoài chóng lớn học hành tấn tới, cho cháu về với chị". Rồi chị Chanh tìm hỏi được địa chỉ của cô em dâu. Biết được em dâu đã đi lấy chồng và đã có thêm hai đứa con nữa, chị cũng mừng cho cô: Vậy là tốt rồi, đời nó đỡ khổ… Nhưng khi nghe tin con bé Hoài vừa lên cấp hai mà mẹ nó bắt phải nghỉ học ở nhà bế em thì chị như điên lên. Chị nhờ người vào đón cháu Hoài về. Đón được cháu về, chị định bụng sẽ làm thủ tục nhận cháu làm con nuôi để chị được làm mẹ. Rồi cho cháu đi học tiếp cấp hai. Chị mong cho nó học lên để đời nó khỏi vất vả. Để sau này mẹ con nương tựa nhau.
Cháu Hoài vừa về đến nhà thì bị ngay một trận đòn. Người đánh cháu lại là người bác ruột- anh Tổng. Chị lăn xả vào đỡ đòn cho cháu cũng bị đánh sưng cả mặt. Chả là hồi mới ra quân, anh Tổng chưa phát bệnh tâm thần nên được xã ưu tiên cho coi xe ngoài chợ. Có lần, một con bé đến mếu máo kêu đánh mất vé gửi xe. Thương con bé, nghĩ là nó thật thà, anh cho nó lấy xe ra. Ai ngờ anh bị lừa. Mất xe thì người coi xe phải đền. Anh đau đớn. Tiếc của thì ít nhưng hận cái con bé lưu manh khốn nạn kia thì nhiều. Và khi bị tâm thần thì cái sự việc ấy như đóng đinh vào đầu anh.
Trong suy nghĩ của anh thì đứa nào trạc tuổi ấy cũng là cái con bé đáng ghét đó. Rất lạ là người tâm thần lại "nhớ" rất dai. Con bé Hoài vừa vào đến nhà, chưa kịp chào bác thì đã bị đòn. Chị Chanh ra sức giải thích nhưng chẳng khác gì nước đổ lá khoai. Anh khăng khăng con bé Hoài là cái đứa ăn cắp ngày xưa! Vậy là chị phải suốt ngày canh chừng để con bé không bị đòn lần nữa.
Vừa dịp Công "rỗ" ở trên Hà Nội về qua nhà. Bây giờ hắn đã là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng. Oai lắm, giầu lắm. Chị sang nhà hắn nói cái ý định của mình cho Công nghe. Chị cũng nói với Công: "Để cháu ở nhà tôi thì nhỡ ra anh ấy đánh chết cháu. Mà nó cũng khổ quá rồi. Hay là chú cho cháu sang ở bên này. Cho cháu đi học. Mọi phí tổn ăn học của cháu tôi sẽ gửi chú thím hàng tháng".
Công "rỗ" suy nghĩ một tí. Cái đầu kinh doanh của hắn bắt đầu xuất hiện những tính toán nhoay nhoáy. Thời cơ đến, sao mình lại không nghĩ ra nhỉ. Vậy là hắn bảo:
- Bác nghĩ vậy cũng được. Nhưng mà cái việc nhận con nuôi như thế, tôi thấy không ổn. Bác là trưởng. Cả nhà trông vào bác. Con nào cũng là con nhưng nếu nuôi thì phải nuôi con trai để thờ phụng tổ tiên. Ai lại nuôi con gái. Nữ nhân ngoại tộc. Theo tôi thế này: Hai bác làm thủ tục nhận thằng cò nhà tôi làm con nuôi. Nó là con trai, lại là "máu mủ ruột rà nhà mình". Trước sau gì thì nó vẫn phải có trách nhiệm với các bác, với cả họ. Nếu bác đồng ý như vậy thì tôi đồng ý cho con bé sang nhà tôi.
"Đứa nào cũng là máu mủ ruột rà nhà mình" - Chị Chanh đồng ý ngay. Bởi vì chị nghĩ con bé Hoài dù ở nhà mình hay nhà Công thì chị cũng lo cho nó được ăn học tử tế. Hai ngày sau thì thủ tục hoàn tất. Và cũng đúng lời hứa, con bé Hoài được về ở bên nhà Công. Còn con trai Công vẫn cứ ở nhà nó mặc dù là con nuôi của bác Tổng. Nó coi cái việc giấy tờ xác nhận nó là con nuôi do chính quyền cấp chỉ là thủ tục để có thêm điểm vào đại học. Thế thôi!
Con bé Hoài vào học được ba tháng, một hôm Công "rỗ" bảo chị Chanh: "Con bé ấy thủ tục hồ sơ sai họ. Họ nhà mình là họ Nghiêm mà nó lại mang họ Nguyễn. Nhà trường người ta chỉ cho học tạm. Bây giờ người ta trả lại hồ sơ. Thôi đành vậy. Vì tương lai của nó. Để ngoài này nuôi nó mà nó không được đi học thì nghĩ cũng tội. Thôi trả nó về cho mẹ nó để nó còn đi học". Chị Chanh buộc phải tin ngay: Trường học là cơ quan nhà nước. Người ta nói lý do như vậy chắc chắn là phải đúng.
Ôi vậy ra mình bị Công "rỗ" cho quả lừa. Làm gì có chuyện nhà trường trả hồ sơ cho bé Hoài vào miền Nam chỉ vì nó mang họ Nguyễn! Ông Tình nhớ lại lần ấy Công "rỗ" đến trường, hắn bảo: "Ông cũng bận. Tớ cũng bận. Nói ngay nhá: ông chuyển trường cho con bé Hoài vào miền Nam, chỗ mẹ nó… Chả là mẹ nó viết thư ra cho tớ nói khó khăn quá. Muốn các bác lại cho con bé vào để giúp đỡ mẹ nó. Mình nghĩ cũng phải. Con phải ở gần mẹ".
Và hắn lập tức làm thủ tục chuyển trường cho con bé Hoài vào miền Nam...
Công "rỗ" còn lừa cả chị Chanh. Khổ, người đàn bà lòng lành suốt đời chỉ ru rú ở nhà với ông chồng bệnh tật thì làm sao biết được cái oái oăm của bụng dạ con người. Chỉ cần nghe đến sai sót thủ tục hành chính là khiếp vãi. Nhưng tại sao Công "rỗ" lại phải làm vậy nhỉ? Để sau này sẽ hưởng toàn bộ thổ ngơi tài sản của bố mẹ để lại mà bây giờ anh chị Tổng Chanh đang sở hữu? Và để con hắn độc chiếm cả sự đãi ngộ công lao của anh Tổng với cái mác con thương binh nặng? Quái quỷ! Ông Tình rùng mình và tự dưng trong đầu ông hiện lên bộ mặt căng no mỡ màng với những nốt rỗ mờ mờ đang nhăn nhở của Công "rỗ".
- Đến lúc tôi biết sự thật thì cháu nó đã đi vào trong ấy rồi. Anh Tổng thì đang ốm. Tôi không thể bỏ đấy mà đi được. Lúc nào cũng nghĩ đến con bé. Chắc cháu vào đấy không được đi học. Đời tôi đã khổ, đời mẹ nó cũng khổ, chả nhẽ rồi đời nó cũng khổ nữa hay sao?
Bà Chanh gạt nước mắt. Ông Tình thấy sống mũi mình cay cay. Ông hỏi sang câu chuyện mà người ta vừa đồn đại. Vì ông nghĩ làm gì có chuyện bà Chanh lại lấy tiền của con nhà Công. Số tiền cũng chẳng phải nhỏ. Hơn hai triệu cơ mà. Chả nhẽ thằng cu ấy sang bên nhà bố mẹ nuôi rồi mất tiền bên ấy, nên vợ Công mới đổ cho là bà Chanh đã lấy? Bà Chanh cười buồn:
- Để tôi nói cho cậu mợ nghe. Tôi có nghèo thật nhưng việc gì tôi phải ăn chặn tiền của con nó. Mà thằng con nhà nó có bao giờ sang nhà tôi. Kể cả bố nuôi là bác ruột nó ốm sắp chết, nó cũng chẳng được nhời hỏi thăm. Nhưng thôi, cũng chẳng trách nó. Nó đã vào được đại học rồi. Tôi cũng mừng. Dù sao cũng là chỗ máu mủ ruột rà nhà mình. Nhưng lại càng thương con bé Hoài. Cứ canh cánh trong lòng…
Vừa rồi ông cán bộ thương binh xã hội của xã bảo tôi lên xã kê khai làm chế độ học bổng cho con thương binh theo giấy trên trường đại học gửi về. Mấy hôm sau người ta đưa tiền đến bảo tôi ký nhận. Vừa lấy tiền buổi sáng thì buổi chiều vợ chú Công sang nhà đòi tiền. Tôi cũng chưa hiểu tại sao cô ta lại có quyền đòi tiền ấy. Đồng tiền ấy là xương máu, là sức khoẻ của chồng tôi. Là cả cái sự khốn nạn của đời tôi. Tôi đã định bụng nếu con trai nhà nó về tôi sẽ đưa cho cháu. Không phải để kể công hay ban ơn với con cháu đâu, mà cốt là muốn cho cháu biết, để nó sống cho phải đạo. Tôi nghĩ vậy có sai không?
Tôi nói cái ý định ấy. Cô ta cào ra rằng tôi ăn cướp tiền của con cô ấy, rằng tôi tham lam nên mới hết phúc, nên mới không có con. Đau lắm cậu mợ ạ. Tôi đã làm gì không phải với mọi người? Chẳng qua là cái số tôi nó khổ như thế. Tôi có dám trách cứ gì ai. Nhưng cũng không ai được đem cái nỗi khổ ấy ra để nhục mạ tôi. Vậy là tôi quyết định đi vào miền Nam
- Tôi nhờ đứa cháu bên tôi sang chăm sóc anh nhà tôi - Bà Chanh kể tiếp - Tôi đi miền Nam. Vào đón cháu Hoài…
- Thế nhỡ cháu về, anh ấy lại đánh cháu như hồi nọ thì sao?
- Anh nhà tôi dạo này yếu lắm rồi. Nằm liệt từ cái hôm thím Công sang chửi. Hình như anh tỉnh ra. Có lúc anh nắm tay tôi: "Mình ơi…Khổ đời mình… Hoài… cháu Hoài", rồi khóc. Đâm ra tôi sợ. Tự dưng đổi tính đổi nết như thế…Hay là…Thế là tôi phải đi ngay, nhỡ không kịp. Vào gặp thím Tí, để nói với thím ấy cho cháu về với vợ chồng tôi. Tôi đi mất đến hơn một tuần và đã đón cháu về rồi. Hôm nay tôi sang cậu, à quên, sang thầy hiệu trưởng nói với thầy cho cháu vào học. Liệu khai giảng được gần tháng rồi, cháu nó có vào học được không. Thôi trăm sự nhờ cậu cả.
*
Hôm sau, bà Chanh đưa con bé Hoài đến trường. Con bé người quắt quéo nép vào bà, miệng lí nhí chào thầy Hiệu trưởng. Ánh mắt của nó vương những nét buồn. "Không sao đâu con ạ - Ông Tình thầm nói - Mọi việc sẽ dần qua đi và con sẽ lớn lên cứng cáp như người mẹ của mình, người mà con đang tin tưởng dựa vào". Bà Chanh dẫn con bé theo ông vào lớp. Khi con bé đã ngồi vào chỗ rồi bà còn băn khoăn gọi nó ra dặn dò nào là con phải vui vẻ với bạn bè, nào là phải nghe lời thầy cô giáo. Rồi bà đứng ở cửa lớp, ánh mắt rạng rỡ trìu mến nhìn con bé mãi cho đến khi trống vào giờ học bắt đầu.
Bà chưa về ngay mà còn vào phòng hiệu trưởng gặp ông Tình:
- Tôi vẫn còn một việc muốn nhờ cậu. Cậu đã biết đấy. Tôi đã có một con nuôi. Nay lại làm thủ tục nhận cháu Hoài làm con nuôi, không biết luật pháp người ta có chấp nhận không? Cậu thử nghĩ hộ tôi xem thế nào!
Ông Tình còn chưa biết trả lời ra sao thì bà Chanh lại nói tiếp:
- Cũng chả quan trọng đâu cậu ạ. Nếu được thì tốt. Sau này cháu nó đỡ khổ mà tôi cũng đỡ vất vả. Cháu bây giờ mới lớp sáu. Đến lúc cháu nó vào đại học thì lúc bấy giờ tôi đã già rồi, không biết có nuôi nổi con ăn học không.
Rồi bà lại trả lời luôn:
- Chả sợ. Có cháu về, tôi vui lắm. Khoẻ hẳn ra… Vả lại nếu có sao thì vẫn còn có chú Công đấy. Máu mủ ruột rà nhà mình cơ mà. Chú ấy lại giàu… Thế nào con tôi cũng phải được bằng anh bằng em. Thật đấy...  Nhờ cậu nói với cô giáo quan tâm đến cháu giúp tôi với nhé. Thôi cảm ơn cậu. Tôi về đây. Anh ấy đang ở nhà có một mình.
Rồi bà thoăn thoắt ra về với dáng điệu tự tin. Ông Tình tiễn bà ra ngoài cổng trường. Ông nhìn theo người chị họ của mình cho đến khi bà lẫn vào dòng người đông đúc Đọc thêm!