Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

CHÍNH QUẢ



 Xin kể một câu chuyện vui vui để mọi người cùng chia sẻ:
 
Có một ông sư trên đường tu tập. Phương châm của vị này là sẽ đi các chùa để viếng thăm và học hỏi thêm các kiến thức của các vị sư chủ trì về Đạo Phật  bằng cách đặt ba câu hỏi. Nếu được trả lời thỏa đáng thì sẽ ra đi ngay, nếu câu trả lời không thỏa đáng thì sẽ ở lại chùa ấy đàm đạo để có chân lý.

  Phương pháp hỏi và trả lời trên nguyên tắc vô ngôn. Bởi vì theo lời Phật thì chân kinh nhà Phật là không có chữ (có lẽ vì vậy mà Đường Tăng lấy kinh thì được nhận toàn sách kinh không chữ... ngặt vì Đường Tăng chỉ là anh người trần mắt thịt nên mới tá hỏa đòi kinh có chữ). Hỏi bằng cách ra hiệu và trả lời cũng bằng cách ra hiệu. Tuyệt đối không nói.

 Vị sư này đi suốt ngày mới đến gặp được một ngôi chùa ở trong rừng. Chủ trì trong ngôi chùa này là hai vị sư: một đã già, một trẻ hơn nhưng chột một mắt. Hai người vốn là anh em. Khi vị sư của chúng ta đến chùa, vị sư già xin cáo lỗi bởi trong thân khó ở, vậy nên nhường sư em một mắt đàm đạo. 

Vị sư già vào trai phòng nghỉ ngơi. Chưa đầy dăm phút đã thấy khách đến chào, cáo từ ra đi mặc dù đêm tối và trước mắt là rừng rậm thú dữ. Vị sư già ngạc nhiên khi thấy trước mặt mình là vị sư khách vừa chào vừa lau miệng vì mồm bị tóe máu:

- Bạch thầy! Sao người lại đi ngay? Và vì sao miệng thầy lại tóe máu?  

Sư khách trả lời:

 - Bạch sư phụ. Bần tăng đã được sư huynh một mắt chỉ giáo đầy đủ rồi ạ!

  - ? ? ?

- Bạch sư phụ. Đầu tiên con đưa một ngón tay lên trên đầu. Ý nói trong bảy cõi thì cao nhất là Phật. Sư huynh giơ hai ngón tay ngang mày, con hiểu là không chỉ có Phật mà còn có Pháp. Con bèn giơ ba ngón tay để nói rằng Tam bảo của đạo ta là Phật- Pháp- Tăng. Thấy thế sư huynh một mắt liền nắm tay lại, đấm vào mặt con một chưởng để khẳng định sức mạnh của Phật Pháp Tăng. Phải hội đủ ba thứ ấy mới thành chính quả. Hiểu đạo như vậy là đến gốc. Vậy nên con xin phép ra đi vì đã thỏa nguyện.

 Nói đọạn sư khách chắp tay cúi chào và ra đi. Đợi khách đi xa, Sư già gọi sư một mắt lên hỏi:

 - Sư đệ cho ta biết vừa rồi đối đáp thế nào mà vị khách tâm phục ra đi ngay?

 Vị sư một mắt thưa:

 - Thưa sư huynh. Thoạt đầu thấy nó đưa một ngón tay là đệ đã cáu lắm. Thằng này láo, dám chế giễu đệ là thằng mắt chột. Đệ mới đưa hai ngón tay dọa: Đừng có mà láo, ở đây chúng tao có hai anh em, vật mày phát chết tươi đừng tưởng bở. Nó lại đưa ba ngón tay ý bảo rằng: dẫu hai người nhưng cũng chỉ có ba con mắt thì có gì đáng gọi là khỏe mà còn khoe. Đệ điên lên: Thằng này láo quá rồi. Thế là đệ nắm tay giang thẳng cánh cho một chưởng vào mặt nó đến hộc máu mồm. Vậy là nó sợ quá phải cáo từ để đi ngay...

 - Mô Phật... Bồ tát cứu khổ cứu nạn!



Đọc thêm!

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

NỢ NHÂN GIAN (truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

(Tiếp theo và hết)

Những tưởng lão cứ vênh vang được mãi. Vài năm sau vợ lão chết, nghề giết chó bán ở chợ chả còn ai mua vì bắt đầu có những quán cầy tơ bảy món với đủ mọi chiêu trò câu khách ra đời. Rồi hai “sĩ quan vặt lông chó” của lão sinh ra nghiện ngập cờ bạc ma tuý. Bao nhiêu tích cóp của lão dần dần biến mất vào những cuộc đỏ đen và những cơn phê phê của hai quý tử. Khi tiền cạn thì hai thằng con cũng lần lượt từ giã lão để đi về thế giới bên kia do chích thuốc quá liều. Trước khi ra đi chúng đã kịp để lại cho ông bố già một đống nợ. Mà chủ nợ toàn bọn mổ mèo lấy cá... chúng thuê đầu gấu đến nhà giơ dao siết nợ. Lão phải bán nhà để trả nợ cho con.
          Lão Viên không còn nhà, vật vạ tại lều chợ... tối tối đánh bạn với đám ăn mày. Mọi người bảo: ở với bọn ăn mày thì có khi đi ăn mày...
          Và lão đi ăn mày thật. Đầu tiên mọi người can ngăn... Lão lý sự rằng thân tôi, tôi phải lo. Mọi người chả có thể lo cho tôi được mãi, ăn mày thì nào có hại gì đến ai. Mọi người đành chịu lão bởi vì vào những năm chín mươi tự lo cho mình cho gia đình còn khó, sao có thể lo được cho người khác.
          Lão chuyển từ lều chợ vào ở cái nhà kho cũ vốn để không của Hợp tác xã từ ngày khoán ruộng. Gian ngoài cùng chứa đòn đám ma, gian giữa thì để mấy cái máy bơm hỏng. Lão tá túc ở gian tây cùng ngay sát đường xóm. Cán bộ hợp tác xã thấy tự nhiên có được người coi kho không công thì để yên cho lão ở. Mọi người thấy hoàn cảnh lão vậy cũng chả ai nỡ bì bục gì.
          Tôi ra quân và đi học nghề gõ đầu trẻ vào cái thời mà lão Viên bắt đầu sa sút. Tôi ra trường được vài năm thì được đưa ma hai thằng con lão và được chứng kiến sự nghiệp ăn mày của lão bắt đầu.
          Ngày nào cũng như ngày nào, lão Viên ra đi từ mờ sáng. Đến tối nhọ mặt người mới thấy lão thất thểu vẹo vọ về tới nơi tá túc. Bộ dạng lúc đi như thế nào chả mấy người làng được biết nhưng lúc về thì trên người lủng lẳng những dúm ni lông được buộc vào một sợi dây thừng đeo vắt vẻo trên cổ, trên vai. Mọi người gọi lão là “lão Chín Dúm”. Có lẽ áng chừng số lượng các dúm như vậy, chứ có khi còn nhiều hơn…
          Buổi tối tôi hay thể dục bằng cách đi bộ. Nhiều hôm đi ngang qua thấy lão “Chín Dúm” về. Lão thong thả gỡ cái dây treo toòng teng các loại dúm ni lông trên cổ xuống. Tôi vốn tò mò nên ghé vào xem. Lão cũng tự nhiên chả cần phải giấu, cứ mở từng dúm từng dúm... Đầu tiên là dúm gạo rồi một dúm có một ít cơm đã bốc mùi chua, dúm rau úa vàng như dưa muối, dúm vài cái đầu cá kho, dúm vài miếng thịt lợn, mấy miếng xương có lẫn những sợi miến nhão nhoẹt mà có lẽ lão vào ăn xin ở một đám cưới hay đám ma... Lão trút dúm gạo vào cái xô nhựa mẻ, các thứ khác lão cho vào những cái bát sứt sau khi đưa lên mũi hít hít để đánh giá chất lượng, có khi cơm rau dính cả vào bộ râu rậm. Cuối cùng là một dúm nhỏ chỉ nhỉnh hơn cái chén hạt mít. Lão nâng niu ngắm nghía cái dúm rồi đặt xuống đất, lần tìm trong túi lôi ra một cái kính không gọng... lão thong thả treo cái kính lên mặt bằng hai sợi dây chun. Tôi hồi hộp: vàng... chả nhẽ lão lại ăn xin được cả vàng. Sự trịnh trọng thái quá của lão càng làm tôi tò mò... nhưng lão chả để ý gì đến việc có người đang chứng kiến. Tay run run lão mở cái túi. Tôi căng mắt nhìn và không thể tin được: đó chỉ là những viên đá mạt... Những viên đá dính đất nham nhở và chỉ to bằng hạt ngô... lão đổ mớ đá ra nền nhà, chìa ngón tay trỏ cáu bẩn gạt từng viên, từng viên... đếm cẩn thận như đếm kim cương: “Một.. hai..... hai bốn... hai nhăm.... hà hà... ba mốt. Ba mốt...” Mặt lão dúm lại: “Hơi ít... ba mốt... ít hơn hôm qua”. Lão đần mặt ngẫm nghĩ một tý rồi  bốc tất cả những viên đá cho vào một đống đá mạt cũng đến gần nửa xô ở trong góc nhà. Có lẽ đấy là đống đá gom lại từ những ngày trước đó. Lão nhìn đống đá, mặt bần thần, chòm râu rung rung, cổ họng hừm hừm vài cái rồi thở dài đánh thượt. Rồi lão cúi mặt như mặc niệm...
          Quan sát mấy lần đều như vậy. Chả hiểu lão quỷ già này làm cái trò gì mà quái gở thế không biết?
          Tuyệt nhiên không thấy có tiền. Có lẽ lão giấu trong áo quần. Mà để ý làm gì. Kệ lão!  
    
          Kệ lão nhưng đâm ra thắc mắc về những dúm đá trong đám chín mười cái dúm mà hàng ngày lão tha về. Băn khoăn thì phải hỏi, bởi tính tôi không hỏi thì vẫn còn băn khoăn. Một lần tôi đi qua thấy lão đã tắm rửa quần áo sạch sẽ ngồi ở hiên, tôi ghé vào ngồi rồi đánh bạo hỏi “Bác đi như vậy liệu có kiếm được khơ khớ không”. Hỏi mà không chắc được trả lời. Trái lại, lão trả lời luôn bằng giọng thân thiện: “Cũng nhì nhằng đủ ăn mày ạ!”
          -Đi ăn mày cũng hay đấy chứ! Vậy sao ngày nào cũng thấy bác có dúm đá mạt mang về? Để làm gì vậy?
          Lão đắn đo một tý rồi nói bằng giọng khàn khàn chán nản:
          - Ôi giời. Hay ho gì kiếp ăn mày... Dưng mà có nhẽ đời bắt tao giả nợ hay sao ý mày ạ. Cũng phải thôi, có nhẽ tao sát sinh nhiều quá... giết người, giết chó... giết nhiều chó quá nên nó oán.
          Tôi lạnh người... Giết chó thì ai cũng biết. Nhưng giết người? Lão đã giết người mà không bị tù tội gì... Chưa thấy ai nói lão đã từng giết người. Thế là thế nào? Chắc là lão thuận mồm hay lú lẫn mà nói vậy thôi.
          Ngửng một lúc, lão thở dài:
          - Mày hỏi tao mang đá về làm gì ư, ôi dào sướng gì cái kiếp ăn mày. Nhục lắm! Người tốt bụng trông thấy mình thì thương hại, được nhời tử tế... mình cũng mát ruột. Nhiều người đã chẳng cho lại còn chửi bới... Đau. Trước thì cũng có bát ăn bát để... giờ thì đi ăn mày... Tao ngẫm ra mình đang phải giả nợ... Mỗi lần người ta chửi mình, mỗi lần người ta không cho... là một lần mình giả nợ đấy mày ạ. Có nhẽ đến lúc chết... Đến chết mà cũng không biết cái nợ của mình nhớn chừng nào. Vậy tao mới nghĩ ra cách cứ mỗi lần xin mà người ta chửi, người ta không bố thí... thì tao lại nhặt một viên đá mạt cho vào túi. Đá mạt thì ở chỗ nào chả có. Cuối ngày đếm lại, nếu được nhiều đá là hôm ý mình giả nợ được nhiều. Đấy tao nghĩ thế đấy.
          Tôi giật mình vì cái cách nghĩ của lão “Chín Dúm”. Thì ra ở đời khôn nhiều thì dại lắm. Mỗi lần mình bị chửi là một lần giả nợ. Kể cũng hay. Giá mà ai cũng vậy thì tốt biết mấy, mọi người sẽ sẵn sàng tha thứ cho nhau. Nhưng trong cõi người này chả có ai thích bị chửi, người ta chi thích được khen. Mà cái sự khen đúng thì đã đành, còn cái sự khen nịnh thì sao. Vậy thì mỗi lần nhận một lời khen lại là một lần nợ? Nhiêu khê thế cơ à.
          Từ lần nói chuyện ấy thấy ông Chín Dúm có cách nghĩ hay hay nên tôi thích. Ông cũng biết tôi thỉnh thoàng có viết lách đôi chút thì nể ra mặt. Các buổi tối đi bộ về nếu thấy ông đang ngồi ở hiên nhà kho thì tôi lại ghé vào nói chuyện. Có người bảo rằng ai lại thầy giáo lại giao du với ăn mày, rồi giao du với ăn mày thì lại đi ăn mày à. Có người thì lại cho rằng tôi tọc mạch vậy để lấy tư liệu viết văn. Còn tôi thì chả quan tâm, người ta nghĩ gì cũng chả sao.
          Một hôm ông đột ngột hỏi:
          - Mày có hay để ý nghe kèn đám ma vào buổi sáng không?
          Tôi trả lời là không. Để ý làm gì cho mệt. Với lại tôi thường ngủ dậy muộn...
          Ông Chín Dúm bảo:
          - Tao già rồi, ngủ không được mấy. Cứ ba giờ sáng đã thức nằm trằn trọc đợi sáng. Mà cái giấc ấy đất giời tĩnh lắm. Chả mấy ngày mà không có tiếng kèn đám ma ở các phía đông tây nam bắc rót về. Nghe rõ mồn một. Đầu tiên nghe kèn mà tưởng tượng mình đang nằm trong quan tài rồi bị chôn xuống đất nhá, rồi tan rữa nhá... Có lúc tao giơ tay lên nghĩ bây giờ đang sống giãy ngoay ngoảy mà chẳng bao lâu thì những đốt xương ngón tay này sẽ rụng, cái đầu cũng rụng, cái cổ cũng rụng, nói chung rụng hết chả cái nào dính với cái nào... thành một mớ lủng củng. Cũng khiếp lắm mày ạ! Và tiếc lắm mày ạ! Dù rằng sống cũng chỉ là thằng ăn mày ăn xin...
          Tôi rùng mình!
          Ông nói tiếp:
          - Ấy vậy mà nghe nhiều lại thấy quen, rồi thấy hay. Tự dưng thấy thích. Bởi vì ai mà chẳng chết, có ai thoát được đâu nào. Vậy nên tao chẳng sợ nữa mày ạ! Rồi tao lại thích chết mày ạ. Chết để xem cảm giác nó ra làm sao.
          Tôi bảo ông sẽ còn sống còn lâu. Có phải thích chết mà chết ngay được đâu. Ông gật đầu ngẫm ngợi một tý rồi bảo: “Có nhẽ vậy thật! Tao chưa thể chết được bởi vì còn phải giả nợ. Mới được lưng xô đá... bao giờ mới được hai xô. À mà này: sau này nếu tao chết thì lấy đá ấy mua thêm mấy cân xi măng làm cho tao cái bia nhá. Một cái bia vừa vừa chỉ cần hai xô đá chứ mấy. Chắc là sẽ đủ vì dạo này được nhiều hơn, có ngày được đến dăm chục viên ấy mày ạ. Chữ thầy giáo chắc phải đẹp. Nhớ nhá!”
          Ô hay, đến người ăn mày mà cũng cần một tấm bia trên ngôi mộ của mình. Và tấm bia ấy lại được làm bằng những viên đá mạt ghi dấu những lần bị người đời hắt hủi... tấm bia càng to càng nhẹ lòng vì nghĩ rằng mình đã trả được nhiều nợ cho đời. Thì ra người ta ai cũng cần một dấu ấn tồn tại sau khi giã từ trần thế, dù chỉ để đánh dấu một nấm đất lạnh lùng chẳng chút khói hương.
          Tôi vẫn thắc mắc chuyện ông “Chín Dúm” bảo là đã giết người. Hỏi mấy lần về việc ấy thì chỉ thấy ậm ừ không nói. Gặng mãi mới buột ra đúng một câu: “Ôi dà... cái thời Cải cách... lôi thôi lắm”. Có thể ông ta là người của “Đội”? Nhưng nếu vậy thì phải là cán bộ chứ đâu lại dẫn vợ con tay không chạy xuống tận xứ bùn bãi này làm gì. Hay lão là “cốt cán” đấu tố để người ta chết oan. “Nhời nói, đọi máu”... Có khi vậy thật! Bởi vì những “cốt cán” kiểu ấy sau đó thường bị người làng khinh ghét đến nỗi phải bỏ xứ mà đi.
          Mà thôi... cũng chẳng nghĩ làm gì cho mệt. Bởi người ta chả có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vả lại tự người ta đang dằn vặt sám hối!
          Cách đây đến gần tháng, tôi đang ngủ thì bị dựng dậy vì tiếng huyên náo phía nhà kho. Cả làng nháo nhác người nọ hỏi người kia: có trộm à, cháy nhà à... Chả ai biết để trả lời... Vậy là huỳnh huych chạy như đuổi nhau đến hiện trường. Tôi cũng mắt nhắm mắt mở chạy theo. Đến nơi thấy lão Chín Dúm đang ngồi phệt giữa đường một tay bốc đất bỏ lên đầu, tay kia chỉ hướng nam, mắt thất thần, miệng gào thất thanh: “Im đi! Bảo nó im đi! Lạy các ông các bà... bảo nó im đi”. Mọi người ngơ ngác. Ai im? Ai làm sao mà phải im? Rồi tất cả im lặng ngóng về phía tay chỉ của lão và lắng nghe.
          Ở phía ấy có tiếng kèn đám ma!         

          Tôi xin phép Ban Giám hiệu nhà trường đổi tiết dạy học và phóng xe về. Đến gần nhà kho đã thấy người làng đi lại tấp nập. Có dễ gần đủ cả làng. Rẽ đám đông đang đứng vây kín trong nhà ngoài sân, tôi vào ngay chỗ ông Viên. Ông lão nằm dán mình trên giường gỗ ọp ẹp, cái thân hình cao lớn mọi ngày giờ xẹp xuống như cá khô. Mắt ông lão nhắm nghiền, khuôn mặt trắng bệch hốc hác, miệng ngáp ngáp sau hàng râu rậm rung rung. Hai tay ông ôm khư khư vạt áo sờn bên trái đã gợn thành vệt nâu bóng mồ hôi.  Anh Tý hét to bảo: “Đây rồi! Đây rồi, giáo Nghĩa về đây rồi!” Chợt đôi mắt của ông lão động đậy, mi mắt nhướng lên như cố mở ra nhưng không được. Miệng ông mấp máy, tay phải khều khoào vươn lên như vẫy vẫy, tay kia vẫn nắm khư khư cái vạt áo cáu bẩn.
          Chắc có lẽ ông lão định nói điều gì với mình. Tôi lại gần, có cảm giác mùi lạnh lạnh của người chết. Rồi thấy miệng ông lão mở ra to hơn và từ đấy có tiếng khào khào trong tiếng thở đùng đục:
          - Cố giúp tôi... không chôn nhá... phí đ...ất... Vướng mắt... mắt mọi người. Cho hê..ết... xu..ống.. sông... nhá.
          Ông lão dừng lại, mồm vẫn há, tiếng thở hực hực... tay phải vẫn giơ lên. Có lẽ ông cố lấy hơi để còn nói tiếp... Tôi cố chờ để nghe. Mọi người cũng im bặt. Không gian như lặng đi. Chả nhẽ ông già bảo bỏ ông xuống sông? Ôi chao ông lão này đến chết vẫn còn gây cho người ta những bất ngờ...
          - Cố dành... được tí để... đốt... Đốt nhá.. cả gio cả... đá... xuống s..ông   nh...á... cho mát...
          Đến đây thì tay phải ông lão hướng sang phía trái trong khi cái vạt áo bên ấy đang được bàn tay còn lại vén lên để hở khoảng bụng nhăn nheo... Khi tôi cầm lấy vạt áo định kéo xuống thì bàn tay ấy dúi dúi vào tay tôi như ra hiệu điều gì. Chắc có cái gì đang để trong vạt áo? Lục túi áo không có, tôi lần xuống gấu áo. Cánh tay ấy thả xuống ngay khi tôi lần gấu áo. Chợt thấy cồm cộm, tôi lấy ra: đó là một khoen vàng nhỏ, khoảng một chỉ...
 Chợt nghe tiếng anh Tý: “Ông cụ “đi” rồi!”   
          Tôi vuốt mắt cho ông lão. Thực ra làm lấy lệ bởi vì mắt ông lão đã nhắm, nhưng vẫn phải làm đề phòng sau khi chết một lúc có hiện tượng co cơ mắt lại mở ra. Tôi gặp những sợi lông mi rợn rợn trong lòng bàn tay. Đưa tay lên, tôi chợt thấy tay mình ươn ướt nước mắt nóng ấm.
         
                                                                                                                                               
                                                         Tuyên Quang- Hải Hậu Nam Định tháng 5 năm 2014

                                                                                             MAI TIẾN NGHỊ
Đọc thêm!

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

NỢ NHÂN GIAN (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

Báo Văn nghệ số 23 (07-6-2014) vừa đăng cái truyện ngắn của mình. Tên của truyện do mình đặt là "Trả nợ" nhưng được biên tập đổi là "NỢ NHÂN GIAN". Một cái tên rất hay rất đúng với truyện. Cảm ơn báo Văn nghệ.
Mình xin gửi tới phần đầu... phần sau sẽ đăng tiếp,  kẻo dài quá mất thời gian bạn đọc.

Tôi đang ở trường chợt nghe vợ gọi:
          - Anh về ngay! Ông Viên sắp chết…
          - Viên nào?
          - Ông Viên “Chín Dúm” chứ ông Viên nào nữa mà phải hỏi.
          Nghe vợ nhấm nhẳng mà phát bực. Thôi chả thèm hỏi nữa. Tính vợ tôi vẫn thế… nhấm nha nhấm nhẳng chả ra làm sao. Nhưng mà lão “Chín Dúm” ăn mày chết thì có ảnh hưởng gì đến mình? Nhà lão ở tận cuối xóm, thỉnh thoảng cũng gặp, cũng trò chuyện. Chẳng ra người xa lạ nhưng không thể thân. Không thể thân bởi lão nhiều hơn mình đến vài chục tuổi, càng không thể thân vì lão là ăn mày dù rằng ngày xưa lão cũng tương đối khá giả. Ngẫm sự đời thấy vỡ ra muôn nỗi buồn cười: ngày xưa không thể thân vì lão giàu, người giàu lúc ấy bao giờ cũng bị gắn cho cái mác bóc lột hoặc bất minh... mà dù có minh bạch nhưng anh giàu thì cũng đáng khinh... tại sao chúng tôi nghèo rớt mà anh lại giàu sụ? Sau này lão nghèo... thì thời đại đổi thay, mọi người vẫn khinh... vì lão… nghèo. Tôi cũng trong số người ấy. Khinh cho đến khi lão phải đi ăn mày, lúc ấy mới thương hại. Thì ra con người ta ai cũng luôn lấy cái thế bề trên để ghét, để khinh, để thương hại. Trò chuyện mấy lần với lão, thấy cũng hay hay… Lão thấy tôi để ý lắng nghe những câu chuyện của lão nên có vẻ cũng thích tôi. Chắc đó là lẽ tự nhiên bởi mình nói mà có người nghe thì thích, người nghe mà lại đưa đà bình luận một tý thì khoái, thì ra đấy là người tri âm tri kỷ. Nhẽ đời vẫn thế... Nhưng lão chết thì cứ việc chết... có ai sống mãi được đâu. Nhẩm ra lão cũng trên tám mươi tuổi rồi, cũng là thọ rồi. Ăn mày mà sống hơn tám mươi cũng là hơi quá... bền làm chi cái kiếp ăn mày! Cái lạ là sao mình phải về ngay...
          Vậy nên phải cố nhịn mà hỏi tiếp:
          - Nhưng... sao tớ phải về ngay?
          - Anh Tý bảo phải về ngay... anh ấy bảo về ngay để gặp ông “Chín dúm” thì ông ấy mới “đi” được.
          Lại còn thế nữa! Không gặp mình thì không thể chết được. Hay là qua những câu chuyện với mình, lão “Chín Dúm” thấy có điều gì bí ẩn cần phải giải toả, hay là cần nhờ vả điều gì, hay là lão muốn mình xem giờ để lão “đi” cho khỏi “trùng tang”. Mà tứ cố vô thân như lão thì “trùng” có ai để mà bắt, thông thường “trùng” chỉ bắt người nội tộc chứ bắt chi người ngoài.

          Thực ra lão “Chín Dúm” là người ở đâu nhập cư về làng tôi cũng chả ai biết và lão cũng chẳng hề nói. Có chăng mấy ông cán bộ xã ngày xưa biết nhưng các ông ấy lại chết cả rồi. Hồi sau Cải cách, khoảng năm năm bảy năm tám thế kỷ trước thấy lão dắt díu vợ và hai thằng con thò lò mũi chắc kém tôi vài ba tuổi về làng, dựng một cái lều ở góc chợ. Lão ngày ngày đi khắp các làng mua chó về làm thịt cho vợ bán ngay tại chợ.
          Lão Viên có khổ người cao lớn, bộ mặt dữ tợn, râu ria rậm rạp như tướng cướp trong phim Liên xô, lúc nào cũng thấy lão sùm sụp trên đầu cái mũ vải rộng vành màu chó gio của lính “Bảo Hoàng” thời Pháp thuộc che hết vầng trán. Đã thế lão lại đeo cái kính râm hai mắt có ốp vải bạt to bằng cái muôi múc canh sát thái dương, hình như là kính bảo hiểm của thợ hàn. Sau bộ râu là tiếng “hừm hừm” làm trẻ con phát khiếp. Ngày ngày lão chống ba toong có cuốn một sợi dây thừng đi khắp làng trên xóm dưới… lão đi đến đâu lũ chó thất thần vừa sủa oăng oẳng vừa cúp đuôi chạy bán sới. Người ta lấy lão để doạ trẻ con: “Im ngay không thì ông Viên đến bắt bây giờ!”. Thế là đứa trẻ nào gan lì nhất trong làng cũng phải nín bặt. Lão Viên rậm râu thực sự là hung thần và là nỗi ám ảnh của bọn trẻ con.
          Cái việc làm thịt chó của lão cũng khác người. Lão treo ngược con chó vào cột nhà, xẻo một miếng da ở cổ con vật đáng thương, sau đó dùng cái đũa vót nhọn khều khều trong đám gân thịt bầy nhầy để tìm động mạch… Cũng chỉ một nhoáng là lão lôi ra một sợi tròn tròn, to gần bằng chiếc đũa đang giật giật… lưỡi dao xén ngọt… máu phọt ra, lão lạnh lùng đưa cái sanh đồng hứng trọn. Dòng máu phụt ra quá mạnh gặp đáy sanh bắn ngược vào mặt kẻ sát sinh, tung toé trên nền đất... Máu chó đọng thành giọt trên râu trên má lão. Chắc là thấy vương vướng nên lão cúi xuống dụi dụi vào vai. Lúc lão ngẩng lên thì vẻ dữ tợn càng dữ tợn vì cả khuôn mặt và cả bộ râu rậm đã được nhuộm đỏ nhoe nhoét … Khi cái sanh đồng tiết đã lưng lưng là lúc con vật khốn khổ giãy giãy vài cái, rướn xương sống lần cuối cùng rồi dãn ra bất động. Nó đã chết! Nhúng cái hình hài vô hồn vào nước sôi, lão vặt lông và dùng kẹo đắng bôi đều trên da đến đỏ lịm rồi thui sơ sơ bằng rơm. Đem ra ao lấy búi kỳ cọ… lúc này kẹo đắng ngấm vào da chó trông vàng ươm như thể được thui rất kỹ. Mổ chó xong, lão dùng chày đập đến dập hết mọi thớ thịt rồi mới đem luộc. Luộc xong lão lại ngâm xuống ao khoảng vài giờ cho thớ thịt ngấm nước đến trương no... Sau cùng lão nhúng cả con chó đã no nước vào nồi nước sôi ùng ục rồi vớt ra treo lên. Bên ngoài trông con chó vừa béo vừa săn nhưng thái ra thì thịt nhũn nhèo nhèo, nhạt thênh thếch.
          Với cung cách như vậy cùng với bà vợ trắng trẻo phốp pháp khéo mồm chèo kéo chào mời nên tiền lãi của lão gấp hai, ba lần những tay đồng nghiệp khác. Dần dần phát đạt, lão lấn ruộng xây nhà làm nên cơ ngơi đàng hoàng nhất xóm. Lão phát đạt, lão giàu nên nhiều người ghét, họ gán cho lão cái tên “Viên chó”
            
          Năm bảy sáu tôi được giải ngũ sau mấy năm khốn khổ đánh nhau. Xuống xe ở thành Nam đợi xe nửa ngày trời ở  bến mà không đi được. May sao gặp ông chú đi xe đạp ngang qua. Chú cháu nhận ra nhau mừng đến rơi nước mắt. Ông chú bảo đến tối cũng không có ô tô đâu, thôi ngồi lên xe tao đèo về. Quãng đường hơn bốn chục cây số nên chú cháu thay nhau đạp xe  từng chặng. Chặng cuối ông chú bảo “thử xem mày còn nhớ lối về nhà không nào” và ông ngồi sau để tôi cầm lái. Rướn mình trên cái xe đạp cà tàng tôi hồi hộp theo từng vòng bánh xe khi về gần đến quê nhà. Làng quê cũng chẳng khác mấy, có khi còn tiều tuỵ hơn ngày mới ra đi. Phố chợ xiêu vẹo mái rạ trống hơ trống hoác càng làm nổi bật căn nhà ngói của lão Viên sừng sững ở góc chợ.
          Mải nhìn, tôi và cả cái xe đạp cùng ông chú đổ vật xuống đường. Lồm cồm bò dậy thì ngay trước mũi xe là một lão già đang nằm nhăn nhó quằn quại. Nhìn mặt thấy râu ria rậm rạp quen quen nhưng đôi con mắt thì lạ hoắc, nó nhỏ nhưng sắc lẹm đang hấp háy… có cảm giác như thể một con dao lá lúa sắc nhọn được người ta dứ dứ liếc qua liếc lại. Tiếng la oai oải từ sau cái rậm rạp của bộ râu:
          - Ối giời ôi! Chết… tôi… rồi. Ơi “các sĩ quan vặt lông chó” của bố ơ…i. Bố chết đây này. Họ đâm xe chết bố rồi. Gẫy rời cả chân cả tay rồi…
          Ông chú tôi cũng đã đứng dậy được, khập khiễng đến bên lão già vừa kéo tay lão vừa cười bảo:
          - Nào ông Viên, đứng dậy nào… xem có việc gì không! Gớm xe đạp xô vào mà như sắp chết đến nơi. Chỉ khéo ăn vạ!
          À thì ra đây là lão Viên. Vậy mà mình không nhận ra... vì bây giờ mới được thấy đôi mắt của lão. Đôi mắt mà trước đây luôn giấu sau cái kính râm có chụp vải bao quanh như kính thợ hàn. Lão gượng ngồi dậy, mặt nhăn nhó ra vẻ đau đớn... mồm xuýt xoa “Ối giời... Ối giời... đau... quá”, một tay trái nắm lấy tay ông chú tôi, còn tay phải thì quờ quạng tìm cái kính. Thực ra cái kính râm đang trong tầm tay lão vì hình như nó được quăng ra với chủ ý ăn vạ. Lão đeo kính vào, ngước nhìn người đang kéo tay... rồi đột nhiên lão đứng thẳng dậy như chẳng có chuyện gì xảy ra, mồm liến thoắng:
          - Hế hế...Tưởng ai! Hoá ra ông Chắt hử... Ông đi đâu về... ừ nhỉ về nghỉ cuối tuần hử... còn ai đây?
          Ông chú tôi giới thiệu, thế là lão vồ lấy tay tôi lắc lấy lắc để:
          - Ối giời ơi... thằng Nghĩa con nhà ông Đức hử. Quý hoá quá. Sống mà về là quý hoá quá... Có mang được cái khung xe đạp nào về không? Không hử. Thôi cũng được... còn sống là tốt rồi. Mà  bây giờ nhiều anh khôn lắm, trong ba lô có hàng cân vàng... cần gì cứ phải khung xe đạp... Thôi về nhà ngay, về ngay cho bố mẹ mày mừng. Tối tao sang chơi. Gớm cứ tưởng ai...
          Tôi đi bộ đội đánh nhau trong Nam mấy năm trời nên chả biết gì về lão Viên. Thỉnh thoảng cũng gặp đồng hương. Thôi thì đủ thứ chuyện... nhưng tuyệt nhiên không một ai nhắc nhỏm gì đến lão. Lão thừa ra trong sự quan tâm của người làng... Sau hỏi ông chú thì biết cái sự thừa ra ấy bởi lão giầu mà hai thằng con lại không phải đi bộ đội với lý do thiểu năng trí tuệ. Thì đấy hai thằng con lão có biết chữ nào đâu! Vì chúng nó chẳng bao giờ đến trường, cộng với chút quà cáp cho cánh cán bộ xã là có ngay cái cớ để nói rằng hai thằng bị thiểu năng trí tuệ. Tôi biết điều này vì lúc mười một mười hai tuổi thỉnh thoảng vẫn gặp chúng nó. Mặc dù hơn chúng vài tuổi nhưng vẫn bị chúng bắt nạt, hai đứa cậy số đông “hai đánh một chẳng chột cũng què”. Có lần tôi hỏi sao chúng mày không đi học thì hai thằng đều nói bố tao bảo học làm đếch gì, nhớn lên ở nhà giết chó. Giết chó thì không cần phải học. Đang đánh nhau rầm rầm, biết chữ lại phải đi bộ đội.

           Sao có loại người khôn róc đến thế? Khôn đến mức tự gánh chịu thiệt thòi để giữ yên mạng sống. Cũng phải... cái gì cũng đều có giá của nó. Lão không hề giấu giếm và thậm chí còn vênh vang tự hào vì cái việc ấy. Lão trêu ngươi thiên hạ bằng cách âu yếm gọi hai thằng quý tử là “sĩ quan vặt lông chó của bố”. Hai thằng này không đi bộ đội nhưng thích mặc quần áo bộ đội. Lúc nào cũng thấy đóng bộ quần ga-ba-đin Tô Châu thùng thình, áo bay, mũ cối… như thể sĩ quan, miệng phì phèo thuốc lá, chả làm gì suốt ngày nhông nhông ngoài đường, đêm vào làng tán gái và đánh nhau với bọn choai choai.

(Còn nữa)
Đọc thêm!